Phong và Hòa đã trở thành bạn đời hợp pháp của nhau.
1
Phong tin rằng, trên đời này có tồn tại kẻ bỏ qua ý kiến của người thân nhưng lại nghe răm rắp lời khuyên của người lạ. Sát bên cạnh hắn có một người như vậy, chỉ là hắn cảm thấy người đó làm thế là hợp lý.
Bây giờ Phong chỉ có hai lựa chọn. Một là mặc kệ người em chồng đó, chỉ chăm lo cho những người còn lại. Hai là cố gắng thân thiết với Điền.
Điền có muốn làm thân với anh trai mình không? Cả Phong và Hòa đều không có câu trả lời, họ chỉ có thể chắc chắn rằng người em quá trầm mặc và chẳng có ý muốn bày tỏ điều gì cho người khác nghe. Nói cách khác, Điền là lý do Hòa không muốn về Việt Nam nữa, còn Phong thì chẳng bao giờ muốn ở lại quê hương. Vậy họ mặc kệ người em kia cho xong.
“Nhưng nếu không thì sao?”
Châm ngôn sống của Phong là: Thế giới này vốn tồi tệ nên người thân càng phải yêu thương nhau. Điền sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống của họ, sau lễ cưới sẽ là đám tang của cha mẹ. Nhưng đấy chỉ là bề nổi, địa vị trong xã hội của Hòa sẽ còn tăng cao, khi đó, việc không ai để tâm đến người em trai tài giỏi của anh là điều khó xảy ra nhất. Vậy nên, nếu không giải quyết tận gốc, bạn đời của hắn hay còn gọi là “cha của con tôi” sẽ mãi mang theo một gánh nặng, cũng có thể là một quả bom nổ chậm. Bây giờ Điền chưa một mình, vậy nhỡ sau này y chỉ còn mỗi anh trai nhưng người đó không quan tâm y thì y sẽ làm gì?
Nghĩ đến đây, Phong thở hắt ra một hơi. Không biết có phải do ảnh hưởng của bạn đời không mà người này dần ghét thói trầm mặc của Điền.
“Bố ơi, làm ơn chỉ con cách làm bài tập này đi.” Một đứa trẻ cắt ngang dòng suy nghĩ của hắn.
“Ồ… Ờ.”
Khi hai đứa trẻ đồng ý được nhận nuôi cũng là lúc Phong quay trở lại làm người lớn.
Kế hoạch tuần trăng mật của hắn đã hỏng hoàn toàn khi cặp song sinh sáu tuổi về nhà, nhưng Phong không thể than trách hay hối hận vì trước đó người để công việc chen vào kỳ nghỉ là hắn. Theo đà đó, Hòa chính thức nhập học ở Bỉ. Nhưng đây là một dấu hiệu tốt, cuộc sống của gia đình nhỏ này rất ổn trong lòng Vương quốc Bỉ, ít nhất là với Phong. Hắn như được giải thoát khi ở đây, không sợ người ta bàn tán về xu hướng tính dục của mình, con cái cũng không bị dị nghị hay chú ý quá mức cần thiết khi chúng có hai người cha.
“Ai lại không muốn có người thân?”
2
Hòa biết Phong khó ngủ nhưng anh chưa bao giờ xoáy sâu vào vấn đề này. Tuy nhiên, ngủ chung một giường thì khó tránh khỏi đụng chạm, Hòa luôn bị ảnh hưởng từ những cơn giật mình của người kia.
“Mình có nên hỏi không?”
Đó là điều mà Hòa từng phân vân. Sở dĩ bây giờ không thể nữa vì họ đã trở thành người nhà, ràng buộc nhau bằng pháp lý và tình nghĩa, vậy nên việc làm lơ mới là không nên.
“Hay em đưa anh đến gặp bác sĩ nhé?” Đây là câu gợi chuyện duy nhất mà Hòa biết vào thời điểm này.
Hiện tại và sau này, Phong và anh sẽ dựa vào nhau mà sống, vậy làm sao họ có thể xoa dịu nhau nếu một trong hai không được biết vấn đề của đối phương là gì?
“Ừ!” Phong trả lời bằng một từ không đầu không đuôi.
