Cơn mưa chuyển hạ tầm tã ở thành phố khiến mọi người vội vã, hấp tấp....trong vô vàn sự tấp nập đó anh ta chạy vội vã về khu dãy trọ cách xa trường đại học tầm 1km. Đôi mắt liếc đảo, khuôn mặt nhăn nhó dưới những hạt mưa đau điếng vào mặt, chàng trai ấy lại bắt gặp một đám con nít vài ba thằng nhóc nhoi nhoi chạy đùa giỡn dưới cơn mưa chiều hôm đó, có thằng đầu đinh, có thằng miệng sún răng mà vẫn cười toe toét, có thằng thì chạy té trầy tét đít...Chàng trai cười. Hầu như những khung cảnh đó đã khiến những cảm giác vội vã, hấp tấp của chính những giây phút ban nãy đã dần tan biến, tan biến như những giọt mưa rơi vội vào vũng ao ven đường...đã không còn sự vội vã trong cuộc sống, đã không còn những phút giây hấp tấp hồi hộp mà thay vào lúc này đây đó là sự tiếc nuối, vương vấn về một thứ gì đó đã từng đi qua rất lâu rồi. Bởi vốn dĩ anh ta cũng đã từng có một thời chơi đùa dưới những mưa đầu hạ ở cái khoảng thời gian mà ai cũng mong muốn mình được lớn nhanh...Chàng trai đó là tôi.
Bắt đầu từ hồi nhỏ tôi phải theo ba mẹ bôn ba nhiều nơi, do ba tôi là kĩ sư xây dựng nên công việc thường rất lưu động. Ba tôi rất thương yêu mẹ tôi nên khi đi đâu cũng sẽ dẫn mẹ theo cùng và đương nhiên cũng sẽ có tôi. Gia đình tôi đi qua rất nhiều nơi, nhiều tỉnh thành, nhiều xã hội khác nhau để sống, để làm việc và để học tập. Con người ai mà chẳng có quê hương, tôi muốn ở lại quê để học tập, để sống, nhưng các bạn thấy đó gia đình tôi có một chuyến đi di cư rất nhiều nơi nên cái việc ở lại quê hương sinh sống là điều hoàn toàn không thể. Ơ, thế mà không sao cả! Vì khi có dịp thì mẹ tôi lại dẫn về quê chơi, lúc nhỏ mỗi lần được nghỉ học là tôi nôn nao như nắng hạn gặp được mưa rào vì biết chẳng bao lâu mình lại sẽ được về quê chơi.
Quê tôi ở An Giang hay chính xác hơn là ở thị trấn Cái Dầu. Nhà ngoại tôi tức là mẹ của mẹ tôi nằm gần trong bến đò Thị Đam cũ, vì bến đò này đã dừng hoạt động và có một bến đò khác cùng tên cách đó không xa thay thế nên việc bị ngưng hoạt động bến đò này cũng là điều dễ hiểu. Trước khi đi vào được nhà ngoại thì tôi phải đi ngang một cái chợ lớn, chợ đó có tên là Cái Dầu, mà việc là chỉ đi ngang chợ thôi chứ không có vào chợ, nhưng chợ đó lớn và đẹp, chỉ cần bạn muốn mua bất cứ thứ gì thì cứ việc vào khu chợ đó, nó bán đủ thứ trên đời chỉ là bạn sẽ phải tốn thời gian đi tìm xem món bạn kiếm nó nằm ở gian hàng nào thôi. Tiếp đến gần tới nhà sẽ có thêm một khu nhóm chợ nhỏ trong xóm, thường ở đây chỉ bán lúc sáng sớm chủ yếu là cá, mắm, rau củ,... để bán cho bà con trong cái xóm này khỏi phải cất công ra chợ lớn làm chi, vừa tốn tiền 10 ngàn xe lôi mà lại mệt.
Tiếng kéo cắt vải lọc cọc, lọc cọc. Con Ngọc thất thanh:
- Ngoại ơi! Út Thi dìa kìa ngoại ơi. (Út Thi là mẹ tôi, vì là con gái út nên ai trong dòng họ ngoại cũng gọi là Út Thi)
Con Ngọc là con của dì năm, dì năm phải đi làm xa nên giao nó lại cho bà ngoại nuôi từ nhỏ đến tận bây giờ, lúc nào 2 bà cháu cũng có nhau. Con Ngọc đó đôi mắt đăm đăm to tròn, mặt nó lúc nào cũng khó chịu, càng lớn tôi càng thấy nó y hệt dì năm như đúc với cả tính tình cộc tính nên rất khó ai chơi được với nó, có tôi thì lúc nào về cũng chơi với nó, nó nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng tôi vẫn phải gọi nó là chị vì mẹ nó lớn hơn mẹ tôi.
