Chương 8: Tư Hoài

Chương 8. Bức tranh

2,189 chữ
8.6 phút
131 đọc
3 thích

Duy há hốc mồm ra trước cảnh đó. Trang giấy đang phẳng lặng chợt rung lên rồi tái hiện khung cảnh thành phố Hà Nội ngất ngưởng những tòa nhà chọc trời, nhà cửa dựng san sát nhau cùng xe cộ qua lại nườm nượp như mắc cửi, hệt như những bản mô hình quy hoạch công trình thường được thấy trên vô tuyến. Tôi dời mắt nhìn xuống những tranh sách cổ, xác định niên đại rồi nhẹ xoay ngòi bút trên tay, bóng trăng Tây Hồ vỡ ra và các tòa nhà sụp đổ như một thước phim quay chậm, hiện ra một dải non nước ngàn dặm hiện lên sừng sững. Đài cao gác ngọc dựng lên với từng mái nhà nhấp nhô, từng giàn vải nhuộm in một nét mơ hồ vào bầu sương sớm long lanh ánh sáng mặt trời, cùng dải sông tĩnh vắng vắt ngang kinh thành. Cùng với đó, từng hàng chữ dần xuất hiện trên không trung. Tôi lại ngồi xuống, cúi mặt ghi ghi chép chép.

- Đây…đây là đâu vậy?

- Các phố phường của kinh thành Thăng Long xưa.

Duy suy nghĩ một lát rồi nảy lên:

- Ý là Hà Nội băm sáu (ba mươi sáu) phố phường?

Tôi ngơi tay bút, nở nụ cười:

- Sáu mươi mốt ông ạ.

Thấy nét cười trên mặt tôi trong phút chốc tắt ngấm, Duy cũng ngồi yên không dám tỏ ra tinh tướng nữa. Thực ra từ thời Lý, Thăng Long có 61 phường nghề, sau đó tới thời Lê mới chỉ còn 36, nhưng không phải là những cái tên Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,… như ca dao đám trẻ thường hay hát. Nhưng vẻ ủ dột trên mặt Duy cũng nhanh chóng qua đi, khi cậu ta chăm chú nhìn khung cảnh nấp nập chốn đô thành, có lúc định đưa tay chạm thử vào trang giấy nhưng tôi nhấn giọng “đừng có táy máy lung tung”, thế là cậu ta lại thôi.

- Cô phải xem hết mấy cái này à? – Duy e dè hỏi, hình như còn chuẩn bị tâm thế bị đánh luôn rồi.

- Nếu như tất cả các văn kiện cổ đều ghi chép chính xác, còn các bài nghiên cứu hiện đại đều sai lệch thì đơn giản rồi. Tiếc rằng không như vậy, cho nên không được phép chỉ nhìn một chiều. Vậy nên tôi vẫn phải chú ý tìm hiểu hết, mới kết luận đúng được.

Duy chống hai khuỷu tay lên bàn đỡ lấy cằm, nhìn tôi:

- Mấy cái này trên mạng không có sao?

Tôi thở mạnh một hơi, lòng bàn tay cầm bút đã siết chặt lại từ bao giờ. Trước nay mỗi khi làm việc tôi đều cần sự tập trung, cẩn trọng và tỉ mỉ, đột nhiên có người léo nhéo bên tai thế này thực sự không chịu nổi. Tôi tự nhủ rằng phải biết kiềm chế, đáp:

- Nếu có, thì tôi phải cất công đi thu thập làm gì? Tư liệu ghi chép về các phường nghề cũng sẽ thay đổi theo thời kỳ, tới nay thất lạc mất, chỉ còn rất sơ sài, người ta phỏng đoán nọ kia cũng làm sai lệch đi mất. Tới thời Lê, Thăng Long là đất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức thuộc phủ Phụng Thiên, mỗi huyện có 18 phường, tổng cộng 36 phường, chia làm tả hữu. Phường Yên Thái làm giấy; Phường Nghi Tàm dệt lụa; Phường Hà Tân nung đá vôi; Phường Hàng Đào nhuộm điều; Phường Tả Nhất làm quạt; Phường Thịnh Quang có long nhãn…

- À à, ra thế.

Theo nét vẽ của cây bút trên tay tôi, những dòng chữ trên không trung tan ra thành mảnh vụn vàng rồi lại hợp lại. Hình vẽ biến đổi, xé nhỏ thành những trang rộng chừng hai gang bàn tay. Mỗi trang tựa như một thước phim, có khi là cảnh buổi sớm mai ở Kẻ Chợ, có khi lại là khung cảnh nhộn nhịp trẩy hội tháng ba. Đó như từng mảnh ghép của một Tràng An thời kì vàng son ấy.

- Mà sau nhìn nhà này giống trong phim Trung Quốc quá vậy?

