Chương 1: Vũ Ly Khu Ma Ký - Nhật Ký Trừ Ma Của Vũ Ly

Chương 1. Ký số 1. Miếu Chồn Lửa (1)

2,368 chữ
9.2 phút
104 đọc
1 thích

Thành phố Phượng Vĩ sở dĩ có tên như thế là bởi vì dọc các tuyến đường chính trồng rất nhiều cây phượng. Không ai biết vì sao hoặc khi nào mà những người năm xưa lại quyết định trồng loại cây này, chỉ biết là những gốc phượng này đã trải qua thật nhiều năm tháng, thật lâu thật dài đến mức trong ký ức của những người lớn tuổi nhất ở đây cũng chỉ toàn là hình ảnh những thân cây khổng lồ có tán lá rất rộng, che mát cho những con đường và những ngôi nhà nhỏ xung quanh.

Phượng Vĩ trước là một Thị Xã, nó chỉ mới được lên Thành Phố năm năm gần đây, nó không lớn, chỉ có loanh quanh khoảng hai mươi chín hay ba mươi ngàn người. Cả thành phố được chia làm ba khu lớn, là ba Quận được đánh số từ một tới ba, nhưng người dân ở đây luôn gọi là Thượng Vĩ, Trung Vĩ và Hạ Vĩ, đây là cách gọi theo lối cũ mọi người đã quen thuộc.

Phía bắc thành phố là khu Thượng Vĩ, ở đây có một ngọn đồi khá lớn, gọi là đồi Mã. Trên đồi có một ngôi miếu nhỏ nhưng lúc nào cũng đông người đến cúng viếng, ngôi miếu này không ai ở thành phố không biết, thậm chí còn nổi tiếng ở những thành phố xung quanh. Lý do nó được nhiều người biết đến, chính là vì nó đặc biệt linh thiêng, lời đồn không biết bắt đầu từ ai hoặc từ khi nào, họ nói rằng chỉ cần đưa ra một cái giá hợp lý để cúng kiến, thì mong ước chắc chắn sẽ thành.

Ngôi miếu đó, được gọi là miếu Chồn Lửa, tương truyền mấy nghìn năm trước, có một con chồn tu luyện hơn nghìn năm trên đồi Mã, đã đắc đạo thành tiên, khi thăng lên trời còn để lại xác ở một hang đá trên đồi. Sau đó có một vị tu sĩ không biết từ đâu bước đến, tìm thấy xác chồn, rồi lập nên miếu thờ này.

Có một điều kì lạ, là cho dù ngôi miếu đã toạ ở nơi đây thời gian không ngắn, người đến hương khói rất nhiều, nhưng đường lên lại rất nhỏ, chỉ có thể đi bộ mà leo lên từng bước. Theo lời tu sĩ trong miếu, đây là một khảo nghiệm xem người đến có thành tâm hay không, không leo được đến đỉnh đồi thì sẽ không có duyên với thần Chồn.

Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy, nhang khói trong miếu còn dày đặc hơn thường ngày, người ra kẻ vào tấp nập, đồ cúng bánh trái chất đầy cả một gian chính điện, mấy vị tu sĩ sắp thành hàng liên tục đưa tay nhận lễ từ du khách đến thăm. Phía sau lưng họ là một bức tượng Chồn Lửa rất lớn, đắp nặn công phu, toả ra một khí thế uy nghi như thần tiên thực sự.

Trong dòng người cuồn cuộn như không dứt, có hai bóng hình xuất hiện ở phía xa nơi lưng chừng đồi, một cao một thấp, một già một trẻ, cũng đang bước theo đám đông.

“Ông à, có thật là có xác Chồn Lửa trong miếu không?” Bóng nhỏ lên tiếng, là một bé gái khoảng mười một mười hai tuổi, mặc áo nâu, quần đen, chân đi giày vải đỏ. Hai má nó đỏ hây hây, cái trán nhỏ trắng trẻo đã tươm đầy mồ hôi.

