Lời thề thốt trên rừng bông phượng
Chiêu Phượng địu Bảo trên lưng, ngoái lại hỏi: “Bộ lúc anh đánh tụi nó anh không còn thấy đau chưn sao?”
“Anh không biết tại sao lại như vậy nữa, chỉ nghĩ rằng làm sao có thể bảo vệ được em.”
“Qua hôm nay không còn em kề cạnh anh nữa, sau nầy anh phải tự dựa vào sức mình đặng tự bảo vệ chính anh. Chỉ một xíu linh lực của em mà đã đủ làm anh bị thương thì lỡ đâu có ai ăn hiếp, anh sẽ xử bọn chúng làm sao đây?”
Nhựt Bảo tủi hổ nghĩ lại, cách một hồi nói với nàng: “Anh hứa với em, không chỉ anh mà anh cũng sẽ bảo vệ em.”
“Anh hứa thì phải làm được đó đa.”
“Anh muốn khi em cần anh đều có mặt chớ không như hôm nay. Cả đời nầy anh sẽ che chở cho em.”
“Em sẽ đợi tới khi đó, bao lâu không quan trọng. Anh đừng quên yêu tộc chúng ta tuổi đời tới mấy ngàn năm nên phận em chả phải gấp gáp mần chi. Anh lo thân anh trước đi đã.”
“Anh hứa tất nhiên anh sẽ làm được, không để em phải chờ đợi lâu đâu. Anh sẽ sớm tới Diễn Châu đón em về nhà.”
Chiêu Phượng gật cười:
“Ừm, em đợi anh.”
Chừng lát sau Bảo ghé sát vô tai nàng mà nói rằng: “Em là nữ nhi, sau nầy lớn lên buộc phải theo chồng thì làm sao để anh bảo vệ em cả đời được đây?”
Chiêu Phượng nghe vậy thì có suy ngẫm, mặt thì vẫn hướng trước mà đi. Cách ít lâu nàng nói: “Vậy sau nầy trưởng thành em gả cho anh là được mà. Khi đó anh sẽ có thể che chở cho em cả đời rồi đa.”
“Ừa ha, vậy nào em lớn anh sẽ lấy em.”
Nàng địu Nhựt Bảo xuống núi lần về hoàng thành.
Những câu nói vô tư của hai đứa trẻ còn chưa đủ khôn lớn ấy vậy mà bỗng trở thành mối ràng buộc mãi sau nầy của chúng.
Bẵng một cái đã tám mươi năm trôi đi, Chiêu Phượng vẫn nơi nầy chờ đợi một ngày người từ trong cung đến đón. Đêm khép lại ngày rạng rỡ, lặp đi lặp lại một cách thầm lặng trong dương thế chẳng mấy ai để ý song nàng thì không như vậy. Chiêu Phượng vẫn thường tự hỏi, ở nơi phương ấy, thành Trường Xuân liệu có ai còn nhắc chuyện của nàng hay không? Vì vậy mà nàng luôn ở bản doanh của sư cửu đặng ngóng trông theo thời gian dần qua.
Trấn Diễn Châu nằm cặp biên giới, được ban cho thiên nhiên trù phú có con sông Lục Ngạn uốn quanh. Cách hướng Tây Nam giao với Sở Kỳ còn mạn Bắc tiếp với Đại Pháp. Nơi đây nổi lên tự bao đời là giao lộ kinh thương sầm uất bằng đường bộ. Muốn qua được nơi nầy mà vô trong La Thành, buộc phải xuôi theo dòng Lục Ngạn, vượt cả sa mạc Bình Nguyên mất tám ngày bảy đêm. Tuy nhiên thương buôn trở về từ đây đều trở thành người giàu có, của cải ruộng đất bạt ngàn vô kể.
Nhà dân ở Diễn Châu được cất theo dáng nhà sàn, quẩn quanh được bao phủ bởi rừng đồi núi thấp. Giữa trấn là bản doanh của Thanh Hầu gia gồm những dãy nhà kề nhau.
Năm nay vào mùa hạ mưa nhiều hơn năm ngoái, Chiêu Phượng dựa bên ô cửa trông những hạt mưa đương rỏ từ mái gianh. Bên hông có trồng nhiều bụi tre trúc, sau trận mưa lớn phần nhiều mặt lá vì không trụ được mà lần là rơi xuống, cánh vàng cánh xanh nằm ướt rượt ở phía trong bãi lầy. Nàng vươn tay đặng cho bồ câu đậu lên, nó dùng mỏ kẹp lấy vật nhỏ từ dưới chưn rồi trao cho.
Khi mở ra, trong đó là lá thơ được biên vài dòng ngắn ngủi: “Ngài ngự bận triều chánh nên chưa thể hồi âm về sự này.”
Chiêu Phượng gấp lại, mặt mày buồn nghiến, bao lâu rồi vậy mà nàng còn tại nơi đây, mòn mắt dõi mong ngày cha mẹ con cái đề huề. Đã qua bảy mươi hai mùa thay lá rồi cây đơm bông, trái lớp rụng lớp làm mồi cho chim ăn, mà bao cánh thơ gởi đi lại chẳng có tin tức chi.
Chiêu Phượng tiến ra ngoài sân trước trong khi văng vẳng bên tai tiếng người ta tập võ. Tất thẩy những người nầy là binh sĩ của sư cữu, dáng người nào người nấy đều hơn năm thước, thân hình rắn rỏi, khỏe khoắn. Đội quân tuy không nhiều nhưng toàn là những tinh binh chủ chốt, một khi đã xuất trận kẻ thù phải rờm rợp dưới chân. Chiêu Phượng đi qua, ngó bọn họ đương cần mẫn tập luyện thì nở miệng cười. Nàng ra sau hè, tay sàng lên sịa đặng cho mộc khấu và cam thảo được trải đều dưới tia nắng.
Cách hồi lâu các binh sĩ đồng loạt được Thanh Hầu gia cho phép giải tán, ông tiến đến Chiêu Phượng.
“Hôm nay cậu chỉ cho tập luyện có nhiêu đó thôi hả?” Phượng cất lời trong khi chẳng hề ngẩng lên.
“Ở tập thêm một tí vẫn được nhưng mà ta lo nhan sắc của cháu làm lay tâm của các sĩ binh, nên cho họ giải tán sớm.”
Khi nầy Phượng mới thẳng người, trông thấy hai mắt sáng ngời ngợi đương nheo lại làm lộ dấu chưn chim, gương mặt niềm nở nhưng không thể giấu nổi tuổi tác. Trên tóc và râu cũng ánh sợi bạc sợi đen.