Chương 5: Thập Nhị Sứ Quân Loạn Ký

Chương 5. Hồi 2 - Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha

2,603 chữ
10.2 phút
164 đọc
2 thích

LƯU Ý: "Các sự kiện, sự việc, nhân vật trong truyện đã được hư cấu hóa dựa trên lịch sử (được ghi chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và một số di chỉ, di tích lịch sử được công nhận), tác phẩm mang yếu tố tiểu thuyết, giả tưởng của tác giả, không mang tính chất học thuật và nghiên cứu".

__________

Mồng bảy tháng 5, năm Canh Tuất [950], triều đình Cổ Loa động binh tiến đánh Đường Lâm và Tam Đái. Khi đó, ở biên giới phía bắc Giao Châu, giáp với Tam Đái đang do tướng Nguyễn Đại Hùng trấn thủ cùng với hơn hai nghìn quân. Lính tế tác từ xa thúc ngựa vội vã chạy về doanh báo tin, đến nỗi phải ngã ngựa trước doanh vì mệt và luống cuống. Đại Hùng triệu hắn vào doanh, cho nghỉ ngơi lấy sức rồi chờ nghe quân báo.

- Bẩm tướng quân, quân Tam Đái đã đến bên kia sông Cà Lồ rồi. Chúng dựng doanh cách sông hai dặm thôi. Tôi chạy dọc theo sông, thấy chúng dựng doanh ba nơi, đếm sơ cũng hơn một nghìn quân đấy. Chúng còn núp ở đâu hay không thì tôi không rõ, chỉ mong kịp quay về báo tướng quân cơ sự là như vậy đấy ạ!

Đại Hùng liền bật cười thật lớn, điệu cười thống soái mà hào hứng lắm. Miệng luôn thốt “Được, được”, rồi cho tên lính tế tác về trại nghỉ ngơi, vời các chỉ huy khác tụ họp về doanh mà bàn việc.

- Đại vương ra lệnh cho ta cùng các anh em đây từ kinh đô, lặn lội băng rừng lên tận trên này không phải để ăn chơi cho lại sức, mà là để phòng thủ hòng khi địch đánh úp xuống. Chưa hết, đại vương còn lệnh cho ta hễ thấy Tam Đái dựng doanh bên kia sông Cà Lồ thì phải hành động ngay.

Một viên tướng dưới trướng Hùng chợt hỏi:

- Đánh luôn hay chăng, tướng quân?

- Không! Dọa giặc thôi.

Đoạn nói, Hùng quay sang viên chỉ huy đội dân binh.

- Ông đã chuẩn bị xong việc tôi giao chưa?

- Bẩm tướng quân, mọi thứ đều đã xong, chỉ chờ tướng quân ra lệnh là đâu vào đấy ngay ạ!

- Tốt lắm, phen này dọa cho bọn nó đái luôn. - Hùng cười khanh khách.

Cả doanh liền vang lên tiếng cười giòn giã và đầy sảng khoái. Ấy là chiều nay Đại Hùng sẽ ra tay dọa quân Tam Đái một phen. Giờ thì toàn quân đang ráo riết chuẩn bị.

Giữa giờ thân, lúc đó mặt trời đã dần ngã bóng về phía tây. Từ trong quân doanh của Đại Hùng phi ra một đoàn người ngựa hơn hai trăm quân, chạy rất vội vã hướng thẳng ra sông Cà Lồ. Trong doanh thì quân ngũ đã sắp xong cả, đội nào ra đội náy, rất nghiêm chỉnh, quân trang đầy đủ. Đại Hùng đứng trước cửa doanh nhìn một lượt binh lính, rồi quát:

- Nhổ trại!

Hóa ra binh triều thu dọn doanh trại, dời quân ra gần sông Cà Lồ. Vẫn chưa rõ binh triều do Nguyễn Đại Hùng chỉ huy sẽ làm gì để dọa quân Tam Đái.