*
Hòa yên lặng ngắm Bruxelles qua cửa sổ ô tô. Hôm nay thủ đô này vẫn thiếu nắng như định kiến mà anh gán cho nó, Hòa vẫn chưa thích điều này, còn Phong thì thấy nhẹ nhõm.
“Hồi nhỏ, anh cứ đi bộ trong nắng suốt.” Đây là lần đầu tiên Phong cho người kia biết tuổi thơ của hắn.
“Sao thế?”
“Ông anh khó lắm, chẳng hiểu vì việc gì mà không chịu để cha mẹ mua xe đạp cho anh.”
“Vậy là anh ghét nắng?” Hòa hỏi.
“Ừ.”
Biết được chuyện này thì tốt, nhưng nó không phải là thứ Hòa muốn nghe nhất. Khổ một nỗi, ngoài hỏi thẳng ra thì anh không biết phải tìm hiểu như thế nào. Thế là đến khi họ đặt chân lên được khuôn viên của bệnh viện thì Hòa nói ngay: “Em biết anh ghét nói tới chuyện ở trường, kiểu bị bạo hành. Nhưng em nghĩ nếu biết rõ thì mình sẽ giải quyết tốt hơn mỗi khi anh bị giật mình…”
“Một lát nữa bác sĩ sẽ nói cho em nghe.”
Mặc dù từng tham gia hoạt động bơi lội một cách năng nổ ở trường nhưng Phong luôn lảng tránh những mối quan hệ và hoạt động phụ được trường học tạo ra, như chụp kỷ yếu, họp lớp và thăm thầy cô.
Khi còn làm giáo viên, Hòa thường nghe bọn trẻ giục Yamamoto bảo Phong về lại trường vì hắn bơi lội rất giỏi. Nhưng trừ lúc về để “xem mắt” ra thì hắn không quay lại lần nào nữa. Điều này làm Hòa thoáng sốc, cứ cho rằng người đó từ chối vì có vài ký ức xấu về trường, nhưng ngày đầu tiên họ gặp nhau, người lớn tuổi hơn có biểu hiện rất tốt, như thể trong mắt hắn, trường học chỉ là một nơi rất bình thường. Cũng từ lúc này, Hòa biết không nên hỏi Phong việc hắn bị bắt nạt chỉ để thỏa cơn tò mò.
Trong lúc Phong khám bệnh thì một người bác sĩ biết tiếng Pháp đã giải đáp vài thắc mắc của Hòa. Chồng của anh bị căng thẳng nặng vì từng là nạn nhân của bạo lực học đường, cộng với việc khó ngủ đã làm bệnh tình hắn tồi tệ thêm. Nhưng hiện tại mọi thứ đã tốt hơn một chút.
“Chúng tôi đã theo dõi sát sao từ lúc Phong chưa có quốc tịch Bỉ. Kết quả cho thấy những căng thẳng trong anh ấy đã giảm đáng kể từ tháng Sáu năm nay. Có phải đó là lúc hai người quyết định ở lại đây không? Xin lỗi vì đã hỏi một chuyện riêng tư, nhưng nếu không có câu trả lời thì việc điều trị sẽ khó hơn.” Vị bác sĩ nói.
“Tháng Sáu là lúc chúng tôi đăng ký kết hôn. Chuyện ở lại thì… Chúng tôi chỉ mới quyết định hồi đầu thu.” Hòa ngập ngừng.
“Vậy sao?.” Mặt vị bác sĩ hiện lên vẻ rạng rỡ: “Đây là một dấu hiệu tốt thưa anh. Thành thật mà nói, tất cả những điều giúp tâm trí Phạm tốt lên mà chúng tôi tìm được đều là ở nước ngoài, cụ thể là nước Bỉ này. Cảm nhận về Việt Nam của anh ấy quá xấu, đến mức không thể cảm nhận theo cách khách quan được nữa.”
Ngày hôm nay, Hòa cứ như một con diều bị bọn trẻ kéo dây qua kéo dây lại trong khi bản thân đang ở tít trên cao, anh phải gặp hết chuyên viên tư vấn này sang bác sĩ thần kinh khác. Tình hình của Phong không thật sự nghiêm trọng, chỉ là hắn rất được yêu quý ở đây, phần vì luôn tình nguyện lấy thân mình cho đội ngũ bác sĩ thử nghiệm. Đây là mặt niềm nở mà Hòa chưa bao giờ thấy ở chồng mình.
