Chương 6: Minh

Chương 6. Thật

1,984 chữ
7.8 phút
106 đọc
1 thích

"Con biết! Nhưng chỉ vài tháng nữa thôi, con thậm chí còn không đủ sức mà trở lại thăm cô chú, thăm em nữa! Con đau lắm cô ơi! Con đau bụng, khó thở, buồn nôn. Con sụt cân, khó ngủ, thân thể của con luôn lạnh toát. Mỗi lần con đi tiểu như địa ngục với con vậy, con không dám nhìn xuống bồn cầu, con sợ cái màu đỏ chói mắt ấy! Tay con đã run rẩy, con dần không làm được những việc cần sự tập trung cao. Cô như người mẹ thứ hai của con vậy, đối xử tốt với con, ưu ái con. Cô không tiếc con mấy cái băng vệ sinh, nhưng con dùng nhiều như vậy con áy náy lắm! Mà con... cũng không có khả năng mua nhiều thế..."

Giọng chị càng về sau càng yếu ớt, đôi chân tôi cũng tê rần, tôi chết lặng đứng đó.

"Con ngoan, con không khỏe chỗ nào? Con bảo cô! Cô đưa con đi chữa!"

"Không chữa được cô ạ! Con mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Con dùng nhiều băng vệ sinh như vậy vì ngày nào vùng kín của con cũng chảy máu đầm đìa. Con mắc bệnh run vô căn, chưa ảnh hưởng gì nhiều nhưng con cảm thấy bản thân sẽ vô dụng vào một ngày nào đó! Con sẽ ở đây với cô chú đến khi nào cô chú tìm được người mới thay thế con! Con xin lỗi cô chú rất nhiều! Nhưng công ơn của cô chú với con, con chắc chắn sẽ ghi tạc!"

Sau đó mẹ và chị còn nói gì đó nữa, tôi không nghe rõ. Đầu óc tôi chỉ ong ong lên những lời vừa rồi của chị... ung thư cổ tử cung... run vô căn... Chị ấy chưa đủ khổ sao? Chị ấy còn trẻ như vậy, chị ấy yêu cuộc sống như vậy. Chị còn cả một gia đình nữa...

Chị bước ra từ phòng mẹ. Mắt chị đỏ hoe. Thấy tôi, chị sững lại, bất ngờ rồi chị cũng không nói. Tôi từng bước đi đến, dang tay ôm lấy dáng hình nhỏ gầy của chị. Tôi nín lặng, tôi không thể thốt ra được câu từ nào. Tôi không bị thương, nhưng cảm giác đau xé ruột gan vẫn cuộn trào. Tôi lặng lẽ buông hai hàng nước mắt. Tôi có thể làm gì cho chị đây, cô gái đáng thương của tôi?

Tôi ôm chị như vậy thật lâu, nhớ đến căn bệnh hiểm nghèo đáng sợ đó đang đày đọa thân xác chị. Nó đang đe dọa chị từng ngày. Tôi lại càng hoảng sợ hơn khi nhận ra rằng nó có thể cướp mất chị đi vào một ngày nào đó. Đã có những đêm tôi không thể nào ngủ được.

Những bữa cơm ngày sau đó của gia đình tôi luôn trầm xuống, chỉ có tiếng bát đũa leng keng. Chị ăn ít lắm, mẹ tôi mua rất nhiều đồ bổ, chị ăn chẳng được bao nhiêu. Dạo gần đây, có bữa cơm chị cầm đũa liền rơi xuống đất, tay chị run kịch liệt, tới nỗi mà chị phải dùng tay còn lại giữ chặt lấy nó. Vậy mà cũng chẳng khác gì. Chị phải đợi cho đỡ rồi mới có thể cầm bát lên.

Tôi biết chị sẽ rời đi vào một ngày nào đó. Tôi không cắm mặt vào đống sách Sinh học nữa. Tôi nói chuyện và chơi với chị. Chị vẫn như thường ngày, làm việc xong thì ra chăm hoa, khâu khâu vá vá, đùa với con Xám. Chị vẫn nói vẫn cười. Dường như bệnh tật không dập tắt đi nghị lực của chị ấy. Hoặc là chị ấy đang cố che giấu nó đi.

Ngày lễ, ba mươi tháng tư, mùng một tháng năm, tôi được nghỉ ba ngày. Bố mẹ tôi quyết định mang tôi đi biển, dẫn theo cả chị. Bác Ất không đi, bác muốn về chơi với cháu.

