Chương 14: Ma Nữ Rừng Tuyền Lâm

Chương 14. Chương 14

3,190 chữ
12.5 phút
89 đọc
1 thích

Đám đông đang quỳ bên dưới hành lễ cùng tự nhiên thấy thế thì xanh mặt, xì xụp vái. Tiếng mõ của cụ ngày càng nhanh hơn, dồn dập hơn. Chị gái kia cũng lắc lư ngày càng mạnh hơn. Tiếng mõ đột ngột dứt, chị gái kia rùng mình một cái rồi ngồi im.

Cụ Thơi giở cái khăn ra, hai con mắt của chị đã lộn ra toàn tròng trắng. Cụ Thơi liền cất tiếng hỏi:

- Vong kia, tên tuổi là gì?

- Đinh Văn Tứ.

- Người thân thích ruột thị là ai?

- Vợ Đặng Thị Nhài, con trai Đinh Văn Khang, con gái Đinh Thị Huệ.

Chị Tứ nghe thấy thế thì khóc nấc lên, quỳ mọp xuống mà khóc.

Cụ Thơi lại bình tĩnh hỏi:

- Anh Tứ, anh biết vì sao mà mình chết không?

Chị gái kia lại cất tiếng, cái giọng ồm ồm đúng là giọng của anh Tứ, đều đều nói:

- Nghiệp chướng từ 12 năm trước, giờ đến lúc tôi phải trả.

Cụ Thơi lại hỏi:

- Nghiệp chướng là thế nào?

- 12 năm trước, tôi đã thấy 1 người chết ngay trước mắt mà không thể cứu. Cô ấy oán tôi không chịu cứu cô ấy nên lấy mạng tôi. Dương số của tôi đã tận. Tôi không oán hận gì cả.

- Cô ấy là ai? Cô ấy chết thế nào? – cụ Thơi lại hỏi

- Tôi không biết cô ấy là ai, chỉ biết có 2 tên là Khải và Đạo đã hãm hiếp cô ấy đến chết trước mắt tôi. Nhưng vì chúng doạ giết cả nhà tôi nếu tôi nói ra, nên tôi giữ im lặng đến bây giờ. Tôi chết là vì đã đi vào rừng, đi ngang lại chỗ cô ấy chết, gặp vong hồn cô ấy nên mới bị đòi mạng.

- Vậy bây giờ anh có mong muốn làm gì trước khi đi không? Để tôi thực hiện giúp anh rồi anh siêu thoát đi mà đầu thai. Đừng làm vong hồn vất vưởng không siêu sinh thì lại khổ.

- Tôi đã trả nghiệp của mình. Tôi không oán hận gì hết cả… - rồi bỗng vong lại hướng về chị Tứ mà nói – Mình ơi, chăm sóc con mình nhé. Có kiếp sau, tôi vẫn muốn được kết tóc với mình. Tôi đi trước đây.

Dứt lời, chị gái kia lại rùng mình một cái, nhắm mắt lại rồi ngất lịm đi. Cụ Thơi gọi người đỡ chị gái đó ngồi dậy, cụ điểm vào mấy cái huyệt trên đỉnh đầu và lưng của chị rồi bảo người đỡ chị xuống nghỉ ngơi. Rồi cụ quay sang cụ Hến bên cạnh nói:

- Vậy là giờ anh Tứ có thể siêu sinh được rồi, cũng không sợ trở thành oán hồn lang thang nữa. Bây giờ tôi sẽ làm lễ cầu siêu cho anh ấy, rồi cụ cho người đưa đi chôn luôn nhé.

Cụ Hến lặng lẽ gật đầu. Cụ Thơi lại tiếp tục ngồi khoanh chân gõ mõ, cúng bài cúng cầu siêu cho anh Tứ.

