Một khi cơ thể chết đi thì linh hồn cũng thế, vĩnh viễn biến tan vào hư không như cách những thành trì sụp đổ theo dòng lịch sử, đó là mệnh lệnh hiển nhiên từ vũ trụ, mệnh lệnh của tự nhiên. Thế thì tại sao người ta còn cố níu kéo chứ? Thế giới này vận hành theo một định luật cán cân cân bằng không thể phá vỡ, chỉ có ngày một ràng buộc hơn. Hàng ngàn năm vụt trôi qua kẽ tay, khi thời đại ngày một tiến bộ hơn thì con người càng vơi dần niềm tin vào những thế lực thần bí tồn tại như một dạng năng lượng luân chuyển trong vũ trụ. Thần thánh, ma quỷ, truyền thuyết hay sử thi mà một thời từng được người đời hết lòng sùng bái nay dần trở thành những câu chuyện hão huyền trong dân gian, chỉ đơn thuần là một tín ngưỡng mà có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Những khi nghĩ về thời khắc hơi thở hóa hư không người ta mới hoảng sợ trước những gì đang đợi mình phía trước, cũng chẳng thể bỏ lại người nhà. Họ còn đang nấn ná giữa kiếp này và kiếp sau.
Khi một trang sách gấp lại, khi một sinh mệnh kết thúc, khi đền đài gác ngọc đều đã hóa tro tàn, ấy mới là lúc vận hội bắt đầu.
***
Mãi cho tới độ gần đây, bằng một cơ duyên hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, tôi bỗng có lại được bức tranh ấy, tên là "Hồ Ly thần nữ", chợt bắt gặp một hình bóng quen thuộc mà trong kí ức mình đã mờ nhòa đi từ lâu lắm. Tôi có quen biết người thiếu phụ trong tranh, hay nói đúng hơn là chỉ đã từng trông thấy thôi.
Thuở còn nhỏ, mấy dịp xúng xính theo thầy tới trước thềm sân chầu của Lam Kinh có thấy một bức tượng đá tạc hình một thiếu phụ có dung mạo sắc sảo yêu kiều, búi tóc cài trâm, mặc áo ngoài đối khâm có phần cổ áo hơi trễ xuống, đặc biệt là ánh mắt rất có thần, tựa như bất cứ lúc nào cũng có thể bước ra từ những lời truyền thuyết mà tôi thường nghe kể. Song điều khiến người ta chú ý hơn cả là ngay dưới tầng váy quây thường kia không phải là đôi chân trần ngọc ngà mà lại là thân hồ ly, ẩn hiện chiếc đuôi màu đỏ cam lả lướt trên thềm đá tạc vân mây. Khi ấy còn chưa hiểu chuyện nên tôi lấy làm lạ lắm, không đoán ra được tại sao người ta lại thờ bức tượng ấy ở nơi triều môn uy nghiêm thế này, chẳng há mê tín lắm ư. Khi hỏi chuyện thì thầy chỉ cười dịu dàng mà bảo rằng ấy là một người con gái có công với nước, ánh mắt bất chợt chìm xuống thăm thẳm với những suy nghĩ miên man.
Đến giờ, cầm lại trên tay bức tranh vẽ nọ, dù dấu vết thời gian đã làm các góc viền xỉn màu và nét mực nhòa đi không còn nhìn rõ nữa, tôi vẫn mơ hồ nhận ra được dáng điệu riêng của người thiếu phụ ấy. Có đôi khoảng tranh màu giấy ngà vàng do bị ngấm nước mà cũng dần bạc đi, cứ loang loáng tựa như những tầng kí ức phủ rêu phong ngày thơ bé, cũng mơ hồ như cách thầy bước vào trong giấc mơ tôi mãi một khoảng thời gian dài sau này. Lúc tôi hãy còn đang lặng yên tư lự hồi lâu thì giọng nói của Nguyên Ngọc cất lên cắt ngang dòng suy tưởng.
- Nếu như bà phu nhân này thật sự tồn tại thì đến bây giờ đã được liệt vào hàng thần rồi đấy.
Tôi gật gù tán đồng, song vẫn còn nhíu mày thấy có gì khang khác:
- Cơ mà bức tranh này vẽ bà ấy hiền quá, nom giống một thiếu phụ khuê các hơn.
Nguyên Ngọc đánh mắt sang nhìn tôi một chút rồi phì cười:
- Giời ạ, tranh vẽ hay là tượng tạc thì cũng chỉ là thuật lại một dáng hình nào đó trong trí tưởng tượng của người nghệ nhân mà thôi. Dân gian ta khi nhắc tới hồ ly thì có người sẽ mường tượng ra một người sắc sảo lả lơi, cũng có người nghĩ là một vị phu nhân hiền đức giúp nước. Thật ra, đâu ai biết và mô phỏng được chính xác dáng hình bà ấy trong suy nghĩ của Đức Thái tổ triều ta là như thế nào đâu.
