Chương 1: Vì Mắt Em Biếc Nên Ta Mềm Lòng

Chương 1. Mắt Biếc

4,612 chữ
18 phút
1,279 đọc
18 thích

Dượng tư.

Có lúc Trương Bảo Khánh gọi dượng, vì dượng là vợ của cha hắn.

Có lúc Trương Bảo Khánh gọi độc một chữ Tư, vì dượng còn kém hắn vài tuổi.

Có lúc Trương Bảo Khánh gọi thẳng tên A Dịch, vì trước khi trở thành vợ của cha hắn, trở thành dượng tư của hắn, người đó đã là ánh trăng sáng trong lòng hắn rồi.

.

Mười bảy tuổi, dượng tư lấy cha hắn – một ông già ngoài sáu mươi đương cố bắt lấy cái chớp xuân sắp hết đát và đột nhiên trái tính trái nết nảy ra sở thích chăn gối quái đản. Bao nhiêu năm cha hắn bôn ba bên ngoài, tự do vùng vẫy trên những con tàu viễn dương, cách mấy năm lại đem về một bà vợ, cách mấy tháng lại đem về một tình nhân, song chưa bao giờ trong số đó có bóng dáng đàn ông. Thế mà đến khi chân yếu mắt mờ, không thể ngao du tứ hải, lão nằm chảy thây ở trường kỷ và đòi cưới thằng bé nhà cuối thôn. Họ Trương cũng coi như có của ăn của để trong vùng, nhà dượng tư lại thuộc diện nghèo nhất. Người quê nhận thức còn hạn chế, chỉ cần cho nắm tiền cùng mấy mẫu đất là sẵn lòng bán đứt con đi, không cần quan tâm đàn ông với đàn ông thì vui thú kiểu gì. Mười bảy tuổi, dượng tư bước chân vào nhà Trương Bảo Khánh làm lẽ, chỉ mang theo một thân thể gầy nhom và nét âu sầu hằn giữa chân mày có từ thuở cha sinh mẹ đẻ.

Trương Bảo Khánh đi học ở trên huyện về, thấy mặt mẹ mình cùng dì hai, dì ba sạm lại như ráng chiều, bà nào bà nấy thi nhau thở vắn than dài, hắn lấy làm lạ lắm. Cũng không ai kể với Trương Bảo Khánh rằng cha hắn mới cưới thêm vợ, tự hắn nhận ra khi thấy căn phòng trống ở sân sau dán chữ Hỉ đỏ chói trên cánh cửa. Bấy giờ trong chiếc túi kiểu bưu tá của hắn đang đựng đầy bánh kẹo mua từ dạo lên thành phố chơi, Trương Bảo Khánh định bụng sẽ đem sang cho A Dịch. Ngay lúc đó, cánh cửa dán chữ Hỉ kẽo kẹt hé mở, dượng tư lần đầu tiên xuất hiện trước mắt hắn. Trương Bảo Khánh đông cứng giữa sân. A Dịch của hắn không bao giờ trở về nữa.

Hắn bỏ ra bờ sông, ngồi lì ở đấy đến nửa đêm, người làm trong nhà khuyên nhủ rồi van nài hết nước hết cái hắn cũng không chịu về. Chờ đám gia nhân bỏ cuộc, dắt díu nhau đi cả rồi, dượng tư mới rón rén ló ra. Dượng ngập ngừng mấy hồi, có lẽ không biết xưng hô ra sao trước sự thay đổi quá đỗi đột ngột này. Bản thân dượng vốn đã kiệm lời, lúng búng mãi mới được một câu: “Cậu Khánh, khuya rồi, sương giá xuống, ngồi đây lâu thì cảm mất. Cậu về nghỉ ngơi đi.”

