Hướng Dẫn Sáng Tác Truyện Tại Vietnovel Origin
1. Khởi nguồn ý tưởng:
Đừng chờ các ý tưởng tự đến. Viết lách cũng như quá trình tiêu hóa, bạn sẽ không thể hấp thu chất dinh dưỡng nếu thiếu nguyên liệu nạp vào. Hãy chủ động đi tìm ý tưởng.
Ý tưởng không nhất thiết phải đến từ một bộ truyện. Nó có thể đến từ một MV, một bộ phim hoặc thậm chí là một chuyến du lịch. Thế nên hãy ghi lại các ý tưởng bất chợt vào điện thoại hoặc sổ tay. Những ghi chép đó sau này có thể sẽ trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện của bạn.
Nghĩ về sự kiện nào đó từ thời thơ bé hoặc trong quá khứ mà bạn vẫn còn nhớ, hoặc nghĩ về tất cả các câu chuyện mà bạn đã nghe, hoặc một sự kiện trong bản tin mà bạn cảm thấy hấp dẫn, thậm chí một truyện ma mà bạn nghe kể từ lâu vẫn ám ảnh bạn đến tận bây giờ…
Có người khuyên nên viết về điều mà bạn biết, có người lại cho rằng nên viết về những điều không ai nghĩ đến. Hãy tự lựa chọn điều bạn đang muốn viết nhất lúc này.
2. Xác định thể loại truyện:
Trước tiên bạn cần phải xác định câu chuyện của bạn thuộc thể loại nào: ngôn tình, trinh thám, hiện đại, cổ đại, tu tiên, hệ thống, võng du, ma pháp, mau xuyên, lịch sử, kiếm hiệp, xuyên không, trọng sinh…
Đừng quên một bộ truyện có thể kết hợp nhiều thể loại với nhau, VD: truyện ngôn tình hệ thống mau xuyên, truyện đô thị trọng sinh ma pháp,…
3. Xác định kết thúc truyện:
- Hãy xác định mình sẽ viết truyện kết thúc có hậu, kết thúc buồn, hay kết thúc mở.
4. Xác định giọng văn của bản thân:
- Có người viết truyện bằng giọng văn mượt mà bay bổng, có người dùng giọng văn hài hước, bình dân, cũng có người dùng giọng văn trầm tĩnh u ám. Dựa vào thể loại truyện, màu sắc truyện và phong cách viết của chính bản thân mình, bạn hãy xác định giọng văn cho phù hợp và nhất quán nhé.
5. Xác định ngôi thứ kể chuyện:
Một câu chuyện có thể được kể trên ba góc nhìn chính: ngôi thứ nhất (“tôi”), ngôi thứ hai (“bạn”), và ngôi thứ ba (“anh/hắn” hoặc “cô’’). Khi truyện được kể ở ngôi thứ nhất, một nhân vật trong truyện đóng vai trò là người kể chuyện. Với truyện viết dưới góc nhìn ở ngôi thứ hai, người đọc trở thành một nhân vật trong truyện. Truyện kể ở ngôi thứ ba sẽ được kể bởi một nhân vật ngoài cuộc.
Truyện kể ở ngôi thứ hai rất hiếm, hầu hết mọi người đều sử dụng ngôi thứ nhất hoặc thứ ba. Nếu bạn đang bắt đầu tập viết truyện thì đừng thử ngôi thứ hai nhé.
6. Xây dựng bối cảnh truyện:
Xác định bối cảnh truyện xảy ra ở đâu, khi nào, xã hội đó có nguyên tắc ra sao…
Xác định số lượng bối cảnh thế giới (nếu viết truyện mau xuyên hoặc tu chân). Để đạt được hiệu quả mong muốn, thông thường bạn không nên triển khai nhiều hơn 2–3 bối cảnh thế giới. Nếu muốn kể một câu chuyện có phạm vi rộng hơn, bạn phải xác định tiểu thuyết của bạn sẽ dài hơn 100.000 chữ.
Bối cảnh truyện nên được lồng ghép trong những hành động mà nhân vật đang thực hiện để tránh gây nhàm chán khi đặc tả bối cảnh quá nhiều.
