Đêm nay anh lái xe đến thung lũng Ánh Trăng một mình.
Mặc bộ trang phục phủ kín hết tay chân, siết chặt bộ dây đai bán thân vào người, cuối cùng là đặt balo nhỏ của mình vào một góc xe thay vì quăng mạnh vào như mọi khi. Đến việc thắt dây an toàn người này cũng làm chậm rãi đồng thời nhìn kỹ từng móc nối, đoạn dây. Tốc độ di chuyển cũng vậy, đạp nhẹ chân ga, cầm vô lăng bằng cả hai tay nhưng không siết chặt.
Xung quanh, lớp áo giúp bầu không khí mát dịu. Con đường nhựa màu xanh tiệm cận đen bằng phẳng và vắng vẻ. Bên trên, những đám mây nhỏ dần, khoảng cách giữa chúng cũng thưa theo từng ngã rẽ – báo hiệu anh đang đi đúng đường.
Hiện tại là thời điểm vàng để đến Ánh Trăng. Vì gió từ phía Đông sẽ thổi những đám mây vũ tích, hoặc những loại mây gây mưa khác, vào thành phố. Kéo theo đó là thứ ánh Trăng mạnh đến mức vùng đất đó sẽ lấp lánh suốt một đêm trời. Và để vào được trung tâm thung lũng, ai cũng phải vượt qua một con đường mòn đầy những cây bụi có cành đủ nhọn đồng thời đủ cao để đâm vào mắt một người trưởng thành.
Với tâm trạng như vậy, cùng những ký ức không có con người, con đèo thoáng chốc trở thành quãng đường thẳng tắp và ngắn ngủi với người này. Rồi khiến cổng an ninh của Ánh Trăng hiện ra mà không có điều gì báo trước.
Một nhân viên trong phòng bảo vệ ló đầu ra ngoài. Thoạt đầu, ông ta nhăn mày, nhưng đến khi nhìn thấy biển số xe và chạm mắt anh thì gật đầu một cái rồi nhấn nút mở cánh cổng sắt.
Đoạn, anh dừng bừa xe cạnh phòng bảo vệ, cầm balo lên rồi đi một mạch đến lối đường mòn chỉ toàn cây bụi mà bản thân vừa nghĩ. Nền đất đen sũng nước, chưa đạt mức như đầm lầy nhưng đủ sức làm ướt loại giày và quần áo bình thường. Bên trên, những đám mây tích vừa mới hình thành ngay trong vùng đất này bắt đầu di chuyển về thành phố, và với ánh sáng của Trăng, đám mây nào cũng có cho riêng mình một cái bóng bò trên mặt đất.
Khi được mười bước và có ba cái bóng đi ngang qua mình, con đường mòn lọt vào tầm mắt anh. Ở phía trung tâm thung lũng, hàng dã quỳ đột biến cao hơn ba mét ngăn chặn anh khỏi nó, còn phía đối diện, hàng rào sắt mười mét đã bị lũ dây leo chiếm dụng từ lâu. Điều này làm không gian bí bách hơn, anh phải chuyển hướng vai rồi cố gắng đi từng bước sao cho chiều ngang của tụi nó hẹp nhất có thể.
Mùi đất ẩm nồng. Ánh sáng lập lòe, dịch chuyển rồi tắt lịm giữa những kẽ lá. Và vì những cành cây xáo động, vài con rết đang dính đầy đất ẩm bò láo nháo dưới chân anh. Anh phải rất cố gắng bước những bước mà bản thân chưa bao giờ làm ở nơi mình sống để không đạp phải chúng, cũng như, để những con sâu kẹt vào dây đai không bị bóp nát.
Tuy nhiên, tâm trạng của người này vẫn y hệt lúc bắt đầu hành trình.
Nơi anh lớn lên không thể mang lại loạt cảm giác như thế này. Thành phố ấy vốn là một vùng bình địa yên bình đến nhàm chán và biến chuyển khi bị người ta rút cạn hết tài nguyên. Kéo theo đó, nhiều khu vui chơi, khu nghiên cứu, trường học và chung cư mọc lên trên nó. Vậy là từ một nơi không đáng sống vì thiếu đủ thứ, vùng đất ấy lại tiếp tục trở thành nơi không đáng sống khác do có quá nhiều thứ ứ đọng bên trong.
