Chương 24: Rạng Đông Vừa Hửng Sáng (FULL)

Chương 24. Người chết thì không cần tiền

4,105 chữ
16 phút
68 đọc
1 thích

Khi Hải tỉnh dậy trong bệnh viện thì trời đã về khuya. Vừa mở mắt, Hải đã phải nhăn mặt lại vì ánh sáng trắng lóa của mấy bòng đèn điện trên trần nhà. Kế đó là cảm giác đâu ghê gớm nơi bả vai. Cậu bé ráng ngồi dậy, thấy trên tay mình bao nhiêu là kim tiêm và dây ống truyền, cả bả vai bên phải và một nửa phần lưng đã được băng bó lại cẩn thận bằng gạc trắng. Hải đang nằm trong một căn phòng có 6 giường, ai nấy đều băng bó chằng chịt cả. Mọi người xung quanh đang chuẩn bị đi ngủ, vừa trông thấy Hải nhổm dậy, một bác gái ngồi chăm chồng ở giường đối diện đã lên tiếng:

- Ô, cháu tỉnh rồi... Anh cháu trông suốt từ chiều đến giờ, đói quá nên vừa tranh thủ đi mua đồ ăn rồi. Cháu chờ chút là anh về ngay thôi!

- Vâng, cảm ơn bác ạ... - Hải bẽn lẽn nói.

Nói vậy là anh Tường vẫn ổn, không đến nỗi bị thương nặng như Hải. Cậu bé có thể thở phào được rồi. Nghĩ lại những gì vừa xảy ra, Hải vẫn còn thấy rùng mình. Khi trông thấy Báu Sẹo giơ dao toan đâm chết anh Tường, Hải không nghĩ được gì khác mà chỉ một lòng muốn cứu anh ấy. Nên cậu bé mới bất chấp tất cả mà chạy ào đến chỗ tên côn đồ, lấy hết sức bình sinh đẩy hắn ra. Thực sự Hải cũng không ngờ mình lại là người bị đâm trúng. Nhưng mà cũng chẳng sao, một vết thương đổi lại được mạng sống của anh Tường, Hải cảm thấy như thế là xứng đáng.

Cậu bé còn đang miên man suy nghĩ thì cánh cửa phòng bệnh đã mở ra, anh Tường nệ khệ xách một túi sữa hộp với một cặp lồng sắt bước vào bên trong. Một bên tay anh phải bó bột và trên mặt đầy những vết bầm tím, hai mắt sưng húp cả lên và trên sống mũi cũng dán băng chằng chịt. Nhác thấy Hải đã tỉnh dậy trên giường, Tường mừng rỡ chạy lại gần. Hải có thể nhận ra những bước đi của anh hơi thập thễnh. Có vẻ như anh ấy cũng phải chịu nhiều đau đớn chẳng kém gì Hải.

- Tỉnh rồi à? Có đau lắm không? – Tường hỏi gấp ngay khi vừa đặt cái cặp lồng lên chiếc bàn kê ở đầu giường.

Hải cười rồi lắc đầu nhẹ. Dù lúc này trông Hải rất xanh xao vì đau và mất máu, nhưng trông thấy nụ cười của cậu bé, Tường cũng cảm thấy nhẹ lòng.

- Thế anh có đau không? – Hải hỏi lại. – Em thấy tụi nó đánh anh chảy máu nhiều lắm mà.

- Thường thôi, tao chả bị thế suốt đấy à. Y tá xem qua rồi, chỉ toàn mấy vết thương nhẹ, mày không cần lo.

- Hãy còn nhẹ á? Thế sao anh phải bó bột? Chân lại thập thễnh thế kia?

