Đúng như đã hứa, sau khi chuẩn bị xong mâm cúng sang canh, khấn vái thành tâm, cẩn thận và trong lúc đợi hương cháy hết, anh Đăng dẫn ba đứa em lên đầu xóm. Ngân vốn biết đường khó đi lắm, nhưng không ngờ nó lại nguy hiểm như vậy. Trời khuya khoắt không trăng sao, không ánh sáng, chỉ có tiếng ếch nhái trong những bụi cây. Anh Đăng bật đèn pin ở điện thoại đi phía trước, một tay túm lấy cổ áo Diễn đề phòng cậu ấy bước hụt xuống mương. Cậu ấy còn hào hứng hỏi:
"Anh ơi chó có dữ không anh?"
"Dữ cái gì mà dữ! Chó ở cái xóm này chỉ như Snoopy thôi! Mày nhìn đường đi, lộn xuống mương anh kệ mày đấy!"
Hai người họ cứ anh một câu, em một câu suốt đoạn đường. Còn Ngân? Hài hòa và bình lặng lắm. Giống như anh Đăng, sợ Ngân không quen đường mà ngã, chị để Ngân đi phía trong, nắm tay Ngân kéo đi. Ngân cảm nhận rõ từng khớp xương và hơi ấm từ tay chị, tâm trạng cũng vì thế mà lâng lâng.
Ngoài đường lớn, lũ trẻ con đã tụ tập đông lắm, la ó chạy qua chạy lại. Tiếng pháo hoa nổ đùng đùng xa xa nhưng không hề nhìn thấy hình. Anh Đăng mua một cây mía, trên đầu ngọn còn thắt nơ đỏ, túi quần thì rủng rỉnh túi muối. Anh vác cây mía lên vừa hí hửng nói:
"Đợi qua Tết anh róc ra cho mỗi đứa một khúc lấy thơm thảo đầu năm cho ngọt ngào!"
Anh vừa dứt lời, phía chân trời rực sáng lên, kèm theo đó là tiếng nổ đùng đình. Tiếng nhạc xuân chào năm mới nhà ai sôi nổi và rộn ràng xen lẫn tiếng chúc mừng nhau của hàng xóm. Cả bốn người cùng hướng mắt về phía những "đóa hoa" đang tỏa ra và rơi xuống, mờ dần vào bóng đêm. Ngân nghiêng đầu nhìn Hi. Ngân vẫn biết chị xinh, nhưng mỗi lần nhìn lại Ngân vẫn thấy nét đẹp ấy chưa từng lặp lại, một lần lại một lần đều có thể làm người đối diện si mê. Chị có một đôi mắt buồn nên cho dù chị có đang vui vẻ hay cười tươi thì vẫn có vẻ rất "gượng" nhưng nó lại làm hoàn chỉnh vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng và cổ điển của chị. Lúc này ánh nhìn chị thật xa xăm, phía sau đôi mắt nao lòng ấy hình như đè nặng nhiều tâm sự lắm.
Chị cảm nhận được Ngân đang quan sát mình, ngoảnh đầu híp mắt cười với Ngân:
"Chúc mừng năm mới!"
Trái tim Ngân đã lâu lắm rồi chưa đập mạnh mẽ như vậy, vang dội trong lồng ngực. Ngân muốn ôm chị ngay lúc này, nhớ mùi của chị, muốn được vùi vào tóc chị và chìm trong hương thơm đó. Ngân không rõ là mình đang làm gì nữa, cơ thể dường như không phải của Ngân, như có một thế lực nào đó điều khiển và thao túng, Ngân chầm chậm đưa hai tay lên.
"Thôi về dọn mâm vào rồi còn nghỉ ngơi đi mấy đứa!"
Tiếng anh Đăng như một gáo nước lạnh dội thẳng vào Ngân khiến cô như bừng tỉnh. Tim không còn đập nhanh nữa mà bóp thắt lại như một người vừa thoát chết trong gang tấc. Ngân đứng như trời trồng, thẫn thờ thẫn thờ mãi đến khi chị lắc lắc tay Ngân lo lắng hỏi:
"Sao vậy? Về nhà thôi em?"