Trong khi đó ở phía nam xa xôi, đại binh của Xương Văn đang đợi tụ họp với thủy binh của Sỹ Đằng tại bãi đá ven sông Nhị Hà, nơi lúc sáng binh triều tập kết sang sông. Đứng trên chiến thuyền đang xuôi theo con nước, Đằng đưa ánh mắt đầy hoang mang trông về phía đoàn quân của Xương Văn. Gió chiều nổi lên rất mạnh, rít vù vù ngang tai Đằng cùng chúng sĩ. Ai cũng im lặng, không một chút sôi nổi, không còn hừng hực khí thế như ban đầu. Đợi đến khi cả hai quân gặp nhau, thuyền vừa cập vào bến là Đằng đã vội nhảy phốc xuống, mặc kệ bọn lính đang làm gì. Đằng mang vẻ mặt khó hiểu, lăm lăm đi lại chỗ Xương Văn, vòng tay cung kính rồi nói:

- Thật khó hiểu. Tôi không hiểu cớ sự làm sao, người gọi bọn này quay lại, ấy là vì lẽ gì?

Xương Văn đưa mắt nhìn tả hữu tướng, chỉ đợi cái khẽ gật đầu của hai vị rồi mỉm cười rất niềm nở, tiến lại chỗ Sỹ Đằng đỡ lấy cái chấp tay. Xương Văn ôn tồn nói:

- Ta biết đấy là sự quấy tướng quân, ta thực là nên tạ lỗi. Nhưng việc binh quả thực lại thay đổi. Chẳng những thế chúng tướng sĩ ở đây cũng phải băng rừng lội suối trở ngược lại đây đấy thôi. Tướng quân nghỉ mệt chốc lát đã, rồi ta lại nói rõ ngọn nguồn.

Sỹ Đằng thôi hặm hực, nhìn tả hữu tướng rồi cúi bái chào hỏi theo lẽ, xong việc thì đứng dạt sang một bên. Một lúc sau, một vài tướng lĩnh khác cũng đến tụ họp. Việc quân lại thay đổi lần nữa khiến chúng tướng nghi ngờ, binh lính thì mệt mỏi mất hết cả nhuệ khí. Xương Văn đứng giữa, xung quanh là hai hàng tướng lĩnh đứng nghiêm trang đợi lệnh. Ai cũng chăm chăm nhìn Xương Văn, không rõ việc binh sẽ như thế nào. Cả ngày hôm nay toàn quân đều đã mệt mỏi, chạy đến lui đi không biết bao lần. Nóng lòng một tướng lĩnh buộc miệng mà bẩm:

- Bẩm thống soái, cả ngày hôm nay quân đã mệt rệu rã, đánh đấm cái gì nữa đây? Tôi nghĩ nên lui binh đi, định lại ngày mà khởi sự!

Xương Văn liền bậc cười khanh khách, mặc cho các tướng lĩnh khác đều đang nhăn mặt không hài lòng với lời bàn lùi của vị tướng sĩ nọ.

- Tất nhiên là chúng ta sẽ lui binh.

Nói đoạn Xương Văn dò xét ánh mắt mọi người, không ai có phản ứng kích động nào cả. Nhát thấy có vẻ đúng ý, Xương Văn liền nói tiếp:

- Năm xưa Tiên Vương ta giết Công Tiễn báo thù nhà cho Dương Tiết Độ sứ, xong lại đến dẹp giặc ngoài cùng chúng tướng đây. Vì lẽ đó mà dựng nên cơ đồ, xưng vương một cõi, làm chủ đất Giao Châu nhiều năm. Tiếc thay mệnh trời khó tránh, Tiên Vương trước lúc về trời đã căn dặn ra sao, các vị còn rõ hơn cả Xương Văn.

Chúng tướng nghe đến đây liền cúi mặt hổ thẹn, lời của Xương Văn chí lý chí tình. Tình nghĩa và đạo vua tôi năm xưa chưa hề nguôi ngoai trong lòng tướng sĩ ba quân. Xương Văn nói tiếp:

- Nay thời thế nhiều biến động, nội bộ đã chia năm xẻ bảy kể từ khi Bình Vương cướp ngôi của anh em ta. Loạn trong sẽ đón giặc ngoài. Bọn giặc phương Bắc cũng sắp đến hồi kết chiến sự, thì xứ Nam ta là miếng mồi béo bỡ để chúng đến cướp bóc vơ vét. Vì vậy, ta, Ngô Xương Văn, là con trai thứ của Tiên Vương Ngô Quyền, thay cha và anh cả trả thù nhà, lấy lại ngôi báu, ổn định Giao Châu.

Xương Văn rút kiếm chém lên trên không trung một đường, hét lớn:

- Hỡi các tướng sĩ! Hỡi binh lính ba quân! Các ngươi có theo ta, lật đổ Dương Tam Kha hay không?

Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ, ai náy cũng đều ngỡ ngàng, nhìn nhau ngơ ngác cho đến khi tả hữu tướng thốt lên “Theo!” thì tất thảy cũng đồng thanh hô vang, hò reo rất khí thế. Không ai trong quân có ý phản đối lời hiệu triệu của Xương Văn. Họ hồ hởi hô theo, có người ứa nước mắt mà khóc vì xúc động. Xương Văn đứng mỉm cười, ngây người nhìn theo khí thế đang hừng hực và rạo rực trong lòng ấy. Đợi chúng quân im lặng, Sỹ Đằng mới chấp tay cung kính bẩm:

- Hóa ra người gọi bọn tôi quay về vì cớ này đấy ư?

- Phải, phải. Vất vả cho tướng quân cùng anh em binh lính rồi. Nay lại phải phiền tướng quân vất vả thêm một chuyến nữa đưa bọn này sang sông đấy!

- Không vất vả! Không vất vả!

Sỹ Đằng ra hiệu chối bỏ sự vất vả, đoạn nói thêm:

- Nhưng tôi lo đường xá xa xôi, quân lại chuyển tới chuyển lui đã mệt mỏi, liệu có đánh nổi chăng?

- Tướng quân yên tâm, việc này ta đã nghĩ đến và tiên liệu xong cả. Chỉ cần quân ta đồng lòng, trận này tất thắng!

- Người nói đã nói thế thì tôi tin vậy!

Xương Văn lặp tức ra lệnh toàn quân hạ trại nghỉ ngơi, cho lính gấp rút dựng đại doanh để các tướng nghị sự. Trời sập tối, khu vực bãi đá ven sông Nhị Hà bập bùng ánh đuốc, người ngựa ồn ã phá tan cái vẻ hoang vắng thường ngày. Các tướng lĩnh tập trung về đại doanh, ai náy đều mang tâm trạng hồi hộp đứng đợi. Xương Văn từ sau bức trướng bước ra, gương mặt rạng rỡ dưới ánh đèn đuốc. Tất cả chào nhau rồi ngồi xuống ghế, chăm chú về phía thống soái - Xương Văn.

- Các vị nói xem, chúng ta nên đánh như thế nào là phải đây?

Xương Văn hỏi dò tất cả mọi người trong doanh.

- Bọn tôi mang quân từ kinh đô lặn lội đến đây. Nay quay lại lật đổ Bình Vương, mọi sự đều do người khởi xướng. Bọn tôi đành nghe theo hết thảy. Chỉ mong… trận này đánh nhanh, ít thương vong, tránh tạo nên đau khổ cho binh lính và bá tánh.

- Tả tướng quân nói phải, lẽ ấy chúng ta nên theo. Chỉ là kế sách như thế không phải một sớm một chiều mà nghĩ ra được. - Hữu tướng Cảnh Thạc bày tỏ.

Bầu không khí trầm xuống một chút, ai cũng chìm vào suy nghĩ riêng tư của mình. Hồi lâu Xương Văn mới bắt đầu nói kế sách lật đổ Bình Vương.

- Xưa nay chuyện công thành không phải là chuyện dễ dàng gì, lại nói Cổ Loa là thành trì vững chắc từ thời An Dương Vương, trong ngoài nhiều lớp. Chúng ta đã quá quen thuộc cách bố trí phòng bị của Cổ Loa cả rồi, không cần phải nhắc lại. Tất nhiên chúng ta sẽ không đánh giáp công vào để chiếm thành. Ở phía nam Giao Châu, chúng ta có quân ở đó, hẳn là bây giờ đang áp sát vào Giao Châu.

Mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên vì trước giờ triều đình không chia quân xuống phía nam, chỉ có một nhóm quân lẻ tẻ làm nhiệm vụ canh gác tuần tra.

- Quân ta? Phải chăng là… ?

Mọi người liền vỡ lẽ, hiểu rằng từ Nam Sách và Đằng Châu còn có Ngô Xương Ngập, anh trai của Ngô Xương Văn và cũng là con trưởng của Tiên Vương Ngô Quyền.

- Phải, chuyện đánh Đường Lâm và Tam Đái lần này ta cố ý xin đánh, lại cho người rêu rao chuyện này ra khắp để huynh trưởng ta chuẩn bị quân, cùng hợp sức công thành.

Tất cả đều kinh ngạc trước âm mưu của Xương Văn, hẳn là đã ủ từ lâu rồi.