Điều này làm Hòa nhớ lại chuyện kinh doanh của người kia, lý do mà Phong có thể mở được chi nhánh ở nước ngoài sau ba năm thành lập công ty, nhìn kiểu gì cũng hiểu là do tâm trí hắn đặt ở bên ngoài Việt Nam.
Người thân khác với người dưng ở chỗ, ai cũng có khúc mắc mà bản thân không bao giờ gom đủ dũng khí để nói ra, nhưng vài “người thân” có thể biết chúng vì họ tìm mọi cách để hiểu, còn người lạ thì không. Ở cặp bạn đời mới cưới này cũng vậy, Hòa hiểu và chiều chuộng ham muốn ở lại Bỉ của đối phương dù hắn không ai thổ lộ, còn Phong thì chẳng bao giờ bắt ép người kia kể về Điền. Sau đó, họ sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề.
3
Bốn vị phụ huynh chào đón hai đứa cháu ở sân bay một cách hoành tráng bằng băng rôn và hai mươi chiếc bong bóng bay. Đáng lẽ gia đình nhỏ chỉ hơi xấu hổ vì đã quen với cách hành xử đó, nhưng không, có thêm nét bất ngờ trong khoảnh khắc này vì Điền cũng có mặt.
Và cũng chỉ có thế, vì ngoài việc mang giúp vật nặng và gật đầu ra thì Điền không làm gì nữa.
Hòa muốn lơ việc này đi, ngặt nỗi, Phong không cho phép. Đột nhiên hắn hướng đến mọi người mà hỏi toàn chuyện trên trời dưới đất, như:
“Hè năm nay Việt Nam có nóng lắm không?”
“Luật ở đây có gì thay đổi không?”
“Xăng dầu ở đây có tăng giá không?”
“Con làm sao vậy? Sống ở đó riết rồi lậm sao?” Mẹ hắn quát vài câu. Bà thật sự thấy phiền và lạ lẫm vì trước đây đứa con này chưa bao giờ hỏi gia đình những chuyện như thế.
“Gì chứ… Vậy con phải hỏi cái gì. Con phải tìm hiểu lại Việt Nam chứ. À! Vậy Điền nhé!” Phong bất giác nâng tông giọng: “Sống ở đây có ổn không? Nước này khó làm việc lắm!” Giọng hắn lớn đến mức nó vang và rung khắp chiếc xe mười sáu chỗ của cả nhà.
“Dạ ổn.” Điền thều thào.
“À đúng rồi.” Mẹ của cặp song sinh cười: “Điền đang học ngành Việt Nam học đấy con. Thằng bé sẽ làm văn hóa nên có gì nhờ con giúp đỡ nhé.”
“Dạ! Để Điền làm việc ở công ty của con cũng không vấn đề gì đâu mẹ! Sau này nhớ hỏi anh thật nhiều nhé, anh không phiền đâu, trái lại không hỏi là thiệt thòi đấy!” Nói đoạn, hắn cười lớn.
Trong cuộc sống, ai cũng có những chuyện bản thân không thể khước từ, Phong rõ điều đó, cũng dùng định lý này để bắt ép Điền.
Mẹ của họ hiền hậu và giàu đức hy sinh, vậy nên bà sẽ lo cho con mình tất cả mọi thứ khi có thể, thế là khi con rể ngỏ ý giúp đỡ em chồng để cả hai thân thiết hơn thì bà đồng ý ngay. Điền khi đứng trước chuyện này chỉ có hai lựa chọn, một là thẳng thừng từ chối mẹ, hai là ngoan ngoãn làm theo.
*
Tối nay, một cơn mưa lớn ập xuống nhà họ, đến mức đường nhựa bên ngoài trông như con suối vậy. Wesley đáng lẽ có thể tiếp tục mơ mộng bằng cách đếm bông tuyết, nhưng cậu chỉ có thể nghiêm túc dùng bữa tối bởi một người cha của cậu đã cười khúc khích suốt hai mươi phút rồi.
