Chương 1: Minh

Chương 1. Chị

1,694 chữ
6.6 phút
136 đọc

Khi những cơn gió đông rít từng hồi khắc nghiệt, lạnh buốt và bạc bẽo vào những ngày cuối năm, tôi lại bồi hồi. Năm nào cũng vậy, trào lên trong tôi không biết bao nhiêu xúc cảm vào mùa gió bấc.

Tôi gác hết công việc lại, đến tiệm hoa, mua lấy một bó hoa hướng dương. Tôi nhận được điện thoại của em. Dường như em cũng gấp gáp lắm, vội vã lắm. Em nói:

“Chị đang đứng ở đâu? Em đến ngã tư rồi!”

“Chị ở tiệm hoa 121”

Em giống tôi, dọn dẹp bề bộn cuộc sống sang một bên, trở về yên lặng bên cô gái đáng thương ấy.

Tôi và em yêu nhau đã năm năm. Không một năm nào vào ngày này em vắng mặt. Em cũng xót xa mảnh đời ấy phải không?

Nghĩa trang hôm nay thật vắng. Mộ của chị cũng vậy. Ngày dỗ chị mà không có lấy một nén hương. Tôi mỉm cười, đưa tay phủi lớp bụi trên tấm di ảnh của chị.

“Nhanh thật! Vậy mà em đã bằng tuổi chị rồi!”

Chúng tôi dọn sạch cỏ, lau chùi sạch sẽ. Sau đó mới xếp hoa quả, bánh kẹo và đặt bó hoa lên mộ chị.

Cách đây mười ba năm, khi ấy tôi tròn mười lăm tuổi. Tôi là một cô ấm đài các sống trong nhung lụa, gia cảnh giàu có.

Nhà tôi có một người giúp việc rồi, nhưng sau đó mẹ lại dẫn thêm một cô gái nữa về thành người làm thứ hai vào mùa hè năm ấy.

“Đây là chị Minh, chị bắt đầu làm ở nhà mình từ hôm nay nhé con!”

Thú thật là lúc đó đương tuổi nửa con nửa bà, tính tình tôi không tốt đẹp gì. Tôi chỉ liếc chị một cái rồi quay lưng đi.

Tôi còn nhớ rõ ràng dáng vẻ quê mùa khi đó của chị. Một chiếc áo sơ mi sờn chi chít lỗ vá, nhìn kĩ hơn thì có thêm vài vết ố. Chiếc quần bò cũ bạc màu, một đôi dép lê đã tĩ tã lắm. Chị buộc tóc đuôi ngựa, mái tóc xơ xác cháy nắng ngả màu.

Chị toát lên dáng vẻ của một con người lao động, chất phác, hiền từ.

Mấy ngày đầu, tôi chẳng niềm nở với chị. Sự khinh thường lộ rõ trong thái độ của tôi. Chị có thể quét dọn cả nhà, trừ phòng tôi. Quần áo chị có thể giặt cả chậu, chừa của tôi ra. Đồ ăn chị có thể nấu cả bàn, nhưng đừng mong tôi động đũa.

Cái dáng vẻ củ mỉ và quê mùa ấy cực kì chướng mắt tôi, dù chị chưa làm gì khiến tôi bực tức bao giờ.

Tôi dần tốt lên từ sau cái lần chị giúp tôi tìm chó. Thú cưng của tôi chạy đi đâu mất đến tối muộn vẫn chưa thấy về. Sấm chợp đã giật, tôi lo lắng không thôi.

Tôi không yêu cầu nhưng buộc tấm nilon lớn làm áo mưa, đội nón lặng lẽ đi tìm chó cho tôi trong đêm mưa. Tôi cũng mặc kệ.

Chị đi lâu lắm và tôi dần lo cho chị hơn là cho con chó. Tôi giận cá chém thớt, lại rủa thầm vài câu. Tại chị mà nỗi lo của tôi càng thêm lớn.

