Chương 8: Mémoire (Tuỳ Bút)

Chương 8. Từ đống tro tàn

1,618 chữ
6.3 phút
55 đọc

- Chuyền đi thằng kia!

- Chuyền đi đừng có sút!

- Sút đi đừng chuyền nữa!

Tôi lựa chọn rê bóng. Một, hai, rồi ba hậu vệ. Tôi luồn qua, nhanh như một con sóc. Mặc kệ đồng đội của tôi chỉ đạo cái gì. Chuyền hay là sút? Sút hay là chuyền? Tôi không nghĩ nhiều như vậy. Chỉ có dẫn bóng và sút bóng. Thoáng chốc trước mặt tôi chỉ còn thủ môn của đội bạn. Gã dang hai tay ra để khép góc sút của tôi. Nhưng tôi đâu phải tay vừa. Tôi lốp bóng qua đầu hắn, nhưng bất chợt tôi đổ vật xuống như một cái cây bị người ta cầm cưa đốn hạ. Tay hậu vệ bên kia đã kịp thời có mặt và truy cản, hắn làm một cú xoạc sau. Tôi ngã vật ra, ôm chân hét toáng lên, và tôi khóc. Khóc không chỉ vì không ghi được bàn thắng. Mà vì tôi chợt nhận ra mình đã gặp chấn thương. Chấn thương không hề nhẹ. Ngay ở phần đầu gối. Và chấn thương này có thể đưa tôi và trái bóng tròn rời xa mãi mãi.

*

- Cháu suýt nữa bị đứt dây chằng chéo phải. Từ nay gia đình chưa nên cho cháu vận động mạnh. Phải tập vật lý trị liệu trước đã.

Ông bác sĩ già với cặp kính trắng phe phẩy tờ giấy chụp X-quang rồi nói với cả nhà tôi.

Nghe xong, bố mẹ tôi hoang mang lo sợ. Vì bóng đá là đam mê cháy bỏng của tôi. Thiếu bóng đá tôi còn ích gì trên đời nữa đây? Tôi oà khóc nức nở ngay tại phòng khám.

Ngày xưa tôi là một tiền đạo khét tiếng. Chẳng biết có phải tôi thừa hưởng gen trội từ bố tôi hay không? Mà khi ấy tôi đá bóng rất cừ. Rê bóng qua 4-5 hậu vệ với tôi chỉ là chuyện cỏn con. Một trận tôi ghi 4-5 bàn á? Cũng bình thường. Không phải tự nhiên mà hồi học cấp 1 tôi là đội trưởng đội bóng lớp tôi. Dễ thôi, bọn lớp tôi chỉ cần đứng dưới, phất bóng lên cho tôi xử lý. Bang, bang, bang. Và thế là có bàn thắng. Có tôi làm tiền đạo thì đội bóng lớp tôi chẳng sợ ai cả. Xem như chức vô địch năm nay về tay chúng tôi rồi.

Nhưng tôi đâu có ngờ. Chấn thương mà tôi gặp ở trận chung kết giải bóng đá cấp trường năm cuối cấp một, ngay trong tình huống mà tôi đối mặt với thủ môn như tôi đã kể ở trên, đã khiến lớp tôi mất chức vô địch. Chúng tôi thua với tỉ số 1-0. Sau trận ai cũng buồn. Nhưng bọn bạn tôi buồn 1 thì tôi buồn 100. Vì chấn thương gặp phải mà tôi rời xa sân cỏ một thời gian rất dài. Và suốt những năm ấy tôi chẳng hề đụng vào trái bóng. Quả bóng mẹ tôi mua làm quà sinh nhật năm tôi lên lớp năm cũng bị tôi vứt vào một xó.

Tôi nghe người ta bảo rằng sau một chấn thương nặng thì một cầu thủ chẳng thể nào đá hay như lúc trước khi anh ta mắc phải chấn thương đó. Nếu anh ta bị chấn thương trong những pha một đối một thì anh ta sẽ ngại tranh chấp với đối phương. Người ta gọi đó là hội chứng tâm thần phân liệt (PTSD). Là một cơ chế để bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương đã từng mắc phải. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó tôi trở lại sân cỏ. Tôi ngại đấu tay đôi. Tôi ngại tranh bóng. Tôi ngại rê bóng. Tôi ngại tất cả mọi thứ.

Và lúc đấy tôi chẳng khác gì một gã hề đang chạy lăng xăng trên sân bóng.

*

Năm năm trôi qua. Và tôi vẫn vậy. Có thể chơi những môn thể thao khác nhưng chẳng bao giờ dám đá bóng trở lại. Vì tôi sợ. Tôi không chiến thắng được con ác thú của nỗi sợ hãi bên trong mình. Tôi sợ nhiều thứ lắm.

Và rồi, cơ may với trái bóng tròn quay lại với tôi một cách bất ngờ.

- Ê, đội lớp mình thiếu người. Mày đi đá không?

Tên lớp trưởng lớp tôi cầm trong tay bản danh sách đăng kí cho giải bóng đá truyền thống ở trường cấp ba nơi tôi học. Tôi phân vân mấy ngày liền. Đá hay không đá? Đá cũng dở. Lỡ tái phát chấn thương. Không đá cũng dở. Lớp tôi thiếu người mà.

Và rồi trong một khoảnh khắc, chẳng hiểu vì sao, tôi xách cái bơm bằng tay ra, bơm lại trái bóng mà mẹ tôi tặng tôi. Thế là tôi tập bóng trở lại.

