Tô Bảo An nhận lấy chồng sách từ tay ông rồi đặt vào xe sau đó quay lại định nói tiếng cảm ơn thì anh Năm đã đi vào nhà từ lúc nào.
Gọi anh Năm vậy thôi chứ ông ấy đã ngoài bốn mươi tuổi, nhưng ai bảo vai vế của cô cao chứ. Bây giờ mà đi dạo trong thôn, hễ cứ gặp ai mà khoảng bốn mươi, năm mươi tuổi, Tô Bảo An đều gọi anh chị, chắc chắn không sai được.
Hai ông cháu vội đánh xe trở về. Lượt đi lượt về như vậy đã mất hết ba giờ đồng hồ. Khi bọn họ về tới nhà đã đến giờ cơm trưa.
Bà ngoại đã dọn sẵn mâm cơm chờ ông về tới. Hôm nay bà nấu một nồi thịt kho trứng, một phần rau xào và một phần canh. Bữa cơm này đã xem như cực kỳ xa xỉ rồi.
Buổi chiều Tô Bảo An theo ông bà ra ruộng. Các mảnh ruộng của thôn dân đều nằm san sát nhau tạo thành một cánh đồng lớn. Do cạnh bên có dòng sông chảy ngang qua nên ở đây có một nửa là ruộng nước, dùng để trồng lúa nước. Một nửa còn lại mới chia ra trồng bắp, khoai lang, khoai tây và cây đậu.
Đã gần đến mùa thua hoạch, phần ruộng lúa đã trổ bông kết hạt, đang chín dần. Năm nay thôn bọn họ gieo hạt sớm nên sẽ thu hoạch trước tháng chín, rồi cho đất nghỉ, Tiêu Định Sơn muốn bắt đầu trồng trọt vào mùa xuân năm sau.
Công việc của năm chị em Tô Bảo An là bắt sâu rồi bỏ vào thùng mang về cho gà ăn. Nhà bà ngoại Lâm Ngọc Hoa nuôi gần mười con gà, nếu không đủ thức ăn nó sẽ không đẻ trứng, trứng gà bây giờ rất quý giá, thật nhiều gia đình không nỡ mà ăn.
Mặc dù đã tránh đi những lúc nắng gắt nhất nhưng trời vẫn còn rất nóng. Chị em bọn họ siêng năng loay hoay mãi trong ruộng lúa, đến khi bà ngoại ra kêu mới dẹp đồ đi về.
Phơi cả buổi chiều vậy mà cả đám không bị đen hơn chút nào, thật là kỳ tích.
Năm chị em nhà họ Tô không biết rằng hành động hôm nay của bọn họ đã được thôn dân rất khen ngợi đã lâu. Mấy ngày trước bà ngoại dẫn bọn họ đi dạo một vòng, các thôn dân không thiếu thì thầm.
- Hai vợ chồng ông Cả mang bọn họ về đây, chỉ có mấy mảnh ruộng thì hai người già làm sao mà nuôi nổi?
- Chết dở, nhà nội đâu mà phải chạy nạn lại đây thế này.
- Mặc dù cụ Cả mỗi tháng có ít tiền trợ cấp nhưng để nuôi năm đứa nhỏ thì chắc gì mà đủ.
...
Không thiếu nói ra nói vào. Bọn họ cũng không có ý xấu, hơn nữa đây đều là sự thật. Nếu chị em cô không có tiền, cô không có không gian và việc làm thì kế sinh nhai sẽ là vấn đề lớn. Nhưng cô có bàn tay vàng nha. Cho nên Tô Bảo An không quan tâm lắm. Ông bà ngoại lại càng không quan tâm, cứ kệ thôn dân nói bóng nói gió hỏi thăm.
Chẳng mấy chốc đã đến ngày đi làm. Sáng sớm Tô Bảo An đã được gọi dậy ăn sáng cùng gia đình, cầm hộp cơm mà bà ngoại chuẩn bị cho bữa trưa rồi lên đường hướng vào thành phố.
Đúng vậy, mỗi lần đạp xe đi về đã tốn hết năm mươi phút nên cô không định về nhà vào buổi trưa. Cô thuyết phục bà ngoại rằng sẽ tìm chỗ hâm nóng phần cơm, mãi bà mới đồng ý.
Thật ra chỉ đạp xe ra khỏi thôn một chút thì Tô Bảo An đã cất nó vào trong không gian rồi. Như vậy buổi trưa khi cô lấy ra thì cơm vẫn còn đang nói hổi, không cần phải tìm chỗ hâm nóng nữa.
