Chương 5: Minh

Chương 5. Sẽ

1,797 chữ
7 phút
100 đọc

Tôi trở lại trường như bao ngày khác.

Hôm nay tôi học Giáo dục Công dân, tiết về Luật hôn nhân và gia đình. Tôi nghĩ bản thân sẽ sớm gục đầu xuống ngủ gật thôi. Mà tôi tỉnh như sáo. Tôi cũng chẳng nghe giảng, tôi không hứng thú, mang quyển "Gen Vi Kỉ" ra ngồi ngẫm.

Không biết trải qua bao lâu, đột nhiên lớp xôn xao, hào hứng hơn hẳn, lôi kéo sự chú ý của tôi. Tôi ngẩng đầu lên nghe ngóng. Ra là cô giáo mở cuộc tranh luận rằng có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và tình yêu đồng giới, người chuyển giới có nên được chấp nhận. Lớp tôi hai phe ngang ngang nhau, lí lẽ lí luận căng thẳng lắm.

"Trước đó pháp luật đã cấm hôn nhân đồng giới, và mới đây đã sửa đổi thành không thừa nhận. Điều đó thể hiện rằng, trong tương lai, chắc chắn sẽ hợp pháp!"

"Không nên hợp pháp! Như vậy kéo theo rất nhiều hệ quả! Ví dụ như liên quan đến việc sinh con, giáo dục con trẻ..."

"Ý bạn là những người đồng tính đều có tư tưởng lệch lạc, dị hợm khác người?"

"Ý tớ không phải như vậy! Tuy nhiên không phải muốn hợp pháp là hợp pháp, nhất là với một đất nước còn nặng tư tưởng phong kiến, cổ hủ, những con người đi trước bảo thủ! Nếu nhà nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, vậy có phải sẽ gây nên một làn sóng dư luận lớn..."

Đau đầu vậy sao? Tôi biết đến đồng tính từ lâu. Ngay vừa khi tôi nghe thấy khái niệm này, tôi không cho rằng nó là bệnh. Tôi chỉ đơn giản nghĩ, chẳng phải chỉ cần yêu nhau là được thôi sao? Yêu nhiều thứ của nhau cứ đâu có yêu mỗi giới tính? Quy luật của tạo hóa là đàn ông phải yêu, kết hôn, sinh con với phụ nữ? Không sinh con là trái với luân thường đạo lí? Phải như vậy mới là lẽ tự nhiên?

Chẳng có sổ sách nào minh chứng đó là lẽ tự nhiên cả. Tự nhiên sinh ra con người, rồi con người tự tạo nên những luật lệ giáo điều của họ và đổ cho là thiên nhiên quy định thế. Một thứ đẹp đẽ, thiêng liêng như tình yêu đáng lẽ ra không nên bị ngăn cách bởi giới tính. Việc sinh con đẻ cái không phải là trách nhiệm, đó là thiên chức của người làm cha làm mẹ.

Nghe cậu bạn phản bác vô lí và có thái độ không đúng đắn về cộng đồng này, tôi rốt cuộc không thể ngồi yên. Đại diện cho phe chính nghĩa, tôi giơ tay xung phong, thầm giơ ngón cái động viên cậu bạn phe mình mặt đang đỏ gay vì bênh vực cộng đồng.

"Những mặt phiến diện lớp phó lao động vừa nói đều không thuyết phục! Về kinh tế, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới làm tăng GDP đầu người. Thông tin này cậu có thể chi hai nghìn đồng ra quán net tra lại độ xác thực. Về xã hội, họ vẫn làm việc, vẫn cống hiến, họ vẫn có hoài bão ước mơ, vẫn phấn đấu từng ngày. Họ cư xử tử tế, lễ nghĩa, tôn trọng người khác, họ truyền cảm hứng tích cực..."

"Đâu phải người giới tính thứ ba nào cũng thế" Cậu bạn kia ngắt lời tôi.

