Tắt ngang một lối đàng xưa,
Đôi chơn ngựa bước vòng về cố đô.
Sang sáng ngày hôm sau, Chiêu Phượng bật dậy từ trong một căn buồng lạ hoắc, nét mặt thẫn thờ bị ánh sáng ngoài cửa sổ làm cho chói mắt. Nàng thấy mình đang nằm bên dưới cách xa giường ngủ một đoạn thì vội vã tốc mền. Đẩy mạnh hai cửa ra ngoài ngó thấy Tí với Tèo nằm mỗi đứa một góc. Nàng tiến đến gọi thì hồi sau tụi nó mới tỉnh, luýnh quýnh ngồi dậy.
“Lẹ lên trời sáng be bét rồi, không kịp về Diễn Châu bây giờ.”
“Dạ thưa bà tụi con đi thu xếp liền ngay.”
Đêm qua khi cả ba bắt xe kéo về quán trọ, dìu bà chúa vào buồng rồi thì Tí và Tèo ra ngoài khép cửa, nhưng do mệt lả nên cả hai bàn nhau ngủ phứt ở trước chớ chẳng mắc công tới buồng làm chi.
Xe ngựa đến đón, thằng Tí phụ thằng Tèo chất đồ đạc lên sau. Chiêu Phượng từ trong trọ quán bước ra, bận sắc phục xanh thiên, tóc xõa ngang hông, nàng đã trở về với dung mạo của nữ giới. Chiêu Phượng thoắt ngang qua rồi đặt chưn vô buồng, nào mảy may biết rằng ở bên kia, đối diện khoảng không xa cũng có một trọ quán khác. Ngồi trong vọng gác là nam nhơn anh tuấn, dẫu từ phía nghiêng cũng dễ dàng trông thấy được tướng mạo phong lưu, góc nét gương mặt rõ ràng. Cử chỉ và lời ăn tiếng nói cũng đặc biệt tử tế với người đối diện.
Xe ngựa đã rời, có phải vừa chặt đứt sợi vương tơ trói buộc rồi hay không. Cố nhơn ngày xưa như hình với bóng, xa cách bảy mươi năm trên đường nhân sinh dăng dẳng, vậy mà nay lướt qua chớ hề nhận ra, có trách nên trách chưa hội đủ cơ duyên.
Con cả của Tôn nhơn phủ Phủ thừa võ giai giờ đã trưởng thành, thành một nam tử hào kiệt, khí phách. Người cùng uống trà đàm đạo với Nhựt Bảo là công tử Khải Hoàn của gia tộc buôn gạo lớn nhất nhì La Thành.
Nhựt Bảo đem hòm sắt dưới chưn đặt trên bàn và mở ra: “Hôm nay ta chỉ mang chừng nầy để trao đổi. Ta muốn nhiều hơn, nếu nhiêu đây chưa đủ thì lần tới ta lại ghé.”
“Như nầy là quá nhiều rồi thưa vương gia.” Khải Hoàn ngó vô thấy vàng thỏi xếp thành hàng thì trương cặp mắt hớn hở. “Ngay bây giờ tôi sẽ căn dặn đám người làm, sai tụi nó ngay lập tức mang đến y như số tạ gạo mà ngài biểu.”
“Đây là địa điểm, đưa tới sẽ có người đứng trước cổng nhận.”
Hoàn nhận lấy mảnh giấy từ trong tay Nhựt Bảo: “Dạ thưa vương gia.”
Dòng dõi La Thành vương và Quý phi cùng là người trong tộc Lý Vi, xưa rày xướng danh đao binh hùng mạnh, cung thủ phi thường. Nội tộc có những người thân to tượng lớn khác biệt hoàn toàn với nhơn phàm. Chiêu Phượng là con gái độc nhứt của Quý phi Hiệu Nguyệt, so trong dân gian chỉ có trăm năm thì dẫu nàng có tám mươi tuổi đời thì dung nhan vẫn trẻ hoài như mười bảy, mười sáu. Dung mạo nàng mơn mởn tuyệt thế, vừa nhìn liền sanh cảm mến. Ngoài tộc Lý Vi còn có bộ tộc Huỳnh, bộ tộc Nguyễn Phước cũng mang thọ mạng ngàn năm.
Ngang qua trước tam quan, bà chúa biểu Tèo dừng xe, vén tấm màn nhung ngó ra, truyền giọng lên nói: “Ta xuống chỗ nầy một xíu.”
“Bẩm ở đây…”
“Cho ta xuống.”
“Dạ.”
Chiêu Phượng bước ra từ bên hông cỗ xe, ngước mắt lên tấm bảng chạm trên đầu cửa chánh đề bốn chữ “Kinh đô Trường Xuân”.
“Kinh đô Trường Xuân là bốn chữ mà chính tay đức cha khắc vào đại lễ đăng cơ. Trường mang ý nghĩa lâu dài còn xuân là sức sống, là sự đổi mới. Hai chữ Trường Xuân cha khát vọng bá tánh trong thiên hạ đều sống trong vĩnh viễn an vui, trường thọ.”
Chiêu Phượng thầm nghĩ rồi nhấc chơn tới hai vị lính gác của cửa chánh. Dẫu vừa không lâu từng muốn che giấu thân phận song khi nhìn thấy cánh cổng tam quan, Phượng chẳng cầm lòng cho đặng khi nhung nhớ dồn dập bấy lâu, xa cách nơi nầy đã qua mấy mươi năm mà chưa dịp nào được về thăm chốn cũ. Không biết những người trong đó xa mặt cách lòng có đương nhớ tới nàng hay là không.
Đôi lính gác đưa hai thanh giáo đan vào nhau, lõ mắt ngó nàng từ trên đầu xuống dưới cẳng: “Nhà ngươi đi đâu? Có giấy thông hành không?”
Tay Chiêu Phượng nắm vạt áo tỏ vẻ buồn xo: “Ta không có.”
“Không có thì đi ra.” Một trong hai nạt lớn.
Nàng day người lủi thủi bước đi.
Ngày nàng rời đi cũng vừa mới lên mười nay trở về thời gian đã đi qua tới bảy mươi năm, diện mạo cũng đổi khác theo sự trưởng thành. Còn được nhận ra chắc chỉ có trong thân tộc của nàng, dòng bề ngoài biết chừng người già, người mất còn kẻ chắc cũng đã quy hồi quê hương.
Ngựa kéo xe rời đi để lại phía sau dãy tường Trường Xuân, chặt đứt giấc mộng gặp lại người thân trong lòng Chiêu Phượng. Nàng đi được vài bước lại khựng lại, mong ngóng về phía thành, gạt đi ngấn lệ rồi thở ra.
Xe lần lần dang ra giữa lộ, mỗi tiếng chưn ngựa lộc cộc nó làm đau đớn nàng giống như chính bước chưn ấy giẫm lên ruột gan. Phượng vén màn, chong mắt ngó cánh cổng hoài, cảnh vật rung rinh dập sóng hay trong đồng tử nàng đã rỉ sầu ái thương mà thành ra như vậy. Xe rời chưa bao xa một tiếng nổ lớn phát ra từ trong hoàng thành. Dân chúng người qua, kẻ bán ai nấy đều giựt mình thảng thốt. Chiếc màn đã buông xuống tự khi nào lại do chính tay Chiêu Phượng kéo ra. Khoảng một hồi khi đã quan sát sự tình, nàng mới thấp người bước lên đẩy thằng Tèo với Tí sang bên.