Sao băng.
Tiếng còi xe inh ỏi. Bên vệ đường, một người ăn mày rách rưới nằm co quắp.
Cảnh nghèo khổ của ông đối lập với sự hào nhoáng của thành phố này. Những chiếc túi xách hàng triệu, quần là áo lượt, kim loại và đá quý lấp lánh trên những đôi bàn tay nõn nà. Nụ cười sáng trên môi họ, những con người đang ở độ chin của cuộc đời, trẻ trung, xuân sắc và hừng hực ý chí sống.
Ông lão kéo tấm chăn rách che lại phần thân trên lộ ra trước sương gió ban đêm. Cố nghiến hàm rang đang run lập cập, ông cố nhắm đôi mắt ghèn, ép bản thân tự đẩy vào cơn mơ vô thực.
Trong thành phố này, có những người như thế, cả già và trẻ.
Một số bị tật, cụt một hay hai tay hoặc chân, một số mù lòa câm điếc, số khác bị tai nạn mất một phần não bộ. Họ đang sống một cuộc đời riêng so với phần còn lại của thành phố, một cuộc sống hay bị làm lơ bởi số đông như cách họ tránh nhìn một túi rác.
Hoặc cũng có thể họ không muốn nhìn thấy những cảnh đau long như thế, những bà mẹ bế đứa con mới đẻ xin ăn, những bà cụ đội chiếc nón rách, chiếc nón mà bà sẽ dung đựng những đồng năm mười xin được, những ông già bới rác tìm vài chiếc vỏ chai rỗng, những thằng bé lỡ cỡ đánh giày, bán tăm, bán kẹo trong những quán nhậu, trước những cổng trường.
Tôi cũng nhìn thấy họ, nhưng hình như gần như chưa bao giờ tôi chủ động bắt chuyện với những người ấy.
Một người bạn đã nói với tôi, nhìn vào cánh tay và cẳng chân họ, anh sẽ thấy một số điều thú vị. Những vết sẹo, vết chích, vết châm kể câu chuyện về nửa đời người chìm trong nghiện ngập và ma túy, có thể là HIV và những chứng bệnh ít người biết tên. Sự đáng sợ ấy kéo họ ra khỏi thế giới những người bình thường, và nhét những con người sa ngã vào một xó tối tăm của tội phạm và nghèo đói.
Một thế giới phân tầng của những con nghiện.
Có những con nghiện với địa vị xã hội, họ có thể là xã hội đen, đâm thuê chém mướn, song tự nuôi được bản thân và có thể là nuôi cả những con nghiện khác. Những con nghiện béo tốt và luôn có một số hình xăm ngoằn nghèo trên cơ thể.
Và có những con nghiện sống bám vào số trên, đói rách, gầy guộc với những vết chích rải rác hoặc chi chít.
Khi nào thì cuộc đời một con người có thể coi đã đi xuống đến không thể vực dậy được nữa?
Tôi hay tự hỏi câu hỏi đó, từ nhiều năm nay. Tôi đã từng sống như một con ma đói, một ngạ quỷ giữa lòng thành phố chục triệu dân, nhưng may mắn chưa bao giờ tôi dính vào tệ nạn xã hội nào cả.
Những ngày tháng cả ngày chỉ có mười ngàn mua hai bát con cơm gạo xanh rưới tương đen. Những ngày tháng tôi ngủ để quên cơn đói, chỉ để nửa đêm thức dậy lại trằn trọc tới sáng.
Những ngày tháng mà trong số những người tôi quen, có cửu vạn, có những ca sỹ bất đắc chí, có những kẻ trốn nợ, những con nghiện tốc độ, và những kẻ thích bướm đêm.
Tôi nhớ những khi họ nói chuyện về một quán massage full dịch vụ, về những em gái dễ tính, chiều chuộng, về bao thuốc họ hút, về chai rượu họ mới mang từ quê ra, với con sứa khô tanh nồng ăn cùng ly rượu đắng.
Tôi nhớ 12 giờ đêm trên chiếc xe máy mà không ai nghĩ có thể chạy nhanh đến thế, trong những con ngõ vòng vèo rộng cỡ hai bàn chân, bên tai là tiếng gió và động cơ, tiếng vun vút của một con xe đang lao đi với vận tốc cỡ gấp đôi một con ngựa phi nước đại.
12 giờ đêm, bên bát phở nghi ngút khói, bên suất cơm tấm giá bằng chai nước ngọt, 12 giờ đêm lang thang trên đường, nhìn cuộc sống dưới những ánh đèn vàng, 12 giờ đêm trong thành phố với những con người không thể ngủ.
Mùi thuốc lá thấm đẫm trên áo tôi, trên tóc, trên mặt, trong khoang mũi, thứ mùi hắc ín nồng nặc nhuộm cơ thể tôi như một cái xác cướp biển bị hành hình trong lồng sắt.
