Gặp lại gia đình sau mười lăm năm xa cách, khóc lóc sướt mướt cả ngày trời. Cha mẹ cô đã già đi nhiều, các em đã trưởng thành. Những đứa cháu của Kiều thì cứ trơ mắt ra nhìn cô. Có vẻ như chúng ngạc nhiên vì người mà cha mẹ chúng tìm kiếm suốt bao nhiêu năm nay thực sự xinh đẹp như cha mẹ chúng kể. Trong đầu lũ trẻ chắc đã tưởng tượng ra một bà dì khó tính nhăn nheo béo tròn.
Nhưng cảm giác trong Kiều vẫn có chút đợi chờ. Đợi chờ một ai đó. Một người sẽ đến đón cô.
“Sao cơ? Gã bán tơ năm đó là tay chân của một gã tham quan không ưa cha?” Kiều hỏi cả nhà trong bữa cơm gia đình đầu tiên sau mười lăm năm.
“Vâng.” Thúy Vân đáp. Phong thái của Vân đã thay đổi, mang nét đẹp của người đứng tuổi, của một người tần tảo lo toan mọi việc trong nhà và chăm sóc cả cha mẹ già lẫn con nhỏ. Chị em bộ hành chơi xuân lần nữa thì người ta sẽ nghĩ Vân mới là chị của Kiều. “Những chuyện này em không nắm chắc lắm.”
“Hoàng thượng bế quan tu luyện, một số quan viên đã tranh thủ cơ hội mà lộng hành như những vị vua ngay trong thành Bắc Kinh. Năm đó cha chỉ bất đồng quan điểm với một vài người về việc thuế tơ thôi mà đã bị lũ lòng lang dạ sói kia hãm hại tới mức tán gia bại sản.” Vương Quan kể.
Cậu ấm năm nào giờ đã là một người đàn ông, chững chạc và phong độ, cao ráo và điển trai. Không phải khen gà nhà, nhưng thần thái của thằng bé khác xa bọn Sở Khanh, Bạc Hạnh. À mà giờ không gọi là thằng bé được nữa, người ta đã làm chồng làm cha rồi.
“Còn sống là tốt rồi.” Người cha già thở dài. Ông không quá thay đổi so với trí nhớ của Kiều, chỉ là tóc đã bạc trắng hoàn toàn và những vết đồi mồi hiện rõ trên mặt. Ít nhất thì ông vẫn còn khỏe mạnh. Mẹ cô cũng già đi nhưng nhìn bà vẫn rất vui tươi.
“Chị.” Vương Quan nắm tay cô gái bên cạnh. “Đây là vợ em. Con gái của lão lính lại đã giúp nhà ta chạy án.”
“Chị không biết phải lấy gì để báo đáp.” Kiều quỳ xuống hành lễ với em dâu. “Cha em đã giúp chị cứu cha và em chị, đến em lại giúp chăm sóc em trai chị… trong khi đó chị thì…”
“Được rồi mà chị.” Vân và em dâu đỡ Kiều ngồi lên.
“Em đã về làm dâu nhà họ Vương, xem như người nhà rồi. Chị cũng là chị của em mà.” Cô em dâu lấy khăn lau nước mắt cho Kiều.
“Mười lăm năm qua…” Kiều thở dài. “Xa cách mười lăm năm…”
“Cả Quan và phu quân em đều cố gắng hết sức rồi.” Vân nắm lấy tay Kiều. “Mệnh quan triều đình, đâu thể nói đi là đi ngay được.”
“Chị hiểu mà.”
Kiều quay sang nhìn muội phu của mình. Thời gian và công việc đã khắc lên mặt anh những nếp nhăn và một làn da rám nắng. Chàng học trò trẻ đã trở thành vị quan trẻ, vẫn phong độ ngời ngời của một quý công tử. Nhìn chàng, Kiều lại thấy rạo rực những cảm xúc thời con gái, những hứa hẹn ngày ấy vang lên rõ mồn một bên tai cô. Ước gì những gương mặt kia cũng hiện rõ như thế.