Đồng hồ điểm đến con số mười một, mưa vẫn xối xả, chị xuất hiện trong sân. Chị gọi tôi ra, cho tôi xem con chó của mình vẫn bình yên rồi đem nhốt vào lồng.

Dưới cơn mưa tầm tã, bóng lưng chị gầy guộc lúi húi. Tấm ni lông và cái nón không tài nào che chở được cho chị. Tôi bỗng dậy lên chút thương cảm, nhưng cũng chẳng nhiều lời, quay người về phòng.

Hôm sau, đến phiên chị làm cơm. Giờ cơm trưa vào phiên chị làm, thường thì tôi sẽ tự nấu mì tôm ăn. Nhưng bước xuống cầu thang, tôi dừng lại, đôi chân xoay bước về bàn ăn, ngồi xuống cạnh chị.

Nhà tôi dễ tính gần gũi, cả người làm và chủ đều có thể ăn chung mâm. Thấy tôi ngồi vào bàn cơm, bố nghĩ tôi không có tiền, định rút ví cho. Nhưng chưa kịp làm, tôi đã đưa bát của mình cho chị, lạnh nhạt nhả ra mấy chữ:

“Cho em bát cơm!”

Cả bàn ăn bỗng kì dị, tròn mắt. Đặc biệt là chị, ngỡ ngàng rồi giật mình vội đón lấy cái bát của tôi, đơm cơm và đặt lại trước mặt tôi.

Công minh mà nói, cơm chị nấu ngon hơn bác Ất nấu, có cá kho, sườn chua ngọt, khoai tây xào và canh xương bí đỏ. Tôi ăn nhiều hơn bình thường, cụ thể là gấp đôi, đến nỗi mà bố mẹ phải nhìn tôi bằng ánh mắt phán xét.

Ăn xong tôi gác đũa mời bố mẹ rồi đi tuốt về phòng.

Buổi chiều, chị lau dọn đến tầng của tôi. Tôi không nặng không nhẹ đi ra nói với chị:

“Chị dọn phòng em cẩn thận mấy cái kỉ niệm chương. Mấy cái áo trắng của em chị phải giặt riêng ra!”

Chị ngẩn ra nhìn tôi, rồi lại chợt ngộ ra điều gì, cười hiền ừ một tiếng.

Tôi nhớ hè năm ấy nóng lắm, tôi mở ba cái quạt rọi vào người mà mồ hôi còn như tắm. Ấy vậy mà chị vẫn đóng quần dài áo dài, trông bức bối kinh khủng. Tôi đoán là chị không có quần áo. Bởi vì qua suốt một tháng, chị mặc đi mặc lại một bộ hôm chị đến nhà tôi ngày đầu tiên, và hai bộ nữa cũng kiểu dáng cũ kĩ như vậy, xoay vòng đến quen mắt.

Nắng nóng, cho dù là sau một kì thi tuyển sinh vào mười đầy áp lực, tôi cũng chẳng buồn đi chơi cho đen da. Cũng vì vậy mà tôi lại dành thời gian quan sát chị nhiều hơn. Nhà tôi tổng thể rộng không quá rộng mà cũng chẳng nhỏ. Nhưng có hai người làm thì không tất bật mấy.

Khoảng bốn giờ chiều, việc dọn dẹp đã xong xuôi cả. Tôi thấy chị có mấy cái chậu nhỏ ở góc sân. Mẹ tôi mua cho vui rồi đem về vứt xó. Chị xin mẹ tôi mấy cái chậu đó, mẹ tôi hào phóng luôn, rồi còn bảo chị cứ thoải mái, cái góc sân đó là của chị. Chị trồng hoa đẹp lắm, còn có thêm cả cây ớt nữa. Chiều rảnh, chị thường ra chăm chút, tỉa nắn chúng.

Tầm đó nhiệt độ đã giảm, mà gió thật lộng. Hiên trước nhà tôi hút gió, chị thường ngồi cặm cụi khâu khâu vá vá mấy bộ quần áo bạc nắng của mình.