Ngân mới hoàn hồn, tằng hắng gật gật đầu.
Diễn cuối cùng cũng chịu về nhà. Trước khi cậu ấy về còn được anh Đăng và chị Hi mỗi người mừng tuổi một đồng và đương nhiên Ngân cũng có phần. Lúc tiễn Diễn ra khỏi cổng, cô giở thói côn đồ, hất cằm dè bỉu cậu ấy:
"To đầu rồi còn nhận lì xì của anh chị!"
Diễn cũng không vừa, bốp chát lại luôn:
"Kệ tao! Mày cũng trả lại đi!"
Ngân không cãi nhau với cậu ấy nữa, cô ngáp dài mấy cái rồi, dặn dò cậu ấy đi đường cẩn thận sau đó vào nhà.
Bây giờ là một rưỡi sáng, anh Đăng vừa đặt lưng xuống đã ngáy ngủ được ngay. Ngân nghiêng người dịch về phía chị, trong chăn rất ấm, bên cạnh lại có mùi của chị khiến Ngân bỗng nảy ra một ước mơ là được nằm thế này suốt đời. Chị ngủ rồi, yên tĩnh và dịu dàng. Còn Ngân lại chẳng ngủ được dù hôm nay có tiêu tốn nhiều năng lượng. Điện thoại sạc pin ở chân giường không động đến được, Ngân cứ trằn trọc mãi. Hết nghịch tóc mình quay sang nghịch tóc chị, nghịch sang đến tay chị. Trong bóng tối không thể nhìn rõ, cô chỉ có thể dựa vào xúc cảm. Đến khi không còn gì để nghịch nữa Ngân lại càng nằm sát chị hơn không chừa kẽ hở nào. Nhớ đến bộ dạng đuôi chó của Diễn hôm nay, lòng hậm hực của Ngân lại cao lên, xoay người ôm lấy Hi. Giá như bà đây có thể cho cậu thấy hình ảnh này, cho cậu ghen tị đến chết, cậu làm sao mà cạnh tranh được với tôi. Nhưng mà... cạnh tranh cái gì?
Dòng suy nghĩ vừa chạy đến đây, chị trở người về phía Ngân, cánh tay cũng vô thức mà đặt trên eo Ngân, biến thành tư thế hai người ôm nhau chứ không còn mình cô nữa. Mùi hương của chị lại càng quẩn quanh rõ ràng hơn. Ngân tham lam ghé đầu lại gần hõm cổ chị, chỉ một chút nữa là chạm môi vào rồi. Nhịp hô hấp của chị đều đều ổn định, đôi mắt Ngân dần díu lại và chìm hẳn vào mộng đẹp.
Hôm sau là mùng một, không cần dậy sớm, Ngân biết vậy nên vẫn cứ nằm thỏa thuê. Giấc ngủ rất sâu và không bị tỉnh dậy giữa đêm. Ai cũng đều không muốn rời giường, đóng kín cửa trùm chăn. Ngân có tỉnh lại một lần, có lẽ là khi mặt trời lấp ló. Cô cựa quậy người lại nghe giọng nói khàn khàn lười biếng của chị:
"Không cần dậy sớm đâu..."
Ngân rất thích hơi ấm trong chăn, lại càng thích cơ thể mềm mại của người năm cạnh, dứt khoát đem chị kéo vào ngực ôm chặt, quấn lấy chị như một con gấu Koala.
Lần thứ hai tỉnh lại là anh Đăng đánh thức. Anh mở toang hết các cửa khiến nắng xuân chói mắt tràn ngập cả gian nhà. Anh đến bên giường, cầm một góc chăn giũ lên giũ xuống vừa ca:
"Trời đã sáng rồi, trời đã sáng rồi! Dậy đi thôi, dậy đi thôi!"