Thành phố tôi sống vốn dĩ là thành phố biển, ra đến bờ biển không mất bao xa, khoảng một tiếng đi ô tô. Hôm nay đi chơi, chị phá lệ mặc mấy bộ quần áo mẹ tôi tặng chị. Bố mẹ tôi nói chuyện rôm rả ở trên. Tôi lẳng lặng kéo cánh tay chị vào lòng mình, chạm lên những vết sẹo dài trên đó, xót xa thay cho chị.

"Những cái này là chị bị sao đây?" Tôi hỏi.

"Ừ... bị xước thôi!" Chị trả lời.

Tôi chả tin. Đây đều là những vết rất sâu.

Bố mẹ thuê hai phòng khách sạn, bố mẹ một phòng, tôi ở với chị. Căn phòng hướng ra biển, gió biển lồng lộng thổi tung mái tóc vàng hoe xơ xác của chị.

"Lần đầu tiên chị được ra biển, được đi chơi xa đến vậy! Bây giờ được đi, sau này có biến mất, chị cũng hài lòng rồi!"

Tôi chạnh lòng đi đến nắm lấy tay chị, nở một nụ cười yếu ớt:

"Vậy chơi hết mình nhé!"

Tay chị lạnh quá, và dường như còn tong teo hơn trước.

Là một học sinh học chuyên Sinh, đọc qua biết bao sách về Sinh học, Y học, tôi hiểu ung thư hiểm nghèo đến mức nào, vô vọng đến ra sao. Tôi không lựa chọn dành những câu nói an ủi dành cho chị. Chị chắc chắc cũng sẽ nghĩ đó chỉ là những câu nói mang tính chất trấn an mà thôi.

Tôi muốn hỏi chị tại sao tuổi còn trẻ như vậy mà chị đã mắc căn bệnh này, thậm chí là đi đến tận giai đoạn cuối. Nhưng tôi không dám, tôi sợ động đến một vết thương lòng nào đó của chị. Ánh mắt chị có đôi khi vui vẻ yêu đời lạ, có nhưng lúc lại thâm trầm, buồn bã và tuyệt vọng. Cuộc đời chị phải chăng không đơn giản như tôi nghĩ.

Không biết là bố mẹ đưa tôi đi chơi, hay là tôi đưa bố mẹ đi chơi. Bố mẹ dẫn nhau đi tắm biển, để tôi với chị trên bãi cát trông đồ. Thực tế là bố mẹ có rủ, nhưng tôi lười biếng, chị cũng từ chối để ở lại với tôi.

"Chị kể chuyện cho em nghe đi! Chuyện gì cũng được!" Tôi lên tiếng trước.

"Có một đứa trẻ đã chết, và một thiên thần đang hộ tống đứa bé lên thiên đường. Họ đi lang thang trên mặt đất một quãng thời gian, đến thăm các nơi nổi tiếng. Trên đường đi họ thu thập hoa của từng vùng đất đã đi qua để trồng chúng trên các khu vườn của thiên đường. Thiên thần đưa đứa trẻ đến một khu vực nghèo nơi có một chậu hoa lily nằm trên một đống rác. Thiên sứ cứu vớt bông hoa và giải thích cho đứa bé đó rằng bông hoa đó đã cổ vũ một cậu bé bị tật trước khi cậu qua đời. Sau đó thiên thần tiết lộ rằng cậu bé đó chính là đứa trẻ, và cậu bé tiếp tục hành trình của mình."

Chị thật sự kể chuyện cổ tích cho tôi. Tôi vẫn yên lặng lắng nghe. Chị nói đó là câu chuyện đó có tên là "Thiên Thần" của Andersen. Chị thuộc đến như vậy, hẳn là đã đọc đi đọc lại nhiều lần.

Chị kể những câu chuyện khác, tất cả đều là truyện cổ tích. Không hiểu sao tôi lại kiên nhẫn đến vậy. Tôi bắt đầu sợ một ngày không nghe thấy tiếng của chị nữa. Tôi sợ một ngay khi đi học về, tất cả còn lại chỉ là chiếc nón cũ mèm của chị treo trên vách.

Bãi biển đông đúc và ồn ào. Bỗng chốc bên tai tôi chỉ còn giọng nói yếu ớt của chị.

