Chương 7: Người Phía Sau

Chương 7. (Chưa có tiêu đề)

3,661 chữ
14.3 phút
128 đọc
2 thích

Về đến nhà, anh Đăng đã lau dọn xong bàn thờ, nhiễu điều phủ trên di ảnh của ông bà và mẹ cũng đã được vén lên. Ngân được nhìn ngắm mẹ chị cũng là qua di ảnh này. Chị rất giống mẹ, nét đẹp cổ điển dịu dàng đã được di truyền lại cho chị. Còn anh Đăng lại chỉ giống mẹ và em gái khuôn miệng, hẳn là sinh đôi khác trứng.

Anh Đăng đem bó cành đào tỉa tót một hồi rồi mới đổ nước cắm vào lọ, treo dây liễn đỏ và đèn nháy, đặt lên cái đôn anh bới từ kho về, không quên cắm vào lọ hoa trên bàn thờ mấy cành. Nhà nhỏ lại cũ, không cần dọn dẹp gì nhiều, trời vừa sẩm tối là đã xong hết những việc cơ bản. Anh Đăng mới thay bóng đèn dây tóc trong nhà bằng đèn tuýp huỳnh quang, mắc thêm một cái bóng ngoài sân trông sáng rõ hẳn. Ba người ngồi chụm đầu quanh cái bếp đốt bằng rơm rạ. Gọi nó là bếp đốt bằng rơm rạ nhưng thật ra là nhóm bằng củi. Hi xếp củi, đốt mồi lửa rồi thổi thổi, một tay không rảnh rang mà cầm cái mo quạt quạt. Khói mù mịt khiến Ngân và Đăng cay mắt, ho sù sụ nhưng Hi lại bình thản. Lửa nhen dần rồi cháy to, hai anh em mới lạ với "cuộc sống của những thập niên cuối của thế kỉ hai mươi" ồ lên cười khanh khách như trẻ con. Hi bê nồi gang đặt lên lên bếp, quay sang hỏi anh trai:

"Anh có trông được không đấy? Khê là mất ăn nha!"

Đăng vỗ ngực tự tin:

"Cái này còn không làm được thì mai sau thành công thế nào? Em yên tâm!"

Để anh Đăng ngồi đó, Ngân và Hi đi nhặt rau, thái thịt. Các món chính đều do chị nấu, Ngân chỉ ở bên phụ giúp nguyên liệu. Bảy giờ tối, anh Đăng bê mâm cơm từ dưới bếp lên, theo sau đó là nồi cơm suýt khê của anh ấy, ba người trải chiếu quây quần. Hai mặn một canh, đều là những món dân dã, canh ngao mồng tơi, cá chép chiên giòn và một đĩa thịt rang cháy cạnh. Phần lớn suốt bữa ăn đều là Ngân nói chuyện cùng anh Đăng, còn chị chỉ yên tĩnh chậm rãi ăn cơm. Anh Đăng mới bảo:

"Để mai anh đi sắm cái bếp ga du lịch, nấu nướng đỡ vất vả, để đây cũng không hỏng hóc gì!"

Ăn cơm xong, Ngân dọn dẹp bát đũa bê ra sân cho chị rửa. Góc sân trũng xuống một ô vuông đủ hai người ngồi, có thêm một cái ống dẫn nước có van, vậy là thành chỗ rửa bát. Ngân vừa giúp chị tráng xong cái bát cuối cùng, anh Đăng đã đon đả chạy ra:

"Em mới sửa lại nhà tắm đấy à?"

"Vâng, Tết năm ngoái đi làm cũng có chút tiền, em sơn lại rồi đổi bóng đèn cho gọn gàng" Chị gật đầu.

Tuy bằng tuổi nhưng đôi lúc Ngân thấy anh trẻ con hơn chị Hi rất nhiều, giả dụ như bây giờ, anh giơ cao tay õng ẹo:

"Anh nấu nước nóng rồi, ai tắm trước nào?"

Cuối cùng anh ôm quần áo tắm trước, bởi vì chỉ có mình anh xung phong.