Đám tang anh Tứ cứ vậy mà được thực hiện rất nhanh chóng, rồi họ đưa anh ra bìa rừng, chôn dưới khu vực vườn cây mà anh và chị Tứ đã khai hoang chăm bẵm. Chị tứ ôm 2 đứa con khóc như mưa như gió. Con bé con thì chẳng biết gì chỉ thấy mẹ đang khóc nên nó cũng mếu máo khóc theo. Nhưng còn thằng Khang, mặc dù không được thấy hình ảnh cái xác của cha mình, nhưng nó cũng được nghe đoạn gọi hồn của anh Tứ nên cũng hiểu chuyện đôi chút. Nó mím chặt môi không khóc, mặt nó đanh lại, một tay nắm chặt tay mẹ, một tay cầm bông hoa tung xuống huyệt cho cha. Không ai biết nó đang nghĩ gì.

Ngay trong buổi chiều hôm đó, sau khi tang lễ của anh Tứ thực hiện xong xuôi, cụ Thơi đã đi vào rừng để làm nghi lễ lập kết giới bảo vệ dân 2 làng. Không ai rõ cụ đã làm thế nào, chỉ biết sáng hôm sau cụ mới về tới làng Hạ. Hai đệ tử của cụ là Cẩn và Đảm nhìn thấy cụ về, mặt mũi bạc phếch, nhìn cụ như già đi thêm chục tuổi. Cụ về đến trước cửa thì ngồi phục xuống đất, toàn thân như cạn kiệt sức lực. Cẩn lúc đó đã gần 40, thấy thầy đi về với cái bộ dạng đấy thì vội vàng chạy ra đỡ cụ Thơi vào nhà.

Lúc này, cụ Hến và anh Bách cũng đang ngồi trong nhà ngóng trông tin tức của cụ Thơi, thầy cụ Thơi về nhà với bộ dạng đó thì vô cùng hoảng sợ. Cụ vội giục anh Bách:

- Mày.. Mày ra đỡ cụ Thơi.. Nhanh!

Anh Bách vội chạy ra, đỡ giúp cụ cái túi vải đựng đồ, còn anh Cẩn và Đảm thì cùng nhau đỡ cụ Thơi vào giường nằm.

Cụ Thơi thấy cụ Hến đứng cạnh giường lo lắng, thì vẫy tay về phía cụ Hến cất tiếng:

- Tôi đã nhốt nó lại trong rừng rồi, cụ về nói lại với làng.. Là không được ai đi vào trong đó hết.. Cứ cố mà đi vào đó thì không ai cứu được đâu..

Nói rồi cụ Thơi cũng lịm dần đi.

Liền sau đó 2 tuần, cụ Thơi ốm nặng không dậy được. Ông Cẩn hết lòng chăm sóc thì sau đó cụ mới dần dần ngồi dậy được.

Sau khi cụ ngồi được dậy thì gọi cả 2 đệ tử vào dặn dò:

- Cẩn, sau này cần phải chăm sóc quầy thuốc thật tốt, làm phúc cứu người nghe không? Còn Đảm, vận duyên của con là sau này sẽ giúp dân trừ yêu diệt ma, cứu người chưa tận số. Ta dặn con, tuyệt đối không can thiệp vào nghiệp quả của con người, nghiệp ai nấy gánh, nếu đã tạo nghiệp thì nhân quả báo ứng sẽ buộc phải trả nghiệp. Con hiểu chưa?

Đảm nghe thầy nói vậy thì hậm hực lên tiếng:

- Con cũng biết là nghiệp ai nấy gánh, nhưng con quỷ đấy mà còn thì sẽ lại có người chết oan. Rõ ràng là nếu hôm đó, thầy gọi con đi cùng là có thể sẽ tiêu diệt được con quỷ đó rồi. Thầy đi một mình mà chi rồi mới sinh bệnh thế này. Con đã lớn rồi mà thầy vẫn không tin con.

