Chương 6: Nông Cô Thăng Chức Ký

Chương 6. Ý tưởng kiếm tiền

2,083 chữ
8.1 phút
143 đọc

Sau một đêm cân nhắc, nàng quyết định án binh bất động, chia sẻ suy nghĩ của mình với hai vị tỉ tỉ, sau đó phân chia việc. Đại tỉ cầm lưới ra sông bắt cá mò ốc. Nàng và nhị ca vào sâu hơn trong rừng hái nấm, nhị tỉ phụ việc nhà với lão bà bà như thường.

Khi gom được hai giỏ nấm đầy, tất cả liền tụ tập ngoài bờ sông, chia một phần nấm cho nhị tỉ mang về, nhận bánh ngô, rau chua ăn trưa, giúp đại tỉ thu lưới cá, phân ra một phần ốc mang về báo cáo công việc với đám người ở nhà chứng minh cho sự vắng mặt của cả đám.

Nàng, đại tỉ và nhị ca vác phần còn lại lên trấn. Năm con cá được đổ vào giỏ mây đã tráng qua lớp sáp ong mà nàng chuẩn bị từ trước. Giỏ nước này có phần nặng nhưng giúp cá sống khi rời khỏi sông. Ba đứa trẻ vừa đi vừa chạy trên con đường mòn từ thôn lên trấn trên với hi vọng đến đó sớm nhất có thể.

Cúc nhi thể lực yếu nhất, đã dần thấm mệt. Nàng đau đớn nhận ra rằng con đường chinh phục cổ đại không đơn giản như trong ngôn tình nàng đọc. Đang trong lúc hoang mang thất vọng, người đàn ông đánh xe lừa trước mặt dừng lại và hỏi thăm mấy đứa con nít đang đi đâu. Biết được đoạn đường của chúng, ông thở dài và cho phép chúng lên xe.

Thị trấn trên cách thôn tầm hai tiếng đi bộ, nhưng với xe lừa cũng bớt được tầm nửa tiếng, khi đến trấn, cảm ơn người đàn ông tốt bụng xong, Cúc Nhi liền dùng một nắm lá chuối cuốn lấy một nửa chỗ ốc tặng ông ấy, người đàn ông mỉm cười nhận lấy và đánh xe đi làm công việc của mình.

Ba đứa trẻ cùng nhau đi dọc con phố, vào các tửu lâu hỏi bán nấm và cá, vì giờ này đã qua giờ họp chợ, nàng chỉ ôm hi vọng cầu may, một số nơi thì xua đuổi bọn nàng, nhưng được một tiệm nhỏ nhận mua, bán được hết số hàng nhưng chỉ thu được mười văn tiền, chép miệng nàng an ủi hai đứa bé kia, đoạn giao tiền cho ca ca giữ.

Đi ngang một góc chợ, thấy một vị trung niên bày một sạp nhỏ, trên sạp là các que trúc đã mài trắng và một nghiên mực cùng cây bút lông, ra là vị này giúp viết thư, một kiểu bán chữ mưu sinh, linh quang chợt lóe trong đầu, nàng yêu cầu đi thăm văn phòng tứ bảo để kiểm tra suy đoán của mình.

Nhìn ba đứa nhóc nông dân lượn quanh gian hàng mà Triệu lão bản thấy da đầu tê dại, nghe cô bé tìm một thứ tên gọi là giấy, lão khó hiểu nhưng tò mò hỏi lại cô bé.

- Vật đó mềm và mỏng như này này, rộng tùy ý, có thể viết nhiều hơn thẻ tre, nhẹ hơn thẻ tre! - Vừa nói nàng vừa quơ tay miêu tả, thành công khơi gợi lên lòng hiếu kì của lão bản và một vị công tử mặc hoa phục gần đó.

- Vật đó ngươi thấy ở đâu? - Vị công tử kia không ngần ngại chen ngang lão bản, nhận ra mình hơi thất lễ hắn bèn mở quạt che nửa gương mặt cười ngại ngùng nhưng vẫn muốn nghe thấy câu trả lời.

- Một lão nhân mang đi bán, lúc đó ngang qua thôn chúng ta, ta thấy ông ấy viết lên đấy nên hỏi thì ông ấy kêu vật đó là giấy. Hôm nay lên trấn muốn đi tìm thử. - Nàng gian xảo trả lời, việc này không thể trách nàng, giấy là một phát kiến quan trọng, kẻ xâu người xé, với thân phận hiện nay không thể công khai. Kẻ ôm bảo vật tất có tội.