Trong nhà chẳng có tivi, có mạng lại càng không. Cũng may điện thoại Ngân có đăng kí mạng trong lúc chờ mình là người tắm cuối còn có cái chơi.

Phòng tắm rất đơn giản, chỉ có vòi nước, một cái chậu và một cái gáo nhưng rất sạch sẽ và gọn gàng. Chị Hi mới tắm xong, bên trong còn bốc lên hơi nước ẩm và ấm. Chị xách một cái siêu, để trước cửa phòng tắm, mái tóc mới gội vẫn còn ướt thơm ngát:

"Nước nóng chị để đây nha! Lát nữa tắm xong đem siêu xuống phòng bếp để nhé!"

Xong xuôi mọi thứ, ba người bê ghế đẩu ngồi ngoài hiên. Trời buổi tối trong vắt không bóng sao, tiếng ếch nhái vẫn râm ran vang lên từ những bụi cây và tiếng chó sủa xa xa vọng lại trong cái xóm hiu hắt vắng vẻ. Những âm thanh này là đặc trưng của vùng quê mà khi trở lại thành phố, đôi khi chúng ta lại thèm thuồng được lắng nghe.

"Tết năm nay em vui lắm!" Một người ít nói và lặng lẽ như chị Hi bất chợt mở lời khiến Ngân và anh Đăng bất ngờ lắm.

Anh Đăng mới bật cười:

"Sao lại vui? Anh thấy Tết năm nào cũng vậy!"

Chị mới xòe ngón tay ra đếm:

"Từ sau khi bà mất, em chỉ đón Tết một mình. Năm nay em còn có anh, có Ngân. Tết không phải dịp chúng ta sum vầy sau cả một năm dài miệt mài, vật lộn với cuộc sống à? Đối với em, Tết chỉ vui, Tết là Tết khi cùng được đón với gia đình và những người thân thương."

Câu nói của Hi không khỏi khiến Ngân và Đăng phải sững lại nghĩ ngợi. Ngày còn bé chúng ta luôn ước mình mau lớn để dang rộng đôi cánh ra thế giới, ước được rời vòng tay của bố mẹ chu du xa xôi. Xa nhà rồi mới thấy nhớ, thấy tiếc, muốn về cũng phải đắn đo, tính toán. Ngày còn bé hễ cứ bị bắt nạt, hoặc là mách bố mẹ, hoặc là tự mình đánh lại không màng hậu quả. Lớn lên mới biết cuộc sống chưa bao giờ là công bằng và dễ dàng, con người lại càng tỏ ra mạnh mẽ và kiên cường. Và khi mọi thứ rơi vào bế tắc đến cùng cực, người ta vẫn nói một cách bông đùa với nhau:

"Thôi về quê đi!"

Bởi vì ai ai cũng biết, nhà là nơi bình yên và an toàn cuối cùng mà chúng ta được phép về. Cứ để ý mà xem, đời có xoay vòng thế nào, ngoài kia có bão tố thế nào, nhà vẫn luôn chờ ta, nhà vẫn luôn là nhà. Chẳng phải tự nhiên mà người ta truyền tai nhau câu nói:

"Cơm mẹ nấu bữa ăn, bữa bỏ

Bước ra đời bữa đói bữa no."

Một buổi tối nhưng không biết sao ba người lại có rất nhiều chuyện để nói với nhau. Hi kể hồi bé cô từng không thích học, cô nghĩ học vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. Cô mới hỏi mẹ bò giờ bao nhiêu một con, cô muốn đi chăn bò, nói xong liền bị bắt ra đứng cạnh chuồng gà hai tiếng. Mấy hôm sau cô lại ước mơ được đi chăn vịt, rồi cũng bị phạt y như vậy. Anh Đăng lại kể chuyện ngày anh còn học cấp ba, anh thích một cô bạn cùng lớp mà không dám nói. Sau này anh mới biết cô bạn đó cũng đã từng thích anh, nhưng hiện tại thì cô ấy là hoa đã có chủ. Còn Ngân, Ngân kể về những lần nghịch dại cùng Diễn và bị mẹ cho roi vọt thế nào. Những câu chuyện chẳng có gì to tát, dường như chỉ như là một dấu chấm nhỏ xíu trong cuộc đời mỗi người. Nhưng những đó lại là những dấu chấm hoàn thiện cho sự trưởng thành qua năm tháng.

