Chương 120: Thời Không Quán

Chương 120. Về.

2,483 chữ
9.7 phút
12 đọc
1 thích

Những cơn gió đầu năm len qua các tán cây, tạo ra âm thanh như tiếng khóc của những người vừa bị lăng trì. Chẳng có chút không khí tết nhất gì cả. Thành Bắc Kinh năm nay tanh tưởi mùi máu từ quảng trường tới những con hẻm nhỏ. Nếu như có nơi nào có thể vui vẻ nói cười thì chỉ có thân nhân của các tân tiến sĩ mới thi đỗ kỳ chế khoa[1].

Một cơn gió tinh nghịch thổi bay mũ của chàng tiến sĩ trẻ tuổi. Cậu chạy theo nhặt thì chiếc mũ đã lăn tới trước cây gậy chống của một người mặc áo quan. Cậu vừa nhìn thấy thì lập tức quỳ xuống vái.

“Đại nhân. Thảo dân không biết đại nhân tới…”

“Thảo dân?” Vị quan cất tiếng. Nghe giọng thì có vẻ ông đã cao tuổi rồi. “Chẳng phải nhà ngươi vừa đỗ tiến sĩ sao?”

“Thưa vâng. Nhưng thảo dân chưa nhậm chức vụ gì, chưa giúp được việc gì cho dân cho nước. Không dám xưng mình là quan ạ.”

Vị quan già cười phá lên.

“Khiêm tốn thế là tốt. Nhà ngươi tên gì?”

“Bẩm, thảo dân họ Vương, tên Quan. Chữ Quan trong Viễn bão phi tục quan [2] ạ.”

“Vương Quan… Hay. Tên rất hay.” Ông khẽ đặt chiếc mũ lên đầu cậu. “Sau này nhà ngươi sẽ giúp được rất nhiều cho ta đấy.”

Vị quan già bước tới trước mặt các anh học trò, những người vừa đỗ đạt và sẵn sàng trở thành một chiếc bánh răng của bộ máy quan liêu cồng kềnh chậm chạp của chế độ quân chủ chuyên chế. Một người hầu đặt ghế cho ông ngồi, một người thì mở lọng che và lấy quạt ra vẩy.

“Như các ngươi đã biết.” Ông cất tiếng. “Năm ngoái bệ hạ bị mưu sát. Người bị liên lụy rất nhiều, trong đó có nhiều quan viên, số bị cách chức, số bị chém đầu. Chính vì thế nên Hoàng hậu đặc biệt mở kỳ chế khoa này để tuyển chọn gấp những người có năng lực tại kinh thành để bổ sung vào các chỗ trống ấy. Đây âu cũng là cái may của các ngươi. Biết điều thì tạ ơn bệ hạ đi.”

“Chúng thần khấu tạ long ân.” Một người hét lớn.

“KHẤU TẠ LONG ÂN!” Những người còn lại cũng đồng thanh.

Quan để ý thì thấy người mà họ đang vái là vị quan lớn tuổi kia.

“Bản quan là Thượng thư bộ Lễ, là giám thị đồng thời cũng là một trong những người trực tiếp chấm thi cho các ngươi. Nên nếu các ngươi phạm lỗi cũng sẽ liên lụy tới ta. Khôn hồn thì làm ăn cho cẩn thận, đừng làm phiền tới việc tu tập của bệ hạ.”

“Chúng thần tuân mệnh.” Chàng trai khi nãy lại lên tiếng. “Nhất định sẽ dốc sức hết sức khuyển mã, vì bệ hạ mà lên núi đao xuống biển lửa, chết không từ nan!”

Vị quan già lại cười phá lên.

“Bệ hạ nghe được chắc chắn sẽ vui lắm.”

Sau khi vị quan thượng thư rời đi, các tân tiến sĩ mới có thể thở phào nhẹ nhõm trò chuyện với nhau.

“Tại sao trong kỳ thi chỉ tổ chức cho người Bắc Kinh mà lại có người Liêu Dương tham gia thế?” Một người hỏi.

“Tại vì lúc tổ chức kỳ thi ta đang ở Bắc Kinh.” Anh chàng người Liêu Dương đáp. “Nhà vợ ta cũng ở Bắc Kinh.”

“Tưởng thế nào.” Người kia nhún vai. “Té ra là chó chui gầm chạn.”