Trên tầng hai, trong phòng dành cho khách có chú của cậu đang ở ngủ - người mà Wesley vẫn chưa nhớ được mặt dẫu cả hai đã sống chung nhà được một tuần.
“Tại sao chú ấy lại ở đây nhỉ? Mà sao cha mình vẫn chưa về? Chắc cha đang lạnh lắm. Mà mặt chú mình như thế nào nhỉ?” Hàng loạt ý nghĩ lảng vảng trong đầu Wesley.
“Chú ấy nói không ăn đâu.” Walter từ cầu thang đi xuống, vẻ mặt có nét khó chịu: “Mà sao cha chưa về ạ?”
“Ba giờ sáng cha hai đứa mới về.” Phong trả lời, miệng vẫn cong đến mức thiếu điều chạm đến mang tai.
“Tại sao thế?” Wesley lại thắc mắc. Dạo gần đây giờ giấc của hai người cha cậu thật lộn xộn, Phong thì luôn về nhà khi có thể, còn Hòa thì mặc dù đã chuyển sang nghiên cứu thay vì làm bác sĩ phẫu thuật nhưng lại có hàng tá lý do để rời nhà.
“Vì có được quyền của người lớn là muốn về nhà lúc nào cũng được nên hở chút là đua đòi ấy mà.”
*
Hòa sống rất khép kín, những người tưởng chừng như là bạn của anh thì thực chất chỉ là đồng nghiệp hoặc quen biết. Bất kể vậy, vẫn có vài người đeo bám anh mỗi khi người này uống rượu một mình ở quán bar.
“Chuyên gia thấp khớp à, rượu ngô không thể uống một mình đâu.” Thư ký của Phong cứ liên tục luẩn quẩn xung quanh anh.
“Để tôi yên.”
“Anh tới quán bar mà muốn một mình? Sao không đi thưởng trà đạo đi cha nội.” Vừa dứt câu khinh bỉ, người đó liền cười lớn.
“Nhưng mà em nhìn kiểu gì cũng thấy anh Phong làm thế là khiêu khích anh đó đại ca. Sao anh không làm gì lại?” Giang - một trong những người hâm mộ cuồng nhiệt của anh trong ngành y nói.
“Trả đũa sao?” Hòa bất lực. Thực tế là không thể, vì Phong biết chồng không thể chọc ngoáy lại mình nên hắn mới làm như vậy: “Phong bị rối loạn tâm thần, sức khỏe thì bữa đau, bữa yếu, anh nói xem tôi trả đũa kiểu gì? Mà anh ấy làm thế không phải để khiêu khích tôi, anh ấy làm thế chỉ để dạy em trai tôi thôi...”
“Hả?” Người thư ký chen vào: “Dạy cái gì? Không phải là em trai anh bằng tuổi anh sao?”
“Nó ít nói với lầm lì.”
“Hả? Chỉ vậy mà cũng sửa? Là sao? Không hiểu!”
“Không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật nên muốn làm thì làm thôi.”
4
Mưa đã ngừng nhưng trời không ấm lên.
Hòa một mình lướt đi trên con đường ướt đẫm. Hiện tại là một giờ ba mươi sáng nên nó đã thưa người hẳn, điều này làm những đợt gió lạnh hơn bình thường gấp bội phần. Thỉnh thoảng, anh rùng mình, nhưng người này không sợ, càng không muốn về nhà.
Ba ngày nữa là lễ cưới của Phong và Hòa bắt đầu. Sở dĩ họ chọn thời điểm này vì cả hai đã nhất trí sẽ xây dựng gia đình ở Bỉ và tháng hai năm sau Hòa sẽ trở thành thành viên của một tổ chức thuộc khoa thấp khớp ở Vương quốc Chocolate đó.
“Mình không trốn. Chỉ tránh phiền phức.” Hòa tự khẳng định một lần nữa.
Nhưng mà, ở thời khắc này, chuyện về nhà đối với người này không khác gì việc người lớn thì phải đi làm. Hòa đã có gia đình, anh không thể thuê một phòng trọ để tránh lạnh trong khi thân xác chỉ cách mái ấm ba trăm mét được.
“Chuyện không đáng để tâm, nhưng thật phiền.”