Mười giờ tối, ba người bắt đầu đi ngủ. Mấy năm trước anh Đăng đã mua một cái nệm mới để ngày dỗ anh về rồi ngủ lại luôn. Tối nay cũng vậy, anh lót chiếu xuống dưới, trải nệm nằm cách giường một bước chân. Từ lúc rửa bát, Hi cứ vừa bối rối, vừa ngượng ngùng, vừa vui vẻ đan xen trong lòng, bởi vì trong mấy ngày tới cô đều sẽ được ngủ chung giường với Ngân.

Dạo gần đây Hi phát hiện Ngân không còn lạnh nhạt, khó chịu với mình như trước. Vui thì vẫn vui, nhưng suy nghĩ thì nhiều hơn. Có thể là em đã nhận ra người chị khóa trên ngày cấp ba em đã từng giúp đỡ, không còn xa lạ với sự quan tâm của Hi. Hoặc tích cực hơn là em dần chấp nhận Hi và Hi như thấy cơ hội mở ra cho mình.

Trước kia Hi có đọc được một câu nói: "Việc bạn thích một người nào đó, người ta hoàn toàn có thể cảm nhận được. Thế cho nên, việc ai đó đột nhiên lạnh lùng với bạn, chỉ đơn giản là vì người ta không muốn mối quan hệ giữa cả hai trở nên xa hơn". Đó là câu nói tâm đắc trong thời gian dài của Hi, bởi vì nó đúng. Lùi lại hay từ bỏ sẽ là cách mà nhiều người lựa chọn. Nhưng đó không phải Hi. Hi từ trước tới nay vẫn đi phía sau em nên chẳng cần phải lùi lại. Em có thể sẽ có nhiều người khác, còn Hi chỉ có cảm giác với mình em, vậy nên Hi cũng chẳng từ bỏ. Cô chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu không có mình ở phía sau nữa, ai sẽ là người bảo vệ và che chắn cho em nếu em ngã? Dù hiện thực là xung quanh em không chỉ có mình cô.

Không có đèn ngủ, tiếng ếch nhái bên ngoài thì vẫn cứ rộn lên. Ngân và Hi đắp chung một cái chăn, nhưng mỗi người một suy nghĩ. Anh Đăng vừa đặt lưng xuống đã ngủ từ lâu, chỉ có hai người mở trừng trừng con mắt. Hi chợt nhớ ra gì đó, ngoảnh đầu hỏi em:

"Em nằm thoải mái chứ?"

Trong bóng tối, tiếng em nhẹ và khẽ bên tai:

"Em nằm được, gót chân vừa chạm cuối giường."

"Ừ, bà và mẹ chị nhỏ người, ngày xưa hai người nằm rộng rãi lắm! Giờ thì... em có sợ ngã xuống đất không?" Hi dần quen với đêm tối, bắt đầu phác họa được đường nét gương mặt em.

Ngân trả lời lâu hơn bình thường. Cô cứ nghĩ em đã ngủ, nhưng em lại trở người:

"Nếu em nói có... thì chị để em ôm chị nhé?"

Hi cho rằng mình bị lãng tai, hay là ảo tưởng? Cô túm chặt lấy hai đường may bên của quần nỉ, lồng ngực đập vang dội, dồn dập, cổ họng trượt lên trượt xuống đầy căng thẳng. Có lẽ cô mãi không trả lời, em tiếp lời:

"Như vậy thì diện tích nằm sẽ nhỏ hơn, mà có ngã thì chị làm đệm thịt."

Được rồi, Hi nguyện làm đệm thịt cho em cả đời. Trong đầu suy nghĩ táo bạo vậy, lời nói ra khỏi miệng lại rụt rè, lắp bắp:

"Ừ...ừ... nằm gần vào đây..."