Để khỏa lấp hẹn ước năm ấy, Kiều và Trọng trao nhau chén rượu hợp cẩn, nhưng họ lại chỉ xem nhau như những người bạn tâm giao. Mỗi ngày Kiều ở nhà dạy các cháu tập vẽ tập viết và đọc những quyển kinh sách cổ. Buồn chán thì cô dẫn chúng đi vặt trộm trái cây ở nhà hàng xóm. Cũng vì thế mà Vân phải muối mặt đi xin lỗi vì nhà có bà chị ba mươi tuổi đầu nhưng lại đầu têu cho lũ con nít phá làng phá xóm.
Hẹn ước với Kim Trọng năm đó chẳng còn quan trọng nữa. Quây quần bên gia đình, mới là thứ mà Kiều mong muốn. Kiều mong rằng khoảng thời gian này sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng cũng mong nó trôi qua thật nhanh.
Cho tới một ngày, sư Giác Duyên tới nhà tìm Kiều. Cô xỏ giày ra đón thì thấy sư đang đeo tay nải. Như chuẩn bị đi xa.
“Thầy… thầy định đi đâu sao?” Kiều vội vàng hỏi ngay.
“À, đi hái thuốc thôi.” Sư Giác Duyên đáp. “Chuyến này đi không biết khi nào về, ta ghé sang chào con một câu. Tiện thể…”
Sư đưa cho Kiều một chiếc hộp.
“Đây là…”
“Sớm nay khi ta chuẩn bị lên đường, một thiếu niên tóc vàng đã đưa ta thứ này, bảo phải giao tận tay cho Vương Thúy Kiều.”
“Thiếu niên tóc vàng?” Kiều nghiêng đầu cau mày.
“Y còn nói, con đã toại cái nguyện ước trở về bên gia đình. Đã đến lúc con phải hoàn thành giao dịch dở dang của mình rồi.”
Giao dịch dở dang? Trong mười lăm năm lưu lạc, Kiều đã có vô số giao dịch, làm sao cô nhớ hết được mình đã giao dịch gì với ai. Có giao dịch nào lại phải đánh đổi bằng việc tái hợp với gia đình?
Kiều quay đầu nhìn những người thân trong gia đình đang quây quần bên nhau. Kiều đã nhẫn nhịn chịu đựng mọi tổn thương về cả thể xác lẫn tâm hồn, cố gắng sống sót để trở về bên họ. Còn điều gì quý giá hơn gia đình?
“Thế nhé, ta phải đi đây.” Sư Giác Duyên chào tạm biệt Kiều. “Tam Hợp đang đợi.”
Kiều về bên hiên nhà ngồi xuống cạnh cha mẹ và mở chiếc hộp ra. Bên trong là một chai thủy tinh trong suốt dán một tờ giấy in những ký tự La-tinh.
“Đây là gì thế?” Mẹ cô hỏi. “Thuốc à?”
“Rượu ạ.” Kiều đáp. Cô cũng không biết tại sao cô lại biết đó là rượu.
“Sư Giác Duyên là nhà tu hành, sao lại gửi rượu cho con?” Vương ông hỏi.
“Con không biết nữa.”
Kiều lấy chai rượu ra khỏi hộp. Một cảm giác quen thuộc ùa về và cô cứ thế mà vặn nút chai, như thể cô đã làm hành động ấy hàng vạn lần. Một tiếng tách như tiếng củi gãy vang lên, Kiều mở nút chai ra và một hương thơm ngào ngạt ùa vào mũi cô lẫn những người xung quanh.
“Sao giống mùi phật thủ thế nhỉ?” Mẹ Kiều hỏi.
“Con lại thấy có mùi hoa trà.” Vân nói. “Và hoa oải hương.”
“Ta chỉ thấy nồng mùi cồn thôi.” Vương ông nói. “Con thấy sao?”
“Mùi bách xù ạ.” Kiều đáp.
“Bách xù?” Cả nhà quay sang nhìn Kiều.
