Vương đứng dưới tán cây thẫn thờ ngắm nhìn hoàng hôn. Thục Nương bưng nước tới đứng phía sau, chẳng biết Vương có biết hay không mà chẳng hề quay lại. Dừng lại chừng một nhịp thở, Thục Nương nhẹ cất tiếng gọi:
- Đại Vương!
Vương quay lại, không lộ vẻ gì là bất ngờ:
- Sao nàng lại tới đây? Huệ Nương sao rồi?
- Chị ấy vừa mới chợp mắt được một lát. Thấy chàng cả buổi cứ tha thẩn nên tới xem chàng thế nào. – Nàng đặt khay nước xuống, rót một bát đưa cho Vương. – Chàng uống nước đi.
- Ta không khát. – Vương lắc đầu.
Thục Nương đặt bát nước xuống, nhìn Vương nói:
- Chàng tính toán thế nào?
Vương cũng nhìn nàng, khẽ nhoẻn miệng cười:
- Thì dẫn người đi cứu Cảo Cảo về. Nàng không thấy mọi người đang bận rộn chuẩn bị sao?
- Người ta rảnh rỗi đi bắt một đứa bé để cha nó đi cứu về à? Bắt ai không bắt lại bắt con của chàng. Trùng hợp vậy?
- Nàng rất thông minh. – Vương đưa tay vuốt nhẹ mái tóc nàng, nói.
- Điều kiện của bọn chúng là gì?
- Điều kiện gì? – Vương giả vờ hỏi lại.
Thục Nương nhíu mày nhìn sâu vào đôi mắt người đối diện, ngừng một nhịp sau lời của Vương, nói:
- Con mất đứa này sẽ có đứa khác. Nhưng thiếp chỉ có một người chồng thôi. Thiếp không muốn chàng mạo hiểm.
- Nàng chưa làm mẹ, nàng không hiểu đâu.
Nàng hít một hơi sâu rồi nói:
- Vậy chàng đã quên lời phó thác của Nam Đế rồi sao? Chàng quên vì sao ngày đó chàng quyết định xưng Vương, bố cáo thiên hạ? Chàng đã quên công sức mấy năm lăn lộn lầm lũi khắp chiến trường là vì cái gì rồi sao? Chàng coi cái danh Việt Vương nhẹ như lông hồng, coi đấy chỉ là danh hão thôi sao? Rồi người đời sẽ cười nhạo chàng, cười vào mặt cả nhà họ Triệu có tài mà chịu quỵ lụy người Hán.
Vương vội đính chính ngay:
- Ta không quên, nhưng ta không thể bỏ mặc con gái mình. Ta cũng là con người, cũng có thất tình lục dục, cũng có máu mủ tình thâm, nếu người bị bắt đi là nàng thì ta cũng sẽ đến cứu nàng vậy.
- Nhưng thiếp không muốn chàng đi mạo hiểm, dù bắt được chàng chúng cũng sẽ chẳng thả ngưởi đâu. Để thiếp đi, để thiếp thương lượng với chúng đổi lấy Cảo Cảo về. Chàng không phải lo cho thiếp đâu,…
Không để nàng nói hết, Vương gạt đi ngay:
- Nàng đang nói linh tinh gì thế. Nàng phải ở lại bảo vệ Huệ Nương và Chân Nương. Trong ba người các nàng ta chỉ yên tâm một mình nàng thôi, Thục Nương ạ. – Rồi Vương vỗ vỗ lên đôi vai nhỏ của nàng.
- Nhưng chàng phải nói thiếp biết chàng định làm thế nào thì thiếp mới yên tâm được. Thiếp hứa sẽ không nói cho chị Huệ và em Chân biết.
Vương cười mỉm, nói với nàng:
- Ta sẽ dẫn đống người này cùng đi, giết chết kẻ thù, đưa Cảo Cảo an toàn trở về. Thế thôi.
- Nhưng mà… ngộ nhỡ, chúng bắt chàng tự sát rồi mới thả người thì sao… - Nàng lộ ánh mắt lo lắng.
