“Lam ơi! Đi học thôi!” Giọng lảnh lót của Tâm vang lên. Một đứa bé loắt choắt còi cọc chui ra từ trong cửa. Đứng chờ nó là một con bé với vẻ ngoài trái ngược hoàn toàn. Lam lúc nhỏ chỉ gầy như một cái kẹo mút dở, khuôn mặt ngơ ngác, tóc ngắn mái bằng kiểu úp tô lên rồi cắt. Còn Tâm thì mũm mĩm đáng yêu với mái tóc được cột gọn đằng sau bằng chiếc nơ xinh xắn màu hồng chấm bi. Tâm tươi cười vui vẻ, thậm chí mồm còn hở ra cả mấy cái răng sún, chộp lấy tay Lam kéo cô đi về phía trường. Lúc còn học tiểu học, nhà Lam ở gần nhà Tâm. Hai đứa chơi với nhau như một lẽ rất tự nhiên. Dù sao cũng bằng tuổi, lại học chung một trường cách nhà có mấy bước chân.
Sáng nào cũng là Tâm gọi Lam đi học. Hồi ấy Tâm đã là một cô bé nhí nhảnh, đáng yêu. Tâm thích màu hồng, nhìn nó bao giờ cũng như một con búp bê sứ đẹp đẽ xinh xắn, lúc thì cặp tóc màu hồng, hôm lại mang chiếc ô hồng, rồi đến cả cái cặp sách cũng hồng nốt. Trái ngược với Tâm, từ nhỏ Lam đã mặc đồ tông màu tối. Lúc bé, ai cũng gọi Lam là bà cụ non vì đồ cô mặc toàn đồ hàng chợ đổ đống rẻ tiền. Mãi cho đến lên cấp Hai, nhà Lam làm ăn khấm khá lên, bố mẹ mới có tiền mua cho Lam chút quần áo gọi là tử tế hơn chút. Nhưng cô vẫn giữ thói quen mặc đồ tối màu. Điều này theo Lam đến tận cấp ba, trông cô nhiều khi chả khác gì một người đi làm với trang phục sơ mi đóng kín cổ, áo khoác cũng màu đen, dáng vẻ chững chạc trưởng thành hơn hẳn so với bạn đồng trang lứa.
Tính tình Lam trầm lặng, ít nói, đôi mắt hay buồn và khuôn mặt thì trầm ngâm như những tháng mưa dầm. “Sao em ít nói thế!” là câu nhận xét mà cô hay nhận được từ người khác, đặc biệt là thầy cô giáo khi bình luận về tính cách của cô. Lam đã có vẻ trầm buồn ngay từ khi cô mới là một đứa trẻ. Cô không mấy khi cười, thậm chí có người còn bảo cô nhìn u ám, rầu rĩ suốt ngày như nhà có tang. Hồi còn bé cô luôn bị châm chọc vì cái mặt “không chơi được” này, vì thế Lam rất ít bạn bè, đừng nói là bạn thân. Người duy nhất cô có thể coi là bạn thực sự chỉ có Tâm.
Trái ngược với Lam, Tâm là một cô gái nhí nhảnh, hoạt bát, nhanh mồm nhanh miệng ngay từ nhỏ. Lam nhớ lại hồi đầu mới biết Tâm, là lúc hai đứa chắc vẫn còn đang đóng bỉm. Cô ngồi yên lặng ở nhà Tâm, nhìn Tâm vui vẻ chơi đồ hàng. Lam chẳng nói gì, đôi mắt chỉ dõi theo Tâm đem bộ đồ xếp hình và nấu ăn ra sắp đặt. Khi Lam đã bắt đầu có thể rỏ cả nước dãi ra sàn rồi thì Tâm mới đi đến gần cô, liến thoắng hỏi từ việc tên của Lam cho đến nhà Lam ở đâu. Tâm cứ độc thoại như vậy liên tù tì một hồi, trong khi Lam chỉ biết ngẩn ngơ nhìn theo mồm Lam mấp máy liên tục. Cho đến khi Tâm quyết định kéo tay Lam, rủ cô vào chơi đồ hàng cùng. Từ hôm ấy trở đi, ngày nào Tâm cũng sang nhà Lam lôi bằng được cô sang nhà chơi với mình. Rất tự nhiên và ngây thơ, hai đứa bắt đầu mối quan hệ bạn bè từ dạo ấy.