"Bình tình để tớ nói hết đã! Đồng ý là có người này người kia, vậy chẳng phải họ không khác gì người dị tính chúng ta hay sao, đều có người này người nọ? Bài trừ, xa lánh, xua đuổi, khinh thường họ chỉ vì họ dành tình cảm cho người cùng giới, họ muốn là chính mình? Tình yêu là sự thấu hiểu, đồng điệu giữa hai tâm hồn, biết sẻ chia, thương cảm cho nhau, cùng phấn đấu cho tương lai. Chứ không phải tình yêu là giới tính! Một điều cuối cùng, yêu đúng người sẽ khiến chúng ta hạnh phúc đúng không? Chỉ cần đó là người mình dành tình cảm, phải chứ?"

Tan học khi đó, tôi được chúng bạn bu quanh khen tới tấp. Tôi hùng hồn nói:

"Đứa nào học chuyên Sinh mà còn nói đồng tính là bệnh thì đừng có mà học Sinh nữa!"

Chậc, tôi cũng tự hào về tôi lắm chứ!

Khi ấy giới tính thứ ba vẫn là một khái niệm xa lạ gì nhưng vẫn khá là mới mẻ. Sau cuộc tranh luận hôm ấy, đột nhiên tôi lại muốn biết những người khác có cái nhìn thế nào về cộng đồng này. Tôi mới về hỏi chị:

"Chị nghĩ sao về người đồng tính?"

Chị không ngạc nhiên khi tôi hỏi vậy. Chị dừng lại suy ngẫm cẩn thận rồi mới trả lời tôi:

"Chúng ta đều có thể yêu bất kì ai! Không tính họ hàng ruột thịt!"

Đấy chưa! Tôi đã tìm thêm được một đồng minh mới.

Sau Tết, bố mẹ tôi nhiều việc, tôi tiếp tục ăn cơm chị và bác Ất nấu mà lớn lên. Tôi luôn tò mò buổi tối chị ở trong phòng sẽ làm gì. Tôi mới hỏi chị. Chị bảo chị viết nhật kí, hoặc là đọc đống truyện cổ tích của chị.

Phải rồi, tôi thấy trên bàn chị có một cuốn sổ và một ống đựng bút. Cuốn sổ cũng giống mấy cuốn sách kia, thậm chí còn có phần tơi tả hơn. Phần gáy có lẽ đã bung ra vài lần nhưng được chị khâu lại bằng chỉ. Từ các cạnh của cuốn sổ, cơ hồ như có vết ố màu nâu sẫm. Một đứa học Sinh học như tôi có thể khẳng định đó là vết máu khô rất lâu rồi. Cuốn sổ ấy còn thăng trầm hơn cả những tập truyện cổ tích.

Tôi bắt đầu tán dóc với chị:

"Hẳn là hôm chị đến nhà em , chị ghi lại là có con bé mặt nặng mày nhẹ trông khó ở kinh khủng đúng không?"

Chị phì cười vươn tay xoa đầu tôi:

"Không phải vậy, trong trí nhớ của chị, trong mắt chị, em mãi luôn là cô gái tốt đẹp nhất!"

Hành động lời nói của chị khiến tôi ngượng ngùng, hai tai có vẻ nóng lên. Tôi vốn không thích ai sờ lên đầu, lên tóc tôi. Bố mẹ chạm vào đôi lúc tôi còn né. Nhưng tôi thích chị làm như vậy với tôi. Thấy chị định rời tay đi, tôi rướn cổ đem đầu cọ vào bàn tay chị:

"Chị xoa tiếp đi!"

Chị bắt đầu biết trêu lại tôi:

"Em thích xoa đầu à? Đúng là chủ nào tớ nấy!"

Tôi còn chưa tải được ý nghĩa của vế sau, chị nói tiếp:

"Con Xám cũng thích vậy!"

Con Xám là con chó cưng của tôi. Ngay lập tức, tôi né tay chị ra, phụng phịu về phòng, sau lưng vẫn là tiếng cười khẽ của chị.