Ngân nhíu mi vì chưa kịp thích nghi với ánh sáng, vươn hai tay căng duỗi cơ thể. Nhớ ra bên cạnh còn có một người, mà đêm qua chính mình còn ôm người ta ngủ say như vậy, Ngân bật dậy. Không ổn rồi. Không lí nào mụ mị như vậy được.
Hi cũng dụi dụi mắt ngồi dậy, che miệng ngáp dài rồi vươn tay vuốt vuốt tóc rối cho Ngân vừa mỉm cười:
"Dậy lễ chùa thôi!"
Còn gì ấm lòng và hạnh phúc hơn khi được chào buổi sớm bằng một nụ cười như gió xuân? Ngân lại rộn ràng, chân tay cứng ngắc xuống giường đi vào nhà vệ sinh.
Ngôi chùa nằm trang nghiêm, cổ kính ở cuối làng, mái chùa cong cong một đường nét tinh tế giữa nền trời xanh ngắt, đối diện là cánh đồng rộng lớn và bao quanh bởi hàng cây cổ thụ. Ngôi chùa không lớn lắm, chỉ có đúng hai gian và dường như đã chứng kiến bao đổi thay của miền quê hướng xứ sở. Mọi cảnh vật trong chùa đều đơn sơ, giản dị như một nỗi niềm cổ tích thuở xưa. Từng hồi chuông từ ngọn núi già sau chùa vẫn cứ vang dài từng hồi khiến bầu không khí thêm uy nghi, thành kính. Người đi lễ chùa chủ yếu là người trong làng, không quá đông đúc nhưng vẫn rộn ràng sắc xuân. Trong chùa nghi ngút khói hương, từng người từng người lần lượt quỳ lạy cầu khấn cho một năm bình an và suôn sẻ.
Ngân và anh Đăng đã lễ xong, đứng bên hồ cá trê nhỏ mà đợi Hi. Thông thường nếu tín chủ muốn gặp sư thầy để trò chuyện đều xuống gian dưới. Hi đã vào đó mười lăm phút và trở ra, trên tay là hai đồ vật quen thuộc. Hi đưa cho anh Đăng một lá bùa bình an nho nhỏ, dặn anh để vào ví, lại xỏ vào cổ tay Ngân chuỗi vòng tay mười tám hạt tràng còn thơm mùi gỗ. Chị nói:
"Thầy đã niệm rồi, hi vọng em sẽ được bình an!"
Nếu cái lắc tay mà Ngân tặng chị khi sinh nhật chị chưa từng cởi ra, thì chuỗi vòng hạt này rất lâu về sau đó cũng chưa từng rời xa Ngân.
Từ chùa đi thêm năm mươi mét là hội xuân. Cũng như bao hội xuân khác, rất nhiều trò chơi diễn ra, đồ ăn thì vô cùng phong phú. Chơi vài trò, thưởng thức vài món ăn vặt rồi ba người cùng trở về nhà. Kì nghỉ Tết nguyên đán cứ vậy mà trôi qua.
.................................................................................................
Chiều ngày mùng năm, ba người đã lên xe về lại thủ đô, tiếp tục lăn lộn với cuộc sống, tiếp tục với chuỗi ngày mong ngóng kì sum họp năm sau.
Sáng mồng sáu, Ngân không có tiết buổi sáng nhưng cô không tài nào ngủ nướng được. Trời vừa tờ mờ sáng, Ngân đã mở trừng trừng mắt nằm thẳng đơ nhìn lên trần nhà. Ngủ không ngon. Thật sự là vậy. Chỉ có một tuần ở quê thôi mà khi trở về cái giường quen thuộc, Ngân lại lạ lẫm trằn trọc. Chăn gối thiếu thiếu gì đó như là hơi ấm và mùi của chị. Cô không tự chủ lần chuỗi vòng hạt trong tay.
Đâu đó khoảng chục phút, Ngân với tay lấy điện thoại, nhắn cho chị một tin:
"Chị dậy chưa?"
