Chương 1: Thanh Xuân Như Một Chén Trà....

Chương 1. Chương 1: Bụi đời chợ lớn

1,634 chữ
6.4 phút
593 đọc
14 thích

Chương 1: Bụi đời chợ lớn

Ga tàu tỉnh lẻ cố gắng vớt vát để gần với hai chữ khang trang nhưng vẫn chẳng tránh khỏi cái dạng cái điêu tàn, đổ nát. Ở cái thời gặm khoai mần sắn, hấp hạt bo bo ăn qua ngày thì còn lâu lắm mới có người nghĩ đến xây dựng một ga tàu khang trang, sạch đẹp.

Hôm nay, bon chen trong dòng người nhộn nhạo, Tuấn với thằng bạn thân cùng nhau nhảy tàu rời quê ra thành phố mưu sinh. Chúng nó sùi sụt tạm biệt thầy u, lòng đầy háo hức chạy về phía cửa lên tàu nhỏ hẹp nhưng lại là cánh cửa đến miền mơ ước. Một tay ôm cái bị nhỏ trước ngực, một tay giơ cao tấm vé vẫy vẫy như chào đón cột mốc mới của cuộc đời. Kể đến hai thằng nhóc, nhà hai đứa lại thuộc dạng bần cùng nhất nhì trong thôn thành ra chúng nó chẳng mặn mà gì với việc học tiếp lên cao. Hai thằng nhóc choai choai, lưu luyến bỏ lại thầy cô, nhường lại ước mơ đến trường cho người khác để ra thành phố bươn chải. Cái nghèo khó làm trẻ con chưa biết ăn đã lo đói, chưa biết bịn rịn áo cha váy mẹ đã phải trưởng thành xông vào đời. Hành trang mà Tuấn với Thắng đem theo chẳng có gì ngoài trái tim nhiệt huyết và thấp thỏm đợi chờ cuộc sống mới.

Tàu này vốn là tàu dùng để chuyển hàng hóa từ nhà máy dệt Nam Định lên thủ đô. Mấy toa tàu đã qua sử dụng lại vì xuống cấp mà nằm lại trong bãi cả mấy năm trời. Nhưng đất nước vừa giải phóng so đâu được cũ mới, cứ còn dùng được là dân ta nhảy lên đi tất. Dầu sao vẫn tốt hơn là đi bằng hai cẳng chân cả chục cây số. Trên toa tàu trống hốc chỉ có vài hàng ghế gỗ cũ mọt. Gà chó, nông sản cùng người chia nhau không gian nhỏ hẹp. Mặc dù có quy định không được mang động vật lên tàu nhưng toa tàu này đã nát đến không thể nát hơn, nhìn đâu cũng thấy rỉ sắt cũ kĩ màu nâu gạch. Người soát vé thương tình đám dân nghèo đem toa này làm thành toa chở khách đèo hàng kết hợp. Ai biết ý vẫn các thêm chút tiền, màu mè coi như biếu bác soát vé tiền chè nước kẹo lạc. Khoảng một hai nghìn mỗi mặt hàng tùy to nhỏ, nhiều ít.

Đám gà xù lông, sò đầu ra khỏi chuồng lưới mắt cáo quăng quắc đến đau tai. Người chủ bên cạnh bị mấy con gà lắm mồm gây phiền chán, cục xúc đá mạnh cái chuồng làm đám gà hoảng loạn muốn xổ lồng, lông bay tung tóe. Ấy vậy mà hiệu quả, đám gà ngậm tăm, co đầu rúc vào cánh. Mấy người bên cạnh cười soà, hình như đã quá quen với cảnh này. Một cô nhìn tươi tỉnh, buồn miệng hỏi.

“Anh Linh gà hôm nay nóng tính thế? Chắc lại bị vợ chịt tiền uống rượu à?”

Người đàn ông đang bực mình, bị bà cô khơi mào chọc trúng chỗ đau, mồm bắt đầu bắn liên thanh.

“Mẹ nó! Có mấy con gà quỷ mà mụ vợ bắt phải đem lên tận chợ tỉnh để bán. Được thêm tí tiền mà mệt thân cực xác chứ làm cái gì. Ông đây đi cửu vạn mấy bận có mà được gấp mấy lần chỗ này. Giờ thì hay rồi, ở nhà làm thằng nuôi gà. Nghĩ nó nhục.”

Bà cô cười khanh khách, càng đắc ý trêu chọc bao thuốc nổ. Âu cũng là vì chuyến tàu này còn dài lắm.

"Hay thế này, em đây đi buôn bán đánh hàng khắp mấy tỉnh quanh đây. Cuối năm dạo Móng Cái, đầu năm đi về chợ Viềng, thân gái một mình cũng tủi, đáng thiếu một đáng nam nhi cùng em buôn ba gánh vác. Nếu anh Long không chê thì đến chỗ em làm, giàu sang ra sao thì không biết chứ tiền của thì chắc chắn không thể ít được."

Linh gà liếc nhìn người đàn bà này một cái, chép miệng.

"Khỏi. Tôi không ham."

Bác soát vé có vẻ rành rõ chuyện của mấy khách quen đi tàu..

“Chú nghĩ đúng đấy. Tiền của nhiều sao bằng được gần gũi vợ con. Không phải vợ chú thương chú bốc vác vất vả à? Sau này còn để lại cả ổ bệnh cũng lên. Tôi nói cô Tươi thương chú phải biết đấy. Có được người vợ như thế, tôi mà là chú thì miệng tôi toe toét đến mang tai rồi.”

Có vẻ xuôi xuôi lời bác soát vé nói, Linh gà ậm ừ, ngại ngùng nhăn mặt.