Tường nói gạt đi:

- Thế này là nhẹ rồi, cũng đã băng bó hết cả, mấy hôm là lành thôi. Mày lo thân mày ấy. Tí nữa nó đâm chệch cho thì toi rồi! Cũng may ông trời còn thương đấy! Lúc thấy mày chảy máu, tao còn tưởng trúng tim mày luôn rồi chứ, may bác sĩ bảo chỉ sượt vào bên dưới có 3 phân thôi, cũng chưa gọi là nặng, do mày bị sốc với trông thấy máu sợ quá nên mới ngất đi như thế. Mẹ! Làm tao hết cả hồn.

Hải bỗng nhiên trở nên căng thẳng, lo lắng hỏi gấp:

- Thế bác sĩ có phải mổ người em ra không?

- Thằng dở này, vẫn là ngoài da chứ có đụng thủng cái gì trong người mày đâu mà phải mổ? Bác sĩ chỉ cầm máu với khâu 9 mũi thôi.

- 9 mũi á? – Mặt Hải nhanh chóng trở nên trắng bệch. – Khiếp, thảo nào nó đau thế...

Tường cười tinh nghịch:

- Mới thế đã kinh rồi à? Sao lúc lao ra anh hùng lắm cơ mà. 9 mũi là phúc tổ ba đời nhà này rồi đấy, chứ nó đâm xoạc cả mảng thịt cơ, mày không trông thấy nên không biết nó ghê như nào đâu.

Nghe anh Tường nói, Hải sợ đến bần thần cả người. Trước giờ cậu vẫn luôn ghét bệnh viện, ghét máu me, mùi thuốc và những mũi khâu. Hải vẫn nhớ hồi bảy hay tám tuổi gì đó, cậu đã từng bị một cái đinh sượt vào bắp chân trong lúc nô đùa với đám bạn ở một cái nhà bỏ hoang đang giỡ cốp pha. Vì vụ đó mà Hải đã phải khâu 4 mũi, tiểu phẫu nên bác sĩ chỉ tiêm tê rồi khâu luôn, vết sẹo hãy còn ở chân Hải. Đến giờ nhớ lại cảm giác lúc tiêm tê mà Hải vẫn còn thấy ám ảnh. Giờ thì hay rồi, 9 mũi, sương sương có 9 mũi thôi, Hải thực sự muốn khóc luôn ở đây quá.

- Nhưng mà mày đã cứu anh một mạng đấy! – Tường lại nói. – Không có mày lao lên lúc ấy, chắc giờ anh đã ở trong nhà xác rồi... Đừng bao giờ làm như thế nữa nhá!

Hải mỉm cười nhìn anh, có vẻ rất tự hào:

- Em không hối hận đâu, cho dù có xảy ra lần nữa, em vẫn sẽ làm thế!

Tường lắc đầu và cười buồn, nói:

- Mày đần lắm, phải nhớ, lúc nào cũng phải ưu tiên bản thân mình trước. Trông thấy mày chịu đau đớn như thế này, anh cũng không vui vẻ gì nổi đâu.

Mọi người xung quanh đều đã lên giường nằm từ lâu, Tường liền giục Hải:

- Thôi, chắc đói lắm rồi hả? Tao mua cháo rồi này, ăn đi cho lại sức, rồi còn phải uống thuốc nữa đấy!

Hải đón lấy lồng cháo nóng hổi từ tay anh trai, nhẹ nhàng thổi rồi đút một thìa vào miệng. Như chợt nhớ ra điều gì, cậu bé lại hỏi:

- Thế mấy người kia... liệu có đến tìm giết anh nữa không?

Tường nói giọng nhỏ xíu để mọi người xung quanh khỏi nghe thấy:

- Tụi nó bị cảnh sát tóm hết rồi, có thằng Báu Sẹo trốn được, nghe bảo hình như nó chạy vào trong Nam. Bà mẹ, thằng chó đấy! Đáng lẽ phải tóm nó đầu tiên chứ!

- Thôi, như thế cũng tốt rồi mà anh. – Hải thì thầm. – Còn hơn để tụi nó thoát rồi sau này lại tìm anh trả thù.