Hãy diễn đạt để người đọc có thể hình dung ra được bối cảnh thay vì giải thích. VD: Thay vì giải thích “Sa mạc nóng bỏng”, hãy cho thấy vùng sa mạc đó nóng như thế nào bằng cách mô tả mặt trời thiêu đốt trên da của nhân vật, những làn hơi nóng bốc lên từ cát bỏng, không khí đặc quánh và ngột ngạt…
Đừng quên tính đến cả bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa nếu bạn đang viết truyện lịch sử. Bạn phải diễn đạt câu chuyện theo cách nhìn và cách hành xử của con người tại thời điểm lịch sử đó.
Nếu bạn viết truyện từ góc nhìn của ngôi thứ nhất, hãy miêu tả bối cảnh tác động đến từng giác quan như thế nào.
Đừng chọn một bối cảnh cho truyện chỉ vì bạn cảm thấy nó có vẻ hay. VD: Có thể câu chuyện của bạn sẽ thích hợp với khung cảnh một trạch viện hơn là một hoàng cung.
Và bạn đừng quên, nhân vật vẫn quan trọng hơn bối cảnh. Mặc dù bối cảnh tạo thêm bầu không khí hấp dẫn cho truyện nhưng người đọc vẫn thích xem hành động của nhân vật và tiến triển của cốt truyện hơn. Bối cảnh phải có tác dụng làm nổi bật nhân vật và cốt truyện.
7. Xây dựng nhân vật:
Tiểu thuyết của bạn không nhất thiết chỉ có 1 nhân vật chính, bạn có thể tạo ra nhiều nhân vật và tác động lẫn nhau một cách hài hòa, thậm chí bạn có thể kể câu chuyện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên một bộ truyện không nên có nhiều hơn 2 nhân vật chính trừ phi bạn là một tác giả viết chắc tay và nhiều kinh nghiệm.
Hãy xây dựng tính cách nhân vật chính một cách tỉ mỉ, cặn kẽ và nhất quán, xem nhân vật chính của mình như một con người thật sự và suy đoán phản ứng, hành động của họ trong từng hoàn cảnh sao cho thật tự nhiên và hợp lý; hoặc nếu nhân vật chính có thay đổi tính cách thì bạn cần tạo ra những nguyên nhân phù hợp.
Nhân vật chính không bắt buộc phải đáng yêu hay lương thiện, nhưng nhất định phải đặc sắc và có sức thu hút.
Thế giới của bạn cần có nhiều nhân vật phụ. Hãy tưởng tượng ra những nhân vật sẽ tương tác với nhân vật chính, đóng vai trò như người yêu, bạn bè, kẻ thù, người thân,… để làm nền cho nhân vật chính. Các nhân vật phụ có tính cách thú vị và độc đáo sẽ khiến câu chuyện lôi cuốn hơn rất nhiều.
Bạn không cần phải biết chính xác tất cả những nhân vật sẽ hiện diện trong tiểu thuyết của mình trước khi đặt bút viết. Trong quá trình viết truyện, biết đâu bạn lại nhận ra rằng nhân vật chính thực sự hóa ra lại là một trong những nhân vật phụ mà bạn đã tạo ra, hoặc có thể các nhân vật chính khác sẽ âm thầm xuất hiện vào những lúc mà bạn không ngờ đến.
8. Xây dựng tình tiết cốt truyện:
Bước này sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của bộ truyện. Có nhiều truyện xây dựng nhân vật rất tốt nhưng cốt truyện lại không hay. Nếu bạn không làm tốt điều này, khán giả sẽ quay lưng với truyện của bạn.
Cấu trúc của truyện thường bao gồm năm phần:
Giới thiệu: cuộc sống bình thường của nhân vật dẫn đến “biến cố khởi đầu” thúc đẩy họ bước vào xung đột. Xung đột dâng cao: các xung đột, đấu tranh và các cạm bẫy mà nhân vật phải đối mặt trên hành trình vươn tới các mục tiêu. Trong cấu trúc ba cảnh, cảnh thứ hai thường là phần phong phú nhất của truyện. Cao trào: phần quan trọng nhất! Đây là điểm mà mọi thứ dường như có thể hoặc không thể xảy ra, và nhân vật phải quyết định hành động ra sao để chiến thắng hoặc chấp nhận thua trong danh dự. Bước ngoặt của truyện xuất hiện khi xung đột lên đến đỉnh điểm. Xung đột giảm dần: các sự việc được diễn giải sau cao trào, nhân vật thắng hay thua, mọi đầu mối rời rạc được kết nối lại, kết quả dẫn đến… Đoạn kết: trở lại một cuộc sống bình thường với sự cân bằng mới nhưng khác biệt (hoặc có thể không quá khác biệt) so với “cuộc sống bình thường” ở phần giới thiệu của nhân vật.