- Suỵt! Không được nói gở như thế. Ta sẽ dễ để cho chúng đắc lợi như vậy hay sao? Năm đó mấy trò kỳ quái của nàng ta còn đối phó được thì tí mánh khóe của bọn chúng có là gì. Ta tự biết tùy cơ ứng biến.
- Nhưng thiếp vẫn không yên tâm. Để thiếp đi cùng chàng, thêm một người thêm một cái đầu.
- Hai da! Chỗ đàn ông đàn ang người ta đánh nhau, nàng đi theo làm gì, tí bài mèo quào của nàng khéo làm ta phải phân tâm thêm thì có. Nàng cứ vững tâm ở đây coi sóc Huệ Nương và Chân Nương giúp ta. Đợi ta mang tin tốt trở về. – Vương vừa nói vừa dùng ánh mắt dịu dàng mà kiên định nhìn thẳng vào đôi mắt nàng.
Thấy Thục Nương không đáp thêm nữa, Vương tiếp:
- Im lặng là đồng ý. Cứ quyết định như vậy đi.
***
Cái hẹn năm ngày sau tới nhanh như gió. Đoàn quân do Vương dẫn đầu đã tới huyện Nghĩa Hoài. Người dân ban đầu ngơ ngác không hiểu tại sao có nhiều người kéo tới như thế, lại thấy vị thủ lĩnh thật khôi ngô tuấn tú, trên người đó tỏa ra sự uy vũ khác người, đầu đội mũ đâu mâu gắn cái gì như vàng sáng lấp lánh. Hỏi ra thì họ biết đó là Triệu Việt Vương, người đã đánh tan mấy vạn quân binh nhà Lương vài ngày trước, hôm nay Người tới đuổi lão quan huyện người Hán già hay hách dịch kia. Người dân mừng lắm, có người quỳ gối cung kính cúi lạy. Mấy cô gái cũng bẽn lẽn ghé mắt nhìn trộm, chưa bao giờ họ thấy nhiều trai tráng như vậy.
Vương không muốn làm phiền đến dân chúng nên cho quân dừng chân tại bãi đất lớn phía nam huyện. Có người biết được mang đồ này quà kia tới biếu tặng nhưng Vương không nhận, chỉ nhận đồ ăn và đều phát cho quân cả.
Lúc Vương tới không thấy bọn Trương Hát đâu. Rõ ràng Thị Diên đã nói Trương Hát ở lại huyện Nghĩa Hoài theo dõi nhưng tìm khắp nơi cũng chẳng thấy, một người ở lại làm tin cũng không có. Bên ngoài huyện phủ cũng chẳng có lính Lương trực gác, chỉ có hai gia nô canh cửa, hỏi chuyện thì chúng nói không biết. Thị Diên muốn lần nữa lẻn vào trong phủ xem xét nhưng Vương không cho. Trương Hống cũng thấy lạ, hỏi ý kiến Vương thì đều bị gạt đi, càng không hiểu chuyện ra làm sao.
Tối trước ngày hẹn, mọi người đang tụ tập với nhau ăn tối, lác đác mấy bà mấy cô gánh đôi quang mang thức ăn đến. Ấy phải là những nhà có của lắm mới hào phóng như thế, dù chẳng thấm vào đâu cho hơn ngàn miệng ăn nhưng âu cũng là tấm lòng cả, không nhận mà đuổi họ đi thì chẳng hợp lẽ.
Bỗng đâu xuất hiện một cô bé đi lạc vào giữa đám người đang ăn uống. Đứa bé chừng sáu bảy tuổi, mặc áo nhuộm tràm, đi chân đất bẽn lẽn bước từng bước thận trọng đi vào. Ánh mắt nó có vẻ sợ nơi lạ lẫm, dáo dác nhìn quanh tìm ai đó. Có người thấy đứa bé liền hỏi thăm, nó nói muốn tìm Đại Vương, người đó bảo Đại Vương không thể gặp được, nhưng con bé hét lên cứ nằng nặc đòi gặp bằng được Đại Vương.