Tường xịu mặt xuống, cay đắng nói:

- Lão Long thấy dính đến công an nên từ tao luôn rồi, đúng lũ khốn nạn! Bây giờ tao cũng không biết phải làm sao nữa. Ngày mai còn phải ra đồn khai báo các thứ nữa cơ. Tao đang lo bọn cớm lại tra ra mấy vụ tao dính vào lúc trước, rồi bắt tao đi tù nữa thì coi như hết đời...

Hải im lặng không nói gì, chỉ nhìn anh buồn bã, tay loạng choạng đút thêm một thìa cháo vào miệng. Đêm hôm đó trôi đi thật ảm đạm.

Cũng may là thương thế không đến nỗi quá nặng, nên chỉ năm ngày là Hải đã có thể xuất viện về nhà. Nếu phải ở đó lâu thêm vài ngày, Hải thực sự lo lắng không biết anh Tường có còn đủ tiền để xoay xở không nữa. Khỏe mạnh thì còn kiếm ra tiền của, chứ đã dính vào bệnh viện, dù chỉ một ngày cũng có thể bay luôn vài triệu bạc. Hải thực sự rất sợ điều ấy.

Mấy ngày nay, Tường cứ ở nhà suốt. Qua vụ việc vừa rồi, anh đã không thể quay lại làm bảo kê được nữa. Tuy đây là chuyện tốt, nhưng nó lại khiến Tường rất túng thiếu về mặt kinh tế. Mấy ngày chạy chữa cho Hải trong bệnh viện đã ngốn hết cả chục triệu đồng, đi tong tất cả số tiền tiết kiệm còn lại của Tường. Rốt cuộc thì anh lại trở về làm một kẻ trắng tay. Tuy lúc này đã có xe máy, nhưng Tường thực sự phân vân giữa việc ở lại Hà Nội đi giao hàng kiếm sống hay cùng Hải trở về quê sống những ngày tháng bình yên nhưng túng bấn như trước kia. Càng nghĩ, Tường lại càng cảm thấy bối rối.

Còn Hải từ sau khi trở về nhà vẫn luôn cảm thấy lo lắng không biết mấy ngày nay sức khỏe Thu thế nào rồi. Từ ngày bị đâm bởi đám côn đồ, cậu đã không thể tới thăm cô bé. Nếu trong lúc Hải ở đây mà Thu lại lên cơn đau tim rồi ra đi đột ngột, cậu sẽ cảm thấy áy náy lắm. Nhưng với tình trạng thương tật hiện tại của bản thân, cùng với việc anh Tường cứ ở nhà suốt như vậy khiến Hải không thể đi ra ngoài được, chỉ có thể tạm chờ thêm một thời gian cho vết thương lành hẳn.

Một buổi sáng, Hải vừa tỉnh dậy trên giường, đôi mắt vẫn còn đang lim dim do ngái ngủ và miệng thì ngáp ngắn ngáp dài. Dù vẫn còn chưa tỉnh hẳn, nhưng Hải vẫn nghe được rõ tiếng anh Tường đang đếm tiền cuối giường chỗ chân mình. Tò mò, cậu bé liền nhấc người dậy rồi nặng nhọc tiến lại chỗ anh trai. Sau mấy lần dụi mắt, cuối cùng Hải cũng có thể nhìn thấy rõ anh Tường đang ngồi đếm những đồng tiền cuối cùng của mình. Anh cầm một xấp tiền 10, 20 ngàn trên tay và đếm lia lịa, dưới chân thì kẹp mấy đồng pô-li-me xanh 100 ngàn. Và khi nheo mắt nhìn kỹ hơn, Hải bất chợt trông thấy có một chiếc nhẫn vàng đang lòi ra một nửa ở cái túi vải nằm ngay phía trên bàn chân của anh Tường.