- Sắp xếp các ý tưởng, lập các mốc thời gian để bạn có thể dựa vào đó mà quyết định điều gì sẽ xảy ra vào khi nào.
Tạo ra xung đột là cách phổ biến nhất để sáng tác cốt truyện. Những tình huống đặt ra cho nhân vật càng độc đáo, càng quái chiêu, càng có tính thử thách thì hình ảnh nhân vật sẽ càng được khắc sâu.
Nhân vật của bạn phải trưởng thành hơn qua từng chương truyện. Tức là so với phần mở đầu thì tại phần kết của truyện, nhân vật phải thay đổi về tư tưởng, quan niệm hay một giá trị nào đó. Nếu nhân vật của bạn chẳng có thay đổi gì thì chứng tỏ câu chuyện của bạn không có tính vận động và thiếu sức sống.
Hãy bổ sung vốn tính từ của bạn bằng cách đọc nhiều truyện hay.
Không cần phải tuân theo thứ tự thời gian. Câu chuyện có thể bắt đầu từ hiện tại, lùi về quá khứ và lại quay về hiện tại, hoặc bắt đầu từ quá khứ và nhảy một bước đến hai mươi năm sau.
Phác thảo tình tiết chính của câu chuyện: có thể theo đường thẳng hoặc vẽ sơ đồ liên kết các nhân vật. Bản phác thảo sẽ là bản hướng dẫn, không phải bản quy ước. Mục đích chính của việc này là để khởi động quá trình viết với sự minh họa đơn giản về diễn tiến của câu chuyện. Chắc chắn nó sẽ thay đổi khi bạn bắt đầu viết.
Bản phác thảo những nét chính sẽ hữu ích hơn sau khi bạn viết xong vài chương nháp, giúp bạn hiểu rõ về kết cấu câu chuyện đang viết và giúp bạn thấy được những điều phù hợp hoặc không phù hợp, những chỗ nào nên sữa chữa cải thiện.
Tuy nhiên bạn cũng đừng quá bận tâm về những chi tiết trước khi bắt đầu đặt bút viết bản nháp đầu tiên, vì có thể bạn sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo của mình.
9. Tạo truyện trên Vietnovel Origin:
9.1. Đặt tên truyện:
Tên truyện phải được viết hoa đầu mỗi chữ, VD: Giống Như Thế Này.
Tên truyện sẽ nói cho độc giả biết truyện của bạn thuộc thể loại gì, nên đừng đặt những cái tên lãng mạn nếu như bạn đang định viết truyện tiên hiệp nhé.
Tên truyện nên có độ dài dưới 10 chữ.
9.2. Viết lời giới thiệu truyện:
Lời giới thiệu truyện rất quan trọng, lời giới thiệu sẽ khái quát bối cảnh truyện và bối cảnh nhân vật, là thứ sẽ quyết định xem người đọc có click vào xem truyện của bạn hay không.
Một số cách để viết lời giới thiệu thú vị:
Nêu hoàn cảnh ngang trái của nhân vật chính.
Đặt câu hỏi trong lời giới thiệu.
Lời giới thiệu hài hước.
Đưa ra ý tưởng ngược đời hoặc gây sốc.
Trích dẫn đoạn thú vị trong truyện.
9.3. Thiết kế ảnh bìa truyện:
Các bạn có thể lên mạng tải một số ảnh đẹp về thể loại truyện bạn đang viết, sau đó thêm tên truyện, tên tác giả (là bạn đó), logo Vietnovel vào ảnh, nhưng không nên dùng các ảnh có bản quyền nhé.
Kích thước bìa truyện là 240x360 pixel. Chất lượng hình ảnh phải rõ ràng, thể hiện được nội dung của truyện và dung lượng ảnh không vượt quá 1MB.