Vương đang rót nước uống thoáng nghe thấy tiếng trẻ con lanh lảnh, liền đứng lên xem rồi tiến tới chỗ ồn ào. Trong chớp mắt Vương tưởng như vừa nhìn thấy con gái mình, nhưng không phải, đứa bé này gầy và nhỏ con hơn. Vương giải tán đám ồn ào, định dẫn đứa bé đến chỗ khác hỏi han, nhưng nó không nhúc nhích. Nó chỉ hỏi lại có đúng là Đại Vương không, Vương ân cần nói với nói là phải, chưa kịp hỏi thêm thì nó liền dúi vật gì vào tay Vương rồi chạy ngay đi nhanh như sóc.
Vương dõi theo đứa bé chạy khuất mới trở về lều. Dở tờ giấy nhăn nheo ra, trên ấy viết: “Tuân thủ giao hẹn, bằng không đừng mong gặp lại con gái.”
Đêm ấy, Vương không ngủ được, người cảm thấy mình như một con rối bị người ta điều khiển vậy, bứt rứt khó chịu. Vương chẳng biết kẻ chủ mưu là ai, có thể là Dương Sàn, nhưng trực giác mách bảo rằng không phải là Dương Sàn. Vậy thì có thể là ai? Nếu biết kẻ chủ mưu là ai, chí ít có thể dự phòng một vài khả năng, nhưng đằng này chẳng hề biết kẻ đó là ai. Là ma, là quỷ, là Diêm Vương, là người Hán hay là người Việt? Vương không biết. Để cứu con gái, để biết được bộ mặt kẻ chủ mưu, chỉ có một cách là làm theo chỉ dẫn của hắn. Ngày mai thôi là Vương sẽ biết được hắn, sẽ bắt hắn phải trả giá.
Vương đã an bài hết rồi, nếu không thể trở về, những việc còn lại sẽ giao cho Đinh Bính, anh em họ Trương, Phùng Kim, cả Tinh Văn nữa. Vương chưa nói cho ai biết cả, Vương đã viết lại và cất trong mũ đâu mâu, dưới cái móng rồng. Còn ba người vợ, Vương sẽ nhờ cậy Đinh Bính, ông luôn như người chú thân thiết trong nhà vậy, nhờ ông ấy tìm một nhà lành, cho các nàng bước thêm bước nữa. Các nàng vẫn còn trẻ, ở góa thì bao giờ mới hết đời.
***
Sáng sớm, Vương đã ngồi sừng sững ngoài lều lau kỹ thanh đao đến bóng loáng, tưởng chừng có thể soi gương được. Trương Hống, Tinh Văn và Thị Diên cùng đến. Trương Hống hỏi:
- Đại Vương, chúng ta đến đã một ngày rồi, người còn định chờ đến bao giờ mới hành động đây?
Vương tra đao vào vỏ, đáp:
- Tối nay ra tay.
- Tối nay? Được! Vậy để tôi phái người đi do thám tình hình trước. – Trương Hống nói.
- Không cần, tối nay cứ bao vây tứ phía rồi ta tấn công thẳng vào là được.
- Như vậy có chút không ổn, chúng ta còn chẳng biết mặt ngang mũi dọc cái phủ huyện nó thế nào, làm sao đánh vào.
- Người bọn chúng muốn là ta, chỉ cần ta ra mặt, chúng nhất định đưa Cảo Cảo ra. – Vương trầm tĩnh nói.
Trương Hống không biết nói thế nào nữa đành quay qua nhìn hai người Tinh Văn và Thị Diên, cả hai cũng ừng hững không biết nên nói thế nào.
Giữa sáng, trời nắng nhẹ. Vương mặc mũ giáp đeo đao, bảo rằng muốn đi dạo một vòng huyện Nghĩa Hoài. Đã lâu lắm rồi chỉ sống ẩn trong đầm, kể từ khi xưng làm Việt Vương, người còn chưa một lần được ngắm cảnh nhân gian. Chưa nhìn thiên hạ một lần mà đã phải chết thì thật là đáng tiếc.