- Triều đình hơn hai vạn quân, nay trong tay ta cũng đã gần bảy nghìn, phía bắc Đại Hùng dẫn hai nghìn, như thế Cổ Loa chỉ còn lại hơn một vạn, lại nói phải đảm đương nhiều mặc phòng bị nên khó lòng đủ mạnh được. Quân ta vượt sông, chia làm hai hướng nam và tây áp sát Cổ Loa. Phía nam quân ta hợp với quân của Đằng Châu và Nam Sách, cũng đã hơn đã lên đến một vạn, Cổ Loa hai mặt thất thế nhất định phải nghĩ đến chuyện hàng. Việc của ta là dọa và chiêu hàng các tướng lĩnh, binh sĩ. Như thế ta vào thành dễ dàng mà lại chả thương vong. Họa chăng buộc phải đánh, thì cũng không quá khó.

Xương Văn ngập ngừng, làm tăng sự tò mò của chúng tướng.

- Ta còn có nội gián ở trong thành, đúng ngày giờ, nếu suôn sẻ thì cổng thành sẽ tự mở toang mà đón chúng ta vào cả thôi.

Ai nấy đều “Ồ” lên sung sướng, kế sách không quá khó nhưng thâm hiểm, đòi hỏi sự chuẩn bị từ trước chứ không phải đến bây giờ mới bắt đầu hành động.

- Bẩm chủ tướng, nhưng quân của Đại Hùng biết tin và kéo về kịp thì chúng ta làm thế nào? Hắn là tên tướng thân cận với Bình Vương từ hồi đánh giặc Hán, lại nói tính hắn khí khái, trung thành. Tôi e là…

Xương Văn bật cười khanh khách, điệu bộ đắc ý như thể mọi việc đã xong cả.

- Mọi người yên tâm. Ta đoán giờ này Đại Hùng đang hầm hè với quân Tam Đái đấy.

Mọi người thắc mắc, vẫn chưa hiểu hết ý của Xương Văn nên hỏi thêm. Xương Văn từ tốn giải thích.

- Như khi nãy ta đã bảo còn gì, chuyện quân ta đánh Đường Lâm với Tam Đái, ai cũng biết cả. Mọi người nghĩ xem, Nguyễn Khoan sẽ ngồi yên đợi ta đem quân hai mặt nam và đông đánh vào hang ổ Biện Sơn hay sao? Hẳn là ông ta sẽ cho quân ra sông Cà Lồ, thủ một dải ở đó. Quân ta cũng cử Đại Hùng ra sông Cà Lồ, vừa thủ vừa dọa địch. Không đứa nào dám đánh đứa nào, cứ vậy mà hầm hè nhau. Ai rút quân trước thì thua, khéo khi lại bị truy sát. Giả như Đại Hùng tự ý rút quân thì về Cổ Loa phải biết ăn nói làm sao. Nên hắn phải ở đó mục đích là không cho địch đánh mà cũng không cho địch rút. Đến khi Tam Đái rất lui an toàn thì cũng là khi ta ở đây mọi sự xong cả rồi.

Cả doanh đều vang lên tiếng cười sảng khoái. Họ cười cho cái tên Đại Hùng bị dụ lên biên thùy ghẹo địch chứ chả làm gì sấc.

- Kế sách là thế, giờ ta chia quân thế này…

Sắp xếp binh lực xong xuôi, mọi người lui ra chuẩn bị ăn tối và nghỉ ngơi. Tả hữu tướng ở lại cùng Xương Văn trò chuyện thêm một lúc thì cũng lui ra. Xương Văn ngồi xuống văn án, thở dài một tiếng rồi mỉm cười mãn nguyện, thì thầm:

- Cha, con sắp giành lại được vương vị của cha rồi. Cha ở trên trời phù hộ cho con, ngày mai con nhất định phải thắng. Bằng không, xương máu hàng ngàn anh em tướng sĩ lại phải đổ xuống một cách oan uổng.

Nước mắt đã rơi lã chã trên khuôn mặt thanh tú, trẻ tuổi nhưng sương gió của Xương Văn. Ánh mắt hắt lên ngọn lửa đuốc, long lanh nhưng rất kiên cường. Đêm dài kéo đến, sớm mai quân của Xương Văn sẽ kéo về Cổ Loa lật đổ Dương Tam Kha.

Bạn đang đọc truyện Thập Nhị Sứ Quân Loạn Ký của tác giả An Tịnh. Tiếp theo là Chương 6: Hồi 2 - Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha