Hàng chục năm trước, khi công nghệ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh. Người dân cả nước vẫn sử dụng điện thoại có cái biệt danh mỹ miều là "cục gạch" với hai chức năng lớn nghe và gọi.
Tuy nhiên số người sở hữu được chiếc điện thoại này lại không nhiều, chỉ có một số ít thành phần trí thức, gia đình giàu có, nhà có điều kiện lắm mới may mắn mua được một cái.
Để biết những chuyện đang xảy ra xung quanh mình, ở trong nước hay nước ngoài thì nguồn thông tin chính thống mà người dân có thể tiếp cận được chính là trên báo giấy và loa phát thanh của từng ngõ, từng phường.
Báo giấy phổ biến hơn, người người nhà nhà đọc báo. Có thể nói đây là thời kỳ phát triển thịnh vượng của báo chí. Sự phát triển ấy kéo theo dịch vụ bán báo, giao báo đến tận nhà, tận cơ quan cũng tăng trưởng không kém. Công việc này đã đem lại thu nhập cho hàng trăm người, đa số họ là những người lớn tuổi, những người có tật ở cơ thể, các đứa trẻ mồ côi,…
Sài Gòn là nơi tập trung nhiều tòa soạn báo lớn nhất nước, trong đó có hai tòa soạn nổi tiếng có số lượng báo phát hành mỗi ngày cao kỷ lục chính là Dân An và Nhất Thiên.
Hướng khai thác thông tin và đối tượng độc giả của hai tòa soạn báo này hướng tới khác nhau hoàn toàn. Một bên lấy đời sống kinh tế, xã hội làm trọng yếu. Một bên là tập trung vào mảng điều tra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Theo thống kê của Hội Báo chí thành phố, trung bình mỗi người sẽ đọc ít nhất 2,5 tờ báo trong ngày, trong đó báo Dân An và Nhất Thiên là hai tờ được lựa chọn nhiều nhất trong số những tờ báo hiện hành.
***
Nhà báo có tiếng nói và sự kính trọng của mọi người trong xã hội, bên cạnh đó thu nhập của họ ngày một nâng cao đáng kể. Vì thế ngay khi còn trên ghế nhà trường, có rất nhiều học sinh định hướng phát triển theo nghề này. Ở các trường đại học, sinh viên theo học ngành báo chí, văn học ngày càng tăng lên theo từng năm.
Mỗi năm có hàng trăm cử nhân báo chí ra trường và đầu quân cho các tòa soạn, các đài phát thanh. Số lượng phóng viên, biên tập viên của mỗi tòa soạn thời này là rất đông đảo. Tòa soạn có số lượng phóng viên, cộng tác viên cao nhất lên tới 600 người, họ sinh sống và làm việc ở khắp mọi nơi trong thành phố và các tỉnh trên đất nước Việt Nam.
Đây là thời kỳ hoàng kim của báo chí. Chỉ trong 10 năm, cả nước có hơn 300 tòa soạn báo và tạp chí, hơn 60 đài phát thanh có mặt ở mỗi tỉnh, trải dài từ Bắc vào Nam. Khoảng thời gian này cũng là lúc xuất hiện nhiều cây bút tài hoa, nhiều nhà báo có đức, có tài và giỏi nghề được đông đảo độc giá yêu quý, mến mộ. Tất cả họ đang cùng thực hiện một sứ mệnh đem đến cho công chúng thông tin chính xác, kịp thời.
Hằng ngày có hàng trăm tin độc lạ, nóng sốt liên lục gửi về tòa soạn để kịp biên tập, lên khuôn, in ấn và phát hành. Lúc nào công việc cũng tấp nập, rộn ràng, người ra vào không ngơi, tất cả làm việc xuyên suốt để cho ra các tờ báo chất lượng đem những thông tin đến cho tất cả người dân.
***
Sự cạnh tranh giữa các nhà báo là không thể tránh khỏi nhưng tất cả cùng nhau cạnh tranh một cách lành mạnh để nỗ lực phát triển và hoàn thiện bản thân lên một tầm cao hơn. Nhiều nhà báo đã trở thành người thầy giỏi, những người lãnh đạo tài hoa của đất nước, ngày ngày xây dựng một xã hội phồn thịnh.
Có thể nói các nhà báo ở miền Nam đều là anh em một nhà, tất cả họ đều xuất phát từ trường đào tạo báo chí hàng đầu của thành phố chính là trường Đông Anh. Một nơi hội tụ những tinh hoa, những người lão luyện trong nghề ở lại truyền lửa và nhiệt huyết cho các thế hệ tiếp nối.
Để trở thành một sinh viên báo chí trong trường thì các sinh viên phải trải qua hai kỳ thi chọn lọc với tỉ lệ chọi 1/65. Những người có đam mê, tình yêu cháy bỏng và đặc biệt kiến thức đời sống, xã hội phải rất giỏi mới được trở thành một tân binh trong lò luyện phóng viên ở đây.
***
Năm giờ sáng, trên một góc đường ở Sài Gòn.
“Báo đây, báo đây. Tin tức nóng sốt mới ra lò, ông Nguyễn Bá Cảnh và ông Trương Quốc Thành đã bị công an bắt. Mua báo xem đi. Báo đây.”
Giọng nói của một cậu bé lanh lảnh vang khắp con phố. Gương mặt cậu đầy hớn hở vừa đi vừa rao, trên cái túi đeo trước bụng chứa một xấp dày hơn hai ký-lô-gam các tờ báo. Ngày nào cũng vậy, cậu thức sớm đến nhận báo và đi khắp các com hẻm, góc phố để bán báo. Công việc này khiến cậu có tiền mua đồ ăn, quần áo và chỗ để nghỉ ngơi giữa Sài Gòn hoa lệ.
Các ông chú trên 50 ngồi uống cà phê ở vỉa hè, những cô bán bún, bán phở ngồi bên nồi nước dùng đỏ lửa rồi những tài xế công nghệ, người bán vé số,… cũng đang ăn uống, chuẩn bị một cái bụng no nê để bắt đầu một ngày làm việc. Khi nghe thấy tiếng rao, ai nấy cũng tròn mắt ngạc nhiên, ra sức vẫy vẫy tay kêu thằng bé lại chỗ mình để mua một tờ.
Tin tức về ông Nguyễn Bá Cảnh và ông Trương Quốc Thành độc quyền, nổi bật trên trang nhất báo Nhất Thiên.