- Ơ, anh có tiền mua vàng từ lúc nào thế? – Hải bất giác lên tiếng hỏi.

Vừa nghe thấy tiếng cậu bé vang lên bên tai, Tường bỗng giật mình và nhanh tay giấu nhẹm cái nhẫn lẫn chiếc túi vải đi.

- Nhẫn nào? Mày nói linh tinh gì thế? – Tường hỏi lại, mắt không nhìn Hải. Cậu bé có thể nhận ra ngay vẻ bối rối của anh.

Hải nhìn anh dò xét, nói:

- Cái nhẫn vàng ở trong túi đen kia ấy! Em vừa trông thấy rồi. Ở đâu anh có nó thế?

- Cái đấy là việc của tao, tao mua hồi lâu rồi ấy, mày biết để làm cái gì?

Linh tính mách bảo Hải rằng có gì đó không đúng ở đây. Từ nhỏ tới lớn, Hải chưa bao giờ thấy anh Tường có giữ vàng trong người. Anh biết bản thân mình không giỏi trong việc gìn giữ tiền bạc, có bao nhiêu cũng tiêu gần hết bấy nhiêu, nên anh thích dùng tiền mặt hơn là vàng vì sự tiện dụng của nó. Vả lại Tường cũng làm gì có thừa tiền để mua vàng đâu? Nên ngay khi trông thấy cái nhẫn, Hải đã cảm thấy có gì đó bất thường rồi. Cậu bé liền giật lấy cái túi thật nhanh, rồi móc cái nhẫn ở bên trong ra xem.

Rồi như nhận ra điều gì đó, cậu bé quay mặt lại, nhìn anh trai với đôi mắt mở to kinh ngạc:

- Cái này là... nhẫn của bà cụ đúng không? Bà cụ ăn xin chỗ trung tâm thương mại ấy! Sao anh lại có nó?... Không thể nào, anh đã trộm nó của bà ấy đúng không?

Tường nhăn nhó giật lấy cái nhẫn, nói:

- Mày điên à? Nhẫn này thì trên đời có thiếu gì? Tao đã bảo là tao mua. Ai thèm đi giật của bà già đấy!

- Anh đừng nói dối nữa! – Hải nói lớn. – Trên cái nhẫn đấy có khắc chữ "Ngọc Lan", là tên của bà ấy. Bà đã từng kể qua cho em nghe rồi. Em vừa nhìn đúng là có chữ đấy trên cái nhẫn luôn! Bà đã giữ nó từ hồi mới đi lấy chồng, giữ đến bây giờ cũng chỉ mong để lại cho cháu... Sao mà anh lại...

Biết không thể giấu được thêm nữa, Tường liền làm mặt cau có và gắt lên:

- Ừ đấy! Tao lấy của bà già đấy đấy! Thì đã làm sao hả? Mụ già đã đi ăn xin rồi, còn cần vàng bạc làm gì nữa, tao cũng thiện chí lấy tiêu hộ thôi!

- Anh nói thế mà nghe được à?

Hải ấm ức cự lại. Bây giờ cậu bé mới nhớ đến ngày hôm ấy, khi chia tay bà lão ở chỗ trung tâm thương mại. Anh Tường hôm đó bỗng tốt bụng lạ thường, còn bảo Hải đi mua phở cho bà ăn, nhưng lại không cho Hải đến chào bà ấy lần cuối trước khi đi. Hôm đó Hải đã thấy là lạ rồi, đến hôm nay nghĩ lại mới vỡ lẽ ra. Hóa ra là anh Tường đã cố tình đẩy Hải đi mua phở để có thể ở lại uy hiếp lấy tiền vàng của người ta. Chẳng trách trước đó anh cứ luôn hỏi Hải về bà cụ.

- Bây giờ lấy cũng lấy rồi! Đang túng thiếu thì tiêu tạm đi! Chứ trả lại thì mày ăn cám à? Mày thương anh mày hơn hay là thương mụ già ấy hơn? – Tường vẫn gằn giọng nói.