Lý do Phong rời Việt Nam rất rõ ràng, đằng sau đó cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Thành ra mọi người đều ủng hộ hắn, thậm chí người này còn khắc phục khiếm khuyết thành công. Còn lý do Hòa rời Việt Nam, nó không rõ ràng, anh cũng chưa bao giờ chịu đối mặt, vậy nên không ai hiểu cho anh.
Kết cuộc là, hai giờ sáng hôm nay, Hòa phải hành xử như một tên trộm trên chính sân vườn mà bản thân bỏ tiền ra mua. Anh lọ mọ tìm chìa khóa trong túi, sau đó rón rén bò đến góc dưới cửa sổ. Chỉ đèn ngủ là còn bật ở phòng khách, không có ai trên trường kỷ, phòng bếp và hành lang cũng không có tiếng động gì. Hòa dùng hết tất cả tính tỉ mỉ mà mình có để mở và đóng cánh cửa nặng gấp đôi bản thân lại. Sau đó, anh cố tỏ vẻ khảng khái để có đủ dũng khí mà bước đi trên hành lang, nhưng được hai phần ba đường thì một tiếng gọi lạnh lẽo và cộc cỡn vang lên: “Anh hai.”
Hòa giật mình, tệ hơn nữa là anh cảm thấy chói tai. Nếu tiếng gọi đó là khởi đầu của một trò khích tướng thì anh sẽ cố mà bỡn cợt lại, hoặc là một lời tị nạnh thì anh còn có thể dạy dỗ. Khổ một nỗi, đó chỉ là tiếng kêu.
“Chuyện gì… Có gì để mai nói đi.” Hòa khập khững.
“Em muốn nói ngay bây giờ. Ngày nào cũng đúng ba giờ sáng anh mới về, vậy mà hôm nay anh lại về sớm thì nói chuyện với em đi.”
“Được. Ra phòng khách đi.” Nói đoạn, Hòa thở một hơi dài mà không giữ khẽ. Có lẽ vì anh đang chìm trong bóng tối.
Có những cuộc nói chuyện không cần đến địa điểm khang trang hay trà bánh để nhâm nhi, bởi những người trong đó đã cạn kiệt kiên nhẫn. Cặp song sinh sắp ba mươi tuổi này đang rơi vào tình huống như thế, họ không bật đèn có ánh sáng trắng, càng không quan tâm người kia đang cảm thấy thế nào. Ấy thế mà cảm xúc của họ không giống nhau, một người xem việc cả hai tiếp xúc là cực hình, người còn lại thì muốn việc này xảy ra nhưng lại không biết phải hành xử thế nào.
Hòa nhìn ra cửa sổ một cách chán chường, cả nhà tất thảy có năm người nhưng không ai biết đến chuyện kéo rèm cửa sổ chứ đừng nói đến khóa chốt cẩn thận.
Điền thì him híp mắt, người này đang không tự chủ được biểu cảm của bản thân. Y cũng biết mình phải nói gì đó, nhưng cứ nhìn biểu cảm của anh trai thì ý trong đầu lại vặn vẹo.
“Anh đi Bỉ rồi thì…” Cuối cùng Điền đã cất được tiếng, nhưng âm vực của từ nào cũng rất nhỏ, như thể cổ họng có vấn đề: “Bao giờ về lại?”
“Làm ngành này thì không thể chắc chắn. Nhưng nếu được thì tết anh về, mỗi năm.”
“Không phải vậy…” Điền thở hắt ra một hơi: “Quốc tịch cũ của anh, anh không lấy lại sao?”
“Không. Không được gì, còn gây thiệt cho bọn nhỏ.”
“Em biết đó không phải là lý do. Em chắc chắn anh muốn có quốc tịch Bỉ trước khi nhận nuôi hai đứa nhỏ. Cho em một câu trả lời thật sự đi.”
Đến thời khắc này, Hòa không hiểu sao mình không dám thành thật với em trai, nặng hơn là, đến cả việc suy nghĩ về nó anh cũng không dám.
“Mình ích kỷ?”