“Con nhìn thấy ráng đỏ xung thiên trên bầu trời không? Theo ông thấy thì đúng là có một hồn đang ẩn ở đây, chỉ là không biết có phải là một phần hồn của Chồn Lửa năm xưa còn ở lại không.” Bóng lớn trả lời, là một lão già râu trắng, lão này chắc đã lớn tuổi lắm, lưng hơi còng, tay chống gậy trúc màu đen, ăn mặc đơn giản tương tự cô bé, vai còn đeo một túi vải nâu vàng đã bạc màu.

“Người từ đâu mà đông kinh khủng, mà ông ơi, mình đến đây làm gì vậy?” Cô bé đưa mắt theo dòng người, lên tiếng hỏi.

“Đến tìm người” Ông lão xoa đầu cô bé, bàn tay ông gầy trơ xương, móng tay cái đen cái trắng, trên mu bàn tay có một cái bớt màu đỏ rất lớn.

Cô bé chỉ vào một hòn đá lớn bên đường, nói.

“Ông ơi, ngồi nghỉ một lúc đi, con thở không ra hơi rồi!”

Ông lão cười cười gật đầu, đi theo cô bé qua phía tảng đá, lập tức những người phía sau tràn lên lấp ngay chỗ trống hai người vừa bỏ lại.

Trời nắng nóng, nhưng bên tảng đá lại có một cây phượng to, đang nở hoa đỏ rực, tán lá xoè rộng che mát một khoảnh đất mấy mét vuông. Hai ông cháu dắt nhau ngồi xuống, bên này lại không có ai, dường như tất cả mọi người trừ hai ông cháu đều muốn lên đồi thật nhanh, không ai chần chờ mà ngồi nghỉ ở đây cả.

Đưa bé ngồi bệt xuống bên cạnh tảng đá, tay nó quệt mồ hôi trán, trên tay nó cũng có một cái bớt đỏ, miệng nó thở hồng hộc. Nhưng lão già thì lại thần sắc bình thường, một giọt mồ hôi cũng không đổ.

“Ông ơi, ông không thấy mệt à?” Nó tò mò nhìn ông, lòng thắc mắc không nhỏ, ông lão nhìn như đã rất lớn tuổi mà còn leo dốc khoẻ hơn nó nhiều lần.

Ông lão cũng ngồi xuống, cái túi bạc màu được ông đặt sang bên cạnh, bên trong vang lên tiếng lanh canh như thuỷ tinh hay kim loại va chạm vào nhau.

“Con còn nhỏ, đạo học chưa sâu, đợi sau này thành thục thì cũng sẽ được như ông” ông nhìn bé gái nói.

Nói đến mối quan hệ của ông lão và đứa bé, cũng rất là kỳ lạ. Nó vốn không biết ông là ai, nhưng hai tháng trước ông đã đến nhà nó, khi đến thì nó thấy vẻ mặt cha mẹ nó kỳ lạ lắm, hình như là vừa mừng mà vừa sợ khi thấy ông.

Nhà nó ở khu Hạ Vĩ, kế bên con sông Hạ Hà, cha mẹ nó cũng là người đi làm thuê làm mướn, một nhà ba người chỉ đủ ăn đủ mặc. Khi ông đến, liền ở nhà nó hai tháng.

Trong thời gian ở lại, ông thường xuyên đi ra ngoài, sáng đi đến sập tối mới về, cha mẹ nó không hỏi đến việc của ông, chỉ luôn chuẩn bị cơm nước đầy đủ, làm nó thấy tò mò ghê lắm.

Đến trước ngày hôm nay nửa tháng, thì ông không ra ngoài nữa, mà thường xuyên gọi nó đến nói chuyện. Ban đầu nó thấy dáng vẻ của ông cũng hơi đáng sợ nên cũng ngại ngùng, nhưng dần dần lại thấy thích thú khi ở bên cạnh ông.

Lý do làm nó hứng thú, là bởi ông có nhiều đồ vật quái lạ, thường lấy ra biểu diễn cho nó xem như làm ảo thuật.