“Vân.” Kiều nắm lấy tay em gái.
“Dạ?”
“Lấy cho chị đường. Với cái bình rỗng và ít đá nữa.” Kiều lại nhìn mấy đứa cháu. “Đứa nào sang nhà hàng xóm, xin giúp dì mấy quả quýt nào?”
-
Kiều vắt quýt và xúc đường vào chiếc bình sứ, sau đó đổ rượu vào.
“Dì cần thêm gì không ạ?” Một đứa cháu hỏi. “Con chạy ra chợ mua cho.”
“Không cần đâu.” Kiều nói trong khi đang khuấy cho tan đường. “Thứ đồ uống mà dì định làm… là kết quả của cả trăm năm khai phá thuộc địa bóc lột người dân và thành quả nghiên cứu của hàng nghìn người được gọi là…”
“Là gì ạ?” Một đứa tò mò hỏi.
“Dì cũng không biết phải gọi là gì nữa.” Kiều rót hỗn hợp vừa khuấy vào bình cùng với đá và lắc. Âm thanh lọc xọc vang lên bên tai cô, một âm thanh quen thuộc xiết bao. “Nhưng đã có một thời điểm nào đó, dì muốn trở thành người như thế.”
“Đi khai phá thuộc địa và bóc lột người dân ạ?” Một đứa khác hỏi.
“Không.” Kiều bật cười. “Dì muốn trở thành… người mà ai cũng có thể tin tưởng để giao phó bí mật của họ, người có thể chăm sóc và chữa lành những tâm hồn đang bị tổn thương.”
Cô rót hỗn hợp mình vừa lắc ra các ly nhỏ.
“Bằng những ly rượu…”
“Hê.” Vân reo lên sau khi nhấp thử một ngụm. “Cảm giác không hề gắt cồn.”
“Chua, ngọt… ngon…” Cô em dâu cảm thán bằng những từ đơn giản.
“Thơm vị quýt.” Người cha gật gù. “Cảm giác… lạ lắm.”
“Đây là món gì vậy?” Mẹ Kiều hỏi. “Ta… ta không thích uống rượu, nhưng uống món này lại có cảm giác rất đê mê.”
“Món này… con học được… trong một giấc mơ.”
“Mơ?” Cả nhà quy sang nhìn Kiều. Hai hàng nước mắt đang lăn dài trên gò má cô.
“Con…” Kiều lau vội nước mắt và cầm lấy chai rượu. Cô đứng phắt dậy và chạy ra cổng.
“Chị đi đâu thế?” Vân gọi với theo.
Kiều không trả lời. Cô cứ thế lao ra phố và nhìn quanh. Giữa một rừng người tóc đen thế này, tìm một gã tóc vàng có gì là khó.
Ít nhất là Kiều nghĩ thế. Nhưng cô lại không nhìn thấy cái đầu nào màu vàng. Kiều khụy xuống giữa đường và khóc nấc lên. Cô cũng không biết mình khóc vì điều gì.
Những hình ảnh đang dần trở nên sống động hơn trong trí nhớ của cô. Vườn hoa, tiếng đồng hồ tích tắc, mùi cà phê, cảm giác lạnh cóng của cái bình, vị của rượu. Những gương mặt vẫn mờ nhạt, nhưng cô đang dần nhớ ra giọng nói của họ.
Cảm giác day dứt, khó chịu, đầu cô đau như búa bổ.
Mãi mới có một người bước tới đỡ cô đứng dậy.
“Chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi sao?” Người đàn ông hỏi.
“Dạ…” Kiều nhìn y, ông ta có vẻ lớn hơn cô vài tuổi, nói giọng Tô Châu. Và Kiều thực sự đã từng gặp y. Tên của ông lẫn trong những cái tên Kiều đã vạch bên bờ sông Tiền Đường.
“Có lẽ tiên sinh đã nhìn thấy dân nữ khi còn ở Lâm Truy.” Kiều lau nước mắt và cúi người hành lễ với ông. “Khi tiên sinh ghé ngang Lâm Truy, dân nữ đã có dịp nhìn thấy đoàn kiệu, Lục tiên sinh.”
