Năm nó tám tuổi, nó đố kỵ với người bạn hàng xóm của nó.
Hàng ngày, mỗi buổi sáng nó luôn dậy sớm mà tự đánh răng rửa mặt, tự thay đồng phục đi học rồi tự chải tóc lại cho gọn gàng. Nó luôn như vậy, nó tự lập rất sớm chỉ vì cha mẹ bận không có thời gian chăm lo cho nó, nó hiểu nên nó cũng không trách họ mà còn động viên họ. Đôi chân nhỏ bé cố nhướn lấy tờ tiền cha mẹ nó cho trên tủ rồi chạy xuống nhà lấy chìa khóa tự mở cửa, còn nhỏ nó không biết vặn chìa nên toàn lấy muỗng để vào khe cửa rồi gạt lên mà mở cửa ra, nhiều lần nó làm vậy bị cha mẹ quở trách bảo như thế sẽ làm hư cửa, nhưng nó không biết xài chìa khóa thì phải làm sao chứ? Đây cũng là thói quen của nó rồi.
Nó chạy ra đầu ngõ mua cái bánh mì ốp la mười lăm ngàn rồi chạy về ngồi trước nhà hàng xóm mà ăn đợi cha mẹ đi xuống chở đi học. Nhà nó khi đó chưa có bậc thềm, lại rất thấp vì xây sai quy định nên nó chỉ có thể ngồi bên nhà hàng xóm ăn nhanh ổ bánh mì để đi học. Đối diện nhà nó có một cô bé trạc tuổi nó, ngày ngày cha mẹ đều dậy sớm chăm lo cho từ tóc tai đến quần áo, thậm chí là từng bát cơm cũng được chính tay mẹ nấu mà mang ra, nó nhìn gia đình nọ rồi nhìn xuống ổ bánh mì trên tay không vì sao nó lại khóc, nhưng nó quen rồi nên cũng ráng nuốt trôi bánh mì rồi ngoan ngoãn chờ đợi cha mẹ.
Tầm chừng mười lăm phút sau cha mẹ nó xuống, chở nó đi học. Nó vui vẻ ngồi trên xe cha mẹ mà có một tâm trạng thật tốt để đến trường, dù đố kỵ với người bạn hàng xóm kia nhưng cũng không thể trách họ, bởi vì cha mẹ nào cũng luôn dành tình yêu thương cho con cái mà.
.
.
.
.
Năm nó mười tuổi, nó đố kỵ với học sinh của cha nó.
Cha nó là một người thầy giáo dạy tin học rất có tâm với nghề, cha nó giỏi lắm, nhà có rất nhiều bằng khen và cúp nhưng không phải của nó mà là của người cha tóc đã điểm bạc luôn cố gắng học hành để tiến bộ và luôn đào tạo học sinh thật giỏi để nâng cao uy tín. Nó cũng có bằng khen, nhưng số lượng bằng khen của nó không là gì với của cha nó cả, nhìn bức tường xanh dán chi chít những tấm bằng khen vàng đỏ đề tên cha nó, kệ sách nhỏ của nó cũng để đầy cúp vàng cúp bạc của cha nó, tất cả đều là phần thưởng mà cha nó dành được trong những cuộc thi giáo viên dạy giỏi, nó ngưỡng mộ cha nó lắm và ước muốn sau này sẽ được như cha nó.
Cha có mở một trung tâm dạy tin học nhỏ, lúc đầu cũng chỉ lác đác vài học sinh nhưng dần dần ngày càng đông người đến xin học, một truyền mười mười truyền một trăm, những vị phụ huynh tin tưởng giao con cho cha nó dạy đã rủ rỉ truyền tai nhau mà bảo: "Ông thầy này dạy tốt lắm, ổng đào tạo con tôi đi thi học sinh giỏi đó, chị cho bé theo học đi", "Ừ, thầy dạy tốt lại còn giỏi, chị muốn cho bé học không?", "Chị ơi, cho tôi xin số điện thoại của ông thầy tin học chị cho con chị theo học đi, thằng bé nhà tôi nó không giỏi môn này mà thời này thì ai lại dạy tin học chứ, cho tôi xin số để dẫn bé nó đi học". Những lời nói truyền tai nhau mà lan xa để rồi trung tâm tin học nhỏ kia sớm không chứa nổi mà cha nó đã xây lại phòng học cho thật rộng, mua về thật nhiều máy tính với phụ kiện điện tử lắp đặt để rồi tạo ra một không gian tin học chất lượng như bây giờ.