Chợt “cạch” một tiếng, tôi dằn cán gỗ cuộn văn thư xuống bàn đánh tiếng động lớn khiến Duy cũng giật nảy mình, chắc cũng nghiệm ra mình vừa lỡ mồm. Trang giấy trước mắt tan vỡ thành mảnh vụn, tạo thành một dải khói cuộn lấy quanh cán bút.

- Giống? Ừ, sao mà không giống cho được. Một ngàn năm Bắc thuộc, có muốn hay không cũng thế. Nhưng đó không có nghĩa là ta bắt chước, ăn theo họ. Trong lịch sử có một nhân vật tên Nguyễn An, có công rất lớn trong thiết kế và tu bổ kinh đô Bắc Kinh thời nhà Minh. Thế thì sao có thể nói chúng ta chỉ biết tiếp nhận cho được.

Trước mắt lại hiện lên hai hình ảnh đối nhau được dựng lên như một thước phim quay chậm để thấy rõ được tiến trình xây dựng cũng như kết cấu của công trình. Bên trái là một tư phủ có dạng hình chữ nhật, nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông - Tây và nhà đối diện với nhà chính, được khép kín bằng dãy nhà có cửa ở mặt trước. Sân vườn rộng được bao quanh bởi những dãy nhà bốn phía tạo thành hình chữ Khấu làm thành sảnh chính. Bên phải, là một căn nhà ba gian nhỏ lợp ngói mũi hài thấp có mái uốn cong đao quật như hình mũi thuyền lướt trên sóng, xung cây vườn xum xuê trái ngọt và ao cá hình chữ nhật phía trước sân, bao quanh cả khu nhà là tường rào dựng ken ô trám không cao lắm.

- Đây là tứ hợp viện. – Tôi chỉ tay vào tư phủ bên trái – Trung Quốc khi hậu khắc nghiệt, người ta mới xây nhà theo kiến trúc đóng thế này, ít tiếp xúc bên ngoài. Nhưng ở nước mình thì luôn cao ráo thông thoáng, tựa một điểm nhấn giữa thiên nhiên. Con người Trung Quốc xưa nay chỉ thích xâm lấn, thôn tính lẫn nhau, nên nhà của họ cũng phải có cảm giác choáng ngợp, tạo ra cảm giác lấn át, đè nén. Còn người Việt khiêm tốn, hiếu hòa, nên nhà cũng đơn giản mà trang nhã, cân xứng mà hòa hợp khoáng đạt. Còn có rất nhiều, rất nhiều điểm khác nữa.

- Tôi… - Duy nhìn tôi lúng túng, xem ra cũng nghiệm được rằng tôi đang giận.

- Thế nên về sau đừng nói mấy câu kiểu đấy nữa. Đừng bao giờ tự đánh đồng mình với người ta.

Vậy rồi không gian lại trở về một mảng yên tĩnh vốn có, chẳng ai nói với ai câu nào nữa. Tôi vẫn chuyên tâm đọc sách, còn Duy thì nín lặng, dù nét mặt còn làm như mình vô tội lắm. Chắc cậu ta cũng chưa hiểu được vì sao đột nhiên tôi lại khó chịu vậy, và có lẽ cũng chẳng bao giờ hiểu được.

Đối với một đứa trẻ, tính hiếu kì chính là đặc trưng rõ nhất. Dù tôi vẫn phải thuyết phục, dọa nạt các thứ nhưng rõ ràng bản thân cậu ta cũng xiêu lòng từ đầu rồi. Mà hào hứng, cũng chỉ là trong thoáng chốc, khi nào chán rồi, thì lại thấy tôi không khác gì kẻ rỗi hơi. Dù rằng tôi cũng chả thù vặt gì trẻ con đâu, nhưng tôi sẽ không bao giờ sợ mình nói thế có hơi nặng lời.

Chẳng biết thời gian đã trôi qua bao lâu, Duy cũng đã chống khuỷu tay lên một bên tay ghế mà gà gật, tôi buông cây bút xuống bàn gây tiếng động làm cậu ta tỉnh giấc, vươn vai một cái, nắn tay chân cho đỡ mỏi. Tất cả các sách cổ, hoành phi, câu đối mà có dịp được cầm bản gốc hay chỉ sao chụp lại thì cũng đều không giữ được lâu, tôi buộc lòng phải phục chế lại nguyên văn và phiên âm nội dung cơ bản của chúng trên giấy để tiện lưu trữ, các hiện vật thu thập được cũng sẽ được tái hiện bằng hình ảnh cùng thông tin đi kèm, sau này nếu có dịp cần tra cứu cũng sẽ tiện hơn rất nhiều. Phép màu biến mất, không gian lại trở về bình thường. Vừa lúc ấy Duy chạy vào nhà trong bưng một khay gỗ tới, đặt trước mặt tôi một ly nước và một đĩa bánh ngọt, miến bánh bông lan hình tam giác phủ lớp kem nho màu tím đỏ bên trên. Tôi ngước mắt lên, nhìn Duy bối rối đẩy cái đĩa về phía tôi, gãi đầu gãi tai:

-Bình thường lúc tôi học mệt xong, ăn nhẹ chút sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

- Tính chuộc lỗi hả?

