Chương 7: Minh

Chương 7. Hạnh

1,727 chữ
6.7 phút
80 đọc
1 thích

Cuộc sống không chị bắt đầu. Tôi đã biết ngẩn ngơ, một chút nhớ nhung. Con chó vàng của tôi vẫn theo thói quen, chiều chiều lững thững đi lên bậc tam cấp, nằm xuống ngay dưới bậc chị vẫn từng ngồi khâu quần áo. Cái đầu của nó hướng ra cổng, đôi tai to thỉnh thoảng vẫy vẫy vài cái như muốn dùng hết giác quan suy đoán xem bao lâu chị sẽ trở lại.

Nhưng sự thực là chị đã trở về nhà tôi ba ngày sau đó, vào buổi sáng, khi mà tôi vẫn đang vùi đầu với những tiết học. Tôi là nghe bác Ất kể lại, chị đánh rơi đồ ở nhà tôi nên quay lại lấy. Tôi chợt nhớ ra cuốn sổ xưa cũ của chị rơi ở chân giường mà tôi quên không nhắc chị.

Thời gian chạy thẳng đến tháng bảy, tôi đã kết thúc năm lớp mười và nghỉ hè. Tôi bận ôn thi học kì, nhưng bản thân vẫn dành một khoảnh khắc nhỏ nào đó để nhớ đến chị. Chị có hai cái nón, một chiếc chị đã đội về nhà, còn một chiếc vẫn treo sau nhà. Đó là kỉ niệm duy nhất chị để lại cho tôi. Tôi đã lấy nó đem vào phòng mình treo. Sau những ngày học mệt mỏi, tôi ngồi trên giường, lặng nhìn cái nón của chị, chỉ một chốc mà thôi.

Nghỉ hè rồi, tôi sẽ ôn lại kì nghỉ hè năm ngoái, khi mà lần đầu tôi gặp chị. Tính tình tôi chẳng mấy sôi nổi, sau khi chị rời đi rồi, tôi cảm giác như mình càng u uất hơn. Bệnh tình của chị ra sao rồi? Chị vẫn ăn uống đầy đủ chứ? Chị có đau lắm không? Có nhớ tôi không?

Bố mẹ cũng nhận ra cảm xúc trầm lặng của tôi, họ quyết định dẫn tôi đến thăm chị. Nhà tôi đầu huyện, nhà chị cuối huyện, đi ô tô cũng mất đến bốn mươi phút. Mà đường vào nhà chị không dễ đi, Gia đình tôi dừng xe trên đường làng, rẽ vào con ngõ nhỏ, hỏi bao nhiêu người, quẹo vào bao con hẻm. Càng đi nhà dân càng thưa thớt, điều kiện kinh tế lạc hậu đến kinh hoàng. Vừa đi tôi vừa nhớ đến mấy bộ quần áo cũ mèm mà không nỡ bỏ, về mái tóc cháy nắng vàng hoe của chị.

Gia đình tôi dừng chân trước một cánh cổng sắt han gỉ và chẳng có vẻ chắc chắn gì. Căn nhà cấp 4 bên trong lại càng xập xệ hơn. Đây là xã nghèo nhất của huyện, và đây lại là xóm nghèo có tiếng. Căn nhà này nhìn đi nhìn lại đều thấy lụp xụp hơn những căn nhà cổ xung quanh.

Bố tôi lớn tiếng gọi tên chị. Nhanh chóng sau đó có một đứa trẻ tuổi thiếu niên chạy ra mở cửa, rụt rè mời chúng tôi vào. Được bố tôi hỏi, đứa trẻ bẽn lẽn trả lời:

"Chị con yếu lắm bác, chị không đi làm được nữa, chỉ nằm trên giường thôi!"