Các bạn tải logo của Vietnovel tại link sau để thêm vào ảnh bìa nhé: https://cdn.vnvl.net/img/logos/Vietnovel-Origin-Logo-1024w.png
10. Bắt đầu viết truyện:
Khi đã sẵn sàng, hãy bắt đầu viết chương nháp đầu tiên của bộ truyện. Đừng lo trau chuốt câu chữ, ngoài bạn ra sẽ không ai đọc chương nháp của bạn. Chương nháp đầu tiên của bộ truyện không cần phải thật xuất sắc — nó chỉ cần được hoàn thành.
Thử viết các kiểu mở đầu khác nhau: nếu không biết bắt đầu như thế nào, bạn có thể thử nghiệm với các phương án khởi đầu khác nhau. Có thể bạn phải thử vài lần trước khi tìm được một phần mở đầu ưng ý, nhưng công việc viết lách luôn là vậy!
· Thử bắt đầu với hành động hoặc diện mạo của nhân vật để người đọc biết ngay ai là nhân vật quan trọng.
· Bắt đầu với cái nhìn bao quát về bối cảnh. Mô tả các chi tiết thuộc về giác quan trước khi tập trung vào cuộc sống hoặc ngôi nhà của nhân vật.
· Tiết lộ một “bí mật” của nhân vật để lôi cuốn người đọc ngay từ đầu.
· Đặt ra xung đột chính ngay từ phần mở đầu để khiến người đọc tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
· Mở đầu bằng một cảnh hồi tưởng quan trọng, đáng nhớ hoặc gây xúc động. Hãy cẩn thận, vì cảnh hồi tưởng có thể khiến người đọc nhầm lẫn nếu họ không biết đó là quá khứ.
Hãy tiếp tục viết nháp 3–5 chương, sau đó quay lại đọc từ chương đầu tiên như một độc giả bình thường. Bạn sẽ nhận thấy những phần nào cần phải diễn giải thêm và những phần nào quá dài và tẻ nhạt nên cắt bớt. Nguyên tắc rất hay là: Nếu bạn bỏ qua những đoạn dài trong chương truyện của mình thì những người đọc khác cũng vậy.
Hãy cố gắng chỉnh sửa chương đầu tiên sao cho thu hút người đọc nhất có thể.
Để cho câu chuyện tự kể: khi phát triển câu chuyện, có thể bạn muốn lái cốt truyện sang một hướng khác với dự định ban đầu, hoặc bạn muốn thay thế hay loại bỏ một nhân vật nào đó. Hãy lắng nghe các nhân vật của bạn khi họ mách bảo bạn nên thay đổi, và đừng lo lắng rằng bạn sẽ phá vỡ kế hoạch ban đầu nếu bạn có thể kể một câu chuyện hay hơn trong quá trình viết.
Hãy hạ quyết tâm viết mỗi ngày vào một giờ cố định nào đó, hoặc càng thường xuyên càng tốt trong khả năng của bạn. Có thể đặt mục tiêu nhỏ, VD: 2 ngày viết 1 chương, hoặc 1 tuần 3.000 chữ để giữ động lực. Cũng có thể đặt mục tiêu dài hạn, VD: quyết tâm hoàn thành bộ truyện trong một năm, hoặc sáu tháng. Chọn một deadline cho mình và bám sát vào đó.
11. Giới thiệu tác phẩm của bạn đến với mọi người:
Tham gia ngay nhóm Tinh Hội của Vietnovel Origin để chia sẻ và cùng bàn luận về tác phẩm của bạn với các độc giả, tác giả khác. Chỉ nên xem các lời khuyên nhận được như một ý kiến tham khảo. Bạn không nên quá nhạy cảm vì những nhận xét phản hồi.
Gia nhập Discord của Vietnovel Origin để giao lưu trực tiếp với Chấp sự, tác giả và độc giả, nhận được các hỗ trợ về kỹ thuật cũng như góp ý để cải thiện tác phẩm.
Theo dõi Fanpage của Vietnovel Origin để cập nhật các thông tin về giải thưởng viết truyện hàng tháng, quý và năm dành cho tác giả.
Chúc các bạn kiên trì với con đường viết lách. Mình vẫn luôn quan niệm một câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Đừng bỏ cuộc khi bạn vẫn còn có thể cố gắng nhé.