Sáng hôm sau, thằng Liêu thức dậy với một tâm trạng mệt mỏi, có lẽ chỉ đêm qua thôi đã là một ác mộng kinh hoàng đối với nó rồi. Đến giờ nó buồn nôn lắm, nghĩ đến khuôn mặt đó thôi thì cũng đủ nôn thốc nôn tháo rồi. Từ gian sau vọng lên một tiếng gọi:
“Liêu ơi! Con đã dậy chưa, xuống ăn sáng để chuẩn bị lên huyện chơi nhé!”
Nghe được việc lên huyện chơi, nó cũng vui vẻ phần nào, sống ở đây cũng lâu mà việc lên huyện để chơi thì cũng đếm trên đầu ngón tay thôi, cũng phải mà, huyện thì xa mà đi thì tốn kém lắm, nhà thằng Liêu cũng dạng chạy bữa từng ngày thôi nên cũng không mong cầu gì các thư ăn chơi ở huyện chứ nói chi ở trung tâm tỉnh. Nó dụi dụi hàng mi đứng dậy gấp chăn, gối rồi đi xuống gian sau. Vừa đi gần tới gian sau, nó núp một góc sau cánh cửa hỏi má nó với một giọng điệu lo lắng.
- Liệu con có gặp nữa không ?
Bà Thắm đang loay hoay thì chợt khựng lại vài giây, má nó thở dài rồi gượng cười trấn an con: “Tất nhiên là không rồi, có má ở đây thì chả có thứ gì dám động vào Liêu cục vàng của má cả.”
Thằng Liêu thấy thế liền cười tươi, nó toát lên sự hồn nhiên như một người khác, khác xa như những gì mọi người thấy hôm qua. Nó chạy lại ôm má nó thật chặt rồi đi tới bàn ăn. Thật ra nhà nó ăn đơn giản lắm, cũng vì thế mà tính của thằng Liêu cũng không cầu kỳ, ăn đơn giản để tiết kiệm cho nhà nhất có thể thôi. Người ta nói đứa trẻ đáng thương nhất là đứa trẻ hiểu chuyện nhưng có lẽ ngoài sự đáng thương ấy thì cũng có sự hạnh phúc trong chính tâm hồn chúng, như thằng Liêu đây, hạnh phúc nhất là khi được bên cạnh những người nó yêu thương.
Khi ăn xong, Gia Liêu cũng đi chuẩn bị để lên huyện cùng với ba má nó, vừa ra tới cửa nhà thì nó bất giác hỏi:
- Ba đâu rồi má ? Bộ ba không đi với má con mình sao ?
Bà Thắm ôn tồn bảo: “À, sáng nay ba con có chuyến đi đánh bắt, chắc là chiều mới về. Hôm nay chỉ má con mình đi thôi, đừng buồn con nhé!!!”
Thằng Liêu chợt xụ mặt vì có chút buồn, nhưng thôi vậy. Nó và má nó đi tới một chiếc xe máy cũ kỹ, dù sao thì đó cũng là kỷ vật cuối cùng mà ông nội nó để lại trước khi mất, nhà cũng không đủ khả năng sửa sang lại nên chiếc xe trông cà tàng như vậy. Chiếc xe vừa được đề máy thì Mẫn Thanh cũng chạy qua đưa cho Gia Liêu một chiếc vòng được đan kết.
“Xem này Gia Liêu, mình kết vòng cho cậu nè, đeo nó vào, cậu sẽ không cảm thấy sợ hãi nữa. À mà Gia Liêu và cô Thắm đang đi đâu thế ạ?”
Gia Liêu nhận lấy rồi khen ríu rít, nó cảm ơn liên hồi. Bà Thắm thì tươi cười nói rồi với nhỏ Thanh: “À, cô và thằng Liêu lên huyện có việc, cháu ở nhà chơi vui nhé, chiều về Liêu nó lại sang cháu chơi.”
Nhỏ Thanh gật gù rồi quay về nhà. Từ nhà Gia Liêu mà lên tới huyện thì khá xa, mất tầm nửa giờ đồng hồ. Nói nửa giờ cho lọt tai thôi chứ băng qua khu rừng chắn ngang làng chài đã là một vấn đề lớn. Rừng Hàm U - Khu rừng chia nửa giữa làng chài và quốc lộ hướng về huyện, nơi đây âm u ảm đạm vô cùng. Người dân đa phần đi qua đây thì chỉ dám đi vào sáng sớm, độ tám chín giờ chứ chẳng ai dám đi vào ban đêm hay tờ mờ sáng cả. Cùng má mình băng qua con đường mòn ở khu rừng, đường đi gồ ghề, tay lái nếu không vững thì có thể té nhào lộn như chơi, Gia Liêu chợt lướt ngang một ngôi nhà nhỏ ven đường, trông nó rách nát tồi tàn thế lại thu hút ánh nhìn của nó. Hướng đôi mắt long lanh của mình về căn nhà đó thì nó thấy một người đàn ông đang đứng sau khung cửa mà nở một nụ cười không mấy bình thường. Lúc này, nó càng ôm má nó chặt hơn vì sợ, nó vội nói:
- Má ơi, có người nhìn con từ ngôi nhà đằng kia kìa!
Bà Thắm chợt xanh mặt, bà biết con mình có thể nhìn thấy thứ không nên thấy nên vội nói với con: "Dù có thấy bất kỳ thứ gì thì con cũng phải làm ngơ đi nhé."