Sau Tết, các anh chị khối mười hai đã dự thi học sinh giỏi tỉnh xong, tôi cũng không cần đi học đội tuyển nữa, tôi có nhiều thời gian hơn. Tôi dạy chị đi xe máy.

Có vẻ hơi vô lí, nhưng sự thật là tôi biết đi xe máy từ năm lớp tám. Người truyền lại bộ môn này cho tôi là anh họ, anh ấy hơn tôi năm tuổi. Hè năm đó anh về chơi với tôi trước khi sang Đức du học, anh lôi tôi ra dạy tôi làm điều trái pháp luật này.

Chị bảo nhà chị không có xe máy, chị cũng không mua nổi xe máy nên chẳng đi học lái xe để lấy bằng làm gì. Tôi cười xòa, bảo chị cứ học đi, rồi khi nào đi chợ vèo vèo, nhanh lắm. Chị nghe tôi dụ dỗ, ngồi lên xe. Đi xe máy cũng chẳng có gì khó lắm. Một buổi chiều là chị tự đi được, chở tôi từ đầu khu đến cuối khu.

Cuối xuân đầu hè, cành lá đã xanh mơn mởn, thời tiết lí tưởng. Bố mẹ tôi trở về sau chuyến công tác cả tuần vào miền Nam. Sẽ không có gì đáng nhắc đến cho đến khi buổi tối đó, tôi nghe được cuộc trò chuyện riêng của mẹ với chị.

Đáng ra tôi sẽ phải học ban đến tối, nhưng vì thầy cô phải chuẩn bị sổ sách để Sở về kiểm tra, tôi được về sớm. Để về phòng, tôi phải đi qua phòng mẹ. Ngay từ lúc bước lên bậc thang cuối cùng, tôi đã nghe trọn vẹn câu chuyện ngay từ lúc mới bắt đầu.

"Cô thấy băng vệ sinh trong nhà hết rất nhanh, tuần trước mới mua nhiều, mà tuần này đã hết. Cô không ở nhà, bác Ất không dùng, em Hà cũng không trong kì sinh lí. Cô nói vậy con hiểu đúng không? Cô không phải tiếc con mấy cái lặt vặt đó, cô chỉ muốn tâm sự với con, hỏi con một chút. Con có gì khó khăn sao?"

Tôi căng thẳng một hồi, chuyện gì đây? Chị không trả lời ngay, chị im lặng một khoảng dài. Tôi hồi hộp theo. Bởi vì tôi không nhìn thấy dáng vẻ của chị, tôi lại càng nôn nóng. Đợi đến mất kiên nhẫn, cuối cùng tôi cũng nghe giọng chị. Chị nói chậm rãi, bình tĩnh, trầm ổn như thể khoảng thời gian im lặng trước đó là để chị sắp xếp từ ngữ.

"Có khả năng... con phải xin cô nghỉ làm, là thôi việc ấy ạ! Con rất quý cô chú, quý em, quý cá bác Ất. Con mến từ con Xám, góc vườn cô cho con, đến từng cái chổi, cái chậu trong nhà. Nhưng con buộc phải xin phép cô rồi ạ!"

Tim tôi bóp thắt lại. Cuộc đời tôi trải qua hai sự việc khiến tôi có phản ứng kịch liệt như vậy. Lần đầu là khi nhận kết quả thi tuyển sinh, và lần thứ hai là ngay lúc này đây. Ngay lập tức, sự mất mát tràn trề trong tôi, cổ họng tôi nghèn nghèn và khóe mắt nhức lên từ lúc nào.

Dù chỉ nghe thấy giọng mẹ, tôi cũng biết mẹ hốt hoảng đến nhường nào:

"Sao lại thế? Nếu là vì chuyện này thì con đừng bận tâm! Cô chỉ muốn hỏi thăm con thôi! Mọi việc con làm đều rất tốt, rất có trách nhiệm! Từ ngày con đến, em Hà còn thay đổi rất nhiều nữa!"

Bạn đang đọc truyện Minh của tác giả Torpe. Tiếp theo là Chương 6: Thật