- Vậy ngươi có biết lão nhân đó ở đâu không? - Lão bản và vị công tử kia cùng thốt lên, rồi đăm đăm nhìn vào Cúc Nhi, nàng cảm giác như mình lúc này là khối vàng trước mắt họ vậy. Nàng khẽ tằng hắng và giở thói lưu manh:

- Cháu nói thì được gì, mệt chết đi được, ca, tỉ, chúng ta về với phụ thân kiếm nước uống thôi, muội khát!

Vẫn đứng im nãy giờ nghe nàng vẽ chuyện, Phong Nhi và Thúy Nhi duy trì trầm lặng, cúi đầu để che giấu sự kinh hoảng nơi khóe mắt, lúc này mới khẽ ừm dắt tay nàng toan kéo đi, nhưng cùng lúc đó lão bản và vị công tử kia mỗi người nắm một tay nàng giữ lại.

- Tiểu nha đầu, nói cho ca ca/thúc thúc nghe đi, ca /thúc cho các ngươi tiền ăn kẹo quả. - Bọn họ gần như đồng thanh nói.

- Bạch lão không thích tiếp xúc người lạ đâu, nhưng khi ông ấy đi ngang qua, ta có thể mua lại vài tấm và mang qua cho hai người!

- Cũng được, nếu có thì mua càng nhiều càng tốt, mang trực tiếp đến đây, ta sẽ thưởng cho cháu! - Lão bản vừa nói vừa cho nàng ba văn tiền, có lẽ vẫn chưa tin tưởng lắm.

- Vậy nhớ mang cho ca ca thử vài tấm, nếu thật sự là đồ tốt, ca sẽ cho muội muội thật nhiều tiền mua kẹo đường. - Dứt lời, vị công tử kia cho nàng một nắm tiền xu - Đến Đỗ phủ tìm nhị công tử là được.

- Ca ca đã tin tưởng, muội sẽ không để ca thất vọng. Muội tên Cúc Nhi, hi vọng huynh nói trước với gác cửa để hắn không làm lơ muội là được.

Cả lão bản và vị nhị thiếu gia kia liền giật mình trước suy nghĩ thấu đáo của cô bé này, tự biết bản thân có thể sẽ bị gã gác cổng coi nhẹ, chỉ có tí tuổi đầu mà đã thấu nhân tình thế này sao? Bất giác lão bản đánh giá cao nàng thêm một phần, nhưng vẫn tiếc nuối ra tiền, lại cũng muốn gây thiện cảm với nàng, liền kêu tiểu nhị rót cho ba cốc nước, trò chuyện với nàng thêm đôi câu. Uống xong li nước nhóm nàng liền cáo từ và hẹn quay lại sớm nhất. Khi đã đi đủ xa, nhị ca liền hỏi nàng:

- Muội đã gặp lão nhân gia đó lúc nào? Muội có chắc sẽ mua được vật đó cho bọn họ không?

- Ca yên tâm! - Vừa nói nàng vừa đếm số tiền trong bàn tay, vị ca ca này khá hào phóng, nhúm tiền hắn cho nàng đủ nhiều nha - Được tới mười một văn này! Vậy hôm nay kiếm được hai tư văn đấy, ca ca giữ kĩ đừng để lộ ra, còn việc kia cứ để muội lo, không phải sợ.

Trời đã ngả về chiều, đi bộ từ đây về chắc sẩm tối mới đến nơi, cũng may đã dặn dò nhị tỉ, nên lão cha sẽ không lo lắng đi kiếm bọn họ. Khi họ vừa đến cổng thị trấn thì thấy người đàn ông đánh xe lừa, thấy nhóm các nàng đi tới, ông ấy khẽ cười hỏi:

- Muốn đi nhờ về không?

- Dạ cảm ơn thúc thúc nhiều lắm! - Nàng không ngần ngại nhận lời, nhìn xe lừa trống trơn là biết ông ấy cố ý ở lại chờ nhóm của nàng rồi, đi bằng xe lừa vẫn hơn đi bộ, tội tình đôi chân lùn này.

Xe lừa lúc này không chất nhiều đồ như trước nên tốc độ cũng nhanh hơn, tầm một giờ đồng hồ là đã tới ngã ba về hướng thôn các nàng, liền cảm tạ và cáo từ vị thúc thúc tốt bụng, xách đồ thừa ba chân bốn cảnh chạy về thôn.