Tôi đặt chân lên nền nhà xi măng mát lạnh, hít một hơi thật sâu, tâm tình tệ đến kinh hoàng sau khi nghe câu đó. Bước qua cánh cửa gỗ kẽo kẹt, như có linh cảm, tôi ngoảnh về phía bên trái, ngay lập tức chạm phải ảnh nhìn chăm chú hiền dịu của chị. Chị tựa lưng vào giường, gương mặt gầy trơ hốc hác, xanh xao đáng sợ. Mái tóc bù xù xơ rối, nhìn chẳng ra cô gái tươi tắn cách đây vài tháng.

Tôi không để ý bất kì thứ gì xung quanh nữa, chân như đeo chì lên đến bên giường chị ngồi khuỵu xuống. Tôi nhìn chị rõ hơn, bờ môi mỏng khô tím tái, nứt nẻ, đôi mắt lờ đờ, bàn tay đặt trên chăn chẳng khác gì mấy que củi khô, đôi vai nhọn hoắt qua lớp áo mỏng.

Tôi run rẩy nắm lấy tay chị, mấp máy:

"Chị Minh... chị ơi!"

Chị nhấc bàn tay còn lại, nhẹ nhàng đặt lên đầu tôi, dịu dàng hỏi:

"Năm nay có được học sinh giỏi không? Có quen thêm nhiều bạn không? Không còn kén ăn chứ?"

Tôi cảm nhận rõ tay chị run rất nhiều, là bệnh run vô căn.

Đã lâu rồi tôi không khóc, cuộc đời tôi suôn sẻ như vậy, không có gì đáng để tôi khóc cả. Nhưng hiện tại, hai dòng ấm nóng chảy trên má tôi lúc nào, lạ lẫm đến thế. Tôi gục đầu xuống đùi chị, tôi thương chị, dần dần lan ra thành nỗi đau bắt đầu tra tấn tôi.

Tôi thậm chí còn không nhớ rõ bản thân duy trì tư thế đó bao lâu. Sau cùng bố mẹ phải kéo tôi dậy, đem tôi lên xe. Tôi bàng hoàng tỉnh lại, lao đến cửa sổ xe, cố ngoái lại phía sau. Không có gì cả, xe đã rời đi lâu lắc rồi.

Cả một nửa mùa hè còn lại của tôi chôn vùi sau cánh cửa phòng mình.

Bố mẹ tôi khởi công một dự án lớn ở miền trong, không biết bao lâu sẽ về. Tôi không có cơ hội đi gặp chị lần nào nữa.

Lần thứ hai gặp lại chị đã là chuyện của gần Tết. Mẹ trở về sắm sửa thật nhiều quà cáp, còn chuẩn bị cả phong lì xì đỏ thật dày đưa tôi đến nhà chị chúc Tết. Lúc này mẹ chị ở nhà, hồ hởi ra đón. Tôi bình tĩnh hơn nhiều, đi đến chỗ chị. Nếu không phải là ánh mắt trìu mến chị dành cho tôi vẫn luôn không đổi, tôi sẽ chẳng thể nhận ra chị.

Chị đội một chiếc mũ len, lồ lộ bên trong một mảng trắng, tôi cũng hiểu ra. Tóc chị không còn nữa rồi. Cơ thể chẳng khác gì một bộ xương khô, da bọc xương. gương mặt hốc hác không chút sức sống.

Tôi tỏ ra là mình không buồn chút nào, mở túi, đặt vào lòng chị mấy cuốn truyện cổ tích mà tôi đã cẩn thận chọn. Sau đó lấy ra một chiếc khăn quàng cổ màu xám, giúp chị quàng lên, mỉm cười với chị:

"Hơi xấu đúng không? Em chỉ có hai cái hoa tay thôi!"

Chị lắc lắc đầu, vỗ lên bàn tay tôi đặt trên đùi chị, giọng thều thào:

"Chị lại chẳng có gì tặng em cả!"

Bàn tay chị thô ráp lạnh lẽo. Tôi dùng chi còn lại phủ lên tay chị:

"Chị khỏe mạnh vui vẻ là được!"