Sau mười lăm phút lăn bánh, cuối cùng cả hai má con đều ra khỏi con đường mòn đó mà đi đến quốc lộ. Có thể nói, ngoài việc đi học trường bổ túc ở trong làng ra thì nó chưa một lần bước ra khỏi khu rừng ấy nên khi tới quốc lộ, Gia Liêu lại ngạc nhiên vì lần đầu tiên ra khỏi làng. Bà Thắm cứ thế mà chạy cho đến khi tới huyện Hải Sơn.
Gia Liêu có vẻ bất ngờ vì khung cảnh ở huyện có vẻ đông người hơn so với ở cái làng chài nhỏ bé của nó nhưng mà thú thật thì ở đây có lẽ ồn hơn cả tiếng sóng biển ấy. Phiên chợ huyện tấp nập người qua lại, tiếng rao bán rau, thịt cá vang lên rồi xếp chồng lên nhau tạo nên một bản hợp xướng chói tai. Không nói năn gì, bà Thắm chở Gia Liêu tới trước căn nhà đang kéo rèm kín bưng, má nó vừa xuống xe thì có một người đi ra từ sau tấm rèm đó, người ta cất tiếng: "Má con đang đợi."
Gia Liêu cũng vừa xuống xe, lúc này nó có nhiều thắc mắc đang hiện trong đầu, tới đây làm gì nó cũng chẳng biết. Chợt, má của thằng Liêu nói: "Liêu con, vào đi nhé!"
Nói rồi, cả bà Thắm và Gia Liêu cùng bước vào trong. Vào tới trong, khung cảnh khá ngột ngạt, chắc do không mở cửa sổ, mọi thứ đều kin kít tới mức chắc chẳng có hạt bụi nào lọt qua đợt. Hai má con bước tới một cái bàn thờ gia tiên, Gia Liêu nhìn những người trên những di ảnh đang thờ thì nó chỉ vào một bức ở giữa.
- Ông nội phải không má?
Bà Thắm gật gù rồi một người phụ nữ ăn mặc lạ kỳ bước từ trong ra, người phụ nữ liếc nhìn Gia Liêu một lúc rồi nói: "Gặp cô của con mà không một lời chào sao, Gia Liêu?"
Má của thằng Liêu hốt hoảng vội nói: "À má quên nói, đây là cô của con là chị của ba con ấy."
Gia Liêu chợt nhớ lại thì liền cúi đầu chào. Bà cô của Gia Liêu liền nói tiếp: "Có lẽ việc trở thành "đồng cốt" đang trở nên quá sức đối với một cậu bé ở độ tiểu học. Gia Liêu, con theo anh con ra ngoài chơi một chút nhé ? Tí nữa rồi quay lại." - Bà cô liền quay vào trong.
Từ bên trong có một chàng độ chừng mười lăm, khuôn mặt điển trai, tướng tá khôi ngô, cậu ta cất lời: "Em muốn ăn gì thì anh dẫn đi."
Ngầm hiểu được ý của bà cô, bà Thắm vội đi theo bà cô mà không quên dặn dò Gia Liêu: "Nhớ theo sát anh con đấy !"
Thì ra chàng trai ấy chính là con của bà cô đó, sống trong cái không khí ngộp thở trong căn nhà này mà chàng trai đó vẫn sáng sủa lắm, chắc là vì sống đức độ lắm đây. Phía buồng trong, bà Thắm và bà cô ấy ngồi đối diện nhau, bà cô nói trước: "Xem ra cháu nó vừa trải qua nhiều chuyện lắm, mày để nó đi một mình nhiều lắm à ?"
Bà Thắm ấp úng: "Là do em không để ý mà để nó đi chơi đêm."
Bà cô nói tiếp: "Không phải, là thứ đó bắt con mày phải đi."
"Thứ gì vậy ạ? Có phải là cái bà già mà Gia Liêu nói hay gặp không hả chị?" - Má Liêu nói.
Bà cô vội đáp lời như đã biết hết tất tần tật: "Tao không rõ, tao chỉ biết thứ đó đang cận kề hơn với Gia Liêu, nhưng vấn đề ở đây là tao không phải thầy pháp mà ngăn cách âm dương cho thằng bé được. Mày phải tìm một thầy pháp về chữa cho thằng bé. Tao chỉ có thể giúp thằng bé hạn chế nhìn thấy thứ không nên thấy thôi."
Má thằng Liêu thở dài, với trái tim của một người mẹ, bà Thắm quyết không để con mình chịu khổ, bà nói với giọng xót xa: "Không còn cách nào khác sao? Phải có cách chứ?"
"Tao không biết linh cảm của tao có sai không ? Hình như thằng Liêu đang được ai đó hộ mệnh nên thứ đó không thể chạm vào, nhưng không lâu đâu, nếu thứ đó phá vỡ được liên kết đó thì chắc chắn Liêu sẽ gặp nguy. Mày nên chuẩn bị tinh thần đi." - Bà cô xuýt xoa.
Nói thế, bà cô đi đến góc rồi cầm một bộ bài tây ra, bả nói: "Để tao xem cho nhé..." - Bà cô từ từ trải bài, những lá bài lần lượt bốc lên, bả tặc lưỡi, trông có vẻ bất lực: "Xui quá, họa toàn họa."
Bà Thắm nôn nóng: "Không còn cách nào giải được sao ạ?"
Bà cô thở dài rồi nói: "Thật ra vẫn còn, nhưng có lẽ phép trấn yểm chỉ có tác dụng cho đến năm nó 17 tuổi thôi. Đây, tao chỉ, cách khu chợ này đi về phía Đông thêm 500m thì gặp một căn nhà nhỏ, tới được rồi thì bước vào luôn, không nói năn gì hết. Đi sớm và về trước sáu giờ chiều."