Hải nhìn anh bằng ánh mắt vừa buồn rầu vừa thất vọng, khẽ lắc đầu nói:

- Anh... Anh trai em sẽ không bao giờ vì túng thiếu mà đi ăn cướp của một bà ăn xin già yếu như thế. Anh không phải là anh trai em...

Câu nói này của cậu bé khiến Tường như chết trân tại chỗ mất mấy giây, nhưng anh vẫn nhanh chóng lấy lại vẻ hùng hổ rồi nói quả quyết:

- Mày thì biết cái gì hả? Bà ấy đã già lắm rồi, bệnh tật đầy mình, lại suốt ngày phơi sương phơi gió như thế! Bà ấy chắc chắn sẽ chết khi mùa đông đến. Mà người chết thì không cần đến tiền!

Dứt lời, Tường liền giật lại cái nhẫn, cất nó vào trong túi áo khoác rồi cầm theo số tiền vừa đếm, vùng vằng bỏ đi. Chỉ còn lại Hải đứng bất động trong phòng, sắc mặt vô cùng ảm đạm và còn có chút gì đó rất thất vọng nữa.

Có nằm mơ Hải cũng ngờ anh trai mình lại có thể làm ra những chuyện táng tận lương tâm đến như vậy. Cướp tiền của một bà lão, lại còn là bà lão ăn xin? Anh Tường sao lại có thể thay đổi đến mức ấy chứ? Lỗi cũng là do Hải nữa. Trong lúc vui miệng, cậu đã vô tình để lộ ra thông tin bà lão giữ tiền vàng trong người. Anh Tường có lẽ cũng là nhất thời nổi lòng tham. Đáng lẽ lúc đó Hải không nên tin lời anh mà đi về ngay, đáng lẽ cậu nên chạy lại chào bà lão trước khi rời đi, như vậy may ra có thể biết được sự tình và đòi lại cái nhẫn vàng cho bà. Suốt mấy tháng trôi qua, không còn nhiều tiền bạc trong người, bà lão ấy có sống ổn không đây... Nghĩ đến đó, Hải lại ngồi bệt xuống cạnh giường, trong lòng bồn chồn không thôi.

Giờ anh Tường đã cầm cái nhẫn đi ra ngoài, có trời mới biết là anh ấy đi đâu, nhưng Hải chắc mẩm là cái nhẫn vàng sẽ không còn lúc anh ấy trở về. Cậu bé vò đầu bứt tai, không biết nên làm thế nào cả. Đã rất nhiều lần, Hải chia số tiền xin được cho bà lão nhưng bà đều không nhận mà nhường hết lại cho cậu. Hải không nghĩ có ai trên đời này, rơi vào hoàn cảnh ấy mà lại có thể rộng lượng hơn bà nữa. Hải kính trọng bà ấy biết bao nhiêu! Vậy mà giờ đây, anh trai của cậu, người thân duy nhất mà Hải vẫn luôn hết lòng tin tưởng, lại nỡ cướp sạch số tài sản quý giá mà bà đã sống chết gìn giữ suốt bao năm. Bất giác, cậu bé cảm thấy thật kinh sợ lòng dạ con người, kinh sợ cái cuộc sống cùng cực dưới đáy xã hội đã đẩy lương tâm con người ta tới bờ vực suy tàn. Hải thực sự rất giận anh Tường, nhưng cậu cũng thương anh ấy nữa. Trong lúc này, hai anh em thực sự đang rất khó khăn, Hải biết điều đó. Nhưng nói đi nói lại, bà lão vẫn là người bị hại. Hải không thể yên lòng cho đến khi trả lại được hết số tiền vàng cho bà ấy.