Tôi không tệ nạn, vì tôi điên.
Một người bình thường chắc chắn sẽ không chọn những điều tôi đã chọn. Những lựa chọn của một kẻ biết mình điên sống cuộc sống của một kẻ điên giữa những người không biết mình có điên hay không.
Chỉ kẻ điên mới làm thơ và tìm hiểu triết học giữa một nơi như thế.
Đó là những khi tôi cuốc bộ hàng cây số đến thư viện lớn nhất thành phố, chỉ để dành cả ngày tôi rảnh đọc sách. Thư viện miễn phí cho tất cả, kiến thức miễn phí cho những người ham tri thức. Những ngày mà bữa trưa chẳng có gì ngoài gói mỳ tôm sống bóp vụn trộn muối, gói mỳ mà tôi sẽ chia sẻ cho đàn cá trong con mương bên ngoài thư viện.
Tôi đã nghĩ gì lúc đó nhỉ? Tôi cũng không còn nhớ nữa. Có vẻ có những điều tiềm thức cố tình quên để bảo vệ chính nó.
Tôi chỉ nhớ những ngày nắng chói chang, 12 giờ trưa tôi cuốc bộ khắp thành phố tìm việc. Một công việc vừa đủ nuôi sống bản thân tôi, và đủ trả tiền thuê phòng hàng tháng cho chủ trọ.
Khi ấy, tôi yêu ánh nắng, cho dù nó nhuộm đen và đốt cháy làn da. Tia tử ngoại hấp chín da thịt con người, đối với một kẻ sống như đã chết như tôi lúc ấy, tôi lại thích nó.
Ánh nắng chói chang chiếu qua những ô cửa sổ, lấp lánh trên những ô cửa kính, chói lóa trên những tòa nhà cao tầng, ánh nắng soi những con đường đầy bụi và còi xe, ánh nắng nhuộm vàng tóc tôi, một kẻ khùng đi tìm thơ giữa thành phố của chủ nghĩa vật chất.
Khi ấy, ba mươi tuổi với tôi còn rất xa vời.
Tuổi hai mươi hai của tôi giống một cái xô đầy sơn nhiều màu pha lẫn.
Người ta nói với tôi, pha nhiều màu với nhau sẽ tạo ra màu trắng. Vậy có thể tôi chưa khuấy đủ mạnh, nên tuổi hai mươi hai của tôi có màu đen, xanh, vàng và đỏ, nhưng không có màu trắng.
Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều người, khi đã thoát ra được khỏi cuộc sống đó.
Lúc ấy, trong khu tôi trọ có một cặp yêu nhau. Anh con trai làm shipper, cô con gái làm giáo viên mẫu giáo. Cả hai bọn họ đều một mình giữa thành phố, họ quen nhau thế nào tôi không biết, nhưng giữa họ có một cuộc tình hạnh phúc.
Có lần anh ta nói với tôi về dự định mở một quán ăn nho nhỏ. Không biết bây giờ anh ta đã thực hiện được nó chưa?
Anh bạn trốn nợ, anh ta biết sáng tác vọng cổ. Chất giọng cũng không tệ, bài hát cũng khá bắt tai. Anh ta và anh ca sỹ bất đắc chí từng là một cặp bài trùng. Bây giờ họ đang ra sao?
Và hai anh bạn đam mê tốc độ, liệu họ còn giữ sở thích nhiều năm trước hay chăng?
Khi nào, cuộc đời một con người có thể coi là không thể vực dậy được nữa?
Có những người đáng tha thứ, và những người không thể tha thứ. Ví như, tôi sẵn sàng tha thứ cho anh bạn cùng phòng nào đó đã lấy cắp đôi giày trắng và một triệu trong ví, những thứ đáng giá nhất mà tôi có vào lúc ấy.
Thậm chí, tôi sẵn sàng tha thứ cho ông già xe ôm ở bến xe đã suýt lừa bán được tôi sang Campuchia. Ít nhất, tôi cũng đã kịp tặng cho ông ta một quả móc hàm.
Và anh bạn hai ngón nào đó đã xỏ mất của tôi hai cục gạch đen trắng.
Tôi thực sự mong, một ngày nào đó họ sẽ không còn phải làm những việc đó nữa. Không còn phải uất hận, căm thù, lừa lọc, giả trá, không còn phải sống như một kẻ không có cả nhân cách và tài sản giữa cuộc đời này.
Mong họ sớm lấy lại được linh hồn của mình, lấy lại những gì họ đã từng có ngày còn thơ dại.
Mong sự chữa lành sẽ đến với tất cả chúng ta, những ngôi sao băng đang rơi khỏi bầu trời đêm. Mong rằng chúng ta sẽ không bao giờ chạm đất.