Trương Bảo Khánh nhếch môi cười, hằn học đáp lại: “Cảm ơn dượng đã quan tâm. Dượng hiểu chuyện như này, cha tôi hẳn phải yêu thương chiều chuộng dượng lắm.” – Sự đay nghiến như xói vào tâm can, đôi mắt dượng tư tối lại. Trương Bảo Khánh nhận ra và lấy làm hả hê vì điều đó. Hắn đứng dậy phủi mông, ngay trước mặt dượng tư ném đi chiếc vòng đan bằng sợi đay đã đeo suốt mấy năm ròng. Chiếc vòng nhẹ bẫng bay trên không trung rồi rơi tõm xuống sông, mặt nước chấn động phút chốc rồi lại về với thinh lặng. Lúc đi ngang qua dượng – bấy giờ đang ngây ra như phỗng, Trương Bảo Khánh rất muốn sờ lên mái tóc dài xõa ngang vai đó. Mà cũng may hắn là loại người sống bằng lý trí. Hắn gắng sức nhịn lại, khẽ khàng bên tai người bạn thời niên thiếu và nay đã trở thành mẹ kế của hắn: “Tạm biệt, A Dịch.”

Từ ấy, tùy vào tâm trạng mà hắn sẽ gọi dượng đủ kiểu, vì hắn hiểu rằng dù mình có gọi theo kiểu nào thì dượng tư vẫn chỉ có một danh phận duy nhất, Trương Bảo Khánh không thể thay đổi được sự thật đó. Còn dượng, dượng trung thành gọi hắn là “cậu Khánh”, một lối gọi giữ kẽ mà hắn không thích nhưng phải chấp nhận.

.

Ngoại lục tuần, lão Trương vẫn rất sung mãn. Ban ngày lão biếng nhác nằm dài một chỗ, chờ người cơm bưng nước rót; ấy thế mà đêm xuống, căn phòng hướng Bắc ở sân sau như rung đến bay cả nóc vì tiếng ván giường va vào nhau, và vì tiếng lão thở hồng hộc như trâu mộng.

Tất nhiên Trương Bảo Khánh chẳng muốn phải bận lòng bởi những điều chướng mắt ấy. Song hắn không thể ngăn người làm nhà mình xì xào đôi câu chuyện phiếm được. Họ truyền tai nhau, chả biết dượng tư làm sao mà bị ông chủ vần vò như thế cũng chưa từng hở ra âm thanh gì. Chỉ có một lần duy nhất, khi đó ông chủ vừa bắt quả tang bà ba đong đưa bên ngoài, bao nhiêu tức tối trút hết lên dượng tư. Đêm hôm ấy hẳn phải kịch liệt lắm, dượng tư mới khẽ rên. Tiếng dượng khào khào như mèo hen, âm thanh nhỏ xíu và tan ngay vào cuộc mây mưa mà chắc là đau đớn nhiều hơn sung sướng.

Hắn thừa nhận mình là một kẻ hèn nhát, hắn phải rời khỏi nơi này ngay thôi. Kỳ nghỉ còn non nửa, Trương Bảo Khánh đã xách đồ xách đạc quay về trường học. Từ thôn hắn lên huyện không xa, Trương Bảo Khánh tự đi bằng xe đạp. Ngày hắn đi, mẹ hắn cứ bịn rịn hỏi sao không ở nhà thêm mấy hôm nữa, lũ em thì léo nhéo đòi theo vì ánh đèn phố huyện có sức hấp dẫn quá lớn đối với con trẻ. Dượng tư đứng bên ngoài vòng vây quyến luyến đó, rũ mi mắt. Hắn không thể ngăn mình lén nhìn dượng, dẫu giữa dượng và hắn chẳng có gì để gửi gắm lẫn nhau. Rồi khi mắt hai người vô tình chạm nhau, hắn thấy ở dượng một sự chịu đựng đến tội nghiệp, một tiếng kêu cứu thoi thóp đến vô vọng. Nhưng Trương Bảo Khánh quyết định quay đi. Hắn guồng chân, đạp xe trối chết. Đừng để ý, hắn nhủ lòng như thế. Đó là lựa chọn của dượng cơ mà, khổ mấy cũng phải tự chịu.