Lớn lên cùng nhau đến tận năm Lam lên lớp bảy, cô mới chuyển trường đi nơi khác. Dù vậy, Lam và Tâm vẫn chơi với nhau cho tới bây giờ. Hai đứa dù tính cách trái ngược nhưng lại vô cùng thân thiết. Có lẽ người ta bảo càng trái dấu thì càng hút nhau là vì thế. Tâm thì nhí nhảnh, lắm mồm bao nhiêu, Lam lại trầm tính, ít nói bấy nhiêu.
Trong ký ức của Lam, chẳng khi nào cô thoát được việc bị đem ra so sánh với Tâm. Mẹ cô sẽ chép miệng bảo giá như Tâm san sẻ vài phần vui tươi sang cho Lam, thậm chí còn bảo Lam nên học Tâm cách ăn nói, đi lại, ăn mặc. Hàng xóm nhiều người vô tình hay cố ý có lúc sẽ đem cả hai đứa ra so. Lam chỉ biết cố gắng học tập, để ít ra còn có chỗ mà người ta không đánh giá cô kém hơn Tâm được. Dù là thế nhưng dường như cô có cố gắng thế nào đi chăng nữa, người ta vẫn sẽ để ý, xét nét từng tí về cô, thậm chí buông những lời nhận xét có ý mỉa mai, chê trách phần nhiều. Ví dụ như: “Cháu cứ câm như hến thế, nhìn con bé Tâm kia kìa, phải năng động lên chứ!”
Khi lớn rồi, người ta sẽ cho những câu nói vu vơ ấy là việc vặt vãnh, chả đáng quan tâm. Nhưng đối với một đứa trẻ, đôi khi chỉ những lời nói vô tình, với ý xấu hay chỉ đơn giản là đùa giỡn thôi đã đủ khiến chúng thấy có phần bị tổn thương, nữa là những kẻ ác ý, cố tình châm chọc kháy đểu chỉ để thỏa mãn mua vui nhất thời, nhằm an ủi cái tôi của chính chúng. Nếu phải kể ra thì chắc ai cũng sẽ có ít nhất dăm ba thành phần độc hại như vậy trong cuộc sống. Sẽ tệ hơn nữa nếu những lời ác ý, độc địa hạ thấp người khác ấy được nói đi nói lại qua nhiều năm. Chúng sẽ trở thành liều thuốc độc, dần dần bôi đen tâm hồn của một cô bé ngây thơ. Và khi mọi chuyện không thể cứu vãn được nữa, những kẻ kia sẽ chỉ chép miệng và buông lời nhận xét đầy đạo đức, chứ không nghĩ gì đến hậu quả do chính chúng gây ra.
Lên cấp hai, khi gia đình có điều kiện hơn, Lam chuyển đi cùng bố mẹ. Cô có phần vui mừng vì không phải ở cạnh nhà những bà hàng xóm nanh nọc, ác mồm ác miệng nữa. Tuy nhiên Lam cảm thấy khá buồn khi phải xa Tâm, người bạn đầu tiên và duy nhất của cô. Đợt mới chuyển nhà, Lam hay lấy lý do nhớ nhà cũ, chạy qua chơi với Tâm bất cứ khi nào cô rảnh. Ban đầu, Tâm sẽ rất hào hứng đón chào cô.
Nhưng rồi mọi vật đều sẽ thay đổi, cảnh còn người mất, lòng người cũng biến chuyển theo thời gian. Từ khi chuyển đi rồi, Tâm và Lam cứ dần dần xa cách nhau. Người ta bảo xa mặt cách lòng quả không sai chút nào. Được độ vài tháng sau khi Lam chuyển nhà, Tâm đã tìm được bạn bè mới, hay là Tâm viện nhiều cớ để ít đến gặp Lam. Suốt những năm tháng cấp hai sau đó, Lam lại cô đơn, đi đâu cũng chỉ lầm lũi một mình. Thế là cô chỉ biết vùi đầu vào học, vừa để quên đi nỗi buồn cô quạnh gặm nhấm tâm can, vừa để có thể chứng minh bản thân không hề vô dụng.