Giữa mùa đông, hoàng đế chiếu cáo với toàn bộ quan lại rằng, phía Nam Địa vừa có người tra ra Hạ Trầm Dư từng tư thông với con gái của Nam Địa vương, mưu đồ kết phái tạo phản. Để diệt trừ hậu hoạ, lập tức ban chết cho y.
Điều khiến mọi người bất ngờ hơn là, "con gái của Nam Địa vương" không phải ai khác mà chính là Giang Sơ Nghiên.
Giang Sơ Nghiên hai mươi bảy tuổi, Nam Địa vương hai mươi bảy năm không nhận con, vào đúng lúc này lại có người nói nàng là quận chúa thành Nam Khê? Hơn nữa nàng không có người thân, lại chết cách đây một thời gian, không có kẻ đối chứng. Đáng tin không? Không hề! Đây chẳng qua chỉ là một cái cớ tùy tiện ban ra để hoàn toàn diệt trừ Hạ Trầm Dư mà thôi.
Sở dĩ hoàng đế không trực tiếp ban chết cho y là bởi vì lòng trung thành An Khâm Quân dành cho y dường như còn cao hơn dành cho hắn. Quân đội vừa giao chiến trở về, bất cứ lúc nào cũng có thể bị bức ép đến làm liều, dẫn binh tạo phản.
Thế lực Hạ gia lụi tàn nhanh đến mức trở tay không kịp, những người trước đây ủng hộ Hạ thừa tướng và Hạ Trầm Dư bắt đầu cuống cuồng lo sợ tìm cách nịnh bợ Lý Thuần Quân, dọn sẵn đường lui cho mình.
Trách làm sao được, khi gió chiều nào xoay chiều ấy vẫn luôn là quy luật tất yếu của con người, trước giờ không hề thay đổi?
Trung quân ái quốc không thắng được nghi kị.
Chiến công hiển hách không thắng được lòng tham.
Nghĩa khí quân tử không đọ được với dạ tiểu nhân.
Hàng ngàn sinh mạng chẳng so được với một chút vinh hoa quyền quý.
Nói ra cũng thật trào phúng. Nể trọng bao nhiêu, kính phục bao nhiêu, không phải cuối cùng cũng đều hoá thành tro bụi hay sao?
Bấy giờ, Nguyễn Thuần Nhiên và Trương Lăng tuy đều là công thần, được phong chức tước, nhưng đều bị cử đi bảo vệ biên quan. Dẫu sau bọn họ cũng là người của Hạ Trầm Dư, hoàng đế đương nhiên không thể giữ lại kinh thành. Tin dữ nhanh chóng truyền tới chốn biên ải. Chánh Hiệu úy Trương Lăng vốn đang ngồi viết tấu chương, tức giận hất đổ đồ đạc trên án thư, đóng cửa uống rượu một mình thâu đêm.
Cắt da cắt thịt, lạnh thấu tâm can.
Phó úy Nguyễn Thuần Nhiên trấn vùng biên phía tây bắc, nhận được thông tin chậm hơn một chút. Trái với Trương Lăng, hắn không có phản ứng gì, sau khi thuộc hạ đi rồi vẫn còn ngồi đờ đẫn thật lâu.
Hắn không tin, một chữ cũng không tin.
Hắn nhẹ nhàng vuốt ve lưỡi kiếm Tai Tuyết lạnh lẽo, thở dài đứng dậy đi ủ một vò rượu hoa mai.
Sư phụ, đợi rượu ủ thơm rồi, người sẽ trở về chứ?
***
Nước sông Nhị Hà chảy xuôi theo chân cầu, tàn nhẫn kéo thời gian trôi nhanh. Đông đến rồi lại qua đi, tuyết phủ trắng cõi lòng. Chẳng mấy chốc đã đến giao thừa.
Từng có người nói với thiếu niên, sau này, bất kể thế nào, y cũng sẽ cùng hắn đón giao thừa.
Từng có người hứa với hắn, khi khải hoàn trở về sẽ dạy hắn thổi khúc tiêu ngày nọ.
Từng có người nhẹ nhàng nắm lấy tay hắn đưa từng nét bút, lưu lại trên giấy bao hoài niệm cùng nhớ mong.
Từng có người giành của hắn vò rượu hoa mai, thong thả ngồi trên võ đài, khắc sâu vào tâm khảm hắn, hóa thành chấp niệm.
Hôm nay hắn mới phát hiện, thì ra y cũng có khi thất hứa. Mơ hồ bỏ qua một khắc luân chuyển của thời gian, để rồi khi tỉnh lại, giật mình nhận ra đã lạc mất nhau cả một đời...