“Ở nhà vợ thì làm sao.” Người thanh niên lớn miệng khi nãy vỗ lên vai anh chàng Liêu Dương. Anh ta có vẻ ngoài khoảng ba mươi tuổi, tròn trịa mập mạp và có một con mắt giả. “Đã đỗ đạt thì chứng tỏ là người có năng lực rồi. Hơn nữa, trong tất cả những người ở đây thì cậu ta là trẻ nhất đấy.”

“Cảm tạ đại huynh giải vây, nhưng trẻ nhất thì ta không dám.” Anh chàng Liêu Dương lắc đầu. “Tại hạ nghĩ người trẻ nhất là em vợ tại hạ.”

Nói rồi anh ta túm tay Vương Quan kéo tới.

“Tỷ phu gọi em?” Quan nhìn người anh rể.

“Năm nay em tròn mười sáu phải không?”

“Vâng ạ.”

“Mười sáu!?” Những người khác bắt đầu trầm trồ.

“Cũng nhờ tỷ phu dạy bảo.” Quan cúi đầu.

“Khiêm tốn quá rồi đấy.” Người đàn ông một mắt vỗ lưng Quan rồi cười lớn. “Ta là Nghiêm Thế Phan, từ giờ trở đi, ta sẽ chiếu cố tất cả các ngươi.”

“Anh là…”

“Người ban nãy là cha ta, quan Thượng thư bộ Lễ.”

“Thì ra là cậu ấm nhà quan thượng thư.”

“Từ giờ xin nhờ đại huynh nâng đỡ.”

“Nhìn khí phách là ta biết ngay huynh không phải người bình thường mà.”

“Quan, mình về thôi.” Anh rể kéo áo Vương Quan.

“Huynh đệ, ta phải xưng hô với cậu thế nào đây?”

“Tại hạ người Liêu Dương, họ Kim, tên Thiên Lý.”

Thiên Lý. Như khoảng cách giữa anh và chị gái của Quan vậy.

Chị của Quan, người đã hẹn ước cùng anh, đã trao anh chiếc trâm cài, cùng anh thưởng khúc Phượng Cầu cùng anh đàn đoạn Quảng Lăng[3], lại không phải người chị đã kết tóc cùng anh.

Nay anh đã đỗ đạt, nhưng người anh thầm thương trộm nhớ đã ở nơi xa. Vì mối lương duyên đứt đoạn, cả nhà Quan đã đồng ý gả người chị gái còn lại của cậu cho anh. Đây cũng là mong muốn của người chị cả đã bán thân mình để cứu cha con cậu.

Nhìn bầu trời phủ đầy sương mù lạnh lẽo, Quan không khỏi không thở dài tự trách bản thân, vì sao khi ấy cậu lại không làm được gì, vì sao khi ấy cậu không làm gì, vì sao khi ấy cậu không xoay chuyển được tình thế, vì sao khi ấy cậu lại hèn nhát và yếu đuối đến như thế.

Nếu cậu mạnh mẽ hơn, cậu đã bảo vệ được cha mẹ và các chị, chị gái cậu đã không phải bán mình lên xe hoa với một tên giám sinh trông chẳng ra làm sao.

Mùa hè hai năm trước, cha cậu đã đắc tội với một gã quan lại nào đó, hắn dựng nên một vở kịch vớ vẩn liên quan đến một gã bán tơ, để rồi cha con Quan bị đóng cùm, gia sản bị tịch thu. Mẹ và các chị cố chạy chọt nhưng không đủ, cuối cùng chị cả của Quan phải bán thân để có đủ tiền chuộc cha con cậu ra khỏi nhà lao.

Đến cuối năm vừa rồi, một nhóm cung nữ âm mưu thích sát hoàng đế[4]. Sau khi xử lý thì số người liên lụy quá đông, dẫn tới bộ máy trung ương bị đình trệ, thành ra phải tổ chức chế khoa này để bổ sung nhân lực gấp. Quan cũng tranh thủ cơ hội, nhanh chóng đăng ký thi và thành công đỗ tiến sĩ cùng người anh rể.

Bây giờ đã trở thành mệnh quan triều đình, Quan tin chắc rằng cậu sẽ sớm chuộc được chị gái mình về và gia đình họ sẽ lại đoàn tụ như xưa.

“Chị Kiều, chờ bọn em nhé.”

-

Kiều bị sặc nước.