Trương Bảo Khánh đạp đến đường lớn, chợt nghe thấy Thái Qua gọi với đằng sau. Không biết con bé chạy theo hắn từ bao giờ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đuổi kịp hắn, Thái Qua vừa thở phì phò vừa trách móc: “Anh cả, sao anh nhanh thế? Quay ra quay vào đã mất hút rồi.”

Anh trai thường dễ mủi lòng trước em gái, huống hồ Thái Qua lại ngoan ngoãn. Trương Bảo Khánh dùng ống tay áo lau mồ hôi chảy trên má con bé, “Đuổi theo anh chi cho nhọc? Có gì đợi anh đến nơi gọi điện thoại không được à?”

“Không được, em có cái này phải đưa cho anh cả mà.” Đoạn, Thái Qua móc từ trong túi ra chiếc vòng đan bằng sợi đay, quơ quơ trước mặt Trương Bảo Khánh. Hắn ngờ ngợ, hỏi ngược lại: “Ở đâu ra vậy?”

Thái Qua: “A Dịch, à nhầm… dượng tư bảo đây là vòng tránh tà. Tối qua dượng ấy chỉ em cách đan đấy. Đan cho anh một cái để lên đường bình an, không bị ma quỷ quấy rầy.”

Hồi hắn mới đi học, người ấy cũng đan tặng hắn một chiếc như vậy. Hắn nhận lấy đầy vui vẻ, nghĩ rằng sẽ mãi mãi không tháo ra. Nhưng ai biết được vật đổi sao dời, người ấy không chờ hắn, vòng vèo gì đó hắn cũng ném quách đi rồi.

Trương Bảo Khánh để Thái Qua buộc vòng vào cổ tay mình. Xong xuôi đâu đấy, hắn dặn dò em gái: “Em ở nhà chăm chỉ học hành, nghe lời cha mẹ. Dạo này mẹ em thường không được vui, em là con gái phải tâm sự an ủi dì nhiều vào. Với lại… dượng tư ở sân sau một mình, chả có ai để trò chuyện. Lúc nào rảnh rỗi, Thái Qua sang chơi với dượng ấy nha. Lần tới về, anh sẽ mua búp bê Nga cho em, chịu không?”

Con bé không do dự, vâng dạ ngọt xớt. Mới mười hai tuổi, là tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Dầu mẹ nó có cắm sừng cha bọn họ, khiến ông lão tức điên mắng chửi ầm ĩ từ nhà ra ngõ, thì việc được lớn lên trong một gia đình sung túc có anh có chị có mẹ lớn mẹ nhỏ cũng phần nào khiến nó không phải để bụng nhiều. Khác với nó, hồi bằng tuổi Thái Qua bây giờ, người ấy đã phải bươn chải kiếm tiền trả nợ cho cha. Từ lúc quen hắn, người ấy mới biết bánh bao thịt có mùi vị gì.

Đột nhiên Trương Bảo Khánh thấy bớt giận người ấy đi một chút.

.

Lần tiếp theo Trương Bảo Khánh về nhà là vào nửa năm sau, khi mẹ ruột hắn mất. Mẹ hắn sức khỏe yếu từ hồi còn trẻ, sinh hắn xong là coi như hoàn thành nghĩa vụ với nhà họ Trương, cũng chả tha thiết gì cha hắn. Chắc vì lý do ấy nên cha hắn càng được đà, nạp vợ bé rồi cặp kè nhân tình nhân ngãi một cách ngang nhiên. Trước khi xảy ra sự việc lão lấy một thằng bé kém tuổi con trưởng nhà mình về làm vợ, bà chưa từng có ý kiến gì về thói ong bướm của chồng, quan hệ của bà với những người vợ khác cũng khá hòa thuận. Âu cũng bởi A Dịch là nam, lại còn nhỏ, khiến bà cảm thấy ô nhục thay cho nhà họ Trương và hổ thẹn cho cái danh phận bà cả của mình.