Từng có một thời gian, Hòa lo cho Điền kỹ đến từng chân tơ kẽ tóc. Anh cho rằng ông trời ghét em trai anh và nó sẽ thiệt thòi hơn người khác suốt cuộc đời. Đến khi Điền giành được học bổng của trường đại học Brown trong khi bản thân chỉ mới mười lăm tuổi thì anh đã hiểu ra tất cả, rằng bản thân chỉ đang thương hại em trai và người ngoài thì thương hại Hòa này chứ chưa bao giờ là Điền bệnh tật.
“Vậy bây giờ em muốn cái gì?” Khi đồng hồ biểu thị bây giờ là ba giờ sáng thì Hòa nhìn thẳng vào mắt em trai mình. Cặp mắt anh cố xoáy sâu vào đôi mắt tưởng chừng như giống hệt mình đằng kia.
“Không giống. Không bao giờ giống.”
“Nói anh nghe Điền. Rốt cuộc em cứ chen vào chuyện của anh để làm gì? Ý em là anh là một thằng ngu, không thể quyết định đúng đắn phải không?” Hòa gằn giọng nhưng âm vực rất nhỏ. Và việc câu nói này được vang lên trong căn phòng tĩnh mịch càng làm mọi thứ khó khăn hơn.
“Không phải như vậy. Em chưa bao giờ xem anh là một thằng ngốc. Em chỉ lo cho anh giống cha mẹ nghĩ tới hai chúng ta.” Điền cố phân trần.
“Lo cái gì? Cha Phong là một luật sư, mẹ là giáo viên dạy nấu ăn có tiếng, tự anh ấy là người có công ăn việc làm, còn thừa chí tiến thủ nhưng em vẫn bảo anh chia tay. Còn nữa, anh muốn tới Bỉ để học chuyên sâu thì em lại nói học ở đây cũng đâu khác gì. Mấy chuyện mà em lo lắng đó, cha mẹ phản đối anh sao?”
Gió lạnh đang ùa vào nhà từ cánh cửa sổ không khóa kín, ấy thế mà mặt Hòa vẫn nóng lên.
“Nhưng mà lúc đó Phong không như bây giờ. Anh ta hở chút là đánh người, cha mẹ lơ là một chút là dùng chất kích thích…”
“Điền à.” Em trai mình còn chưa nói hết câu thì Hòa đã chen vào: “Lúc đó Phong chưa vượt qua được chuyện bị đánh, bị làm nhục ở trường. Hơn nữa tuổi trẻ có được bao nhiêu người không nông nổi? Không phải ai cũng ngoan ngoãn và giỏi giang như em đâu Điền à!” Từng chữ mà anh phát ra đều trầm và đầy hơi thừa. Đây là điều mà Hòa có thể tiên đoán, thực tế chỉ nghĩ về Điền cũng khiến cơ thể anh mệt mỏi, như thể lồng ngực mình đặc thành một khối bê tông, khiến cơ thể mất thăng bằng rồi ngả nghiêng nhiều hướng.
Sau đó, một thứ luôn thừa khả năng làm Hòa mất bình tĩnh hiện ra - mặt Điền đanh lại. Đầu y cúi thấp, tầm mắt hướng xuống bàn chân, còn hai tay thể đặt lên hai đầu gối, tất thảy tĩnh như một bức tượng.
“Sáng mai em về nhà ngay đi. Cơm không ăn bữa nào, mặt anh rể thì không nhìn lấy một cái. Không ở được thì nói thẳng với mẹ!” Hòa nâng tông giọng: “Không thì chính anh đuổi em ra ngoài. Con anh không thể nào tiếp xúc với cái thói lầm lì này được.”
Người anh trai không hiểu tại sao bản thân lại rơi vào tình cảnh này. Anh em họ không tranh giành tài sản, không thiết tha chức danh cha mẹ tìm cho mà chỉ đơn giản là Điền không vừa mắt Hòa và Hòa chán ghét việc Điền cứ xen vào quyết định của mình.
“Vậy ngoài chuyện em không chen vào quyết định của anh nữa thì anh muốn em thay đổi điều gì nữa?” Điền bất giác ngẩng đầu.
“Anh chỉ cần thế thôi. Vậy còn em? Em thật sự muốn cái gì? Chuyện quốc tịch, đúng là anh muốn khi chưa có hai đứa nhỏ nhưng bây giờ chúng là lý do, chỉ vậy thôi.”