Giống với nhiều nam, nữ thiếu-thanh niên đang mắc kẹt trong cái nôi ấy, người này vẫn chưa thể rời đi vì mù tịt về thế giới bên ngoài. Bao giờ, những biển quảng cáo sáng rực cả ngày lẫn đêm cũng dùng chủ đề “Rời khỏi vùng an toàn là điều cần thiết cho cuộc sống” để bán hàng. Nào là những cây viết từ tính có thể dính chặt vào đá sông, loại búa giúp ta dễ dàng tách đôi một hòn đá, hoặc bộ dụng cụ mà mọi bé trai cần biết dùng trước khi vào tuổi trưởng thành. Và phải nói rằng, phần lớn lớp trẻ đều ít nhất một lần làm theo chúng, bao gồm anh. Lần đầu được cha mẹ phát tiền tiêu vặt, anh mua hết mọi thứ bày bán ngoài cổng trường và lặp lại nhiều lần dù bao giờ cũng bị vứt bỏ ngay trong tuần. Cuối cùng, thứ duy nhất được giữ lại là cây búa người này tự tiện mua vì nghĩ nó hợp với người cha ở nhà. Ngay sau đó, trong đêm của ngày hôm ấy, ông đưa anh đến thung lũng Ánh Trăng này, đi con đường mòn đầy cây bụi nọ, rồi dùng chính cây búa đó để đập vào rìa một viên đá.
“Tự Hữu Cần. Con phải nghe rõ lời cha nói và không được phản nó.” Đây là lần duy nhất anh nhớ cha gọi cả họ lẫn tên mình.
“Cha nuôi sống hai tụi mình bằng tìm đá quý. Đây là một viên kim cương xanh.” Nói đoạn, ông cho con trai xem một viên đá có màu của nước lá dứa nấu loãng và to bằng ngón tay cái. Dưới ánh sáng mạnh mẽ của Trăng, nó rọi sáng mặt đứa trẻ, vô hình trung khiến đôi mắt vốn nâu đậm trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết. “Chỉ với cục này thôi là đủ để hai cha con mình ăn no ba bữa suốt một tháng và trả đủ đống tiền học đắt xắt ra miếng của con. Nhưng như thế vẫn không thảnh thơi được. Mồ côi mẹ từ sớm là một trong những cái thiệt thòi nhất trần đời này, dù có nhiều tiền hơn người trong khu phố, gia đình mình vẫn thiếu thốn. Nên chỗ này phải luôn là bí mật của hai cha con mình. Hoặc khi bị người khác phát hiện rồi bị phá tan tành, con phải giữ bí mật chuyện công việc của cha. Và nếu có biết ơn chỗ này, con cũng phải giữ kín nó luôn.”
Cũng kể từ đêm đó, anh dần nhận ra cha đã tách đứa con duy nhất của ông khỏi vài sự thật. Như, sở dĩ mẹ của anh phải vác bệnh ung thư vì công ty nhận bà vào làm đã vô trách nhiệm. Để tiết kiệm tiền và có người chết thay, lãnh đạo cấp cao đã giả dối về môi trường làm việc cũng như không phân phát đồ bảo hộ đạt chất lượng. Hoặc, tại sao hàng xóm lại xì xầm về công việc cha của anh đang làm. Và cả chuyện ông mua đứt thung lũng này bằng chính số tiền mà nó ban tặng. Chỉ với bấy nhiêu đó đã giúp anh tin thành phố này có quá nhiều bí mật.
“Nhưng chuyện này không trực tiếp giết một ai cả. Cần à, cuộc sống này khó sống lắm, nên con phải nhớ giữ lại cái thung lũng này… dù cho nó không còn bất kỳ viên kim cương xanh nào nữa.”
Anh không phải người tin tưởng công lý, càng không phải dạng hào sảng với người ngoài. Có lẽ tại cha dạy hoặc do bản chất của khu chung cư vốn như vậy mà người này chưa tìm được ai trong nơi đó thương tiếc cho những đứa trẻ có mẹ bị lừa chết. Thay vì giúp nó ăn no rồi mọi thiếu thốn khác tính lại sau, họ chỉ trực chờ hỏi về cái tai nạn lao động những khi cha của nó về trễ. Và thay vì thật tâm tìm kiếm việc làm, họ lại lén lút hỏi: “Liệu trong nhà con có nấu thứ gì đó giống như đường phèn không?”
Ấy vậy mà, sâu trong thâm tâm, anh hiểu bản thân không thể trách họ.