Là một quả cầu nhỏ có thể đoán thời tiết, ông lấy ra xoa nắn mấy cái, bên trong liền hiện lên mây đen, nước mưa ẩm ướt hoặc ánh sáng chói như mặt trời, theo đó thời tiết cũng sẽ giống y như thế mà diễn biến.

Là một chong chóng làm bằng năm cái thìa gỗ, ông nói có thể dùng nó để tìm ra nơi cất giấu bảo bối, càng đến gần nó sẽ càng xoay nhanh. Ban đầu nó không tin, liền thử lấy món đồ chơi ưa thích của mình chôn ở một góc sân, sau đó cho ông cầm chong chóng đi tìm, chỉ năm phút sau là ông đã tìm ra.

Là một cái đầu mèo còn đủ lông nửa đen nửa trắng, hai con mắt là hai viên đá màu xanh nhạt, lúc nhìn thấy nó đã hãi hùng khiếp vía, nhưng khi thấy ông biểu diễn thì nó lại thấy thật thần kì. Cái đầu mèo mốc meo đó có thể làm cho bất cứ ngọn lửa nào dù lớn hay nhỏ đều phải tắt, giống như nó đang tự hút lấy những đám lửa đó vậy.

Ngoài ra còn mấy món khác nữa, cái nào cũng kì diệu như thế, được ông bỏ vào cái túi vải bạc màu, lúc nào cũng mang theo người.

Khi nói chuyện, ông còn kể cho nó nghe những chuyện kỳ lạ mà ông đã trải qua, nào là gặp ma gặp quỷ, thấy thần thấy phật. Câu chuyện nào cũng được ông miêu tả sống động như thật, làm nó mê mẩn vô cùng.

Cha mẹ nó gọi ông là Thầy Lý, tên ông khá giống tên nó, nó tên là Ly - Lý Thị Vũ Ly. Từ việc có tên tương tự, nó lại càng thấy thân thiết với ông hơn.

Từ đó, nó luôn đi theo ông. Đến hôm qua ông hỏi nó có muốn lên đồi xem miếu Chồn Lửa không, nó liền khoái chí mà đồng ý ngay. Từ nhỏ nó đã nghe đến truyền thuyết về thần Chồn trên đồi Mã, nhưng chưa từng được đến miếu bao giờ.

Cha mẹ nó cũng không ngăn cản, ngay lập tức đồng ý làm nó bất ngờ. Vì cha nó trước nay nổi tiếng khó tính, thường hay đánh đòn nó mỗi khi lén ra ngoài chơi. Không ngờ lần này chỉ nghe thầy Lý nói một câu mà đã gật đầu ngay.

“Nghĩ gì mà thất thần vậy?” Tiếng thầy Lý làm nó giật mình, nó lắc đầu nhìn ông, lòng vẫn luôn thắc mắc không biết ông lão này có liên quan gì đến cha mẹ mình.

Thầy Lý thấy nó không mở miệng cũng không hỏi thêm, ông lục lọi trong túi lấy ra một cái lục lạc màu bạc có buộc sợi dây đỏ đưa cho nó. Vũ Ly thấy vậy liền cầm lấy ngay, nó biết đồ vật của ông lão này không có cái nào là bình thường.

Vũ Ly mân mê cái lục lạc, vật này nhỏ cỡ đầu ngón cái người lớn, không biết làm bằng chất liệu gì mà cầm khá nặng tay, bên trên có khắc hình bốn con thú hình thù kỳ dị, nhìn sống động sắc nét như có sinh mệnh. Nó thử lắc nhẹ mấy cái nhưng không thấy phát ra tiếng.

“Cái gì vậy ông?” Nó tò mò hỏi.

“Lục Lạc Tứ Tượng, ông cho con đấy, nhớ là luôn đeo vào tay nhé!” Thầy Lý xoa đầu nó cười nói.

“Tứ Tượng? Mà sao cái lục lạc này lại không kêu? Ông cho con đồ hư à?” Nó tròn mắt hỏi.

Thầy Lý cười lớn, nói.

“Lục lạc này đặc biệt lắm, con cứ đeo đi, đến lúc cần dùng thì sẽ biết”

Vũ Ly tuy lòng thắc mắc nhưng vẫn vui vẻ đeo vào tay, lúc cái lục lạc nhỏ vừa chạm vào cổ tay nó liền phát ra một tiếng ngân vang, sáng lên một màu xanh nhạt, cùng lúc đó nó thấy có một luồng hơi mát lạnh theo cổ tay chạy thẳng lên phía trái tim, rồi lên đầu, rồi lại phủ lên đôi mắt nó như một làn nước mát. Luồng hơi làm đầu óc nó mát mẻ, xua tan gần hết những mệt mỏi do phải leo lên dốc cao giữa trưa hè.

“Thần kỳ…” nó nhìn cái lục lạc nhỏ rồi reo lên, vật này dường như đã hình thành một liên kết nào đó với chính nó, vừa đeo lên liền thấy thoải mái và thân thiết.

Thầy Lý nhìn nó, ánh mắt rất hứng thú khi thấy phản ứng của chiếc lục lạc, ông còn gật đầu mấy cái ra vẻ hài lòng rồi mới kéo nó đứng lên.

“Đi tiếp đi, sắp trưa tới nơi rồi!” Ông nói.

Vũ Ly hăng hái gật đầu, nó thấy sức lực tràn trề chảy trong người, niềm yêu thích với chiếc lục lạc càng lớn hơn.

Hai ông cháu lại dắt nhau đi theo dòng người, hướng lên đỉnh đồi, nơi có miếu thờ Chồn Lửa.

Lúc hai người đến được chính điện của miếu thờ, là đã đúng giờ trưa, mặt trời treo trên đỉnh hắt xuống những tia rát bỏng, nhưng trong chính điện lại mát mẻ, thậm chí còn cảm nhận được một chút hơi lạnh, chênh lệch nhiệt độ kỳ lạ làm Vũ Ly rùng mình khi bước vào, đôi mày của thầy Lý cũng nhíu lại thật sát nhau.

“Quái lạ, giữa trưa mà âm khí lại dày đặc…” thầy Lý thầm thì trong miệng, tiếng ông rất nhỏ nhưng Vũ Ly bên cạnh vẫn nghe thấy.

“Ông ơi, lạnh thật đấy!” Vũ Ly xoa hai tay vào nhau, nhìn thầy Lý nói.

Thầy Lý kéo tay nó vào một góc của chính điện, nơi này có một cây cột gỗ màu đỏ đậm, bên trên có treo một bức phướn thật lớn vẽ hình Chồn Lửa nhả mây.

Ông lục trong túi lấy ra một tờ giấy hơi nhàu, rồi nhanh tay gấp lại thành hình tam giác nhỏ, sau đó nhét vào tay Vũ Ly. Mảnh giấy tam giác vừa vào tay nó đã thấy cả người ấm lên, hơi lạnh bên ngoài như bị một màn vô hình ngăn cách.

“Đứng đây một lúc, theo ông tính toán thì sắp có chuyện xảy ra rồi” giọng thầy Lý lúc này có chút khẩn trương, làm Vũ Ly thấy hồi hộp theo.

Vũ Ly từ nhỏ đã là một đứa gan lì. Tuy là con gái nhưng nó chưa bao giờ chịu thua mấy đứa con trai trong xóm, thậm chí còn thường xuyên đánh nhau với bọn nó. Lúc này nó thấy thầy Lý nghiêm túc, liền im lặng không nói câu nào nữa, đứng cạnh ông chờ đợi.

Bạn đang đọc truyện Vũ Ly Khu Ma Ký - Nhật Ký Trừ Ma Của Vũ Ly của tác giả Nhật Huy. Tiếp theo là Chương 2: Ký số 2. Miếu Chồn Lửa (2)