Mới đầu rất khó khăn. Tôi mất hết bộ kĩ năng mà ngày xưa tôi từng có. Tôi bây giờ chỉ là cái bóng của tôi trước kia. Kệ! Tôi vẫn miệt mài luyện tập. Tập một mình rồi tập với lũ nhóc trong xóm, rồi tôi xách giày ra sân đá giao hữu với mấy đội lớp khác. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ về trận đấu ra quân ở vòng bảng của lớp tôi.

Giải trường tôi có tổng cộng 12 đội, chia làm 3 bảng, lấy 3 đội nhất bảng và 1 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất vào bán kết. Chả hiểu tay lớp trưởng lớp tôi đi bốc thăm kiểu gì mà đội lớp tôi rơi thẳng vào bảng tử thần. Ba đội còn lại toàn là lớp 11,12. Còn chúng tôi mới chân ướt chân ráo bước đến giải đấu này. Một thử thách thật sự.

*

Bầu không khí thật náo nhiệt. Xung quanh là những khán giả hò reo cổ vũ. Những cánh chim lượn trên bầu trời. Một buổi chiều đầy nắng. Chúng tôi bước vào giải đấu với không nhiều kỳ vọng.

Tôi được đăng ký ra sân ngay từ đầu. Đây rồi. Vẫn là bầu không khí ấy. Vẫn là trái bóng ấy, khung thành ấy, vạch vôi ấy. Chỉ là con người đã khác trước. Nghe dặn dò và hiệu lệnh từ trọng tài, chúng tôi bước ra sân, đầy uy nghiêm và hùng dũng. Không một tiếng cười đùa. Vì đối đầu chúng tôi là lớp 11 Hoá, một đối thủ khá mạnh.

Trọng tài thổi còi. Trận đấu bắt đầu. Tôi xuất phát ở vị trí hậu vệ phải trong sơ đồ 3-1-2. Một vị trí chẳng lý tưởng chút nào. Nhưng vì là một kẻ thất sủng, thôi thì tôi chấp nhận vậy.

Thế trận diễn ra cân bằng. Hai đội ăn miếng trả miếng. Tôi cũng có vài tình huống truy cản. Nhưng tuyệt nhiên tôi không dám dắt bóng lên trên, để thằng Nhật cùng đám bạn tôi mặc sức tung hoành ở phần sân bên kia.

Và tôi cứ mãi như vậy. Đối thủ dắt bóng. Tôi cản phá, đá ra biên. Tôi không dám thể hiện mình.

Đấy là cho tới khi đối thủ mắc sai lầm ở nửa sau hiệp 1.

Tỉ số lúc ấy là 1-1. Cầu thủ đội bạn dắt bóng từ cánh trái phần sân đối phương sang phần sân bên tôi. Trách nhiệm chắc chắn là về tôi. Chắc bạn sẽ nghĩ là tôi lại đá bóng ra biên đúng không?

Không hề. Trong một thoáng mất tập trung, hậu vệ đối phương để tôi cướp bóng, tiện thể xâu kim luôn anh ta.

Bây giờ tôi có hai lựa chọn. Một, tôi chuyền bóng cho bạn tôi. An toàn nhưng thiếu đột phá. Hai, tôi đi bóng xộc thẳng vào vòng cấm đối phương. Sáng tạo nhưng đầy rủi ro. Với nỗi sợ hãi của tôi thì lúc đấy chính tôi cũng nghĩ là mình sẽ chuyền. Nhưng không, sao thế này! Tự nhiên tôi cảm thấy một luồng năng lượng đang cuộn trào trong từng thớ thịt. Loại năng lượng quái quỷ gì đây? Tôi chưa từng cảm nhận bao giờ. Nhưng nó thúc tôi đi về phía trước. Nó như bảo tôi rằng phải một lần nữa trở về là chính tôi, trở về là bản ngã của mình. Bản năng tiền đạo trong tôi lại trỗi dậy, dù nó không được mãnh liệt như trước. Trong một tích tắc, cuộc đấu tranh nội tâm trong tôi diễn ra đầy kịch liệt không thua gì trận bóng đang diễn ra đây.

Rồi cái chất sát thủ trong tôi chiến thắng. Tôi như là chính tôi một lần nữa. Tôi dắt bóng từ cánh phải. Mặc những tiếng hét chỉ đạo từ bọn bạn tôi. "Chuyền cho tao nè!", "Đừng có dẫn lên!". Ký ức trận chung kết năm năm trước lại ùa về. Nhưng tôi chẳng quan tâm. Giờ đây tôi đã được sinh ra một lần nữa. Tôi chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng mình. Chấn thương hay gì cũng mặc! Miễn tôi được cháy hết mình với đam mê. Sợi xích tâm lý tôi đã tự mình tháo nó ra. Để tôi một lần nữa được là một tiền đạo như hồi còn bé.

Tôi bị đối phương cướp lại bóng và trận này lớp tôi thua tận 1-4. Chẳng hiểu sao tôi vẫn nở nụ cười. Khi tôi ngã xuống vì bị lấy bóng, bên ngoài đường pitch là những khán giả đang hò reo vì pha bóng đầy đột phá của tôi. Và bầu trời trong tôi đã quang hơn...

"Never give up. - Đừng bao giờ từ bỏ đam mê của bạn."
Bạn đang đọc truyện Mémoire (Tuỳ Bút) của tác giả Người Ngoài Hành Lang. Tiếp theo là Chương 9: Thương Trường Là Chiến Trường (2)