Anh có đủ cơm, áo, gạo, tiền, và cả mảnh đất này. Một nơi hoang sơ nhưng không được phân loại bình địa vì ban đêm của nó thỉnh thoảng sáng như buổi chiều đầy mây, ánh Trăng được tiếp tục lấp lánh ở mặt sông, trên bờ lại lác đác những tia sáng như gương soi. Chưa hết, hàng dã quỳ đột biến giàu sức sống, hai ngọn núi cao khoảng bảy trăm mét để ta ngắm sao trời kỹ hơn, quan trọng nhất là nhiều loài vật được sống khỏe mạnh ở đây. Khi lễ Mùa Gặt của đất nước kết thúc, nhiều hơn ba đàn cò sẽ về bay về đẻ trứng, vì trên sông, giữa những khe đá và hàng dã quỳ đều có thức ăn, cũng thiếu vắng bóng người. Với môi trường anh phát triển, những điều này quá quý hiếm. Cùng với tri thức nữa. Trong thành phố đó, không ai muốn con cái có cấp bậc xã hội ngang bằng với mình hết. Nhưng đủ tiền và mối quan hệ để thỏa mong ước này thì chỉ một phần rất ít. Vậy nên, anh sẽ tự cho mình là thằng đạo đức giả nếu thâm tâm muốn chia sẻ tất cả điều này cho mọi người.
Tuy nhiên, anh chưa bao giờ ngừng ấp ủ cho mình một trung tâm chuyên giúp đỡ người khác. Hay nói đúng hơn, người này tự gán việc giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn vào số mệnh của cuộc đời mình. Và dường như ông Trời đã đồng ý, khi mà có đến ba nhà giáo lánh đời chấp nhận cùng nhau nuôi dưỡng kế hoạch này. Về quá trình xin giấy phép hoạt động và xây dựng, mọi thứ cũng suôn sẻ theo dòng quy trình. Viện mồ côi sẽ cách xa dòng sông ba cây số, tức là dưới chân ngọn đồi bên phía Đông. Bọn trẻ phải được hòa mình với thiên nhiên, quan sát hành trình làm tổ của đàn cò và hiểu rằng hoang dã vốn là một phần của cuộc sống con người.
“Nhưng mà… mông lung lắm.” Dẫu vậy, bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Cả anh và ba người thầy đó đều chưa thể cầm trịch dự án.
“Trần đời này có chắc chắn được cái gì đâu?” Anh phản bác. Lần đầu, người này giải thích bằng tông giọng đều đều, còn lần tiếp theo thì nâng tông giọng, cuối cùng chọn rời đi rồi chặc lưỡi.
Nhớ lại điều này, anh kéo cây búa ra khỏi túi sau đó bổ bừa tảng đá lớn ở trước mặt. Theo thói quen, lưỡi cuốc hạ ở sát rìa đá và mặc dù là một tảng trầm tích xốp như khúc gỗ mục, một phần của nó vẫn bay lên rồi trượt ngang gò má của kẻ đã làm hại mình.
Thêm một lần không đeo kính bảo hộ nhưng chỉ bị thương nhẹ.
“Con phải đeo kính. Con chỉ có một mình, mù rồi thì coi như bỏ nửa cuộc đời.”
Vẫn có lúc cha của anh chấp nhận đi theo lối mòn của xã hội. Bởi, không làm thì mất tính người, hoặc, sức khỏe sẽ đổ sụp. Và đa phần đều liên quan đến anh. Bỏ mặc con ruột giúp cuộc đời dễ thở hơn rất nhiều, tự do giải tỏa những bản năng nguyên thủy nhất, càng không phải vác lên mình cái áp lực tiền nong. Vả lại, chắc gì đã uốn nắn được một đứa trẻ. Nhưng ông ấy vẫn làm.
“Cha à, mẹ nữa. Con mang ơn cha mẹ. Từ nhỏ con đã ngưỡng mộ những gì hai người hy sinh cho con. Vậy nếu không làm theo, mà chỉ một mình giữ bí mật về chỗ này thì đứa trẻ trong con còn gì?”
Dù mồ côi mẹ từ năm bảy tuổi, anh vẫn cảm thấy mình may mắn hơn khối đứa trẻ cùng lứa. Và vì điều này nên anh chỉ tức giận rồi cố ruồng bỏ loại cảm xúc đó mỗi khi có người không ủng hộ kế hoạch của mình.