Bữa tối, cả nhà dùng bữa tại một nhà hàng ven biển, gió lồng lộng, mang hương vị mằn mặn của đại dương. Tôi chợt nhớ ra một kiến thức quan trọng trong quá trình đọc sách của mình. Tôi kéo lấy cổ tay chị đang đưa ra định gắp thức ăn, nói:

"Chị phải kiêng hải sản!"

Chị ngẩn ra, bố mẹ tôi cũng khựng lại. Cả bàn ăn rơi vào yên lặng. Sau cùng, mẹ tôi là người lên tiếng đầu tiên:

"Cô gọi món thanh đạm cho con nha!"

Chị nở một nụ cười lắc đầu:

"Không cần đâu cô! Không sao đâu ạ!"

Rồi chị hơi nghiêng về phía tôi, nói đủ để mình tôi nghe thấy:

"Cũng không còn bao lâu nữa... chị chỉ đến vậy thôi! Để chị thưởng thức nốt những món ngon trên đời nha?"

Tôi chậm chạp buông tay chị ra, cúi gằm mặt, hít sâu hai nhịp mới bình tĩnh gắp cho chị một miếng cá song.

Đêm đó, tôi nằm cạnh chị. Chị đã ngủ, tôi thì không. Tôi thổn thức, nhịp tim rung lên từng hồi. Chị quay lưng lại với tôi, sóng tóc mỏng nhẹ buông trên gối, tỏa mùi hương dược liệu. Tôi đưa tay vuốt nhẹ tóc chị, quấn vài vòng quanh ngón tay, lặp đi lặp lại không chán. Và rồi khi buông ra, trên tay tôi đầy tóc rụng của chị. Tôi nắm chặt những sợi tóc mong manh ấy trong tay, trở mình, đáy mắt đau nhức.

Biết là có một ngày chia xa, nhưng tôi không nghĩ ngày ấy lại đến nhanh đến thế. Mẹ tôi vì lo lắng cho bệnh của chị, cấp tốc tìm một người mới. Sau kì nghĩ lễ một tuần liền tìm được người hợp ý. Trước khi chị đi, mẹ tôi lần cuối ngỏ ý muốn giúp đỡ chị chữa bệnh, chị từ chối. Chị nói đó là một con số khổng lồ, không nên hoang phí trên người chị.

Đồ đạc của chị không có nhiều, lúc đến thế nào, lúc đi cũng như vậy, một cái túi du lịch đã đủ đựng hết. Mẹ tôi lại cho chị thêm ít quà, thành ra cái túi có vẻ đầy hơn. Tôi thoáng thấy cuốn sổ cũ của chị sắp rơi ra, định lên tiếng nhắc chị thì lại bị mẹ gọi, tôi quên bẵng mất.

Xếp đồ xong xuôi, chị đứng dặn dò tôi. Chị chỉ vào hai cuốn sách trên bàn:

"Chị không có gì tặng em cả, chị chỉ có hai cuốn truyện này. Tuy cũ kĩ nhưng đó là vật chị rất mực trân quý! Nếu một ngày em cảm thấy mệt mỏi, em chùn bước, em có thể bước vào thế giới đó, quên đi những đau đớn trong em!"

"Em ở lại chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, trở thành người tử tế nha! Em đối với chị từ trước đến nay vẫn là cô gái rất đáng quý!"

Tôi vốn chẳng phải người nói nhiều. Đêm qua tôi lại chợt muốn tâm sự với chị. Nhưng ngay lúc này, tôi câm nín. Tôi không biết bắt đầu từ đâu và nên nói gì cho phải. Nghẹn lại một hồi, tôi lí nhí vâng một tiếng, trơ mắt nhìn chị vỗ vỗ vai mình rồi xách hành lí ra ngoài.

Tiếng chị chào tạm biệt mọi người, tiếng dặn dò của bố mẹ tôi cứ líu ríu dưới nhà. Tôi đứng như trời trồng ngay giữa căn phòng dường như chẳng còn dấu vết gì của chị để lại. Đến khi những tiếng nói đó biến mất, tôi hoảng hồn quay người vụt chạy một mạch ra cổng. Vẫn là bóng dáng hao gầy khắc khoải ấy, tấm lưng nhỏ bé gồng lên trên chiếc xe đạp cũ kĩ, cái nón rách một bên, chị xa dần sau gốc cây gạo đỏ.

Bạn đang đọc truyện Minh của tác giả Torpe. Tiếp theo là Chương 7: Hạnh