Ngân cẩn thận nhích vào trong. Đúng là đôi chân dài này chỉ cần hơi giạng là lộ cả ra ngoài chăn, rất lạnh. Nhưng hơn hết Ngân xác thực là bị thế lực nào đó thôi thúc đến gần chị. Vì chột dạ, ngại ngùng, Ngân chỉ dám vắt một tay qua eo chị. Chị nằm ngửa, còn Ngân nghiêng về phía chị, cách một lớp áo nhưng độ ấm và sự mềm mại dưới vòng tay rất chân thực. Một lúc lại một lúc, Ngân bỗng thấy thích thích. Trước kia Ngân vẫn ngửi được mùi nước giặt quần áo trên người chị, nhưng bây giờ Ngân phát hiện ra chị có mùi thơm cơ thể riêng, mùi thơm thanh thanh và dịu ngọt hệt như tính cách của chị.

"Sau này chị ăn nhiều lên nhé!" Ngân mở miệng.

Bởi vì ngượng ngùng và sung sướng như có hàng trăm con bướm bay trong lòng, Hi nằm cứng ngắc, đáp lại em:

"Gầy quá hả?"

"Vâng, ôm không đằm tay." Câu trả lời này không có từ sự chuẩn bị trước, hoàn toàn là nghĩ gì nói nấy.

..............................................................................

Ngày ba mươi khá bận nên cả nhà đã dậy từ sớm. Chị dẫn Ngân ra chợ quê mua đồ để làm mâm cúng tổ tiên cho lễ tất niên chiều nay và mâm cúng cho đêm giao thừa.

Khu chợ nằm trên một khu đất trống khá rộng, những thứ đồ cơ bản cho ngày Tết đều đầy đủ. Chị mua rau củ để làm món xào, gạo nếp và gấc để nấu xôi, thịt ba chỉ, miến, tôm, đỗ xanh nấu chè, mua thêm cân giò, bánh chưng và hai con gà đã nhờ người ta cắt tiết, làm sạch. Ngân cảm thấy chị rất đảm đang, rất ngầu. Sau này ai cưới được chị có lẽ đã dùng hết may mắn nửa đời còn lại rồi. Chị biết chị phải mua gì, và đặc biệt chị trả giá rất giỏi. Không giống như Ngân, mua đồ nấu ăn chẳng mấy khi cô xem giá.

Ba người làm một mâm cúng đơn giản tốn không mấy thời gian. Chỉ hơn một tiếng là đã bày xong lên bàn thờ, tiền vàng áo mũ cũng đã đủ cả. Ngân quỳ xuống bên cạnh chị Hi, vái lạy, khấn cúng một cách thành kính. Ngân vốn không phải là người sống quá duy tâm, nhưng lúc này, Ngân lại thành tâm thầm cầu cho anh chị một cuộc sống an ổn, hạnh phúc.

Bữa trưa là mâm cơm lộc xin của các cụ, cực kì thịnh soạn. Lúc ăn cơm anh Đăng bảo:

"Tối xem Táo quân xong, khoảng mười một rưỡi đêm cúng giao thừa, anh em mình cứ để mâm cúng đấy cho hương cháy, anh dẫn lên đầu xóm xem người ta đốt chui pháo hoa, rồi mua cây mía cho đầu năm may mắn, ngọt ngào!"

Ở trong xóm nhỏ này khác hẳn với nhà Ngân ở ngoài thị trấn, đi một đoạn là ra đến đường to, chính là đường quốc lộ ấy. Diễn và Ngân hay kéo nhau ra đó, chạy qua chạy lại, rồi đứng giữa đường gào thét nô đùa bởi vì giờ sang canh không có một bóng xe nào. Nhà ai cũng có một mâm cúng giao thừa với ánh nến nho nhỏ, hệt như một con đường đầy đom đóm xếp thẳng hàng. Sau giờ sang canh, các thanh niên bắt đầu ra đường, cầm theo pháo hoa giấy và pháo sáng làm nhộn nhịp tưng bừng cả phố. Vừa nhắc đến Diễn, cậu ấy đã nhắn tin như có tâm linh tương thông với cô:

"Ngân! Đêm nay đem chiếu ra giữa đường trải, tao với mày làm ván tiến liên mở bát đầu năm không?"

"Tao không ăn Tết ở nhà. Bố mẹ tao đi Thái Lan rồi."