Cả thành phố có rất nhiều Cung Tiêu Xã nhưng ai bảo Tô Bảo An là người thân của liệt sĩ chứ, vậy nên cô được hưởng đặc quyền được chọn nơi làm việc của mình.
Tô Bảo An cũng không khách khí, cô chọn cái chỗ gần với thôn Tiêu gia nhất, chỗ này chỉ cần duy nhất một người bán hàng nên không có đồng nghiệp cạnh tranh, cô muốn làm việc gì cũng không có người dòm ngó.
Hôm nay công việc chính của cô là dọn dẹp và lau chùi cửa hàng, để ngày mai có xe chở hàng hoá đến thì sắp xếp chúng lên kệ.
Chi nhánh Cung Tiêu Xã ở đây rất nhỏ, chỉ khoảng sáu bảy mươi mét vuông, được lấp một cái quầy chữ u đối diện cửa ra vào, hàng hoá được cất chứa theo các dãy tủ gỗ dựa vào vách và dưới quầy đó. Khách hàng vào phải báo cho người bán hàng thứ đồ cần mua để người bán hàng lấy ra chứ họ không tự chạm tay vào đồ vật được, giảm thiểu rủi ro bị trộm cắp.
Mỗi ngày Tô Bảo An sẽ phải làm tám tiếng, từ bảy giờ cho đến mười một giờ thì được đóng cửa nghỉ ngơi, rồi từ mười hai giờ rưỡi đến bốn giờ rưỡi tiếp tục mở cửa bán. Sau bốn giờ rưỡi thì cô có thể đóng cửa và về nhà rồi.
Ở đây mỗi tuần sẽ có quản lí đến để kiểm tra sổ sách cũng như thu tiền, không cần cô chạy đi chạy lại.
Đừng nhìn cái Cung Tiêu Xã này không lớn nhưng Tô Bảo An phải cặm cụi lau chùi mãi đến giữa trưa mới được một nửa.
Suốt mấy tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi nên tay cô mõi quá chừng. Ngó vào đồng hồ trong không gian thì đã mười một giờ. Cô buông giẻ lau xuống rồi đi rửa tay, tiện tay khép hờ cánh cửa lớn.
Sau khi cơm nước và rửa hộp đựng cơm, Tô Bảo An khoá cửa lại rồi bước qua cái sạp đối diện, nơi bán đầy thịt dê. Ông chủ còn trẻ chừng ba mươi mấy tuổi, đang bận rộn chặt thịt, lúc này trên đường đã vắng khách. Cô hỏi:
- Ông chủ, thịt dê bán như thế nào?
Người bán thịt dê ngẩn đầu lên, nhanh chóng trả lời:
- Nếu không có xương thì là bảy mao một kg, còn nếu thịt xương lẫn lộn thì năm mao một kg.
Rất đắt, lúc trước cô mua thịt heo đắt nhất cũng chỉ năm mao, mua nguyên con lấy cả xương và nội tạng một con heo 150kg được tính năm mươi đồng tiền. Nhưng thịt dê đắt hơn thịt heo đó giờ, vả lại cái thời tiết lành lạnh kiểu này thì ăn thịt dê hầm củ cải phải nói là ngon tuyệt.
Lần trước cô lấy bốn năm kg thịt heo về, cả nhà vậy mà đã ăn hết chỉ trong vòng ba ngày. Không nói đến Bảo Quốc tuổi đang lớn nên ăn nhiều, kể cả ông bà ngoại cũng ăn không ít.
Từ ngày hết thịt đến nay cô cũng không có đi ra khỏi thôn nên không có cớ từ không gian mang thịt ra. Cả nhà đã ăn chay bốn năm ngày rồi.
Vừa nghĩ, cô vừa đánh giá mớ thịt trên bàn. Mà công nhận thịt này đúng ngon, thịt dê có màu đỏ, sáng bóng, các thớ thịt dày và chắc, sờ vào có độ đàn hồi.
Gặp thịt ngon mà không mua thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, trả giá vẫn phải làm:
- Bớt không ạ? Nếu mua hết chỗ thịt này thì để cháu ba mao một kg nhé.
Người bán thịt dê giật mình, hỏi lại:
- Cháu chắc chắn chứ? ý cháu là hết mớ thịt trên bàn à?