Nó đứng ngoài cửa nhìn cha mẹ nó nói chuyện với phụ huynh, nhìn cha nó dắt tay đứa học sinh kia lên phòng mà hướng dẫn từng chút một. Nó đố kỵ với học sinh của cha, nó ghét tụi nhỏ đó lắm! Tụi nhỏ đó học rất giỏi, cha thường đưa chúng đi thi những giải tài năng tin học trẻ, bằng tin học A B C, giải phong trào công nghệ thông tin, olympic toán hay tiếng anh. Tụi nó đều mang về rất nhiều giải, có đứa được có đứa không, có đứa mang về giải vàng có đứa mang về giải bạc khiến cho cha nở mặt nở mũi. Dù là con gái của giáo viên tin học nhưng nó chưa bao giờ có giải, cũng được đi thi như bao người nhưng nó không có giải để khoe cha nó, cho dù có thì cha nó cũng chưa bao giờ để ý.
Nhìn tụi học sinh vui vẻ cười nói với cha, cha cũng tấm tắc khen mà nó thì lại cảm thấy tủi thân nhìn những tấm bằng mà nó rất khó khăn mới có được, nó lại khóc, khóc vì không được quan tâm, khóc vì cha nó chưa bao giờ khen nó như thế kia. Nó ghen tỵ lắm, nó đố kỵ lắm! Nó cũng muốn được cha khen, nó cũng muốn khoe với cha kia mà.
Nó vẫn nhớ rõ cha nó từng hỏi:
"Lớn lên con muốn làm nghề gì?"
"Con không biết, chưa suy nghĩ tới"
"Hay là làm bán thuốc đi? Rất giàu, sau này cũng không khổ cực lại có thể ở nhà"
"Dạ học tin học giỏi có thể bán thuốc sao?"
"Không quan trọng là con giỏi hay không, quan trọng là con làm được hay không. Điểm số không nói lên gì cả, con người của con mới là quan trọng nhất, con mong muốn nó thì con cố gắng con sẽ làm được"
"Dạ, vậy con sẽ học làm bán thuốc sau này"
Nó từng nói như thế, nhưng bây giờ thì nó đã không còn hứng thú nữa rồi. Nó không hứng thú vì cha nó chưa một lần quay lại khen nó cả.
.
.
.
.
Năm nó mười hai tuổi, nó đố kỵ với cha nó.
Không hiểu vì sao nó lại có suy nghĩ như vậy. Nó thật sự đã từng đố kỵ với cha nó, khi đó nó đang theo học chuyên văn với tự tin là tài năng văn chương của mình rất tốt, nhưng chữ của nó lại không được đẹp nên chưa bao giờ nó được lựa đi thi cuộc thi nào cả. Nó buồn lắm chứ, nhìn bạn mình được lựa đi thi mà nó cảm thấy tủi thân, cũng là cùng nhau làm bài rồi nộp bài, cũng là cùng nhau đi học đều đặn nhưng vì cớ gì đứa bị loại luôn là nó?
Lớp chuyên văn năm đứa, cuộc thi lựa bốn đứa, đứa thứ năm là nó.
Nó đã từng suy diễn tới cảnh tượng thi đạt giải chuyên văn, mang về cho cha mẹ một cái cúp vàng thật đẹp để họ tự hào nhưng cho dù nó cố gắng thế nào thì cũng chưa từng có được cúp. Thứ nó mang về là gì chứ? Là sự thất vọng cùng những giọt nước mắt đầy tự trách. Năm đó, nó cũng mắc phải căn bệnh hủy hoại cuộc đời bao người mang tên trầm cảm nhưng vì nó là người khá trầm tính nên cũng im lặng không nói cho ai biết cả, nó chịu đựng căn bệnh đó trong suốt một thời gian dài, nhiều lần mệt mỏi cũng đã muốn chết nhưng nó lại sợ chết mà chính vì cái ý nghĩ đó đã ngăn những hành động ngu dại của nó lại để rồi nó có cơ hội sống được như ngày hôm nay.
Cha nó thì lại trái ngược hẳn với nó cho dù là tuổi đã cao nhưng cha rất chăm học lại siêng năng nên học rất giỏi, cha muốn thi lấy bằng thạc sĩ nên đã đăng kí khóa học, học rất trễ muộn nhiều lần làm lỡ hẹn việc đi chơi với nó. Cha học rất giỏi lại tiếp thu nhanh nên điểm số luôn cao nhất lớp, cha chỉ yếu môn triết học vì học bài vốn dĩ không phải là sở trường của cha, cha tham gia nhiều cuộc thi mà mang về vô số bằng khen, những tấm huy chương vàng bạc treo đầy nhà mà nó luôn phải ngước nhìn đầy đố kỵ.
Nó như cái bóng của cha nó, vĩnh viễn không thoát khỏi khuôn khổ mà cha nó đã tạo nên. Thật ra chính nó tự tạo áp lực cố gắng chạy theo cha mình với mong ước được giống như cha, nó đã quên con người thật sự của nó rồi.