Vương dẫn theo vài tùy tùng ra thăm đồng lúa. Đồng không quá rộng, xen giữa những mảnh ruộng là lùm cây rậm rạp, có lẽ người ta chưa kịp mở rộng khai khẩn tới. Lúa vàng ươm. Bông lúa tròn mẩy, cong trĩu xuống, chẳng mấy nữa mà được gặt. Giữa những ruộng lúa có một con mương nhỏ trải dài tít tắp.
Vương tranh thủ bắt chuyện với một lão nông đang đi xem ruộng. Lão nói con mương này để dẫn nước từ sông Phú Lương vào. Còn mấy con mương nữa rải rác khắp vùng, chúng là nguồn cấp nước chính cho vụ lúa chiêm, mùa đông xuân ít mưa lắm. Dù là có đủ nước nhưng vụ chiêm thu được rất ít lúa, chỉ bằng ba, bốn phần mười vụ mùa là may, hạt lại không mẩy và không ngọt bằng vụ mùa. Ấy thế mà gạo lúa chiêm lại là gạo chính của người ta đấy. Vụ lúa mùa tuy thu được nhiều, gạo chắc và ngon, nhưng bọn quan tham người Hán họ cũng khôn, nó đặt ra cả trăm thứ luật lệ, đã thế lại còn bày thêm lắm mánh khóe để vặn vẹo và vơ vét để bắt nộp cho chúng hết cả. Nhà làm ra mười thì bọn nó thu lấy đến bảy, tám phần rồi, may còn được vụ chiêm, bọn nó cũng vét, nhưng mà ít. Như nhà ông lão là đã may mắn lắm, có đủ gạo ăn cả năm nhờ phúc thằng con trai làm chân lính canh ở phủ huyện.
Vương ngồi bệt xuống bờ rộng bên cạnh lão nông, thoải mái tán chuyện này chuyện nọ. Mãi đến giữa giờ tỵ, trời tản bớt mây, nắng chói lọi, lão nông sực nhớ ra phải về trông cháu cho bà lão nấu cơm. Lão ngỏ lời mời Vương tới nhà làm khách, ăn một bữa cơm cho lão vui, cũng là cho lão được một dịp mở mày mở mặt. Vương đồng ý rồi lệnh cho tùy tùng trở về, lấy cớ nhà lão nông nghèo không đủ gạo mời ăn nhiều người như vậy. Vương không quên nhờ một trong số tùy tùng ấy mang một phong thư về đưa cho Tinh Văn, dặn tới giờ mùi nếu Vương chưa về thì mới được mở ra xem, ngoài thư cũng có đề chữ rồi nhưng vẫn cứ dặn lại cho chắc.
Vương cùng lão nông đi về, đợi cho tùy tùng đi xa rồi Vương mới mở lời hỏi đường đến pháp trường của huyện. Lão lấy làm lạ nhưng vẫn thành thật trả lời. Biết đường rồi Vương xin cáo lỗi với lão rồi từ biệt, một mạch đi tới pháp trường. Đi bộ tới nơi mất gần nửa canh giờ. Tới nơi vừa đúng giờ ngọ.
Pháp trường là một bãi đất trống khá rộng, xung quanh không có nhà dân. Hai phía tây và bắc là rừng rậm rạp, đang giữa trưa mà khu rừng ấy tối đen và âm u đến lạnh người. Các mặt đông và nam không bị rừng chắn nhưng được bao bởi những bụi tre và cỏ cao. Lính canh phủ huyện đứng dàn bao quanh pháp trường, làm rào chắn cho người ngoài khỏi vào trong được. Một đám dân đen chừng hơn chục người đứng thập thò ngó nghiêng, họ xì xào chắc mẩm lại có ai đó xấu số bị xử chém, nhưng chẳng biết là ai. Mọi lần xử chém quan phủ đều rao tin trước cho dân chúng biết để đến xem bêu đầu, thế mà lần này lại ỉm đi, đã thế lại canh gác ngặt thế này, họ lại càng tò mò.