Hắn thu mình vào một góc, bỏ mặc không khí ồn ào của cái tết đang đến gần ngoài kia.
Năm nay vẫn hệt như năm trước, mất mùa, chỉ có vài cái bánh chưng cùng hũ rượu nhạt. Pháo hoa vẫn rực rỡ như thế, quân sĩ vẫn vồn vã như thế, nhưng người đã chẳng còn bên cạnh hắn nữa rồi. Hắn thầm nghĩ, nếu người không quay trở về, liệu có tốt hơn không? Rời xa cuộc đời đầy thị phi tranh đoạt, từ bỏ mọi ân oán hận thù, từ đây ly biệt. Nhưng con người y có thể buông xuôi sao? Hắn biết, chỉ cần y còn sống, thì không thể.
Chờ đến khi mọi thứ đã chìm vào thinh lặng, Nguyễn Thuần Nhiên phát hiện mình đã vô thức đứng trước tán cây nơi chôn vò rượu hoa mai mới ủ. Rượu chưa nồng, trôi vào cổ họng chỉ có vị đắng chát đến quặn thắt gan ruột.
Không phải, hình như còn có một chất lỏng mằn mặn đang chạm rãi chảy xuôi, hoà lẫn vào không gian tịch liêu đến rợn người. Hắn say rồi, tựa đầu vào gốc hồng mai thiếp đi. Mộng đẹp đến thế nào, người lại thi thoảng khẽ mỉm cười?
Sáng hôm sau, khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua kẽ lá, hắn cũng mơ màng tỉnh dậy. Sương sớm đọng lại trong từng tiếng chim hót trong trẻo, thức tỉnh hắn nhận ra, có vẻ như năm mới lại bắt đầu rồi. Xuân đến, gió khẽ lay động trên từng cành cây, mang theo hương thơm thoảng qua của chồi non xanh mát. Nguyễn Thuần Nhiên bắt đầu học tiêu.
Hạ về, nơi nơi nóng như lửa đổ. Biên ải thi thoảng xảy ra vài trận tập kích nhỏ, đều bị vị tướng quân họ Nguyễn mới đến tây bắc vài tháng đứng ra dẹp yên. Hắn thật kỳ lạ, thương nặng bằng mấy cũng vẫn liều mạng, chiến thắng trở về lại tự nhốt mình ở trong trướng, vụng về băng bó.
Thu sang, lá vàng rơi lả tả. Gió đìu hiu hơn, hoàng hôn cũng đượm buồn hơn không ít. Dư vị ấm áp của mùa hạ vẫn còn. Trăng vừa tròn. Hương hoa quế vừa đạt đến độ nồng đượm. Mỗi khi sương xuống, có một người ở quân doanh thường đi đến cây cầu nhỏ bắc ngang qua sông ngắm mặt trời lặn, thổi một khúc nhạc tiêu điều. Lâu dần, người ta để ý đến hắn nhiều hơn, biết được khúc nhạc đó mang tên "Hà Lương", cùng tên với bội kiếm mà hắn luôn mang theo bên mình.
"Huề thủ thượng hà lươngDu tử mộ hà chi?"
Không ai rõ "hà lương" - nơi ly biệt trong lòng hắn nằm ở chốn nào, nhưng khéo thay, bội kiếm bằng bạc ấy từng thuộc về một người mà hắn vô cùng trân trọng.
Lập đông, trời đổ tuyết, giăng mắc khắp chốn nhân gian đầy khói lửa. Hồng mai năm nay nở đẹp hơn năm trước, chậm rãi xoá đi từng đoạn ký ức mờ nhoè. Khúc tiêu của Nguyễn Thuần Nhiên đã thành trác tuyệt, rượu đã ủ thơm, nhưng bóng dáng y dường như càng ngày càng xa vời...
Thoáng chốc đã ba năm trôi qua, ba lần luân chuyển theo quy luật cứng nhắc như vậy. Biên ải không một lần biến động, sự thái bình cực tĩnh lặng ấy khiến Nguyễn Thuần Nhiên cảm giác cuộc sống của hắn có lẽ đã ngừng lại từ bao giờ.
Cho đến khi vùng Tây Bắc bắt đầu xảy ra dịch bệnh.
Nói dịch bệnh không chính xác lắm, đúng hơn là người dân bị nhiễm độc với số lượng lớn. Đại phu ở đây chưa từng tiếp xúc với loại độc này bao giờ, nhưng Nguyễn Thuần Nhiên lại rõ hơn ai hết. Không phải triệu chứng của bọn họ giống với chiến mã trúng độc ở quân doanh trong trận chiến với Bắc Ly ba năm trước sao?
