Đêm hôm chong đèn ra trước gió
Vắt vẻo ngồi nghe sự tích xưa.
Tiểu tinh cầu Trái Đất kể từ khi có mặt trong vũ trụ đã trải qua muôn trùng vạn biến của tai ương, song vẫn duy trì cho đến lúc được tái sanh nên hình hài mới. Trong suốt chặng đường dài từng chứng kiến bao sự hình thành của nền văn minh huy hoàng. Và có một thời kỳ rất lạ, khi mà loài người và loài yêu cùng sống chan hòa với nhau. Tuy loài người không thể giống loài yêu, nhưng loài yêu thì lại mang dáng dấp hệt con người với sức mạnh thần thông tuyệt đối. Hơn hết, tuổi thọ của con người vỏn vẹn có trăm năm, còn loài yêu lại vượt bậc với con số trên một ngàn.
Thuở nọ tại vương quốc La Thành.
Trên đồng cỏ đã héo một màu vàng khô, song song hai phía của rặng cây có nhóm người đuổi theo một con nai con. Nữ tử ngồi trên yên ngựa dẫn đầu là một cô bé tuổi tầm chưa tới mười, theo sau có ba người đờn ông.
Nàng đưa mũi giáo dứt khoát nhắm tới nai con đương tận sức chạy, cuối cùng chẳng thể thoát nai con gục xuống bên hàng cây chết tươi.
Một trong những người đờn ông ban nãy tiến tới nhặt xác nai con đem đến dâng trước nàng.
“Con học giỏi lắm!” Người ngồi trên ngựa bước tới nói với cô bé.
Nàng mỉm cười, nhanh chóng đáp: “Đội ơn thầy đã khen con.”
Bé gái liền đem chiến tích về khoe với mẹ và bà ngoại khi cả hai đương uống trà nói chuyện trước cửa điện Minh Cát.
“Bà ngoại, mẹ, xem Phượng nhỏ mang được gì về nè.”
Hoàng Thái hậu nét mặt không phản ứng gì thế nhưng Hoàng Quý phi lại tiến đến, quỳ xuống bên nàng và vịn vai nói: “Nai con hy sinh tánh mạng để làm con vui, vậy thì con có nghĩ tới nai mẹ sẽ như thế nào không?”
“Dạ không.” Nàng ngây ngô trả lời.
“Nai mẹ sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn dù không phải chính tay con giết chết nai mẹ. Bởi vì nai con là sự sống, là ăn liền khúc ruột với nai mẹ. Cho nên về sau nầy không được tùy tiện dùng tài nghệ của mình khi chưa có sự xem xét kỹ càng, con nhớ chưa?”
“Dạ con nhớ rồi thưa mẹ.” Nàng gật đầu.
Người đờn ông ban nãy mà cô bé gọi là thầy đến bên Hoàng Quý phi, cung kính nói: “Lỗi thuộc về hạ thần đã không giáo dưỡng đường hoàng, xin mệnh phụ đừng trách phạt bà chúa.”
Hoàng Quý phi ngẩng lên: “Ta chỉ dạy dỗ con bé một chút, việc nầy hoàn toàn không liên can, không phải lỗi của Thanh Hầu gia.”
Từ đằng xa dáng của một bé trai tuổi vừa bằng đứa con gái kia chạy tới.
“Cháu thưa bà nội, thưa thím.”
Rồi ánh mắt sáng rực day sang hướng kia:
“Chị ơi! Em mới lặn dưới biển lấy được Đan ngọc đỏ trong thuồng luồng nè.”
Cậu bé xòe hai lòng bàn tay ra, giọng điệu vô cùng vui sướng: “Đan ngọc đỏ giúp có thể thở dưới nước mười hai canh giờ, là thứ chỉ có thể thấy chứ không thể cầu.”
Bé gái kinh ngạc ồ lên: “Vật hiếm như nầy ước gì em cũng có.”
“Cái nầy em dành tặng cho chị. Em sẽ mang về kết nó thành dây đeo.”
“Thật à?”
Bé trai liền gật đầu.
Khi nầy nàng mới nhìn ra sau, hỏi: “Sao không có cung nữ nào theo hầu anh hết vậy?”
“Em đã cho họ nghỉ hết rồi. Em không thích xuất cung mà có người lẽo đẽo theo sau.”
“Sao mà anh cứ xưng với em bằng em hoài vậy. Xét trên vai vế dù anh có nhỏ hơn em vài tháng nhưng anh là con của Thập thất thúc.”
Nàng vừa dứt lời thì cậu nhón chơn lên: “Nhưng mà chị cao hơn.”
“Cao hơn nhưng không có nghĩa làm em của em. Nếu anh vẫn tiếp tục gọi như vậy thì em sẽ không chơi với anh nữa.” Nàng cắt nghĩa cùng giọng điệu giận lẫy.
“Đừng. Anh… anh biết rồi.”
Một năm sau.
Vương của La Thành để mừng thượng thọ của Hoàng Thái hậu đã cho gởi thơ mời tới Đại Pháp, Sở Kỳ cùng các vương quốc láng giềng.
Ngày lễ được tổ chức long trọng, khách khứa lấp đầy cả sảnh lớn của điện Hòa Hiên. Sứ giả của các nước luân phiên tấu dâng vật phẩm lên cho Hoàng Thái hậu.
Cách dưới La Thành vương, bà chúa Chiêu Phượng ngồi ngay ngắn cạnh chiếc bàn đã được xếp sẵn, nàng nếm thử qua các dĩa thức ăn nhưng sắc mặt lại có vẻ không vừa ý. Nàng ghé sát tai hầu nữ thì hầu nữ mau chóng hiểu ra, tiến lên trên Hoàng Quý phi và truyền đạt lại.
Ngay sau khi Quý phi gật đầu chấp thuận, Chiêu Phượng liền đứng lên, hí hửng rời khỏi đại điện.
Ở trước cửa điện Minh Cát có trồng một cây phượng, cứ mỗi độ hè đến bông của nó đỏ rực trải kín một góc sân. Dưới tán cây treo một cái xích đu, phủ thảm đan thổ cẩm ở trên, Chiêu Phượng leo lên ngồi lên nó.
Nàng một mình ở đó chơi, sắc mặt trầm tĩnh.
“Sao mặt em trông bí xị vậy?” Vương tôn Nhựt Bảo ở đằng sau bước đến bên Chiêu Phượng. “Trong điện không còn gì vui sao mà em xin phép mẹ ra đây?”
Nàng cúi gằm trả lời: “Đồ ăn đãi trong điện không ngon, em không thích nên chả nán lại làm chi.”
“Vậy em ăn cái bánh lá dừa nầy đi. Qua mới lấy từ chỗ nhà bếp.” Nhựt Bảo lấy trong túi áo ra một chiếc bánh gói lá nằm gọn vừa lòng bàn tay.