Lần trước vì quá thương chị, tôi quên bẵng mất việc hỏi thăm. Lúc này tôi đã nhớ. Tôi nhìn quanh nhà, ngoài mẹ chị đang nói chuyện với mẹ tôi, căn nhà vắng hiu hắt, không giống như lời mẹ từng kể, nhà chị rất đông người. Tôi mới hỏi chị:

"Ông bà đâu hả chị?"

Chị cười, một nụ cười chát chúa hiu quạnh:

"Bà chị mất hồi tháng tám vì tuổi cao. Ông cũng vì đau buồn mà qua đời. Nếu không phải ông mất một tháng sau đó, không phải rơi vào cúng bốn chín của bà, nhà chị thực sự nghĩ rằng là trùng tang, cái nhà này bị rủa rồi!"

Tôi siết chặt tay chị:

"Chị đừng nói thế! Sinh lão bệnh tử là điều không thể nói trước!"

Nụ cười tang thương ấy vẫn treo trên môi chị:

"Phải không?"

Tôi biết chị buồn, ngay lập tức lảng sang chuyện khác:

"Các em chị đâu rồi?"

"Hai anh chị đi học đại học, hôm nay mới ở trên thủ đô về. Còn thằng bé lần trước ra đón em thì đi ra chợ bán bòng. Ông chị trồng được mấy cây bòng, Tết năm nào cũng trĩu quả. Cu cậu xung phong đi hái đem ra chợ rồi!"

Lần đi thăm này không kéo dài được lâu bởi vì mẹ tôi còn thăm Tết rất nhiều khách hàng. Tôi chỉ kịp dặn dò chị ăn uống, giữ gìn sức khỏe, động viên chị.

Mẹ của chị là một người phụ nữ ngoài năm mươi nhưng dáng vẻ lại già nua khắc khổ, thậm chí là bệ rạc. Bà ấy gầy tong teo, chỉ đứng đến vai tôi. Lúc tôi và mẹ ra về, bà khệ nệ xách ra một cái bao, trên bao đục một lỗ để con gà thò đầu ra. Đây là gà mái tơ bà nuôi, biếu mẹ tôi làm quà Tết. Mẹ tôi không từ chối, nhận lấy rồi bỏ vào cốp ô tô.

Trên đường về, mẹ tôi cứ thở dài mãi không thôi. Hẳn là mẹ cũng thương chị lắm.

Tôi trải qua cái Tết năm nào cũng thế. Chỉ khác là năm ngoái, tôi còn có điều để ngóng trông, năm nay thì không.

Đều đặn như vậy, cứ vài tháng, mẹ hoặc bố đều cùng tôi đến thăm chị. Chỉ có vậy thôi mà tôi cảm giác như bản thân đang chứng kiến chị héo mòn từng ngày. Thậm chí có lần tôi đến, chị vừa vượt qua cơn đau, toàn thân ướt đẫm mà ngủ mê man.

Chị không nhập viện, nhất quyết không đi. Chị nói nhà chị quá nghèo, bệnh chị càng hiểm nghèo hơn, đằng nào cũng vậy. Chị thà để tiền đấy để lo cho mấy đứa em tương lai còn xán lạn. Chị chỉ uống mấy liều thuốc giảm đau của bệnh viện, vật lộn sống thoi thóp qua mỗi ngày.

Tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện về bệnh nhân ung thư. Khi nhận thông báo của bác sĩ về căn bệnh của mình, đó không khác gì một lời tuyên án tử hình. Dần dà, họ mất niềm tin, họ u uất, coi bản thân là gánh nặng của gia đình. Đỉnh điểm là lúc họ đấu tranh với tâm lí về việc tự kết liễu mình. Họ vừa nuối tiếc cuộc đời, vừa sợ người thân đau buồn, nhưng họ lại càng sợ hơn việc gia đình dần lâm vào bần cùng vì căn bệnh quái ác này. Họ dằn vặt, đau đớn, đau cả về thể xác và tâm hồn.

Bạn đang đọc truyện Minh của tác giả Torpe. Tiếp theo là Chương 8: Phúc