"Tướng quân..." - Một thuộc hạ thấy Nguyễn Thuần Nhiên điềm nhiên chạm vào xác người chết, không khỏi ái ngại nói.
"Không sao, thứ này sẽ không bị lây." - Nguyễn Thuần Nhiên ngắn gọn trấn an.
"Bà à, dịp này người trong nhà có dùng thứ gì đáng ngờ không? Như đồ ăn hoặc nguồn nước chẳng hạn?" - Hắn đăm chiêu quay sang hỏi bà lão bên cạnh - người duy nhất còn sống sót của hộ này. Người và động vật đều bị nhiễm với mật độ cao như vậy, khả năng xuất phát từ đồ ăn hoặc đồ uống là lớn nhất.
Bà lão lắc đầu: "Không có. Đồ ăn thức uống trước giờ của nhà tôi vẫn như vậy, nào đâu có thứ của lạ gì."
Nguyễn Thuần Nhiên nhíu mày. Manh mối khả thi nhất chưa kịp đi sâu đã bị đứt đoạn.
Tuy quan phủ lập tức cho cách ly hết tất cả những người có triệu chứng vào một ngôi miếu hoang, nhưng kỳ lạ thay, ngày qua ngày, dù không ai tiếp xúc với ai nhưng số người bệnh vẫn tăng lên đều đặn, thậm chí bắt đầu xuất hiện cả gia súc, gia cầm bị nhiễm. Lượng độc có vẻ rất nhỏ, người bệnh ban đầu nổi mẩn đỏ, vài ngày sau mới bắt đầu lở loét khắp người. Đến khi trở nặng, một số đổ ra dịch nhầy màu xanh, trở nên điên loạn rồi chết. Số khác may mắn sống sót, hoặc là bị mù lòa, hoặc khuôn mặt đã thối rữa đến biến dạng.
Lời của một tướng quân không có khiến thức về y thuật như Nguyễn Thuần Nhiên đương nhiên không đáng tin, nhưng có một vị đại phu từng đi ngao du nhiều nơi đặt chân đến chỗ hắn, xác nhận đây đúng là loại độc kia của Tây Vực. Điểm kỳ lạ là, khoảng cách địa lý giữa Tây Vực và Bắc Địa là vô cùng lớn, ai có thể cất công hạ độc từng người, và bằng cách nào?
Nhiều ngày trôi qua, không một đại phu nào tìm ra được cách chữa dứt điểm cho người bệnh, tuy nhiên trong quân chưa hề xuất hiện bất cứ ai bị nhiễm. Quân doanh tuy đặt không xa nơi dân thành Bắc sinh sống, nhưng hai nơi sử dụng hai nguồn nước từ hai nhánh sông khác nhau. Chính vì lý do này, Nguyễn Thuần Nhiên vẫn luôn đinh ninh rằng vấn đề nằm ở nhánh sông mà bách tính trong thành dùng để sinh hoạt.
Khi Nguyễn Thuần Nhiên đang đi phát đồ cứu tế cho người ở miếu hoang, đột nhiên hắn nhận được tin dữ: trong quân doanh cũng có binh sĩ bị nhiễm. Hắn vội trở về xem xét tình hình. Quân sĩ nọ đang sốt, mê man trên giường. Triệu chứng của người này rất nhẹ, mẩn đỏ mới chỉ xuất hiện mờ ở tay, sau khi được quân y cho uống thuốc hạ sốt thì dần tỉnh lại.
"Lúc các ngươi đi cứu tế có uống nước ở sông bên kia không?" - Nguyễn Thuần Nhiên vừa cúi đầu xem xét ghi chép về số người mắc mấy ngày gần đây, vừa quay sang hỏi một thuộc hạ.
"Thưa tướng quân, hình như là...có." - Một người cẩn thận nhớ lại. Trời sắp sang mùa hạ, thời tiết khô nóng, khát nước là việc không tránh khỏi.
Nguyễn Thuần Nhiên lập tức cho người thông báo với bên quan phủ, kêu gọi bách tính cùng chuyển sang gánh nước bên phía quân doanh. Quả nhiên, sau đó số người bị nhiễm đã giảm hẳn.
Xem ra ngọn nguồn của ôn dịch đã được phát hiện, có điều vấn đề sinh hoạt lâu dài cho bách tính vẫn cần được khắc phục.
Sau một thời gian, có người nhìn thấy một nhóm mặc y phục dạ hành thường xuất hiện bên bờ sông lúc nửa đêm.