“Tôi biết rồi. Khổ quá nói mãi.”

Đám người thấy thế cười ngặt nghẽo đến khi Linh gà thẹn quá hóa giận đạp mạnh vào cái chuồng gà cái nữa mới thôi. Đám gà thêm lần nữa khiếp mất hồn vía, xoắn cổ vào nhau, không dám ho he.

So với nông dân, tiểu thương trên toa thì hai thằng nhóc mặt còn non choẹt, túi lớn bị nhỏ, đứng co mình một góc hấp dẫn ánh nhìn của biết bao người. Bác soát vé thấy tội nghiệp nên kéo hai thằng đến hàng ghế gỗ, xếp chúng nó ngồi ngay ngắn ở đấy. Đến trạm tiếp theo còn lâu lắm nên đám người không có chuyện gì làm dồn hết sự chú ý lên hai đứa trẻ. Khi biết được hai đứa định lên Hà Nội tìm việc, mấy người đàn ông gần đấy thấm thía vỗ vai hai đứa động viên

“Cố lên!”

“Có bản lĩnh”

“Sau này sẽ tốt thôi.”

"Đàn ông con trai là phải biết chịu khổ. Ra đời bươn chải sớm có được cái mánh lới làm ăn so với người khác cũng coi như là giành dật được may mắn từ ông trời."

Chú Linh gà nhìn mặt cau có khó gần ấy thế mà lại móc ra một gói xôi được bọc cẩn thận trong nhiều lớp lá chuối dúi vào tay Thắng.

“Còn xa lắm, ăn đi. Rỗng bụng đến chân run người mỏi thì có mà chết rũ chứ đừng nói đến tìm việc.”

Mấy người mang theo nông thổ sản khác cũng niềm nở nhét cho hai đứa nhóc mấy thứ lặt vặt coi như ra đường thấy người cùng cảnh mà đưa tay giúp đỡ. Thắng nhận lấy, không quên lễ phép cảm ơn từng người rồi cứng mặt đăm đăm suy nghĩ.

Tuấn chưa đi tàu bao giờ, bỏ quên cái nơm nớp lo sợ cho tương lai ở một xó mà hào hứng nhìn ra quang cảnh phía ngoài. Bánh xe sắt trượt trên đường ray thi thoảng khừng khực rung lắc khiến đám người lưng mặt gặp nhau, sống mũi bị va đâu ê ẩm. Thắng nhét Tuấn vào góc, lấy khổ người to sộ của mình che chắn cho thằng bạn còi. Thi thoảng đoàn tàu đi qua khu vườn tược trù phú, mấy cành ổi không nhịn được cô đơn tịnh mịch đung đưa cành lá muốn nhảy vào tàu qua ô cửa sổ mất kính. Thắng tiện tay vặt vài quả lau lau lên áo rồi đưa cho Tuấn.

“Ổi Găng đầu thu. Quả tuy nhỏ nhưng thơm ngọt, giòn tan.”

Từ đôi bàn tay to khỏe đầy vết chai sần của Thắng, Tuấn lấy ra một quả cỡ vừa ăn rồi đẩy số còn lại về cho cậu ta. Cái vị hơi chát từ lớp vỏ thêm cái mềm mềm giòn mát của lớp thịt bên trong làm cho người ăn không khỏi cố gắng nhai nhiều thêm mấy lần. Ổi găng hạt tuy nhiều nhưng lại giòn thơm như gạo rang, nhai trong miệng nghe tanh tách, làm cho Tuấn ăn không ngừng miệng.

Thắng nhìn thế chỉ biết cười. Cậu ta nhét xôi cùng vài thứ lặt vặt vừa nhận được vào tay Tuấn.

“Sẽ rất khổ.”

“Hả?” – Vị thơm mát, ngọt ngào từ quả ổi kéo hồn người bay tận đến chốn nào đó của đồng quê cỏ nội làm Tuần chưa kịp hồi thần.

“Lên thành phố rồi sẽ rất khổ. Cơm chan nước mắt, quần áo phơi sương, màn trời chiếu đất.”

Tuấn từ tốn chia đồ ăn vừa nhận được thành hai phần, vẫn là phần nhiều nó gói cho Thắng, phần ít để cho mình.

“Sợ chứ. Chính vì thế tôi mới theo cậu. Hai người cùng sẻ chia sẽ bớt khổ hơn chăng?”

Câu nói nửa đùa nửa thật cứ thế làm dịu đi nỗi lo lắng về quãng đời phía trước trong lòng hai đứa trẻ.

Trong số đồ ăn lặt vặt nhận được từ cô bác cùng đi tàu có hai thanh kẹo lạc nhỏ được bọc trong giấy bóng, nhìn là biết quà vặt đắt tiền thường chỉ có vào dịp Tết. Tuần nhìn lớp đường nâu ôm ấp hạt lạc mà thèm. Nhưng nó nhớ ra sang đông là sinh nhật Thắng nên nhẩm trong bụng sẽ để dành đến lúc đấy mới lấy ra ăn. Nó nghe người ta kể, người Tây giàu thế là vì trong sinh nhật họ được ước dưới ánh nến cùng những chiếc bánh ngọt ngào. Thế nên nó muốn để dành sự ngọt ngào hiếm hoi này cho người bạn thân bên cạnh.

Fanpage: Cửu hoàn Cửu mỹ

Follow để biết những nước đi ngu người của tác giả (thực ra là vì chán quá cần người tám ạ)

Bạn đang đọc truyện Thanh Xuân Như Một Chén Trà.... của tác giả Cửu hoàn Cửu mỹ. Tiếp theo là Chương 2: Chương 2: Đông Tây cách nhau ngày nắng, Nam Bắc đôi ngả mưu sinh