Song dường như lúc còn sống, mẹ hắn cũng không ghét dượng tư cho lắm. Dượng ít nói, thi thoảng lẫn trong đám gia nhân phụ những công việc vặt vãnh như chẻ củi, trồng rau; nếu xưởng gốm thiếu người, dượng sẽ lặng lẽ giúp một tay. Dần dà mẹ hắn dịu đi những ác cảm ban đầu, thậm chí còn bảo dượng nếu có thời gian thì học thêm nghề làm gốm, đặng sau này cho lo xưởng… Thái Qua kể lại, sau khi nghe mẹ cả nói thế, khuôn mặt dượng tư sáng lên. Lần đầu tiên kể từ ngày làm dâu nhà họ Trương, đôi mắt buồn hiu của dượng mới thoáng ý cười, nom tươi tắn hẳn.

Trước khi Trương Bảo Khánh về tới, dượng luôn túc trực bên linh cữu mẹ hắn. Những người khác trong nhà tuy thương tiếc nhưng lại thần hồn nát thần tính, không dám đến gần người chết. Dượng tư thì chẳng có vẻ gì là sợ sệt, ngồi trông suốt một đêm, đến lúc thấy bóng dáng Trương Bảo Khánh ngoài cổng mới lui ra. Đứng trước hắn, dượng vẫn rũ mắt như cũ, song nói năng hiếm khi nào mạch lạc được như vậy: “Hồi tối ăn cơm xong, bà kêu mệt nên đi nằm sớm. Tôi mang nước sang cho bà ngâm chân, không nghe thấy bên trong có động tĩnh gì. Có lẽ… bà ra đi trong lúc ngủ. Cậu Khánh, mẹ cậu là người nhân hậu, đoạn đường sắp tới của bà chắc chắn sẽ suôn sẻ.”

Hắn đương chìm trong nỗi buồn đau mất mẹ, nhưng vẫn kịp để ý thấy dượng tư tiều tụy đi nhiều, nước da nhợt nhạt. Trong giây phút yếu đuối, Trương Bảo Khánh chẳng thể dằn lòng mà làm ngơ dượng được nữa, nghẹn ngào: “Cha tôi có đối tốt với dượng không?”

Khóe mắt hoe đỏ của dượng càng thêm buồn rầu. Dượng cúi đầu trước mẹ hắn đầy thành kính, đáp: “Ông và các bà đều tốt với tôi lắm.”

“Thế sao trông dượng lại thành ra thế này?” – Hắn tiếp tục vặn vẹo.

“Tôi…” Nét bối rối thoáng qua trên khuôn mặt dượng. “Cậu nhìn nhầm rồi.”

Sự né tránh đó chỉ khiến tinh thần đang bất ổn của Trương Bảo Khánh trở nên nhiễu loạn hơn. Hắn mặc kệ tất thảy, lớn tiếng: “A Dịch! Sự trả giá này có xứng đáng không?”

A Dịch sửng sốt vì tên mình một lần nữa được thốt ra từ miệng người ấy, cảm giác thân thuộc, biết ơn và cả đắng cay thi nhau ùa tới khiến dượng lao đao. Nhưng rồi dượng lắc đầu: “Cậu Khánh, mẹ cậu còn ở đây, chớ làm gì để bà phiền lòng.”

Hắn khựng lại, đau khổ lộ rõ, không nói thêm nửa lời.

Tang sự xong xuôi, Trương Bảo Khánh mượn cớ không muốn trễ nải chuyện bài vở, bắt xe lên huyện ngay. Suốt những đêm thức trắng, hắn cuối cùng cũng nghĩ ra con đường mình sẽ đi. Hết học kỳ này, hắn sẽ ra thành phố, làm lụng ở đó, sinh tồn ở đó, không trở về đây nữa. Cơ nghiệp nhà họ Trương có thể trông cậy vào Nhị Tị Tử. Hồng Quả, Thái Qua tuy là con gái nhưng đều lanh lợi, thông minh. Không có Trương Bảo Khánh, xưởng gốm gia truyền hẳn vẫn sẽ vững vàng.

.

Ở thành phố, Trương Bảo Khánh cùng với vài người bạn chung vốn mở một tiệm sửa đồ điện tử. Hắn không giỏi làm gốm, nhưng với mấy thứ đồ lạ lẫm nhập khẩu từ Tây về thì lại rất thích mày mò nghiên cứu. Mới mở nên chưa có lời lãi gì nhiều, cuộc sống chốn phố thị cũng khắc nghiệt truân chuyên, song hắn được làm chủ mọi thứ, làm chủ cuộc đời mình – điều đó trở thành động lực để Trương Bảo Khánh bám trụ lại nơi này.

Thi thoảng hắn gọi điện về, nghe Thái Qua tíu tít kể chuyện nọ chuyện kia. Hôm rồi con bé khoe sẽ được học tiếp phổ thông, cha sợ nó bỏ học lấy chồng sớm rồi lại hư đốn như mẹ nó. Còn Hồng Quả sang năm sẽ được gả đi, người kia là con nhà trí thức, hợp với tâm hồn hay mơ mộng của cô nàng. Nhị Tị Tử dạo này đã siêng năng hơn, rất chăm ra vào xưởng gốm. Cha và các dì vẫn khỏe mạnh. “Nhà cửa đều ổn, anh cả cứ yên tâm làm việc nhé!” – Thái Qua tổng kết lại như vậy sau một hồi kể lể.

“Thế… dượng tư thì sao?” Hắn nuốt nước bọt, tim đánh như trống bỏi khi nhắc về người ấy. “Dượng tư có khỏe không?”

Đến đây, giọng Thái Qua đầu dây bên kia chợt nhỏ lại: “Dượng tư không khỏe, vừa mới ốm dậy. Bữa đó dượng ấy đau bụng dữ lắm, phải ra bệnh xá nữa kìa. Em nghe bảo trong ổ bụng dượng ấy có một vét loét rất lớn, còn bị nhiễm trùng. Ui, nghĩ mà sợ!”

Trương Bảo Khánh đang ngồi ghế đẩu bỗng đứng phắt dậy, nắm chặt ống điện thoại, sốt ruột: “Có nguy kịch không? Giờ dượng tư ở đâu? Bệnh tình thế nào rồi? Chuyện nghiêm trọng vậy mà sao bây giờ em mới báo cho anh?”

Không dưng bị to tiếng, Thái Qua ú a ú ớ chả nói được gì. Mãi một lúc con bé mới phân trần: “Bác sĩ chích thuốc cho dượng ấy rồi. Dượng tư cũng chỉ ở lại bệnh xá dăm hôm là về liền. Nhưng cha không vui, mà hình như cũng không phải vì lo lắng cho dượng. Tại dượng cứ bắt em phải hứa không được nói anh biết nên… Anh cả, anh giận em ạ?”

Trán Trương Bảo Khánh rịn mồ hôi lạnh. Hắn có thể tưởng tượng ra rất nhiều đêm, cha hắn và thú vui chăn gối dã man của lão đã khiến A Dịch khổ sở nhường nào. Rồi hắn nhớ về ánh mắt tuyệt vọng của dượng, ánh mắt đã thiêu rụi lòng hắn, ám ảnh hắn cả nửa năm trời. Nửa năm sau, ánh mắt ấy trở nên trống rỗng, tưởng như chính dượng cũng đã tắt lửa lòng. Trương Bảo Khánh siết chặt khớp hàm, hắn đã làm gì thế này?

“Nếu anh nói anh giận thì em có khóc không hả?” – Hắn dịu giọng với Thái Qua, dẫu máu nóng trong người vẫn đương sôi lên. Con bé hiển nhiên không biết điều đó, vô tư đáp: “Anh cả, anh quan tâm dượng tư thật đấy!”