Nhắn xong cô mới cảm thấy mình ngớ ngẩn. Đồng hồ trên điện thoại vừa điểm sáu giờ sáng, vừa lúc Ngân buông điện thoại xuống thì chị đã trả lời:
"Dậy rồi, sáng nay em có tiết không?"
"Không, chiều em mới có." Ngân đáp lại.
"Ừ, chị có cả sáng cả chiều, làm thêm đến chín rưỡi mới về nữa. Em có muốn ăn sáng với chị không? Cháo sườn bà Sửu?"
"Được ạ!" Ngân trở người vừa chầu chực điện thoại rồi nhắn lại ngay tức khắc mà không biết khóe miệng đã cong đến độ hoàn hảo thế nào.
Ngân mặc một bộ quần áo thể thao đơn giản, khoác balo lên vai, dự định ăn sáng xong sẽ cùng chị đến trường rồi ra sân bóng. Tết ăn ngon quá, nên vận động để vơi bớt sự nặng nề. Quán cháo bà Sửu cách khu nhà Ngân khoảng mười phút đi xe. Quán đã có được gần hai mươi năm rồi, rất nổi tiếng với mọi người trong thành phố. Lúc Ngân vào, quán đã đông khách ngồi kín hết bàn, cô dễ dàng nhận ra dáng hình nhỏ bé của chị ở góc quán. Chị đang cúi đầu xem điện thoại, không để ý Ngân đã ngồi đối diện từ khi nào. Mãi đến khi Ngân lên tiếng chị mới ngẩng lên:
"Chị gọi gì chưa?"
"Gọi rồi, có lẽ phải đợi một lúc, đông khách quá mà!"
Chị để ý balo của Ngân, hỏi:
"Đi chơi bóng hả?"
Ngân vừa lấy thìa lau một lượt, tiện lau luôn cả bàn vừa đáp lời:
"Vâng, không thể ngủ quên trên chiến thắng được."
Hi cũng bỏ điện thoại sang một bên để nói chuyện với Ngân:
"Chị nghe anh Đăng bảo anh ấy sắp rời đội?"
"Dạ. Năm nay anh ấy tốt nghiệp rồi nên "nhường ngôi"! Tuần sau anh ấy tổ chức buổi sinh hoạt rồi bình bầu luôn!"
Cứ như vậy, hai bát cháo nóng hổi được bưng lên, kèm theo đó là quẩy. Hai người chị một câu em một câu mà giải quyết xong bữa sáng rồi cùng đến trường.
Vừa mới ra Tết, lại là buổi sáng nên chỉ có duy mình Ngân đơn độc ở sân ngoài trời. Mỗi lúc chơi bóng một mình Ngân lại bắt đầu suy nghĩ lung tung. Gần đây thì là vậy, còn trước đó đây là điều chưa từng xảy ra. Không nghĩ thì sẽ là nhớ lại quá khứ, chắc chắn là vậy. Phải biết là ngay lúc này Ngân bắt đầu nghĩ vẩn vơ về chị. Ngân suy xét đến khả năng có phải mình thích chị nhưng rất khó để khẳng. Bởi vì khi Ngân thích Trang, cảm xúc và phản ứng của Ngân khác hẳn khi đối với Hi. Nếu với Trang, Ngân ngại ngùng, rụt rè thì trước mặt Hi, Ngân lại tự tin và vững tâm đến thế. Nhưng Ngân lại tham lam muốn gần gũi chị, hồi hộp khi có những hành động thân mật với chị. Ngân rối rắm không thể tự giải đáp cho mình. Ấy vậy mà cũng rất nhanh đến giờ tan học. Ngân nhắn tin hỏi chị đã tan chưa rồi dọn đồ ra khỏi sân.
Từng tốp từng tốp học sinh lướt qua Ngân, kèm theo đó là những câu chuyện không đầu không cuối:
"Bạn tao học chung lớp với con bé Nga đấy bảo nó tính tiểu thư từ bé, luôn coi mình là nhất rồi ra oai gây sự với người nó không vừa mắt!"
