Mưa Diễn Châu mịt mù giăng lối,
Người hoạ nạn gặp được phúc nhơn.
Chiêu Phượng nhìn sư cữu cười, quả thực nàng đã trưởng thành nhiều, ở độ tuổi nầy chẳng khác nào bông hoa tươi rói vừa hé nở, dễ dàng thu hút khối nam nhơn đến gieo mộng ôm tình. Diện mạo nàng chẳng phải thuần khiết của nữ nhi thường tình mà là thuần khiết của thiên tiên, mang lẫn nét uy phong như một nữ tướng. Dẫu thường rong ruổi bên ngoài nhưng được nước da sáng mịn, hồng hào, nổi bật vóc dáng bốn thước, kể cả khi đứng hay ngồi đều toát lên đạo mạo.
Thanh Hầu chỉnh sắc mặt nghiêm túc, nói: “Ngày mốt lên đường đi Nhơn Trạch, cháu đã thu xếp tư trang rồi chưa?”
“Cháu giao cho Tú Sương làm rồi thưa cậu.”
“Đó giờ cứ vậy hoài, chả biết khi nào thì mới lớn khôn được.”
Bị sư cửu rầy nhưng nàng chỉ cười trừ.
Trời vừa đứng bóng, ông xếp tay sau lưng rời đi thì nàng có kéo lại bằng câu nói: “Sáng ngày mơi con lên núi hái ít thuốc. Ở nhà hễ có tin tức gì từ đại nội thầy sớm báo với con nghen.”
Ông day lại, nhíu mày: “Còn không lo chuẩn bị ngày tới khởi hành mà ở đó còn bận tâm chuyện thuốc thang.”
Tờ mờ sáng hôm sau, dẫu thầy có nói gì thì Chiêu Phượng vẫn nhất định lên núi tìm lá thuốc. Nàng khoác gùi lên vai, rời khỏi bản doanh, cách xa nơi không người sinh sống có ngọn núi không rõ tên. Nàng giữ nhịp độ leo đều đặn cho tới khi gặp các mõm đá thì từng bước vượt lên, mầy mò đến mặt trời sắp sửa lặn thì mới ưng bụng ra về.
Chiêu Phượng vác một gùi đầy ắp lá thuốc và bông tươi xuống chân núi, ngang qua thượng nguồn con suối nàng bắt gặp một kẻ ăn mày nằm bẹp trong bụi cỏ. Cả người đều mang trọng thương và nặng mùi hôi hám. Chiêu Phượng định không quan tâm nhưng khi trông thấy chàng ta nặng nề lê lết và giương cánh tay chộp lấy đầu thân xương rồng. Màu đỏ của máu thấm đẫm lòng bàn tay, từ từ rỏ xuống. Lúc nầy nàng bỗng mủi lòng, tiến đến gần thì người ăn mày đã ngất lịm.
Trông người anh ta dài hơn nàng, to xác hơn nàng thế mà nàng lại một phát bế gọn anh lên, đưa về doanh trại. Còn chàng thì thần trí bất minh, chẳng hay biết có người vừa cứu mình.
Phượng đưa hắn đặt trên giường của nơi thăm khám bịnh, biểu hai đệ tử là Tí Sún và Tèo Mướp đến gỡ giùm y phục của người ăn mày rồi sau đó lau qua nước.
Hai người nầy mệnh lời làm theo, khi vạch cổ áo từ vai xuống cả hai đều hốt hoảng hét lớn khiến Phượng lật đật trở ra. Nàng kinh ngạc nhìn thấy trên ngực của anh ta chi chít những vết thương, bằng kinh nghiệm đưa ra phán xét.
“Trên người đều là những dấu vết từ nhỏ đến lớn, từ roi đánh, đao chém, lửa đốt. Còn những chỗ thịt lồi kia chắc hẳn đã bị con gì đó gặm nhắm. Dấu thương cũ chưa lành, dấu thương mới đã chồng chất. Từ ngày nầy qua tháng nọ cho nên thành ra kinh tởm như thế nầy.”
“Vậy bây giờ phải làm sao đây?”
“Cứ như ta đã nói mà làm theo, chừng xong rồi thì kêu ta đặng trị vết thương cho hắn.”
“Xin tuân lịnh bà chúa.”
Tí Sún và Tèo Mướp mang thau nước lạnh, vải mềm cùng một bộ y phục mới, cả hai trút bỏ y phục cũ mà bộ dạng cứ nhờn nhợn như sắp ói. Tèo Mướp sắc mặt khổ sở, vừa bịt mũi vừa cầm tấm vải nhẹ nhàng chấm lên người gã ăn mày.
Chiêu Phượng ở riêng một nơi điều chế thuốc, chừng nghe hai người kia xong xuôi nàng mới cất chưn lên và tự tay bôi thuốc cho thân trên của chàng, rồi nhét vào tay thằng Tí biểu nó: “Bên dưới ngươi làm giùm ta, bôi nhẹ y hệt như ta vừa làm.”
“Hả? Con làm hả?” Nó ngó nàng trân trân.
“Làm đi. Ta là nữ nhi không làm được.” Phượng nhướng mày, trên gương mặt không biểu lộ cảm xúc nào.
Từ đầu chí chưn của gã ăn mày đều bọc lấy vải trắng, chỉ chừa lại hai con mắt bầm đỏ.
Đêm tối ập đến, Phượng đến thay cho thằng Tí và Tèo vào trong buồng ngủ còn nàng thì ngồi ngoài trông chừng đặng tiện săn sóc. Chiêu Phượng ngồi xuống ghế nghĩ đến hồi chiều, lúc thấy bàn tay anh nắm xương rồng, bị gai nhọn của xương rồng chọc thủng nhưng chẳng hề hấn, chỉ có thân người làm động thái co quắp trong khi tay còn lại bấu vô đất. Phượng nhớ đến bản thân ngày xưa cũng như nầy khi dấn thân chinh chiến nơi sa trường chẳng may rơi trúng bẫy của quân thù, và bị nhốt trong lồng sắt. Hết khảo bằng roi, treo ngược rồi lại bắt chuột đói bỏ vào cắn, Phượng chịu đủ mọi cách thức hành hạ.
Ở trong hang nàng chẳng thể phân định ngày đêm, hầu hết đều ngập chìm trong bóng tối. Tới khi có tia sáng he hé trên đỉnh hang động nàng mới biết bên ngoài đương là ban ngày. Tóc tai rối nùi và bù xù hệt lông nhím. Chiêu Phượng ngẩng đầu thấy tia sáng đương chiếu trên một cây xương rồng. Phượng dùng sức bình sinh còn lại lết tới, vươn tay nắm vào thân xương rồng. Máu từ lòng bàn tay túa ra, nhuốm lấy màu xanh của cây. Chiêu Phượng làm vậy bởi vì bản thân bị ép uống độc dược và chất độc đương phân tán mạnh dần làm nàng đau đớn, quằn quại đến khó kiểm soát. Khi bất chợt thấy gai của xương rồng nàng chẳng nghĩ ngợi gì mà với tới chộp lấy, bằng cách nầy Chiêu Phượng đã khắc chế được cơn đau.