“À em suýt quên mất,” nó reo lên, “hồi trước anh với dượng ấy cũng chơi với nhau mà phải không? Dượng tư còn đến nhà mình một lần… tuy là chỉ đứng ngoài cổng, lúc ấy em hẵng còn bé.”

Đúng vậy, hồi dượng tư chưa phải dượng tư mà còn là A Dịch, đã rất nhiều bận Trương Bảo Khánh mời người ấy tới nhà mình chơi; song A Dịch luôn từ chối. Người ấy thường viện đủ loại lý do, rằng thì “em chưa bán xong mẻ đậu phụ này nên không đi được”, có lúc lại bảo “hôm nay cha em ở nhà, không thấy em về sớm chắc ổng lật tung cái thôn này lên quá”, khi là “thím hàng xóm nhờ em lắp hộ cái bóng đèn rồi, để lúc khác nha”. Ban đầu Trương Bảo Khánh cũng tin thật, nhưng dần dần hắn nhận ra A Dịch từ chối hắn tưng ấy lần chẳng qua vì cậu không muốn.

“Anh bán đậu phụ giùm em, hứa sẽ đưa em về sớm, sửa luôn cả bóng đèn nhà bà thím kia là được chứ gì? Em còn lý do nào khác mới mẻ hơn không?” – Hết chịu nổi, Trương Bảo Khánh rống lên. Bấy giờ hắn vẫn còn trẻ con, nghĩ gì nói nấy, không để ý xem lời nói của mình có thể khiến người khác buồn lòng.

A Dịch mân mê đầu ngón tay. Hắn liếc mắt, chợt thấy gấu áo của cậu nhóc đã sờn đến mức sắp rách. Lúc này Trương Bảo Khánh mới ngộ ra vấn đề.

“Nhà anh rộng quá, em không dám vào.” – Cuối cùng cậu cũng thú nhận. Nhưng chỉ một chốc sau, mắt A Dịch sáng rỡ lên, cậu nói đầy quả quyết: “Cơ mà khi nào em kiếm đủ tiền trả nợ, nhà hết nợ nần rồi em sẽ đi học. Em sẽ học thật chăm chỉ và đến nhà anh chơi nhé, anh Khánh?”

Sống mũi Trương Bảo Khánh nhói lên. Lúc A Dịch nói những điều này, họ đang ở trước cổng nhà hắn. Thậm chí khi hắn gật đầu, cậu còn cười rất tươi. Hắn có thể cảm nhận được niềm hy vọng mãnh liệt đầy ắp trong cậu.

Nhưng có lẽ niềm hy vọng ấy đã chết queo vào mùa xuân năm trước, khi cha hắn mua A Dịch về bằng vài nghìn đồng lẻ và mấy mẫu đất cỏn con. Một người bằng xương bằng thịt, có suy nghĩ có cảm giác, cũng chỉ đáng giá thế thôi.

.

Sau lần nói chuyện với Thái Qua, ước chừng khoảng ba tháng sau, Trương Bảo Khánh mới lại có thời gian gọi điện về nhà. Chuyển nơi ở mới cộng thêm mở rộng quy mô tiệm – nhiều việc cùng lúc khiến hắn bù đầu trong những mối lo toan. Chỉ sau khi cuộc sống đã ổn định hơn, đủ để hắn tự tin rằng mình có thể chăm sóc cho người mình muốn chăm sóc, gánh nặng đè trên vai Trương Bảo Khánh mới phần nào vơi bớt.

Trương Bảo Khánh hồ hởi quay số, nhưng làm sao mà biết được cuộc đời lại thích chơi hắn vào những lúc hắn đang phấn chấn nhất? Vừa nghe tiếng hắn qua điện thoại, đầu dây bên kia Nhị Tị Tử đã mếu máo chực khóc: “Anh cả, anh cả! Anh làm gì mà tụi em gọi cho anh hoài không được? Anh về ngay đi! Nhà mình bung bét hết rồi.”