Từ trong nhà bỏ kéo một cái "sộp", một thân hình nhỏ nhắn gầy gò đi ra:
- Dìa rồi đó hả, Chời ơi mừng hết sức mừng. (Ngoại nói)
- Chời ơi! Cháu ngoại tui đẹp trai quá, lần này dìa thấy trắng trẻo lên, lần trước gì đâu mà đen thùi lùi (Vừa ôm vừa xoa đầu tôi)
Bà ngoại rất thương tôi, lần nào tôi về bà cũng cưng chiều, tuy bà không nhiều tiền nhưng hễ tui muốn ăn gì thì sáng nào bà cũng sẽ đi lại xóm chợ nhỏ đằng ngã ba mua về cho tôi. Bà tôi có gương mặt rất phúc hậu, hiền từ, ai ai trong xóm cũng khen ngoại tôi là đẹp lão. Đúng thật! những tấm ảnh của ngoại thời còn trẻ được treo trên gác thì đúng là đỉnh cao của nét đẹp thời chinh chiến.
Lù lù ở hiên nhà kế lên vọng lên giọng nói thanh thảnh:
- Anh Hiếu dìa rồi hả, tối đi chơi hông anh Hiếu.
Đó là con Nghi, là cháu gái của dì hai Hằng kế bên nhà, là hàng xóm với ngoại tôi mà mẹ của cong Nghi cũng là bạn của mẹ thôi. Con Nghi nó nhỏ hơn tôi 3 tuổi, mắt nó hí hí, lúc nào dìa đó là tui cũng đi kiếm nó ăn hiếp, nó thì hiền khô, nhút nhát. Cứ mỗi lần mà đi chơi với tôi đều đứng nép nép sau lưng tôi, nó cứ sờ sợ cái gì đó. Nhớ hồi đó có lần đi chơi nét tui dẫn nó theo ngay cái hôm mà quán đông không còn 2 ghế ngồi gần, tui cứ tưởng nó sẽ chơi ở ghế khác, ấy vậy mà sau khi chơi được một lúc vẫn thấy nó đứng sau tôi, khi hỏi thì nó mới nói đợi máy kế bên đi nó mới ngồi, nó đi chơi nét chỉ toàn ngồi gần tôi không bao giờ dám ngồi cách xa tôi dù chỉ là một máy.
- Ừa để lát anh rủ mấy đứa kia coi tối nó đi hông, hé cưng! (vừa nói tui chạy lại đấm nhẹ vào vai nó một phát)
Nhỏ Nghi dẹo thấy mà ghéc:
- Ui daaaaa! Anh kì quá à!
Đi từ xa về đây thì đáng lẽ phải nghỉ ngơi, nhưng còn là con nít trong đầu chỉ muốn chơi và chơi đâu suy nghĩ gì về cái mệt, cứ mỗi lần đặt chân về nơi này là tôi biết sẽ có 1 khoảng thời gian chơi vui vẻ nhất trong cả một năm đó. Cái nhà của ngoại tôi vốn trước giờ nhìn vẫn vậy, và dòng họ tôi nghèo, ngoại thì không làm gì ra tiền nên việc sửa sang lại nhà giờ là hi hữu, trong khi trong xóm nhà nhà đều được nâng cấp nhìn rất sang trọng và đẹp đẽ, nhà người ta thì đã nằm ngang mặt lộ, thế mà nhà ngoại tôi thì vẫn nằm dưới mặt lộ cỡ nữa mét. Lại chẳng sao, dù thế nào tôi vẫn muốn nhìn thấy ngôi nhà này qua từng năm, ngôi nhà cũ của ngoại vẫn vậy, vẫn giữ được cái đặc biệt của một phần nào đó của cái xóm xưa và quan trọng hơn nơi đây đã giữ kỉ niệm cả một thời thơ ấu mà tất cả tụi con nít trong xóm như tụi tui không thể nào phai được.
- Chị Nhiều ơi! Bán em 2 ngàn nước đá với chai sting (Tôi đi ra sau nhà hét lớn)
- Ờ!
Cứ mỗi lần về đây là tui lại mua sting của tiệm tạp hóa phía sau nhà ngoại. Theo mẹ hay ngoại kể thì trước kia đã lâu lắm rồi, cái thời mà mẹ tôi còn nhỏ xíu ở phía sau này không có nhà chỉ có một con sông, thời gian thay đổi con sông được lấp lại nên giờ trong khu vực này nhà nhà tấp nập, nhà nào cũng sát nhau nên hễ nhà nào có chuyện gì to nhỏ thì một phút ba mươi giây sau cả xóm đều biết.
Mua sì ting xong tui nằm võng tận hưởng cái sự ngon ngọt dưới cái tiếc trời oi bức, còn mẹ tôi chỉ ngồi đôi giây lát là bắt đầu đi chào hỏi xóm giềng. Ngoại tôi cứ hễ thấy mẹ tôi đi là lại nói:
- Rồi! Mẹ mày đi "thời sự" nữa rồi! (có thể hiểu là nhiều chuyện, bà tám)
Tôi chỉ nhìn ngoại tôi mà cười, đây cũng là nơi mẹ tôi lớn lên từ nhỏ nên phải đi gặp bạn bè cũng phải, tôi còn nôn huống chi là mẹ tôi.