Trong cơn mê man chẳng biết trời đất gì, một cánh tay chụp lấy tay cô và kéo cô lên. Ánh hoàng hôn rọi xuống thân thể Kiều, cảm giác như đã rất rất lâu rồi cô mới thực sự đứng dưới ánh mặt trời.

“Trạc Tuyền[5]!” Một giọng nói quen quen vang lên. Người đó gọi cô bằng cái tên mà cảm tưởng như rất lâu rồi cô mới lại nghe.

Kiều từ từ mở mắt. Hiện ra trước mắt cô là một ni cô và vài người thợ chèo.

“Con ơi! Con có làm sao không?”

“Đây…”

Là sư Giác Duyên! Bà ấy cũng tới…

Đâu nhỉ?

“Đây là đâu?” Kiều bất giác lên tiếng.

“Con bé tỉnh rồi! Nhanh cập bờ đi!”

Thuyền chạm bãi cát, sư Giác Duyên và người ngư phủ cẩn thận đỡ Kiều xuống đất. Chân Kiều chạm bãi cát, cô vùng lên thoát ra khỏi tay họ. Kiều chạy tới bên thuyền giật lấy mái chèo, gã thợ thuyền la toáng lên nhưng cô chỉ dùng mái chèo chọc xuống cát.

Cô viết. Những Hán tự. Và cả những ký tự La-tinh. Nguệch ngoạc và khó đọc, nhưng Kiều biết mình đang viết gì.

Những cái tên xa lạ nhưng thực ra lại quen thuộc.

Những cái tên quen thuộc nhưng thực ra lại xa lạ.

Nguyễn Hoàng.

Tô Đông Pha.

Dương Ngọc Hoàn.

Đoàn Nhữ Hài.

Trần Cảnh.

Trần Thuyên.

Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tomoe.

Eugenie.

Lý Càn Đức.

Alfred Nobel.

Tôn Nữ Thục Vy.

Lục Tử Cương.

Trần Quang Khải.

Tào Tháo.

Philotera.

Helen.

Võ Minh.

Oda Nobunaga.

Victor Frankenstein.

Hoắc Khứ Bệnh.

Tôn Thất Thuyết.

Trịnh Tùng.

Marie Antoinette.

Nguyễn Phúc Vĩnh San.

Lancelot.

Jean Fredman.

Trần Quốc Chẩn.

Florence Nightgale.

Mạc Cảnh Huống.

Trần Hoảng.

Michelagelo.

Edward Teach.

Mạc Kính Điển.

Leonardo.

Gordianus.

Cleopatra.

Trần Quốc Khang.

Hàn Tín.

Trần Nguyên Hãn.

Lê Danh Phương.

Tào Thực.

Louis.

Cô đang làm gì thế này?

Dải mây vàng phía trời tây nhạt dần, kéo theo ký ức của cô về những cái tên ấy. Những cơn sóng tàn bạo của sông Tiền Đường tràn lên bãi cát, xóa trôi những cái tên cô vừa viết, đồng thời xóa sạch ký ức của cô.

“Chắc con mệt lắm phải không?” Sư Giác Duyên đỡ cô đứng dậy. “Nào, chúng ta về thôi.”

Về.

Kiều đã luôn mơ tới từ này.

Cô muốn về nhà. Về bên cha mẹ. Về bên các em. Đã mười lăm năm trôi qua rồi. Các em cô đã lớn cả rồi. Có lẽ Vân đã thành thân với Kim Trọng, có lẽ họ đã có con. Quan cũng phải lấy vợ và sinh con. Kiều bây giờ đã là một người bác cả trong nhà. Cô cố hình dung gương mặt của những thành viên trong gia đình mình nhưng không thể. Kiều không thể nhớ được gương mặt của những thành viên trong gia đình mình. Người cha hiền lành nuông chiều cô. Người mẹ nghiêm khắc. Người em gái ngốc ngếch hay bị mẹ mắng. Đứa em trai hiền lành chăm ngoan.

Nhưng cô lại nhớ mang máng những khuôn mặt khác. Một gia đình khác. Một người cha có gương mặt nghiêm khắc nhưng sẽ bảo vệ cô và cả nhà. Một người mẹ khó chiều nhưng dịu dàng. Một người anh trai dạy cô về thế giới rộng lớn. Một người em trai hay trêu chọc cô nhưng không ngần ngại hướng dẫn cô những việc cần làm. Một người em gái nhí nhảnh đa cảm và luôn quan tâm tới người khác. Một người em trai thông minh chăm chỉ. Và rất nhiều người nữa. Một đại gia đình.