Lại nghe nói rằng năm đó khi Thái Tổ trở về Lam Kinh, nghĩa quân vừa rồi tan tác mỗi người một ngả đã dần tụ họp lại. Bọn họ thấy Ngài bị thương thì sốt sắng cả lên, Ngài liền lựa lời trấn an rồi kể cho họ nghe về người con gái đã giúp mình đánh lạc hướng quân thù mà tai qua nạn khỏi. Nghĩa quân mới ráo riết đi tìm, phát hiện ra ngôi mộ đắp tạm bợ của nàng ở ven suối. Khi đó Thái Tổ mới lập lời thề rằng khi thành đại nghiệp sẽ phong nàng làm Hộ quốc phu nhân. Núi cao còn đó, quân thần còn đây, cho tới một ngày kia bóng cờ đào rực rỡ phủ khắp núi Lam, Vua đã trở về.
Nghĩ đi nghĩ lại, bỗng dưng trong đầu tôi lại sực nhớ đến một chuyện, lấy làm thú vị:
- Giống như nhân gian thường tạc hình thần Kim Quy là hình dáng một cụ rùa vàng ngậm thanh gươm Thuận Thiên, dáng vẻ dữ tợn đó sao? Chứ thực ra ngài ấy hiền khô mà.
- Ừ đấy, tam sao thất bản, thời gian và nhất là tấm lòng sùng kính và ngưỡng mộ của người đời cũng làm đôi thứ sai phạm đi ít nhiều rồi.
Cơ mà dù có thật hay không có thật, dù có ai nhớ mặt đặt tên cho người con gái ấy không thì hình bóng nọ cũng đã in vào tiềm thức của lớp người đi trước, là dấu ấn để mãi nhớ về những năm tháng ấy, ai đã không tiếc sức mình mà góp công vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa thế nào, đã dệt nên một triều đại rực rỡ ra sao. Cốt rằng người ta muốn tìm một hình tượng kì vĩ thiêng liêng nào đó làm điểm tựa cho niềm tin của mình, mà gửi gắm dặn dò con cháu chuyện mai sau, thì ai chẳng được, miễn đều góp phần tạc nên dáng hình non sông này.
Người đời chỉ nhắc chuyện một tướng thành danh đổi bằng nghìn năm hoang phế, nào biết còn bao con người khác đem xương máu mà nhuộm màu giang san. Đâu phải chỉ có những vĩ nhân tài hoa kiệt xuất nơi vũ đài lịch sử mới xứng đáng được tôn thờ và truyền tụng lại tới muôn đời, mà còn có nhiều truyền thuyết về những con người khác, dù nghe hết sức hoang đường, dù chỉ được tạo nên từ mấy câu chuyện vặt bên cơi trầu ấm nước mỗi buổi nông nhàn thôi thì cũng là một mảnh hồn của muôn năm cũ ấy, cất giấu trong mình một phần kí ức của thời đại mình lớn lên.
Chợt có tiếng chuông đánh lanh lảnh ba hồi chín tiếng vang lên. Tôi choàng mở mắt ra mà cuống cuồng thu dọn đống sách vở trên bàn bên cạnh tiếng gọi thúc giục phàn nàn của Nguyên Ngọc. Thế rồi ôm mấy cuộn giấy dài báo cáo doanh số tháng này chạy ra, đi sóng bước bên cạnh anh, lại chuyện trò rôm rả như cũ... Bước qua bậu cửa gỗ còn phảng hương trầm dìu dịu, khung cảnh mặt nước phẳng như gương nối liền với trời xanh trải ra trước mắt. Câu chuyện về một bức tranh song hành giữa hai thế giới quá khứ và hiện tại ấy, có thật hay đơn thuần chỉ là một giai thoại lan truyền của người đời thì cũng chỉ là một cách lí giải để xoa dịu những gì đã mất đi.
Khi phồn hoa rữa hết, sách vở cũng hóa tro tàn, chỉ có người là không thể thay thế.
Nhìn lại mình, suốt một thời gian dài miệt mài nghiên cứu để tìm lại những dấu vết của một thời quá vãng, tựa như mò kim đáy bể, cũng đã không biết bao nhiêu lần vui mừng lẫn thất vọng. Nay chẳng còn thầy ở đây để mà quen thói dựa dẫm như trước, mới biết thì ra chỉ một bức tranh cũng có thể khiến mình bồi hồi đến vậy.
Mười năm chinh chiến mới tới thái bình. Thành cao máu đổ rồi mới tới phồn hoa.
Cánh cửa nối liền bức màn mưa của ngàn năm cũ ấy, thì ra lại có manh mối từ chính ngày hôm nay.
Trên đời có một bức tranh như thế...
Nắng Long Thành biếc xây khúc hát
Trăng đồng nội bát ngát thành lâu
Cười trong mắt lệ hoen sầu
Nương dâu bãi bể hỏi đâu sơn hà.
Đây không phải là truyện dã sử, mà là câu chuyện về những con người miệt mài sáng tạo nên nó.