Nếu so sánh giữa nó với cha thì cha nó như một chú đại bàng với đôi cánh to mà chao lượn trên nền trời xanh thẳm còn nó như chú chim non chỉ biết vỗ đôi cánh nhỏ muốn đi theo chú đại bàng kia lên trời cao nhưng mãi không được để rồi phải thất vọng tràn trề. Nó nào hay biết, đại bàng dang cánh chính là vì muốn bảo hộ chim non, lông đại bàng cũng rụng từng ngày để chim non rồi lớn lên đủ lông đủ cánh mà bay đi tới những chân trời xa, khi đó quay đầu lại...
Chim non đã không thấy đại bàng nữa rồi.
Vì sao nó lại đố kỵ với cha nó? Vì sao nó lại nghĩ như thế? Vì sao nó lại có thể hành động như vậy với cha nó? Câu hỏi đó, nó đã tự hỏi rất lâu rồi nhưng vẫn chưa có câu trả lời, liệu có ai giải đáp giúp nó được không?
.
.
.
.
Năm mười lăm tuổi, nó lại đố kỵ với người em trai của mình.
Hẳn ai sống trong gia đình có chị em hay anh em đều sẽ luôn có một cảm giác đố kỵ với đối phương nhỉ? Nó cũng vậy, em nó khi nhỏ rất đáng yêu với khuôn mặt tròn cùng đôi mắt đen láy rất đẹp, nó thương em nó lắm nên lúc nào cũng muốn bên cạnh em trai nhỏ của mình. Nhưng khi em trai nó lớn lên thì nó rất ghét em trai, nó lại sanh ra một cảm giác đố kỵ mà nó nghĩ bản thân sẽ không bao giờ có lại với người thân.
Em nó được cha mẹ yêu thương rất nhiều có lẽ vì còn nhỏ tuổi lại còn hay cưng chiều, không phải là dạng cưng chiều đến hư vì cha mẹ nó là giáo viên nên nền giáo dục vô cùng nghiêm khắc, vẫn có đúng có sai không phân biệt ai với ai nhưng nó đã từng có một suy nghĩ rằng cha mẹ thương em trai nhiều hơn thương nó.
Em trai quậy phá hay hư hỏng cha mẹ đều trách mắng, nhưng cứ hễ em trai chọc cho nó tức đến nỗi nó mắng nó đánh thì cha mẹ lại quay sang quở trách nó, thậm chí có lần em trai tự ý lấy đi số tiền mà nó đã cất công nhịn ăn để dành. Khi biết chuyện này, nó rất tức giận mà không kìm chế được bản thân đánh em nó một cái, em nó khóc, mẹ chạy lên mà mắng chửi hai chị em. Nó cũng khóc, không phải vì sợ mà là vì oan ức, mẹ phạt hai chị em, mẹ mắng rất nhiều dù cả hai chị em đều có lỗi nhưng nó cảm thấy có một sự bất công trong từng lời chửi mắng của mẹ.
Sau vụ việc đó mẹ nó đền một trăm ngàn nhưng nó không chịu mà ôm nỗi bực tức trong lòng, nó nhịn ăn để dành hơn hai trăm ngàn gần ba trăm, mẹ nó đền lại chỉ có một trăm. Không phải nó bất hiếu, hư với mẹ nó hay là tính nó tham lam nhưng dẫu sao cũng là tiền nó nhịn ăn hai tuần liền để dành thì giờ đền lại số tiền chẳng bằng lấy một nửa như thế liệu nó có chịu chăng?
"Tiền nào cũng là tiền, số tiền con nhịn ăn để dành cũng là tiền cha mẹ cho vì sao cứ phải so đo với em nó làm gì?"
"Nhịn ăn dành tiền mua đồ lung tung mà thôi, để dành cũng chả được gì, mày đừng có mà dở chứng tao lại đánh mày đấy"
Khi đó, căn bệnh trầm cảm vẫn còn đọng lại, nó vẫn không san sẻ cùng ai. Nó lên mạng xã hội vừa khóc vừa ghi những dòng tâm trạng đầy tệ hại: "Tôi ước gì bản thân tôi không tồn tại trong gia đình này, nó là công tử bột còn tôi là đứa vô hình, các người thương nó cứ thương đừng để tâm đến con nhỏ vô dụng này như tôi. Tôi không muốn sống, một là tôi không tồn tại, hai là tôi chưa từng là thành viên của gia đình này".
Dù nó có giận có ghét gia đình đến đâu thì việc trù chết một ai đó nó cũng không dám, thà là bản thân nó chịu khổ chứ không bao giờ mong muốn gia đình nó chịu khổ cả.
.
.
.
.
Năm mười bảy tuổi gần sang con tuổi mười tám, nó đố kỵ với bạn bè của nó.
