Kaltya lao vào phòng, đôi mắt lấp lánh sự phấn khích.
“Mẹ ơi! Hôm nay cô giáo bảo cả lớp đếm số cao nhất có thể. Các bạn chỉ đếm được đến năm thôi, nhưng con đếm tới tận mười! Nghe này: một, hai, ba… Tại sao vậy mẹ?”
Mẹ cô mỉm cười, nhẹ nhàng vuốt mái tóc con gái.
“Vì con là một đứa trẻ thiên tài.”
Vài ngày sau, cô bé lại chạy vào, hơi thở dồn dập vì phấn khích.
“Mẹ ơi! Hôm nay cô dạy bọn con đánh vần. Các bạn chỉ đánh vần được ba từ, nhưng con viết được tận mười! Sao lại thế ạ?”
Mẹ cô dịu dàng nhìn con, ánh mắt tràn đầy tự hào.
“Vì con là một đứa trẻ thiên tài.”
Vài ngày nữa trôi qua. Lần này, cô bé ưỡn ngực, giọng nói đầy kiêu hãnh.
“Mẹ ơi! Hôm nay bọn con tập viết, con hoàn thành trước mọi người tận mười phút!”
Mẹ cô hôn nhẹ lên trán con gái.
“Đó là vì con là một đứa trẻ thiên tài.”
Rồi một ngày nọ, cô lại đặt câu hỏi.
“Mẹ ơi, con thấy ngực các bạn gái khác nhỏ xíu, còn của con lại lớn lắm. Có phải vì con là thiên tài không ạ?”
Mẹ cô sững người. Lời nói nghẹn lại trong cổ họng. Nụ cười dịu dàng ngày nào bỗng chốc trở nên gượng gạo.
Bà hít sâu, như cố gắng níu lấy thứ gì đó đang tuột khỏi tầm tay. Rồi cuối cùng, bà nói:
“Không đâu con yêu. Đó là vì con đã hai mươi tuổi rồi.”
Kaltya là một đứa trẻ thiên tài. Ai cũng nói như thế.
Năm bốn tuổi, khi những đứa trẻ khác còn đang chơi búp bê hay xe đồ chơi, cô bé đã ngồi vào bàn học, cầm bút chì chặt trong tay, đôi mắt chăm chăm nhìn những dòng chữ vô hồn trong sách.
Cha mẹ tin rằng trí thông minh có thể được mài giũa bằng việc nhồi nhét kiến thức. Họ đăng ký cho cô hết lớp học này đến lớp học khác, hết môn này sang môn khác. Lịch trình kín đặc từ sáng sớm đến tối mịt, không có chỗ cho vui chơi hay nghỉ ngơi.
Vào sinh nhật thứ sáu, bạn bè tặng cô một cây kem và một đôi dép nhỏ xinh. Đám trẻ cười đùa vui vẻ, nhưng niềm vui vụt tắt khi cô mở món quà từ cha mẹ—một cuốn sách toán cao cấp. Năm tập văn học kinh điển.
“Để con đọc nhiều hơn, tìm cảm hứng và học suốt đêm,” mẹ cô nói đầy tự hào.
Từ ngày đó, cô không bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn nữa.
Ngọn đèn bàn luôn sáng đến tận khuya, đôi mắt cô lúc nào cũng thâm quầng vì mệt mỏi. Sáng nào chuông báo thức cũng reo lúc năm giờ, kéo cô ra khỏi những giấc mơ chập chờn. Không phải vì cô muốn thức dậy, mà vì cô phải thức dậy.
Giờ học buổi sáng.
Kaltya ngồi ngay ngắn, đôi mắt trĩu xuống khi nhìn lên bảng. Cô đã học trước bài này từ đêm qua, nhưng lời thầy giáo vang lên trong tai chỉ như tiếng rè rè xa xăm.
“Em bị sao thế? Không được ngủ gật trong lớp!”
Cô giật bắn, cố gắng mở to đôi mắt đang cay xè.
Thầy giáo lắc đầu, giọng nghiêm khắc nhưng đầy kỳ vọng.
