Trời sáng, ông Hải gọi điện cho cô chủ nhiệm Thu Hà của Lý An để ngăn cản chuyện cho con gái ông đi tác nghiệp ở xa.
Thu Hà có chút đồng cảm với ông Hải nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cứ để cho Lý An trải nghiệm công việc và khẳng định sẽ đảm bảo an toàn cho cô bé trong quá trình tác nghiệp.
Ông Hải càng nghe càng không muốn con mình đi. Có lẽ vì nỗi sợ, những ký ức không tốt đẹp gì trong những năm xưa khi ông lần đầu đi tác nghiệp ở một nơi xa lạ, heo hắt ùa về khiến ông rất lo lắng cho Lý An sẽ phải đối mặt với những điều đó.
Thu Hà có giải thích, khuyên ngăn như thế nào cũng vẫn không thể thuyết phục được sự bảo thủ của ông Hải.
“Anh không đồng ý cho con bé đi. Anh sẽ lên toà soạn thay mặt Lý An xin lỗi và rút hồ sơ thực tập. Không làm cái gì nữa hết.” - Ông Hải dùng giọng điệu như ra lệnh nói với Thu Hà.
Lý An nghe vậy cũng chỉ biết rưng rưng nước mắt, trốn ra nhà sau khóc với mẹ.
Thu Hà nghe ông Hải nói nghiêm túc như vậy thì rất tức giận. “Sao càng lúc em càng thấy anh cứng đầu khó nói như thế hả. Khi trẻ thì coi như nóng nảy bồng bột đi, đằng này anh lớn rồi mà lại còn như thế là sao.
Giờ cũng đã được hơn một tháng thực tập rồi. Anh nói rút là rút được sao. Em ấy sẽ phải chuyển thực tập ở đâu đây? Không hoàn thành được học kỳ này thì Lý An sẽ phải học lại, thực tập lại, bỏ lỡ cơ hội tốt nghiệp cùng bạn bè.
Anh muốn con gái anh gặp chuyện anh mới hài lòng đúng không? Được, anh muốn lên tòa soạn thì cứ lên đi, em cũng sẽ đến gặp mọi người giải quyết.”
Lý An thấy cha nói chuyện xong thì nấu ấm trà mang ra cho cha. Cô dùng nước mắt để cầu xin. “Cha cho con theo các anh lên địa bàn tác nghiệp đi, con hứa sẽ bảo vệ bản thân thật tốt, đảm bảo sẽ không có chuyện gì hết. Cha không cần lo cho con đâu.”
Ông Hải vẫn còn rất giận sau cuộc nói chuyện, khi thấy Lý An thì càng kiên quyết. “Con chuẩn bị theo cha lên toà soạn đi.”
Lý An biết mình không thuyết phục được nên nước mắt dài nước mắt ngắn nói ra hết cảm xúc, suy nghĩ của mình một lần. “Sao con không thể tự quyết định được công việc mình làm vậy? Cuộc sống này là của con, con muốn sống cho mình, làm công việc mình thích.
Con biết cha lo, muốn tốt cho con nhưng điều cha làm nó không hề tốt cho con chút nào cả. Con sẽ không theo cha đi đâu hết, cũng sẽ không nghỉ thực tập ở Nhất Thiên.
Cha muốn làm gì thì làm, con sẽ không nghe theo đâu.”
Ông Hải thấy con gái khóc như vậy thì cũng có chút đau lòng. Thời của ông khi ấy mọi thứ vẫn còn rất nghèo nàn. Lần đầu tiên ông đi tác nghiệp ở một nơi xa xôi đã gặp biết bao nhiêu chuyện ập đến nhưng ông biết rõ những thứ đó cũng không là gì để có thể hạ gục mình. Bởi khi ấy tinh thần và nhiệt huyết trong người ông với điều tra báo chí đang cháy hừng hực.
Ông biết con gái mình đam mê với công việc này, cũng biết sẽ không ngăn cản được con. Có lẽ tính cách Lý An bây giờ một phần cũng được di truyền từ ông. Ông thương con. Nếu không biết thì thôi nhưng khi thấy trước được những cực khổ mà vẫn cứ để người thân yêu của ông đối mặt thì ông không làm được, nên cách tốt nhất là ngăn chặn từ bước đầu. Ông yêu con đến mức kiểm soát quá cực đoan.
Đầu giờ chiều, ông Hải và Thu Hà hẹn tại tòa soạn báo Nhất Thiên để nói chuyện.
***
Lần đầu tiên sau mười mấy năm ông Hải quay trở lại toà soạn báo Nhất Thiên. Cảnh vật đã thay đổi rất nhiều, tòa soạn mở rộng, hoành tráng và hiện đại hơn lúc ông còn làm việc ở đây.
Bước vào cổng ông đã có chút chần chừ đứng lại ngắm nhìn một chút. Những kỷ niệm vui buồn khi còn làm ở đây những tưởng ông đã quên sạch sẽ sau biến cố vào tù đó thì bây giờ nó lại hiện rõ mồn một trong tâm trí ông. Ông nhớ lại những ngày quên ăn quên ngủ, nhiệt huyết, hăng hái như thế nào khi làm việc ở đây, những ký ức mà ông có muốn quên cũng không quên được.