Nghĩ đến đây, anh dùng bàn tay còn lại quẹt mạnh vào vết rách vừa mới thành hình đồng thời nhìn bao quát thung lũng.
“Do vợ bị đối xử bất công, lại còn đứa con nhỏ phải nuôi nên một người đàn ông đã quyết định giấu kho báu Trời ban cho riêng mình. Một người hàng xóm kinh sợ xã hội đành quyết định xát thêm muối vào nỗi tuổi thân trong một đứa trẻ. Chỉ cần là chủ thể, sẽ luôn có lý do chính đáng. Song với đó, số lượng trẻ em mồ côi trên đời này là vô tận.”
Suy ngẫm về trẻ mồ côi dần xuất hiện khi anh vào cấp ba. Khi ấy, người thiếu niên này gạt nó đi bằng cách cho rằng đó chỉ là ham muốn nhất thời và thuộc dạng ái kỷ – nghĩ không có mình thì người khác sẽ sống khổ cực. Ấy vậy mà, mười bảy, mười tám, mười chín, rồi bây giờ là ba mươi bảy, ham muốn đó vẫn còn ngây ngô như thể anh chưa bao giờ lăn lộn được thêm một ngày nào.
Nó chưa bao giờ đen tối hơn. Mà thay vào đó là càng ngày càng chi tiết đồng thời thiết thực hơn.
“Đầu cơ với lũ heo mọi để bán dâm hoặc cho tụi nhỏ làm chuột bạch cho phòng thí nghiệm? Ông đề cao tôi quá rồi. Tôi không đủ giỏi để làm ăn thân thiết với mấy dạng đó. Tôi không muốn bất kỳ điều gì lớn lao hết. Nếu đứa nào muốn đi, tôi mở hết cổng luôn.”
Anh đã từng nói một tràng dài như thế. Còn bây giờ nhìn lại, người này chẳng nhớ tại sao bản thân giận dữ như vậy. Phần vì, nếu không có nó, hẳn kế hoạch sẽ chẳng bao giờ trở nên thực tế. Chính anh cũng nghĩ cái lý do “Tôi chỉ muốn cuộc đời này có thêm đứa nhỏ cảm thấy chuyện mất cha mẹ sẽ không gây bít tắc cuộc đời nó” quá nhảm nhí. Chưa bao giờ gặp được ai làm việc thiện chỉ vì đam mê, cũng chưa tìm thấy người nào nhờ giàu có mà có được tâm tính hào sảng nên anh chẳng muốn học đòi theo. Tất cả chỉ xuất phát từ cảm nghĩ bản thân cần trả ơn cho cha mẹ bằng cách trở thành ân nhân mà họ không bao giờ gặp được. Khổ một nỗi, anh không thể tin vào những kẻ đã trưởng thành, hoặc đúng hơn là loại người mà ngoài bản thân họ ra thì chẳng còn ai khác biết tại sao họ lâm vào tình cảnh như thế.
“Trưởng thành rồi thì rất khó thay đổi. Em từng thử làm việc ở một trung tâm chuyên giúp người dân tìm kiếm việc làm. Và em không thể cố gắng tới giữa tháng nên em hiểu chứ. Vậy nên em mới chuyển sang những đứa trẻ mồ côi.” Anh giải bày với một người khác nữa. Và đó là một trong ba nhà giáo chấp nhận kế hoạch này.
Không câu nói nào có thể hoàn toàn đúng trong mọi hoàn cảnh. Cảm nghĩ chủ quan cũng vậy.
Nghĩ đến đây, anh thở ra một hơi dài.
Mặt Trăng sẽ tạm biến mất khi tám giờ sáng của ngày mai đến. Và chỉ cần hai lần lặn rồi mọc nữa thôi là thung lũng này lại bị vũ tích bịt kín trời. Đồng nghĩa với việc những ngày mưa triền miên sẽ trở lại mảnh đất này – đúng với bản chất của nó. Anh vì thế mà quyết định ở lại nơi này cho đến khi bình minh liền kề kết thúc. Một khi công trình bắt đầu thi công, thung lũng này sẽ không còn có thể khôi phục lại như thời nguyên sơ nữa. Và những khó khăn cũng đến chung vui, từng đợt, từng đợt đổ ập xuống đầu mọi người, như chu trình của mọi thay đổi.
(hết chương 1)