Thế là cậu bé đột nhiên đứng phắt dậy, nhanh nhẹn chạy đi lấy đôi giày đang nằm im lìm ở một góc phòng, bên trên cái kệ nhựa mốc meo. Đôi giày trông vẫn còn mới cứng, Hải chỉ đi duy nhất một lần hôm sinh nhật Thu, sau đó thì cũng chẳng còn dịp gì long trọng để phải xài tới nó nữa. Cậu bé đóng cửa phòng cẩn thận, cẩn thận nhìn xung quanh để xác nhận rằng không có ai đang nhìn trộm, sau đó mới lật nhẹ cái lót giày lên, rút từ bên trong ra một cọc tiền pô-li-me đã được cuộn tròn lại. Đây là số tiền mà cô Tuyết đã cho Hải lúc cậu còn đi ăn xin ở chỗ Trung tâm thương mại. Hải không dám nói gì với anh Tường về số tiền này. Trong nhà lúc nào cũng nên có một khoản tiết kiệm đề phòng lúc khó khăn, mà anh Tường thì chẳng giỏi tiết kiệm đâu. Mấy tháng qua, do nhiều lần túng thiếu, Hải đã dùng hết gần 2 triệu. Bây giờ, số tiền còn lại, Hải sẽ đem đưa hết cho bà lão. Dĩ nhiên Hải biết số tiền này chẳng đủ bù cho cái nhẫn vàng đâu, nhưng được chút nào hay chút đó. Sau này còn nhiều cơ hội, Hải sẽ trả dần dần cho bà lão. Nghĩ là làm, Hải đếm chúng thật cẩn thận, rồi lại cuộn tròn lại, nhét vào túi áo khoác khâu mặt trong, sau đó nhanh chóng bước ra khỏi phòng và tìm đường đến trung tâm thương mại.

Phải đến tận đầu giờ trưa, Hải mới đến được cổng phụ của trung tâm thương mại. Cậu bé thở hồng hộc vì vừa phải đi bộ một đoạn đường dài, đôi mắt nheo lại nhìn về phía gốc cây giáng hương ở chỗ lối ra của nhà xe trung tâm. Nhưng kìa, cái thùng xốp quen thuộc sao không còn ở đó nữa? Xung quanh gốc giáng hương lúc này là chỉ là mấy cái cọc tre được cắm thành rào tròn. Bà lão đã đi đâu rồi ư? Hải cứ đứng trơ ra đó, im lặng và bất động, đôi mắt mở to kinh ngạc. Mãi sau, cậu bé mới tiến lại chỗ người thu vé xe gần đó, chỉ tay ra chỗ gốc cây, dè dặt hỏi:

- Bác ơi, bác cho cháu hỏi chút ạ. Cháu nhớ hồi trước ở chỗ gốc cây kia có một bà già hay nằm trong cái thùng xốp. Sao bây giờ tự nhiên không thấy bà ấy nữa ạ? Bác có biết bà ấy đi đâu rồi không?

Bác quản vé liếc mắt nhìn ra chỗ gốc cây, khẽ tặc lưỡi một cái, rồi nói:

- À, bà già ấy hả? Già quá rồi, mùa đông năm nay lại đến sớm mà lạnh hơn mọi năm, bà ấy không chịu được nên chết queo rồi. Mới tuần trước thì phải. Có người đi qua cho bà ấy tiền, vào gọi mãi chả thấy dậy, đến khi sờ vào thì thấy người lạnh ngắt rồi. Cái thùng xốp ngấm mưa ướt sũng cả, lúc đổ ra bao nhiêu là nước. Thanh niên ngấm cái nước đấy còn chết cóng nữa là mấy bà già.

Hải như chết lặng đi, họng nghẹn ứ không nói được lời nào, đôi mắt cứ mở trân trân nhìn vào hư vô. Thấy vậy, người quản vé lại vỗ nhẹ vai cậu, hỏi:

- Thế mày là người thân bà già đấy à? Sao lại hỏi làm gì?