"Cái tính xấu của nó có ai ở Đại học N là không hay đâu! Hai mấy tuổi đầu mà nổi loạn như mới lớn! Nhưng mà chị kia cũng hiền, gặp đứa ngang cơ là nó đánh yêu cho vài cái rồi!"
"Cần gì đanh đá khi chị ấy đã có bạn bảo kê rồi! Mày thấy bạn chị ấy không? Không cản lại là giật tóc nhau to ấy chứ!"
Ngân vốn dĩ sẽ chẳng để ý gì cho đến lúc tìm thấy chị ở khuôn viên khu A. Chị đi cùng anh Đăng và chị Vân. Bóng dáng chị vẫn hao gầy khắc khoải và lặng lẽ như vậy. Còn anh Đăng và chị Vân lại không ngừng mắng chửi:
"Em gái tớ, tớ còn chưa dám quát lấy một câu, vậy mà nó dám chửi xơi xơi em ấy như vậy! Chẳng lẽ vả cho một cái thì lại mang tiếng vũ phu!"
"Tại em gái cậu cản tớ lại ấy! Không có Hi là bố mẹ nó cũng không nhận ra nó luôn!"
Ba người cùng nhìn thấy Ngân, đứng khựng lại. Ngân chủ động tiến đến chỗ chị, chị cười, nụ cười của chị lúc nào cũng dịu dàng như vậy. Ngân đột nhiên không thích nụ cười nhu nhược này một chút nào. Bị bắt nạt mà chị vẫn cười được?
"Lần trước chị trẹo chân cũng là do Nga à?" Ngân có hơi nín nhịn cục tức mà hỏi.
Chị cũng biết Ngân đang kìm nén, chị thu lại nụ cười trả lời:
"Phải gọi là chị Nga chứ? Chị ấy hơn em một tuổi mà!"
"Chị đừng đánh trống lảng chứ!" Ngân thiếu điều muốn giậm chân thùm thụp ngay tại đây.
Vân nãy giờ đứng bên lúc này cũng lên tiếng đầy bất mãn, vén ống tay áo sơ mi rộng thùng thình của chị lên đến bắp tay, chỉ vào đó ngẩng đầu nói với Ngân:
"Nhìn đi! Chị Hi của em bị nó đẩy nè! Lần nào cũng nhịn nó rồi nó tưởng nó to!"
Hi chột dạ nhìn Ngân, rút cánh tay ra rồi kéo tay áo xuống vừa nói:
"Cùng lắm thì em ấy chỉ bị cảnh cáo, nếu mình đánh lại không chừng lại bị đình chỉ học sẽ thiệt hơn rất nhiều!"
"Đình chỉ cũng là tao bị! Tao đánh tao chịu chứ tao điên con bé này lắm rồi!"
Cứ nhắc đến là Vân lại sôi máu. Nên nói là Hi quá hiền hay quá dễ bắt nạt đây? Nhưng Vân thật sự không thích cái tình này của cậu ấy một chút nào.
Ngân tiến thêm một bước, nắm lấy cánh tay gầy của chị, xoa bóp lên chỗ tím bầm vừa rồi:
"Nó vẫn bắt nạt chị vì lí do đấy à?"
Nga thích anh Đăng, nhưng anh ấy lại chẳng thèm để Nga vào mắt, lúc nào cũng đi cùng Hi nên Nga tự suy ra là Hi ngăn cản anh thích Nga. Với cái thói khinh người của Nga, Nga lại càng không thích những người hiền lành đầy mùi sách vở như Hi, sinh ra ganh ghét. Bắt đầu từ năm ngoái cô ta đã gây sự với chị, từ mắng chửi, kháy khịa bằng tin nhắn đến nói thẳng mặt, đôi lúc còn động tay động chân nhưng vết thương gây ra không đáng kể. Nặng nhất có lẽ là lần trẹo chân đó.
