Chương 2: Những Mảnh Ghép Sau Lớp Kính Trắng

Chương 2. Bước chân đầu đời

1,049 chữ
4.1 phút
103 đọc

Khi mới còn là một mầm non trong gia đình cây lan ý, tôi đã có những nhận thức mơ hồ về cuộc đời và sự sống. Mọi thứ trông thật đẹp đẽ như một bức tranh kính nhiều màu trong ý thức ngây ngô của đứa trẻ hồn nhiên.

Mùa xuân năm ấy, khi bộ rễ của tôi đã phát triển đầy đủ và ổn định, đó cũng là lúc tôi bị tách rời ra khỏi gia đình mình. Bản thân phải sống độc lập trong một chậu cây hoàn toàn mới, khi ấy không chỉ háo hức với thế giới bên ngoài, tôi còn sẵn sàng đương đầu với những thử thách và ham muốn trải nghiệm những điều lạ lẫm mà cuộc sống đem tới cho chính mình.

Những khát khao ấy càng bùng cháy mạnh mẽ khi tôi được chuyển tới bên cạnh những đàn anh, đàn chị và những đứa em cỏ cây khác. Chúng tôi tạo thành một cộng đồng thu nhỏ ở trong nhà kính — nơi cây cối đã sẵn sàng để được bán ra, tất cả đều đợi chờ những vị khách tới ngắm nghía và chọn lựa.

Ở nơi ấy, mỗi giống cây có những tính cách và hình dáng khác nhau. Có đứa cây dừa cao gấp đôi tôi, tán lá hắn xoè rộng ra rồi che hết ánh sáng của tự nhiên. Với bản tính tham lam, hắn độc chiếm ánh nắng mặt trời cho bản thân mình mà không chịu sẻ chia cho những người bạn thực vật quanh hắn.

Còn có cây kim ngân chưa phát triển hết thì lùn tịt một mẩu, từ cái gốc tròn ung ủng chỉ lún phún mọc ra vài cành lá gầy gò và yếu ớt. Với dáng vẻ khó chăm sóc ấy, nó vừa bị con người xa lánh, nó vừa là đứa bị ăn hiếp nhiều nhất trong số chúng tôi.

Giống như một xã hội không công bằng nhỏ bé; có những kẻ mạnh, kẻ yếu, kẻ được yêu thích, kẻ bị chê bỏ, kẻ sôi sục với những tham vọng cá nhân cao ngút trời, kẻ lại chấp nhận cuộc sống bình lặng và an tĩnh giữa chốn xô bồ rối ren.

Tất nhiên, trong mối quan hệ giữa những cá thể độc lập thường chứa đựng sự yêu thương cao đẹp, cái quan tâm chân thành hay lòng trắc ẩn của tâm hồn; ngược lại chúng cũng có thể là sự phán xét, ghét bỏ hay ganh đua lẫn nhau.

Chính sự cạnh tranh khốc liệt trong cái xã hội thu nhỏ ấy đã buộc chúng tôi luôn phải chủ động gồng mình để phô diễn ra những tài năng và vẻ đẹp cá nhân. Chẳng ai muốn bản thân bị đào thải hoặc tụt lùi về sau, cả đám thi nhau vươn ra mà đón nắng, dù có lúc chỉ có thể khẽ chạm được vào tia sáng từ ánh mặt trời, điều đó thôi cũng đủ để sưởi ấm cho những linh hồn của cỏ cây.

Sau những đêm ngày nắng ấm là đến những cơn mưa rào của mùa hạ. Trong số chúng tôi, tụi cây phỉ thúy, lô hội, râm bụt hay xương rồng đều thích cái nắng oi bức trực tiếp từ mặt trời, còn những đứa như trầu bà Nam Mỹ, sung hay sanh thì lại mê tít những cơn mưa thanh khiết được ban tặng bởi người mẹ thiên nhiên.

Cứ hễ khi trời đổ mưa, người quản lý lại hé mở cái ô cửa trần nhỏ ở ngay phía trên đầu tụi cây trầu bà, cho phép những hạt mưa trút xuống và gột rửa đi những bụi bặm trên cành lá, thanh lọc và tiếp thêm “oxy” cho những bộ rễ chằng chịt trong chậu đất của chúng.

Trong buổi chiều tà của mùa hạ, khi được đắm mình dưới những cơn mưa tươi mát, cả lũ cây cỏ cứ đung đưa cơ thể như đang hoan ca những khúc hát của tuổi trẻ, chúng uốn người nhảy múa những điệu vũ của thanh xuân.

Ấy vậy mà tháng ngày cứ trôi qua, từng người bạn thực vật được con người lựa chọn rồi dần phải rời xa ngôi nhà chung để đến với nơi ở mới — những vùng đất xa xôi cùng vô vàn điều lạ lẫm và mới mẻ.

Trong nhóm chúng tôi, có đứa thì lo sợ, đứa thì hào hứng trước những chuyến phiêu lưu của cuộc đời. Có khả năng đó là chuyến đi cuối cùng đến với bến bờ ổn định và bình yên, ngược lại cũng có thể chỉ mới là bước chân đầu tiên trong chuỗi hành trình của sự trải nghiệm — để khám phá thế giới bên ngoài bao la. Dù chuyến đi có được gắn mác tích cực, tiêu cực hay có là gì đi chăng nữa, điều đó vẫn phụ thuộc vào lòng can đảm, sự cảm nhận, dòng suy nghĩ và niềm khao khát riêng biệt trong từng cá thể.

Giống như những bông hoa sặc sỡ và đẹp đẽ nhất đã từng nở rộ, dù chúng có hoàn hảo, ấn tượng hay khiến cho lòng người chìm vào đắm say nhiều nhường nào, rồi cũng sẽ đến lúc chúng phải trở thành thứ “đã từng”. Thanh xuân rồi cũng sẽ qua… nhưng nó không biến mất hoàn toàn mà lại chuyển mình để hóa thành kỉ niệm.

Nhiều mùa cứ vậy mà trôi đi, tôi — cây lan ý vẫn ngồi lì trên cái kệ gỗ được đặt phía bên trong góc nhà kính. Dù ngoài trời có chuyển nắng rồi mưa, hết đêm lại hóa ngày thì vẫn chỉ có mỗi mình tôi mãi là bám trụ với hy vọng của riêng mình.

Đến khi giá rét tràn về thị trấn cùng những bông tuyết đầu tiên của mùa đông bắt đầu tung bay trong gió, cuối cùng tôi cũng được mua lại bởi một người phụ nữ trung niên. Người ấy đem tôi ra khỏi nhà kính rồi trao cho tôi một trải nghiệm mới — điều mà tôi sẽ tiếp tục viết xuống trong chương tiếp theo của cuộc đời mình — hai mảnh ghép cô đơn.

Bạn đang đọc truyện Những Mảnh Ghép Sau Lớp Kính Trắng của tác giả Meo Mocica. Tiếp theo là Chương 3: Hai mảnh ghép cô đơn