“Em không muốn anh đi Bỉ… Ý em là anh có gia đình là tốt lên, nhưng mà… Được rồi, em muốn mọi chuyện trở lại ban đầu.” Từng câu từng chữ mà Điền nói đều rất khó nghe, vì chúng chỉ có hai trạng thái, quá nhỏ hoặc ngắt quãng.
“Em không cần tự lập, không ai nói gì nếu em vừa đi làm vừa sống với cha mẹ. Còn anh thì có.” Giọng Hòa vang lên đều đều. Anh đã bình tĩnh, nhưng anh không biết lý do là gì.
Điền bị ung thư máu, hiện tại tuy mọi thứ đã kiểm soát được nhưng chưa thể trị dứt căn bệnh đó. Điều này cũng có thể dẫn đến một hệ lụy là y không lập gia đình, hoặc để bù đắp cho thiếu thốn lúc nhỏ, Điền sẽ sống với cha mẹ cho đến hết đời. Hòa thì không như thế, anh khỏe mạnh và đã có gia đình.
Năm nay Điền hai mươi tám tuổi, Hòa cũng vậy. Họ đã trải qua rất nhiều chuyện, đồng nghiệp, cấp trên, kiếm tiền và đọc nhiều sách. Chỉ là, cặp song sinh này vẫn trẻ, thực tế là họ còn việc phải giải quyết, dù họ chết đi thì số lượng vẫn không hết.
Buổi sáng này, Điền không quá đau lòng, Hòa không quá bực tức nên không thể gọi khoảnh khắc này là giọt nước tràn ly. Nhưng đây là thời điểm đẹp để giải quyết một vấn đề nào đó.
“Anh thừa nhận là mình từ chối nói chuyện với em.” Hòa tiếp tục: “Anh không muốn nghe hay nhìn thấy em, nhưng bây giờ không thể nữa vì không có lý do chính đáng. Vậy nên anh sẽ hỏi một điều…” Anh nhìn vào bức ảnh gia đình bốn người của mình, trong đó chỉ có anh và Phong là đóng vai trò phụ huynh, hai đứa trẻ tuy không cười tươi nhưng cũng không khó chịu. Đầu mùa đông này, họ chính thức trở thành gia đình, đồng nghĩa với việc pháp luật và chuẩn mực xã hội đang siết chặt họ lại với nhau.
“Không có máu mủ nhưng mình vẫn tự nguyện làm mọi thứ. Còn em trai ở nhà thì bỏ một xó. Nó có tội gì?” Hòa vô thức nghiến răng.
“Em cứ lầm lầm lì lì…” Hòa tiếp tục nói, giọng chậm rãi và nhỏ: “Là do em sợ anh hay là do em không muốn nói chuyện với anh?”
“Em sợ!” Điền trả lời gần như ngay lập tức: “Em biết người ngoài nói gì, em biết anh rất mệt. Nhưng em không có quyền khuyên hay giúp anh. Chuyện áp lực nên đi sai hướng, em sợ anh thành như thế nhưng em không biết phải làm gì mà làm sai thì thành ra tệ hơn nên em cứ ngần ngừ.”
“Vậy sao.” Hòa cười khẩy. Đột nhiên anh thấy thật khó xử, đến mức bản thân cảm thấy Phong trong bức ảnh gia đình kia đang cười giễu mình: “Mọi chuyện thật đơn giản.”
“Nếu mình nói thẳng ngay từ đầu. Nếu mình kiên nhẫn thêm và dẹp bỏ cái tính ích kỷ đi thì có bị cười giễu như thế này không?”
Nghĩ đoạn, Hòa đưa cho em trai một giao kèo, rằng y ở lại với cha mẹ, bây giờ đã lớn thì phải thay đổi vị trí lúc nhỏ của cả hai. Còn chuyện anh ở Bỉ, Hòa bắt ép Điền phải tôn trọng ý kiến của mình, vì nó vừa tốt cho gia đình vừa giúp anh thêm phát triển.
“Có lẽ vẫn có người bị ảnh hưởng xấu là em. Nhưng chẳng qua là do em chưa quen thôi.” Hòa nói.
(còn tiếp)