"Thế mày đang ở trên thủ đô à?"

"Không, tao ở nhà chị Hi."

Diễn không nhắn lại nữa, thay vào đó là gọi điện trực tiếp luôn. Ngân không vội nghe ngay, nhai nuốt nốt miếng bánh chưng rồi mới thong dong gạt màn hình. Từ bên kia điện thoại, Diễn sốt sắng không thôi:

"Mày đang ở nhà chị Hi? Thật không?"

"Tao không có thói phét lác như mày, tao còn đang ăn cơm nè!"

"Bật loa ngoài lên để tao chào chị ấy!"

Ngân gần như muốn đấm cậu ta một cái, giọng không mấy là hiền dịu:

"Đang ăn cơm, mày để yên cho chị ấy ăn cơm!"

Ngân cúp máy, để sang một bên. Chị mới hỏi cô có phải Diễn không, cô gật đầu. Anh Đăng như phát hiện ra điều kinh thiên động địa gì, đặt bát đũa xuống, làm bộ dáng anh cả, hỏi:

"Diễn? Thằng bé trông vừa cao vừa đô, da ngăm ngăm phải không? Thỉnh thoảng vẫn tặng hoa cho em đúng không?"

Chị thẳng thắn gật đầu:

"Vâng"

Anh hơi nghiêng người về phía Hi ý tứ nói:

"Mấy lần em không có nhà, cậu ấy toàn đưa hoa cho anh nhờ tặng cho em. Thằng bé đang tán em à?"

Hi nhai thức ăn một cách gượng gạo, cánh tay đang đưa đũa ra cũng khựng lại và đôi mắt thì len lén nhìn Ngân. Tuy nhiên chỉ trong giây lát, Hi cân bằng lại, tiếp tục động tác dở dang vừa nói với anh:

"Thân thiết một chút thôi! Anh ăn thịt rang đi, hôm nay đến lượt anh rửa bát đấy!"

Ngân tội nghiệp thằng bạn. Nhìn thái độ vừa rồi, Ngân khẳng định rằng không những chị ấy biết Diễn thích chị, mà chị còn đang cố ý né tránh cậu ấy nữa. Số hoa của cậu ấy coi như là chẳng thấm tháp vào đâu.

Mâm cúng đêm giao thừa không phức tạp bằng mâm cúng tất niên. Xôi, giò, gà, bánh chưng, gạo muối, hoa, trầu cau đều đã được chuẩn bị trước, chỉ chờ đến gần lúc cúng thì bắt đầu nấu chè. Thời gian đến mười một rưỡi đêm vẫn còn rất nhiều, mà mọi người cũng rảnh rang. Chẳng ai xui ai bảo, Diễn tự đem thân đến trước cổng xin được vào chơi cùng, túi quần còn không quên giắt bộ bài tây. Lúc ra mở cổng đón người, không hiểu sao Ngân lại thấy tức cậu ta, hỏi bằng giọng hách dịch:

"Không ở nhà đón giao thừa với gia đình à?"

Diễn vừa dắt xe vào sân vừa gào lên:

"Tao còn đang bị cả nhà đuổi đi cho đỡ vướng chân đây! Với lại tao phải đến gặp người trong mộng chứ!"

Nếu có một cái xô ở đây, có lẽ Ngân đã mửa được đầy cái xô đó.

Bốn người, vừa chuẩn bài. Không biết Diễn và anh chị lấy đâu ra một xấp tiền lẻ, còn Ngân lục đi lục lại cũng chỉ có chưa đầy năm chục. Thấy vậy, chị mới bảo Ngân:

"Vậy là được rồi, lát nữa mà có thua hết thì tính cho chị!"

Anh Đăng vừa chia bài vừa cười:

"Lát mà thấy anh khóc thì trả lại tiền cho anh nha!"

Cuối cùng anh khóc thật, từ một xấp tiền lẻ, giờ trong tay anh còn đúng đồng năm nghìn. Ngân vui vẻ quay sang bảo chị:

"Chị đừng trả lại anh ấy!"