Hải giật mình trở về thực tại, nói lắp bắp:

- Dạ không phải... hồi trước... cháu có vô tình biết bà ấy thôi.

Người đàn ông gật gật đầu, rồi lại tặc lưỡi cảm thán:

- Ờ, bà già đúng khổ. Già cả rồi, mà đến chết vẫn một thân một mình, chết bờ chết bụi không ai biết. Chả hiểu có con cháu gì không mà khổ thế!

- Thế giờ bà ấy ở đâu rồi ạ? – Hải lại hỏi dè dặt.

- Thằng này buồn cười! Người chết thì còn ở đâu được nữa mày? Người ta đem bà ấy đi chôn rồi, chắc ở cái nghĩa trang nào đấy, tao biết làm sao được? Mà khổ, chả ai biết bà ấy tên gì, giấy tờ tùy thân thì không có, nên chắc giờ đi tìm mộ cũng khó đấy!

- ...Dạ, cảm ơn bác...

Nói xong, Hải lững thững bước ra khỏi nhà để xe, đi lừ thừ như người mất hồn, khuôn mặt không còn chút thần sắc. Cậu bé tiến lại chỗ gốc cây giáng hương trước kia và nhìn nó chằm chằm. Cái cây vẫn còn đó, dù có hơi trơ trụi và màu lá đã bắt đầu ngả vàng, nhưng nó vẫn còn ở đó, im lìm và vững chãi. Vậy mà người thì lại không còn nữa rồi. Hải có thể nhận thấy gần nửa mét dưới gốc cây đã được quét vôi trắng. Có cái gì đó giống như những tờ tiền giấy đô la âm phủ cháy dở đang nằm trên mặt đất. Phải rồi, người chết mà, có lẽ ai đó đã đốt tiền giấy cho bà. Bất giác cậu bé thấy sống mũi mình cay cay, hai mắt ngấn đầy nước. Một cơn gió mạnh thổi đến làm những tờ tiền giấy cùng lá khô bay tứ tung. Hải khẽ giơ tay áo lên lau nước mắt và hít một hơi sâu để không bật ra thành tiếng nức nở, miệng lầm bầm:

- Cháu xin lỗi... Đáng lẽ cháu nên đến sớm hơn... cháu xin lỗi bà...

Cuộc đời con người nói dài không dài, nói ngắn cũng không ngắn. Có những người ta mới gặp buổi sáng, đến chiều đã không còn. Vậy nên tất cả những gì ta có thể làm là sống sao cho trọn vẹn tình nghĩa, trân trọng từng khoảnh khắc qua đi, sống như thể mỗi ngày đều là ngày cuối cùng của cuộc đời.

Sau tất cả, không ngờ đến một lời tạm biệt cuối cùng, Hải cũng không thể nói với bà lão. Hẳn là bà ấy oán giận hai anh em Hải lắm. Một người thì cướp tiền của bà, một người được bà giúp đỡ nhưng lại chẳng quan tâm gì đến sống chết của bà. Hải nắm chặt số tiền trong tay, đau lòng khôn xiết. Lúc này trong đầu cậu bé chỉ đinh ninh một ý nghĩ. Nếu như cậu đã không thể trả lại cái nhẫn vàng cho bà, ít nhất cũng nên làm chút gì đó cho đứa cháu gái của bà. Hải sẽ đem số tiền này trao lại cho cô bé, để nó biết rằng mình cũng có một người thân ở trên đời, một người luôn yêu thương nó hết lòng nhưng lại chẳng có đủ điều kiện để chăm sóc nó, một người sẵn sàng hy sinh sự an ổn lúc về già của bản thân mình để cho nó có một cuộc sống tốt hơn. Phải, nhất định cô bé ấy phải được biết.

Bạn đang đọc truyện Rạng Đông Vừa Hửng Sáng (FULL) của tác giả Quy Thần. Tiếp theo là Chương 25: Tai nạn bất ngờ