Hi không buồn sửa chữa cách xưng hô của em nữa, vui thì có vui bởi vì em có vẻ quan tâm cô, nhưng lo sợ lại chiếm nhiều hơn. Ngân dường như đọc được suy nghĩ của chị, nén cảm xúc mà dịu giọng, đưa tay vuốt tóc chị:
"Em năm nay đã hai mươi rồi, suy nghĩ cũng lớn hơn rồi, em sẽ không bồng bột đâu!"
Nghe được câu nói chắc nịch này, Hi rốt cuộc lại khôi phục nụ cười trên môi.
Năm đó, một bạn nữ trong lớp em bị bắt nạt mà không dám phản kháng, cũng không dám báo cho giáo viên và phụ huynh. Tình cờ Ngân bắt gặp cảnh bạn ấy đang bị trấn lột tiền bởi ba nữ sinh khác. Bất bình trước cái xấu và hết lòng vì chính nghĩa, Ngân đã một mình đánh nhau với ba nữ sinh đó. Chiều cao và thể lực vượt trội, Ngân dần cho ba đứa đó một trận ra bã nhưng chính em cũng bị tím bầm một bên má và nhiều vết xước do móng tay cào. Khi đó đang là buổi trưa, và vụ đánh nhau lại xảy ra ngay trong chợ - nơi nghỉ trưa của Hi. Vốn dĩ buổi chiều được nghỉ nhưng Hi chưa về vì nhà khá xa và sau cơn mưa thì đường trơn lắm. Cũng may là Hi chưa về.
Nghe tiếng gào thét, Hi đi ra thì cũng là lúc ba nữ sinh đó chạy mất. Bộ dạng lúc đó của Ngân, Hi còn nhớ rõ rệt. Mái tóc luôn buộc đuôi ngựa sau đầu đã xõa tung lộn xộn. Bộ đồng phục sạch sẽ đã lấm lem đất cát, lại còn bị rách một bên đầu gối, bên má trái tím bầm và cánh tay thì đầy vết cào. Hi vội dẫn em ra vòi nước, lom khom hứng nước rửa tạm vết xước và vết bẩn trên người em, phủi sạch quần áo cho em. Ngân nghiêng đầu cười hì hì:
"Hôm nay em lại bị nêu tên trước cờ, em không dám về nhà!"
Nắng tháng ba không quá gay gắt, Hi quyết định dẫn em về nhà mình. Hi đã từng rất tự ti về ngôi nhà của mình bởi sự nghèo nàn và cũ nát của nó, nhưng sau đó thì Hi lại dành một tình yêu đặc biệt cho ngôi nhà này.
Bà ngoại đã luộc trứng chườm vết bầm cho em, còn vặt cả vú sữa cho em nữa. Hi giúp em chườm, vừa nhìn nét trẻ con của em với hai má phồng lên đang vui vẻ ăn quả, yêu thích không rời mắt. Cô mới hỏi em:
"Sao lại bộp chộp thế? Đau không?"
Em cười hồn nhiên:
"Đau chứ! Nhưng mà "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha"! Bọn nó ở trường khác, có nịnh cũng không dám đi khoe là em đánh!"
Nếu chỉ như vậy thì Hi chẳng đến nỗi lo sợ mãi về sau. Đó là một lần Ngân đánh nhau. Còn một lần nữa Ngân cũng vì tình huống như vậy mà ẩu đả. Lần này là xảy ra ngay trong trường, đánh nhau với con trai, lại khiến con người ta khâu bốn mũi, cuối cùng em phải lên phòng hiệu phó viết bản tường trình, đình chỉ học ba ngày, hạ hạnh kiểm và phạt lau hành lang một tháng, nghe đâu còn bị mẹ cho ăn đòn rồi cấm túc nữa.
Dù vậy thì cũng đã qua mấy năm, thời gian thay đổi thì con người cũng có khả năng bị cuốn theo. Sự thật thì Hi không còn thấy nét bướng bỉnh, bồng bột nơi Ngân nữa. Ai rồi cũng sẽ lớn thôi.