Sở dĩ như vậy vì phần lớn đều là chị thắng. Diễn từ đầu đến cuối đều cố ý đánh vớ vẩn, Ngân chơi mấy cái này không giỏi lắm, chị lại trên cơ anh Đăng, thành ra bao nhiêu đều về tay chị, xếp thành một chồng. Ngó đồng hồ cũng đến giờ ăn cơm, chị mới đưa hết tiền cho Ngân:

"Ngân cầm lấy, mùng một Tết đi hội phi bóng."

Rồi chị lại quay ra chỗ Diễn:

"Diễn có vội về không? Ở lại ăn cơm với anh chị?"

Cậu ấy đương nhiên hớn hở mà cun cút theo chị vào bếp chuẩn bị mâm cơm. Ngân và anh Đăng trơ mắt ra nhìn đến khi hai người họ vào hẳn trong bếp. Anh Đăng vừa xếp lại bài bỏ vào hộp vừa lắc đầu:

"Non!"

Ngân mới bật cười:

"Làm như anh kinh nghiệm lắm vậy!"

"Sao lại không? Anh đây đã qua mấy cuộc tình khắc cốt ghi tâm rồi đấy!"

"Anh mới có hai mươi hai, với lại chị Hi bảo đến mối tình đầu anh còn chưa có."

Anh nghe đến đây tự biết mình bị chê cười, lặng lẽ đứng dậy buồn bã đi ra sân.

Cơm nước xong xuôi, Diễn vẫn chưa có ý định ra về, lại còn hào hứng mở balo của cậu ấy lấy laptop ra:

"Tết là không thể thiếu Táo quân được! Quây quần vào đây cùng xem mới ấm áp!"

Ấy vậy và anh chị đều hùa theo, ngồi xếp bằng dưới chiếu, Diễn còn tranh ngồi cạnh chị Hi, khiến Ngân phải ngậm ngùi ngồi kế anh Đăng. Từ sau cái ngày mà cậu ấy nói muốn theo đuổi chị Hi, Ngân liền như đứng giữa sợi chỉ. Một đầu muốn giúp đỡ làm quân sư cho cậu ấy, một đầu lại không hề muốn cậu ấy tán tỉnh chị. Ngân là đang ích kỉ, sợ chị đáp lại cậu ấy rồi không quan tâm Ngân nữa? Câu hỏi này đã lặp lại lần thứ bao nhiêu Ngân cũng không rõ, chỉ biết trong lòng Ngân đã tự có câu trả lời của mình, và tất cả các lần trả lời đều giống nhau. Ngân đúng là sợ như vậy.

Mười một rưỡi đêm, anh Đăng bê cái đôn để ra giữa sân, đặt mâm lên. Một con gà đặt giữa mâm, thêm một đĩa gạo to và mấy quả trứng gà, một đĩa muối, hoa và trầu cau, bánh chưng, giò, nước ngọt đều đã đủ, chỉ chờ có chè đỗ xanh. Diễn xăm xắn chạy qua chạy lại phụ giúp "người anh rể" mà trong miệng cậu ta luôn mặc đinh, thấy vậy Ngân cũng muốn làm gì có ích cho đời, liền đi vào bếp đi vào bếp. Chị đang ngồi bên bếp củi, tay đều đều quậy chè trong nồi gang. Nhìn thấy Ngân, chị mỉm cười hỏi:

"Có buồn ngủ không em?"

Ngân kéo ghế đẩu ngồi xuống cạnh chị:

"Không là gì, có những ngày em còn thức đến hai, ba giờ sáng chạy deadline mà!"

"Ừ. Năm nay có em và anh Đăng, chị cũng ít việc đi nhiều, cũng vui hơn nữa! Mấy năm trước chỉ có mình chị quanh quẩn không thôi!"

Ngân lặng nhìn chị. Bên bếp lửa đỏ hồng, mái tóc đã buộc gọn sau gáy, để lộ gương mặt sạch sẽ đang ửng lên, trông dịu dàng lạ. Đêm nay phải nằm gần hơn mới được.

Bạn đang đọc truyện Người Phía Sau của tác giả Torpe. Tiếp theo là Chương 8: (Chưa có tiêu đề)