“Nếu em muốn giỏi hơn nữa, em phải tận dụng cả thời gian nghỉ ngơi để học. Em đã thử học trong giấc mơ chưa? Khi ngủ, hãy nghĩ về bài học, ôn lại công thức trong đầu. Như vậy, khi thức dậy, em sẽ thông minh hơn.”
Kaltya gật đầu.
Đêm hôm đó, cô nhắm mắt—không phải để ngủ, mà để nhẩm lại những phương trình, ghi nhớ những con số và định lý.
Dần dần, ngay cả trong giấc mơ, cô cũng chỉ thấy những trang sách vô tận, những bài toán không lời giải, và những giọng nói vang vọng trong đầu:
“Không được lười biếng. Lúc nào cũng phải học. Ngay cả trong giấc ngủ.”
Năm năm tuổi, Kaltya thuộc làu bảng cửu chương, có thể đọc trôi chảy những bài luận dài, nhưng khi được hỏi: “Màu sắc yêu thích của con là gì?”—cô không có câu trả lời.
Năm sáu tuổi, cô giải được phương trình bậc hai nhưng không biết buộc dây giày.
Năm tám tuổi, cô nghiền ngẫm những triết lý phức tạp nhưng chưa từng bật cười trước một cầu vồng.
Năm chín tuổi, cô giành giải thưởng học thuật quốc gia—nhưng chẳng có một người bạn thật sự nào.
Cha mẹ cô tự hào. Họ không nhận ra đôi mắt con gái ngày càng trống rỗng, không thấy được những tiếng thở dài mỗi khi cô lật sang trang sách mới.
Cô học như một cỗ máy, chẳng còn phân biệt được niềm vui và nghĩa vụ.
Rồi đến năm mười tuổi, mọi thứ sụp đổ.
Trong một buổi học, giáo viên hỏi về nguyên lý đàn hồi của lò xo.
Cô đứng dậy, bình thản trả lời:
F = −kx + m d²x/dt²
Cả lớp cười ồ lên.
Thầy giáo giao bài luận về vận tốc rơi tự do. Cô cầm bút, viết một loạt phương trình về động năng và thế năng. Nhưng khi đọc lại, cô chẳng hiểu mình đã viết gì.
Tất cả kiến thức trong đầu cô rối tung, vỡ vụn, tan tành. Bộ não bị quá tải. Cô không thể tập trung, không thể suy nghĩ mạch lạc nữa.
Chẩn đoán của bác sĩ: Rối loạn phát triển do áp lực học tập quá lớn.
Từ ngày đó, thời gian với Kaltya ngừng lại.
Cô mãi mãi mắc kẹt ở tuổi mười.
Dù cha mẹ có cố gắng thế nào, dù họ bắt cô học lại bao nhiêu lần, cô cũng không thể tiếp thu kiến thức mới.
Cô vẫn có thể đọc, vẫn có thể hiểu, nhưng trí tuệ của cô mãi mãi dừng lại ở trình độ của một học sinh tiểu học— không bao giờ trưởng thành thêm nữa.
Bạn bè cô tiếp tục tiến về phía trước. Họ vào đại học, có công việc, xây dựng sự nghiệp.
Còn cô, cô đứng lại. Bị nhốt trong cơ thể của một người lớn.
Nhưng lạ thay, cô không cảm thấy buồn.
Cô không còn xuất sắc trong toán học, không còn nhớ những lý thuyết phức tạp. Nhưng bây giờ, cô có thể cười rạng rỡ khi thấy một chú mèo con.
Từng là một đứa trẻ nghiêm túc và trầm lặng, Kaltya giờ đây vô tư và tràn đầy sức sống.
Cô thích chạy chân trần trên cỏ, xếp những viên đá nhỏ thành hình trái tim, vẽ những khuôn mặt cười trên bức tường trắng.
Cô thích lắng nghe tiếng chim hót vào buổi sáng, đưa tay ra đón từng giọt mưa rơi.
“Mẹ ơi, mẹ có biết những đám mây đi đâu không?”
“Bố ơi, tại sao nước lại có vị ngọt hơn vào buổi sáng?”
....................
edit: cảm ơn ai đã đọc đến tận đây nheeee