Ông Hải bổng mỉm cười khi thấy hồ cá, ghế đá, hành lang thân quen. Ông theo bảo vệ bước đi trên hành lang thẳng tới phòng tổng biên tập. Từng căn phòng nơi đây từng khắc sâu trong trong tim ông khiến ông càng nhói lòng.
Ông Hải đến trước của phòng tiếp khách của tổng biên tập. Bên trong Thu Hà và ông Chiến đã ngồi trước đợi. Ông Hải bước vào, ông Chiến ngay lập tức mừng rỡ đứng dậy nhìn cho kỹ người đồng nghiệp đã không gặp suốt một thời gian dài.
Ông Hải cũng ngây người khi thấy người đồng nghiệp năm xưa của mình. “Cậu bây giờ khác quá. Vẫn khoẻ chứ?”
“Mình vẫn khoẻ, đã rất lâu rồi chúng ta không gặp nhau. Cậu bây giờ sống như thế nào?” - Ông Chiến đến trước mặt xoa đôi vai gầy của ông Hải rồi kéo ông ngồi xuống uống trà nóng.
Thu Hà ngồi đối diện hai người họ lên tiếng giới thiệu. “Như em đã nói hồi nãy, chiều nay có cha của Lý An đến gặp anh nói chuyện.” - Nói xong Thu Hà liền quay sang ông Hải nói tới. “Còn đây, anh cũng quen biết rồi, giờ anh ấy là tổng biên tập báo Nhất Thiên.”
Ông Hải ngạc nhiên nhìn ông Chiến, hít sâu lấy lại bình tĩnh rồi nói ra mục đích hôm nay mình đến đây. Ông không muốn cho con gái ông thực tập ở đây nữa.
Ông Chiến nghe vậy thì có chút bất ngờ. Ông nghe Thu Hà nói thêm về lý do ông Hải quyết định như vậy thì bắt đầu tức giận.
Trước giờ người luôn có thể bình tĩnh tiếp nhận thông tin rồi tìm cách giải quyết phù hợp, rất khó bị cảm xúc chi phối như ông mà lúc này lại ngay lập tức nắm cổ áo ông Hải, nổi giận.
“Cậu nghĩ mình là ai mà có thể làm như vậy hả? Năm xưa sau khi cậu ra tù rồi biến mất mà không để lại bất cứ thứ gì đã khiến mọi người trong tòa soạn rất lo lắng, tìm cậu khắp mọi nơi có biết không?
Mọi người rất muốn cậu tiếp tục hỗ trợ công việc của ban điều tra. Tổng biên tập cũng không muốn mất người có năng lực như cậu đã quyết định tìm cách nói chuyện với hội trưởng hội báo chí thành phố để cậu có thể quay về làm báo.
Nhưng bao năm nay cậu ở đâu, làm gì hả? Không lẽ chỉ vì một sai lầm như vậy trong quá khứ mà cậu lại thù ghét cả toà soạn này? Bây giờ còn cấm con gái theo thực tập. Rốt cuộc cậu đang nghĩ cái gì?”
Ông Hải ở trước mặt ông Chiến nghe một tràng như vậy liền bất động như bị nghe thầy cô mắng vì mình làm sai điều gì đó.
Năm xưa, ông Chiến là một đồng nghiệp hiểu ý nhất của ông, cả hai đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt mọi khó khăn, phối hợp tác nghiệp để viết bài đưa tin. Tính tình của cả hai ai cũng đều hiểu tường tận. Yêu gì thích gì, ghét gì hay đối phương sẽ hành động như thế nào cũng nắm rõ.
“Nói cho cậu biết, Lý An rất có tố chất làm báo. Tôi sẽ không bao giờ để mất đi một hạt giống tốt như vầy đâu. Cậu cũng vậy, cậu rất có tài, chúng tôi cũng rất cần cậu. Nơi này luôn chào đón cậu quay về. Hãy về hỗ trợ chúng tôi phát triển tòa soạn được không?
Đừng phí tài năng của mình ở một môi trường không phù hợp. Cậu nghĩ kỹ lại xem những năm qua mình làm việc có thật sự vui hay hạnh phúc không? Lý An nghe theo cậu cũng sẽ có cảm giác đó đấy.
Tôi coi Lý An như con mình, nếu đã là con cái thì chẳng cha mẹ nào muốn con mình vô tù đâu. Cậu yên tâm, Lý An thực tập ở đây thì con bé sẽ không phải gặp những chuyện mà cậu đã gặp qua trước đây. Nếu cậu còn kiên quyết thì tôi cũng không nhượng bộ. Cậu cũng biết tính tôi mà đúng không?”
Ông Hải vì câu nói này mà lặng người, ông không muốn đồng ý cũng không được. Sau cuộc nói chuyện ông Hải rời toà soạn về nhà luôn mặc dù Thu Hà và ông Chiến đã hẹn ông đi ăn.