Vì không biết hắn chuyển phòng trọ, đám nhóc em dưới quê cứ liên lạc theo địa chỉ cũ. Trong khoảng thời gian đó, nhiều biến cố đã xảy ra. Xưởng gốm nhà họ Trương gặp hỏa hoạn, một vài nhân công bị thương nặng, bà ba cuỗm phân nửa tài sản bỏ trốn theo nhân tình, lão Trương trúng gió nằm liệt giường, người làm khăn gói quả mướp biến hết… Bây giờ mọi việc trong nhà chỉ trông cậy vào một người phụ nữ chân yếu tay mềm là bà hai, cùng với lũ trẻ mười mấy tuổi: Nhị Tị Tử, Hồng Quả, Thái Qua và dượng tư.

Trong chớp mắt, dượng tư trở thành trụ cột gia đình. Dượng vốn lặng lẽ như một cái bóng, mà nay phải cùng bà hai chạy đôn chạy đáo lo thăm hỏi người bị nạn, bồi thường cho các bên thu mua gốm, hầu hạ lão già bệnh tật, trấn an những đứa con chồng chưa bao giờ biết khổ là gì. Của cải tiền bạc lần lượt đội nón ra đi, nhà họ Trương từng phú quý nức tiếng nay sa sút, chỉ còn lại cái vỏ chẳng biết cầm cự được đến lúc nào.

Nghe Nhị Tị Tử kể, Trương Bảo Khánh vẫn chưa thể tưởng tượng ra bóng dáng nhỏ thó ấy sẽ xoay sở thế nào giữa cơn phong ba đột ngột quét qua này. Đúng hơn là hắn không thể tưởng tượng nổi làm sao đời người ngắn ngủi mà dượng tư của hắn phải gồng gánh gia đình nhiều lần đến thế. Chỉ tới khi tận mắt chứng kiến tất cả, Trương Bảo Khánh mới tin lời mẹ hắn nói ngày xưa là thật, rằng người có người nọ người kia – mệnh có mệnh sướng mệnh khổ. Và A Dịch là người mệnh khổ.

Dượng tư đã cắt phăng mái tóc dài ngang vai, dượng bảo với đám trẻ là cắt đi cho mát, tiện làm việc. Nhưng thời thơ ấu, kể cả có phải lang bạt kỳ hồ, dượng cũng chưa bao giờ để tóc mình ngắn đến thế. Trương Bảo Khánh len lén nắm lấy cổ tay khẳng khiu của dượng, hỏi: “Tại sao Tư lại cắt tóc?”

Hắn không nghĩ dượng sẽ thẳng thắn trả lời, vậy mà dượng đáp: “Tôi có một đám trẻ đang cần đến mình. Đứa sợ không lấy được chồng, đứa sợ không được học tiếp, đứa còn lại đáng ngại hơn – nó bảo xưởng gốm đi rồi thì sau này phải sống kiểu gì. Chúng đã dựa vào tôi, tôi cũng phải làm một chỗ dựa xứng đáng cho chúng chứ.”

“Chúng nó có phải máu mủ ruột rà gì với Tư đâu? Tôi là anh chúng nó, tôi sẽ cáng đáng tất cả.” Trương Bảo Khánh thảng thốt, “Không! A Dịch, em được tự do rồi. Hãy làm những gì em muốn đi. Nhà em trả nợ xong rồi mà phải không? Cha tôi nằm liệt ra đấy chẳng biết gì nữa đâu, ổng không ức hiếp em được nữa đâu. Chuyện ở đây tôi sẽ lo. Em đừng bận lòng thêm nữa.”

A Dịch khẽ lắc: “Cậu Khánh, cậu có cuộc sống của riêng cậu, hoài bão của riêng cậu. Tôi ít học, cũng chả có mơ ước gì. Rời khỏi đây rồi tôi cũng chẳng biết phải đi đâu. Cậu cứ để tôi được làm tròn bổn phận với nhà họ Trương. Còn cậu, tương lai cậu tươi sáng lắm, không nên để bị chôn vùi ở vùng thôn quê này.”