Cũng vừa kịp giờ ăn tối, đổ chỗ ốc thừa vì không ai mua ra để chuẩn bị bữa tối, nhị thẩm thoáng thấy lượng ốc chỉ được tầm một tô liền tỏ vẻ không hài lòng, bâng quơ trách móc, ý tứ là các nàng đi suốt ngày chỉ được nhúm nấm, tí ốc buổi trưa, lại thêm tí ốc này cho buổi tối thì ai ăn ai nhịn. Khí nóng bốc lên, nàng sẵng giọng:

- Nếu thẩm thấy ít quá thì thôi mai chúng con không đi nữa, ở nhà phụ mọi người làm việc nhà thôi, đến bữa cơm ăn rau độn là được!

- Ngươi ở nhà thì chẳng làm được việc gì lớn lao, ý ta là bớt ham chơi lại mà tập trung hái nấm bắt cá có phải hơn không, hôm nay lại chẳng được một con cá mà mất cả ngày trời! - Nói đoạn liếc nhìn bà nội cũng đang cau có trong phòng mà không ngại ỡm ờ bồi thêm - Hay là mấy đứa các ngươi lén ở ngoài sông nướng lên ăn rồi?

- Cá ở ngoài sông là của thẩm nuôi à? Mà chúng nó phải có nghĩa vụ ngày nào cũng nhảy vào lưới? Thẩm tài như vậy mai thẩm ra sông bắt với chúng con đi, đỡ ở nhà cả ngày suy bụng ta ra bụng người. - Cúc nhi đáp.

- Ơ hay cái con ranh này! Ăn nói hỗn hào, có biết tôn ti cao thấp không? - Nhị thẩm rít lên.

- Vợ lão tam, ngươi không biết dạy con à, cái con Cúc Nhi càng ngày càng hỗn hào, các ngươi đẻ được mà không biết dạy thì giao cho mấy bà mụ dạy dỗ, còn được dăm lượng bạc. Dung túng như vậy cho nó lật trời à? - Vị bà nội kia trợn mắt quay qua mắng mẹ nàng.

- Bà nội, người vẫn muốn bán con sao? - Nàng nâng đôi mắt trong veo lên nhìn thẳng vào bà ta, hơi có chút chột dạ, bà ta không tiếp tục nói về nàng nữa mà quay sang kêu mọi người nhanh tay làm cơm.

Bữa cơm tối qua đi, khi ai về phòng nấy, lúc này nàng mới ngồi trước mặt vợ chồng lão tam, nhẹ nhàng kể lại câu chuyện bà nội thừa cơ mọi người vắng nhà mang nàng đi bán, rồi để mặc nàng trên núi một đêm như thế nào. Lão tam cơ hồ không thể tin mẹ mình lại có thể nhẫn tâm như vậy, gân bên thái dương giật liên hồi, Tống thị ngơ ngác nhìn nàng.

- Cha, nương, sống như vầy thật không tốt, chúng ta nên yêu cầu phân gia, ngày hôm nay chúng con kiếm được hơn hai mươi văn đấy, nhưng con cam đoan, chỉ cần chúng ta ra riêng, con có thể quang minh chính đại mang bạc về. Cha hãy cho con vài ngày thời gian, con sẽ cho ba xem thỏi bạc đầu tiên. Con hi vọng khi con làm được điều này, cha sẽ kiên quyết hơn về việc phân nhà.

Lão tam vẫn bảo trì im lặng, nhưng khi nghe nàng nói kiếm được hai mươi văn tiền trong một ngày cũng khiến hắn kinh ngạc không thôi, chưa nói đến lời cam đoan của nàng về bạc trắng, nên hiểu nàng chỉ là đứa trẻ con bảy tuổi.

Hiện tại, ngô là lương thực chính của nhà nghèo như nhà hắn, khi bán cho thương lái chỉ được năm, sáu văn tiền một cân. Bản thân hắn nếu được gọi đi xây nhà hoặc đào vét kênh mương cả ngày cũng chỉ được hơn hai mươi văn.

Hắn mơ hồ cảm thấy đứa con gái út này dường như thay đổi từ sau ngày nàng gặp nạn. Không quấn quít lấy hắn hay nương tử như trước, không sợ hãi nương hắn như trước, có vẻ lại có khí thế hơn cả hắn.

Không biết nói gì, hắn đành kêu mọi người giải tán đi ngủ. Hoang mang, đả kích vì những việc xảy ra, hắn âm thầm mong lời con bé nói là sự thật, hắn cũng quá chán chường cuộc sống như thế này. Bên kia Tống thị cũng mơ mơ màng màng, mỗi người ôm một suy nghĩ mà chìm vào mộng.

Bạn đang đọc truyện Nông Cô Thăng Chức Ký của tác giả Diepdo. Tiếp theo là Chương 7: Kiếm ra bạc trắng