“À, đúng là ta đã từng ghé Lâm Truy vì một đơn hàng, nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước rồi, không ngờ cô nương đây vẫn nhớ.” Người đàn ông ông nói rồi cười lớn.
“Dạ. Cảm tạ tiên sinh đã quan tâm. Nhưng dân nữ phải về rồi.”
“Về đâu?” Ông ta hỏi.
“Về… nhà ạ.” Kiều nghiêng đầu nhìn ông.
“Cô biết ta là ai và công việc của ta là gì mà phải không?”
“Vâng ạ.” Kiều đáp. “Tiên sinh là Lục Tử Cương, là chủ của xưởng ngọc Tử Cương nổi danh toàn cõi Trung Hoa này mà.”
“Phải. Ta là thợ khắc ngọc. Và cô biết đấy, ngọc có linh khí, sẽ luôn tìm được cách để đến được với chủ nhân đích thực của nó.”
“Vâng, điều này dân nữ cũng đã được học.” Kiều đáp. Cô biết tỏng đây là trò marketing của mấy tay buôn ngọc. Mà marketing là gì nhỉ?
“Thứ này thuộc về cô.” Ông ta dúi vào tay Kiều một chiếc chén bằng ngọc.
“Dạ?” Kiều tròn mắt nhìn ông.
“Ta biết điều đó.” Tử Cương gật gù. “Đây là sản phẩm của cô.”
“Nhưng… con có biết khắc ngọc đâu. Sao thứ này có thể thuộc về con được?”
“Hai thứ cô đang cầm trong tay sẽ trả lời cho cô.” Tử Cương nói rồi quay gót rời đi. “Nếu cô cần gợi ý, cứ tìm tới xưởng ngọc Tử Cương chi nhánh Phú Dương[1]. Ta sẽ còn ở đây thêm một thời gian nữa.”
“Dân nữ nhất định sẽ ghé ạ. Khi ấy liệu tiên sinh có thể trả lời cho dân nữ chăng?”
“Không. Ta chỉ có thể cho cô gợi ý thôi, chứ ta cũng không biết câu trả lời.”
Câu trả lời nằm trong tay Kiều. Một chai rượu và một chiếc chén. Chiếc chén ngọc màu trắng ngà nửa dưới sơn đen, trên thân khắc một bài thơ bằng chữ tiểu triện, là bài Thu phong từ của Hán Cao Tổ, chữ xấu, nhưng cái chén vốn nhỏ, khắc được chữ lên đó là cả một vấn đề chứ chẳng đùa.
Kiều cảm nhận được một ký ức nào đó đang quay trở về: tập khắc ngọc với Lục Tử Cương. Chuyện này là bất khả thi, vì khi ông ta ghé ngang Lâm Truy còn chẳng tạt vào lầu xanh. Thời gian ở Vô Tích cũng vậy, Kiều khi ấy mang thân phận con ở hèn mọn, hoàn toàn không được thò mặt ra nhà chính chứ đừng nói là được trò chuyện cùng một nhân vật lớn như Lục Tử Cương.
Một trong những gương mặt mờ nhạt trong ký ức của Kiều bắt đầu trở nên rõ nét hơn. Là gương mặt của Lục Tử Cương, nhưng trẻ trung hơn, trông láo toét hơn. Hay là hồi cô còn bé y đã từng ghé nhà cô?
Câu trả lời không có ở xưởng ngọc Tử Cương.
Câu trả lời nằm trong tay Kiều.
Chai rượu và ly. Ai cũng biết cần phải làm gì khi có hai thứ đó trong tay.
[1] Phú Dương là nơi Vương Quan làm quan, ngày nay thuộc tỉnh Chiết Giang. Kim Trọng làm quan tại Nam Bình, nay thuộc tỉnh Phúc Kiến. Hai địa điểm trên cách nhau khoảng bốn trăm cây số theo đường chim bay.