Không phải ở lầu xanh, không phải nhà họ Hoạn họ Thúc, không phải quân doanh của Từ Hải, cũng không phải trong chùa. Ký ức ấy cứ thập thò bên ngưỡng cửa trí nhớ, những người kia thì thoắt ẩn thoắt hiện trong vườn hoa đẹp lung linh đầy huyền bí.

Ngôi nhà tranh nằm bên bờ sông Tiền Đường đơn sơ mộc mạc, hai người ngư phủ sau khi xong việc thì nhận thù lao rồi rời đi, chỉ còn lại hai thầy trò. Nằm dài trên giường, Kiều lơ mơ nghĩ về những cái tên bên bờ sông, nhưng những gì lập lờ trong trí nhớ của cô huyền ảo như một giấc mơ vậy. Chẳng lẽ cô đã nhớ nhà đến nỗi ảo giác? Một ngày đằng đẵng trôi lềnh bềnh đã khiến cô sinh ra hoang tưởng, đến mức tưởng tượng ra một gia đình mà cô chưa từng có?

Kiều lại vò đầu bứt tóc rên rỉ.

“Chắc là con đã trải qua nhiều chuyện.” Sư Giác Duyên nói khi đem cháo cho cô.

“Nhưng, con chỉ… ý con là… con đã ở dưới sông Tiền Đường… từ tờ mờ sáng tới tận lúc hoàng hôn?”

“Phải. Nhưng da dẻ con vẫn hồng hào xinh đẹp. Và kỳ lạ là… con còn sống.”

“Con muốn trả cái nghiệp đoạn trường, con đã nhảy. Vậy nghiệp đoạn trường của con đã trả xong chưa? Đạm Tiên ơi…” Kiều siết chặt tấm chăn. “Nàng đến đón ta chưa?”

“Liệu nàng Đạm Tiên đó có thực sự tồn tại?” Sư Giác Duyên đặt bát cháo lên bàn. “Hay cũng chỉ là một trong những hình bóng đang lẩn quẩn trong tâm trí con?”

“Con… không rõ nữa.” Kiều lắc đầu. “Có lẽ con sẽ nhớ ra gì đó sớm thôi.”

Nhưng cô không thể nhớ ra gì cả. Mỗi đêm cô đều mơ thấy những hình bóng ấy, những khung cảnh ấy, những hương vị ấy. Nhưng không cái nào rõ ràng. Mỗi sáng dậy cô lại thấy gối ướt đẫm nước mắt. Giống như những ngày đầu bị bán vào lầu xanh, da diết nỗi nhớ nhà nhớ gia đình nhưng bất lực chỉ có thể khóc.

[1] Chế khoa: một khoa thi đặc biệt không theo lệ thường.

[2] Viễn bão phi tục quan: Hoài bão lớn vượt xa đôi mắt dò xét của người đời. Trích từ bài thơ Xúc xúc của nhà thơ Hàn Dũ thời Đường.

[3] Khúc Phượng cầu tức “Phượng cầu hoàng” của Tư Mã Tương Như, Đoạn Quảng Lăng tức “Quảng Lăng tán” của Kê Khang. Hai tác phẩm đã được nhắc tới trong Truyện Kiều

Khúc đâu Tư Mã phượng cầu

Nghe ra như oán như sầu phải chăng?

Kê Khang này khúc Quảng Lăng

Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.

[4] Vương Quan đang nhắc tới sự kiện Nhâm Dần cung biến năm 1542. Thời điểm Vương Thúy Kiều trong lịch sử trầm mình ở sông Tiền Đường là năm 1556, trừ đi mười lăm năm lưu lạc thì thời điểm Kiều bán mình sẽ rơi vào khoảng năm 1540 – 1541. Tác giả không tìm được thông tin về kỳ chế khoa được tổ chức ngay sau cung biến Nhâm Dần, chỉ biết cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều rằng:

Chế khoa gặp hội tràng văn

Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.

Lưu ý, Kim Trọng ở lại Bắc Kinh để nuôi cả nhà vợ chứ không phải làm chạn vương như nhân vật vô danh kia nói.

[5] Pháp danh của Kiều khi đi tu, do Hoạn thư đặt.

Bạn đang đọc truyện Thời Không Quán của tác giả A Mạnh. Tiếp theo là Chương 121: Để.