Giờ đây đã là học sinh cấp ba là một cô thiếu nữ có suy nghĩ nhiều hơn. Năm mười một trầm cảm trở nặng được sự động viên của cô bạn ngồi bên cạnh mà nó dần lấy lại sự sống, mười hai nó đã hoàn toàn có thể sống vui vẻ mà không phải lo nghĩ gì tới cái chết như năm đó nó đã từng. Năm mười hai luôn là năm khó khăn của biết bao thế hệ học sinh khi mà phải đối mặt với cái thứ gọi là thi đại học, thứ khó khăn nhất chính là lựa ngàn phù hợp hay con điểm đủ để xét vào trường mà bản thân mong muốn.
Nó cũng vậy, ngoài mặt thì luôn bảo từ từ rồi tính nhưng trong lòng nó rất lo bởi vì nó là đứa duy nhất chưa có ngành mà nó mong muốn lựa chọn. Nhìn bạn bè nó đã quyết định xong ngành để rồi cố gắng học hành đạt được điểm cao mà vào ngành bọn họ thích trong khi nó như một linh hồn rỗng ruột không có lấy một suy nghĩ nào về sự lo lắng cho tương lai cả, nó cứ thế mà học tà tà đúng với sức của nó nhưng nếu không chịu cố gắng thì nó sẽ không bao giờ đậu đại học. Lúc này, nó lại lo lắng rồi.
Nó không biết nó thích học về cái gì, nó còn rất mông lung vì đó giờ nó sống theo sự sắp xếp của cha mẹ, nó không bao giờ tự quyết định được cái gì cả, nó lúc lo lắng lúc lại bình chân như vại. Tự dưng nó lại nghĩ tới tương lai tối tăm của nó nếu tiếp tục như thế này, nó đã nhận được rất nhiều tư vấn nhưng không lần nào cái nào thuyết phục được nó, lúc này cỗ cảm giác đố kỵ của nó lại dâng lên, nó nhìn bạn bè vui đùa về ngành họ chọn, họ giúp nhau cách tính điểm đủ để xét học bạ còn nó thì không có gì cả. Nó đố kỵ với bạn bè, nó suy nghĩ táo bạo một lần nhưng cũng chính là suy nghĩ ngu ngốc nhất của nó.
Nó chán học, nó muốn bỏ học.
"Mày phải cố lên chứ, chưa kiểm tra thì sao mày biết được điểm thấp hay cao?"
"Cho dù có ôn cỡ nào đi nữa thì tao tự biết điểm tao thấp rồi"
"Sao mày chắc được? Mày học giỏi hơn tao nhiều đó"
"Tao tự thấy trước được, cũng là cùng học từ tối đến sáng, cũng là cùng học một giáo viên, thức khuya dậy sớm ôn bài nhưng vì sao đứa giỏi đứa dở? Cùng một sự cố gắng nhưng một đứa thì được vinh quang còn một đứa thì mãi mãi ngu dốt cho đến cuối đời"
"Tao hết lời để nói với mày rồi"
"Nói xong chưa? Xong rồi thì tao có việc bận rồi, tao không muốn nói chuyện nữa"
Đó là những dòng tin nhắn khi bạn nó hỏi nó đã ôn bài mai kiểm tra hay chưa, nó đã ôn nhưng đến khi kiểm tra nó vẫn không làm được vì cái tâm lý lo sợ của nó. Nó đã tự bình tĩnh nhưng cũng không có ích gì, nó lại suy nghĩ tới việc muốn chết nhưng cũng nhanh chóng gạt bỏ, cho đến bây giờ dù đã lựa được ngành học nó muốn nhưng cũng không hoàn toàn khiến nó có một động lực cao quý nào cả, nó biết nó cũng chỉ có vậy thôi, cố gắng tới đâu cũng chỉ tới vậy thôi nhưng nó không còn sợ hãi như trước nữa vì bên cạnh nó có rất nhiều người động viên và theo sát nó đến khi nó trưởng thành.
.
.
.
.
Đôi lời của tác giả: Cốt truyện có hơi rời rạc không được mạch lạc chuyển biến liên tục nhưng đây là một dạng văn hồi ức kể lại những ký ức ngày xưa của tác giả, cho nên thời gian ở đây được phân chia theo đúng thời gian thực khi lớn lên. Tác giả cũng chỉ là một con người nên sự đố kỵ đã là bản chất của một con người, từ nhỏ đến lớn đố kỵ khác nhau từng đối tượng nhưng mục đích chung của tác giả chính là sự ích kỷ của bản thân, mong muốn mình có được những thứ người ta có để rồi đến khi cuối cùng tác giả nhận ra được cuộc sống vốn dĩ không hề đơn giản như vậy thứ mà những người kia có được cũng chính là do họ giành lấy, và giờ đây thứ tác giả muốn có được cũng sẽ do chính đôi tay này tự giành lấy.