Quê nghèo lạc hậu, hắn muốn vươn xa hơn. A Dịch thấy được khát vọng trong hắn, nhưng khát vọng của Trương Bảo Khánh đâu chỉ có thế? Hắn giữ lấy cằm A Dịch, trao đi ánh nhìn cháy bỏng và thiết tha, mở lời: “Em có muốn đi cùng tôi không?”

Giống như chiếc vòng sợi đay hồi trước bị hắn ném xuống sông, câu hỏi của hắn bây giờ cũng rơi vào im lặng. Họ đứng trước xưởng gốm ngổn ngang sau vụ cháy, khung cảnh điêu tàn ấy chẳng đủ sức thổi lên bất kỳ niềm hy vọng nào. Thế nhưng ở đó có một khóm lộc vừng, lá cây vẫn xanh tốt đến quái lạ. Nó khiến cho Trương Bảo Khánh sinh ra một suy nghĩ rằng mình không nên phí hoài khoảnh khắc này. Bởi vậy, hắn luồn tay vào mái tóc ngắn của A Dịch, một điều mà hắn đã muốn làm bấy lâu nay, rồi rướn người hôn lên trán dượng. Dượng tư không tránh, dượng để chính mình trôi nổi trong mớ cảm xúc lâng lâng này. Có thể điều đó thật trái với đạo lý và lương tâm, song A Dịch rất luyến lưu sự dịu dàng của Trương Bảo Khánh – ấm áp, mềm xốp, thơm phưng phức như cái bánh bao nhân thịt mà hắn mua cho dượng nhiều năm về trước.

“Anh Khánh, cho tôi gọi anh nốt lần này thôi.” Bao nhiêu dũng khí của đời mình, dường như A Dịch dồn cả vào giây phút nghẹn ngào ấy. “Anh đừng khổ tâm vì tôi nữa, mai mốt anh sẽ gặp được những người tốt hơn tôi nhiều lần. Cuộc đời tôi đã nát tươm, nhìn đi nhìn lại cũng chẳng có gì đáng giá. Nhưng tôi có một mong mỏi là anh có thể cắt đứt những vướng bận về tôi và sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Anh Khánh, anh cho tôi được toại nguyện nhé?”

Mười chín tuổi, với nhiều người chỉ mới là khởi đầu; nhưng với A Dịch, lứa tuổi đẹp đẽ đó đã bị thắt nút trong một sợi thòng lọng rồi thả xuống miệng giếng sâu. A Dịch chưa bao giờ dám mơ về một thời thanh xuân đẹp đẽ như mơ. Sau khi trở thành dượng tư nhà hắn, cậu trai ấy cũng tự ném đi tuổi trẻ của mình. Cứ như thể dò dẫm trong một đường hầm, đi tới đâu biết tới đó.

Trương Bảo Khánh chỉ cho A Dịch khóm lộc vừng vẫn sinh trưởng tươi tốt sau cơn hỏa hoạn, hắn chắc nịch – hơn cả một lời hứa hẹn: “Giống như nó, tôi cũng sẽ không thỏa hiệp đâu. Tôi sẽ cho em thấy không một cuộc đời nào đáng để bị chôn vùi. Em không muốn nhìn tôi rơi vào cảnh ấy, tôi cũng không muốn em phải chịu như vậy. Còn em bảo tôi để cho em được toại nguyện hả? Còn lâu!”

Ánh sao lơ lửng trên những nếp nhà, mỗi ngày mai tới đều mang theo một tia sáng. Nhưng lỡ như ánh sao vụt tắt và ngày mai tăm tối, hắn cũng phải nắm chặt tay người này đến cùng.

Bạn đang đọc truyện Vì Mắt Em Biếc Nên Ta Mềm Lòng của tác giả Tống. Tiếp theo là Chương 2: Mềm Lòng