Tôi mỉm cười sắp xếp lại sách. Thực ra tôi chẳng để bụng chuyện gì, thôi thì người ta có lòng thì cứ việc nhận vậy. Chắc cậu ta cũng không dám bỏ thứ gì lạ vào cho tôi ăn đâu. Nói đoạn, tôi cũng thoải mái cầm đĩa bánh lên, lấy chiếc thìa nhỏ xén một miếng cho vào miệng. Duy nói thêm:

- Trong tủ còn có kem nữa đấy, nếu cô muốn ăn thêm thì để tôi lấy cho.

- Rồi rồi, vầy được rồi.

Thấy tâm trạng của tôi có vẻ tốt hơn nhiều, Duy mới lân la gợi chuyện:

- Tư Hoài ơi, chẳng lẽ Khuê Văn Các để mình cô làm hết bao nhiêu việc thế này à?

- Đâu? Khuê Văn Các là một bộ dưới quyền của Quốc Tử Giám, chuyên trách về Văn - Sử - Triết, bên dưới còn có các viện khác nhau, ước tính tới cả vạn người. Tôi chỉ đảm đương một mảng nhỏ của Sử viện thôi.

Tôi lại gợt thêm một miếng nữa, cảm nhận vị ngọt tan ra đầu lưỡi, vô thức mỉm cười. Duy à lên một tiếng xem chừng đã vỡ lẽ ra:

- Nhưng mà Khuê Văn Các rộng lớn như vậy, phía trên còn có Thiên phủ mà vẫn để thất lạc thư tịch ư?

- Cứ là Thiên phủ thì điều gì cũng phải biết sao? – Tôi bĩu môi – Có nhiều lí do khiến cho thư tịch bị thất lạc, khách quan có, chủ quan có, khiến cho việc khảo cứu cũng rất vất vả. Mà không phải ai cũng có thể can thiệp vào những diễn biến của lịch sử, chưa kể nó còn liên quan đến thứ bậc của các nhân thần trên Thiên phủ, phức tạp lắm.

Tôi nhìn ra bên ngoài cửa kính cửa sổ, ánh chiều đỏ bắt đầu phủ lên vạn vật, đổ bóng dài trên nền đất. Có tiếng còi xe văng vẳng phía xa vào giờ tan tầm, cũng không còn sớm nữa. Duy nhìn lại dấu ấn của Thần Kính quanh cổ tay mình rồi lại nhìn cây bút lông nạm vàng tôi đang kẹp giữa hai trang sách:

- Chẳng lẽ từ giờ cô làm việc thì tôi đều phải ngồi cạnh mà xem à?

- Sao? Cậu có ý kiến gì với tôi à? Nếu là ngày thường thì chắc chắn tôi sẽ chẳng có thời gian để bận tâm đến cậu đâu. Tôi là một Tán thần, tức là những người được giao làm các công việc đặc thù nào đấy mà không thường xuyên ở lại trên Thiên phủ. Ví như tôi, công việc của tôi đòi hỏi phải có sự xê dịch và nghiên cứu không ngừng thì mới có thể tìm kiếm được những thư tịch hay dấu vết văn tự còn thất lạc khắp nơi, một ngày của tôi vào Nam ra Bắc đều là chuyện bình thường. Thế nhưng bây giờ thì tốt rồi, cậu ở đâu thì tôi cũng bị trói chân lại ở ngay đấy. Nếu cậu lỡ có mệnh hệ gì thì tôi còn sống không nổi, thế nên cậu làm ơn ngồi yên một chỗ đi để tôi còn làm việc. Cậu làm được chứ?

- Này này phủi phui cái mồm đi đừng có nói điều gở gì ở đây nhá tôi chỉ vừa mới xuất viện thôi đấy. - Duy lập tức xua tay, lấm lét nhìn tôi một hồi - Nếu vậy…sức mạnh thực sự của Thần Kính là gì?

- Tái hiện. – Tôi đặt chiếc đĩa xuống bàn, cầm cây bút lên, búng tay cho nó xoay tròn, từng dải khói áng mỏng màu lam lan trong không trung – Thần Kính có khả năng phục dựng lại những tiến trình lịch sử. Kì thực, nó như một bức tranh sơn hà vậy, một tấm kính ngăn cách hai thời không, hai thế giới. Nó nối liền quá khứ và hiện tại.

Bạn đang đọc truyện Tư Hoài của tác giả Thúy Thảo. Tiếp theo là Chương 9: Hai thế giới