Con chó của tôi cực kì thích chị ấy. Nó quấn chị suốt. Chị chăm cây thì nó ngồi cạnh chân. Chị khâu quần áo thì nó nằm trên bậc tam cấp, yên tĩnh, ngoan ngoãn. Nắng còn vương vàng ươm cuối ngày, chảy trên bộ lông dài đang lay nhẹ vì gió của nó.

Suốt thời niên thiếu sống trong nhung lụa tuỳ hứng ấy, tôi ngỡ ngàng. Thì ra thế giới này lại có hình ảnh đẹp đến vậy. Như một nét vẽ mà ai đó điểm thêm vào bức tranh cuộc đời nhạt màu của tôi, khiến nó trở nên rực rỡ.

Tôi nhận ra suy nghĩ và hành động trẻ con của mình lố bịch thật. Cao ngạo với ai? Kiêu kì với ai? Nếu không sinh ra trong gia cảnh khá giả, tôi còn thong dong đứng đây ngắm trời ngắm đất không? Hay lam lũ, cực nhọc như bao hoàn cảnh khốn khó ngoài kia.

Chị ấy đúng là người giúp việc cho nhà tôi, gọi theo cách châm biếm của các cụ thì là osin đấy. Nhưng vậy thì có gì xấu xa, lao động bằng sức của mình, sống thuần hậu dịu dàng. Tôi còn bới móc cái gì từ chị ấy?

Tôi kiểm điểm bản thân mấy ngày. Chọn một ngày đẹp trời, sau cơn mưa lớn tối qua, thời tiết mát mẻ hơn, tôi lấy cớ đi chơi với bạn. Tôi không tốt lành gì, nhưng tôi muốn làm gì tốt đẹp cho chị.

Tôi đến tiệm quần áo, chọn lấy hai cái áo ngắn tay, hai cái quần dài vải mỏng, chọn cho chị một đôi dép mới. Tôi mới mười lăm, còn chưa dậy thì hết mà chị mới chị còn thấp hơn tôi một cái đầu, dáng người gầy gò khắc khoải. Mọi thứ tôi đều lấy số nhỏ cả.

Mua xong tôi mới bần thần. Tôi nên nói với chị như nào? Tôi nên dùng thái độ gì?

Về đến nhà, tôi đã ôm túi chạy vội về phòng đóng cửa. Nhưng sao tôi phải trốn? Nhà tôi mà?

Tôi ngã nằm ra giường, nhìn chằm chằm lên trần nhà nghĩ suy. Sau cùng, tôi lấy túi, bỏ hết đồ ra, cắt tem mác, xịt thơm.

Vừa xong xuôi tất cả, chị vào phòng tôi dọn dẹp. Tôi hít sâu một hơi rồi mới dám cất giọng:

"Chị Minh!"

Chị quay đầu nhìn tôi, đáp lại nhẹ nhàng:

"Sao em?"

Tôi chìa cái túi ra, đọc làu làu câu văn tôi đã niệm sẵn trong đầu:

"Chỗ quần áo này em lớn rồi, không mặc vừa nữa, bỏ đi thì tiếc. Dáng chị cũng hợp, em tặng lại chị nè!"

Nói rồi tôi chỉ muốn cắm mặt vào trong áo. Chị ấy sẽ phản ứng như nào? Chị ấy liệu có hiểu sai ý của tôi không?

Nhưng hàng loạt câu hỏi ấy đều được giải đáp một cách êm xuôi. Chị mỉm cười, đưa tay nhận lấy, tay còn lại vỗ nhẹ lên tay tôi:

"Chị cảm ơn em!"

Năm đó, có một đứa trẻ vui sướng hơn cả những hạt nắng đang nhảy nhót độ hè, như vừa đạt được thành tựu lớn đầu tiên trong đời.

​​​​​​

Bạn đang đọc truyện Minh của tác giả Torpe. Tiếp theo là Chương 2: Minh