Đảm lúc này mới 18 tuổi, mặc dù thiên phú bẩm sinh là người có căn với huyền pháp, nhưng tính tình quá hấp tấp lại thiếu kinh nghiệm, thiếu sự thanh thuần trầm tĩnh cần có của một pháp sư, vì vậy nên cụ Thơi vẫn luôn không muốn cho Đảm sử dụng nhiều pháp khí. Nhất là chiếc gương đồng quý giá của cụ. Đảm vẫn luôn không phục, cho rằng thầy không tin tưởng mình. Qua chuyện này nữa thì lại càng ấm ức.

Cụ Thơi nhẹ nhàng, nghiêm giọng nói:

- Không phải thầy không tin con, mà vì con chưa đủ trưởng thành. Con giống như cái cây còn non yếu, dù là giống cây tốt nhưng chưa đủ khoẻ để đương đầu với gió bão. Nên con phải rèn tâm rèn tính nhiều hơn nữa. Đừng nóng nảy quá.

Đảm nghe thầy nói vậy thì càng cảm thấy thầy đang muốn ghìm chân mình, đột ngột nổi nóng vùng đứng lên:

- Con đã nói rồi, con đã gần 20 tuổi rồi. Con đã trưởng thành rồi. Thầy không thể tin tưởng con hơn được hay sao? Được, thầy bảo con chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ trưởng thành thì tự con sẽ đi tìm trải nghiệm vậy.

Nói rồi, Đảm đùng đùng bỏ về phòng, thu dọn quần áo, xách cái túi vải rồi bỏ đi. Cẩn chạy theo gọi nhưng Đảm vẫn nhất quyết không quay lại. Anh đành bỏ mặc đó quay về. Ai ngờ đâu, Đảm bỏ đi lần đó, phải 20 năm sau mới quay về làng.

Cẩn quay về, nhìn thầy thở dài rồi lắc đầu. Cụ Thơi cũng hiểu là không giữ được nó, thôi thì cứ để nó đi ngao du mà trải nghiệm. Chứ dạy thì cụ cũng đã dạy nó hết những gì cụ biết rồi. Còn lại thì tuỳ duyên mà thôi. Hai thầy trò đang ngồi nói chuyện với nhau thì cụ Hến đi vào. Cụ Thơi vội đứng dậy đón:

- Kìa cụ Hến, có việc gì mà cụ xuống tận đây thế? Cụ vào nhà xơi nước.

Cụ Hến đi vào, thủng thẳng ngồi xuống cái bàn nước rồi cất giọng:

- Chẳng là, hôm đấy cụ về rồi ốm luôn tới giờ mới đỡ, tôi có qua mấy lần để thăm cụ mà không gặp được. Bữa nay nghe nói cụ đã tỉnh nên bắt thằng cháu Bách nó chở xuống thăm xem cụ thế nào rồi?!

- Cảm ơn cụ, tôi khoẻ nhiều rồi. Dương số chưa tận, còn phải trả nợ trần nhiều lắm

Cụ Thơi nói rồi cười khà khà.

Lúc này cụ Hến mới nhâp ngụm nước rồi thở dài nói:

- Cái nhà anh Tứ chết thảm quá, nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. May mà cụ nhanh tay ngăn chặn, chứ nếu không, trong làng mà có thêm ai nữa thì đúng là loạn mất.

Cụ Thơi cũng thở dài:

- Cách tốt nhất là phải tiêu diệt con quỷ đi. Nhưng tôi không phải là người có cái cơ duyên ấy. Vì vậy nên tôi chỉ có thể làm đến vậy thôi. Nhờ ông về báo với làng, là tuyệt đối không được vào rừng… Rồi khi đủ duyên sẽ có người đến để bắt con quỷ đi thôi…

Hai ông già lại rơi vào trầm ngâm vì lo cho dân 2 làng…

-----

Năm người đàn ông nhìn nhau, mỗi người một cảm xúc hỗn độn. Ông Đảm gục xuống khóc, ông cảm thấy thật khó để chấp nhận sự thật, thì ra ma nữ đã gây ra những cái chết kinh hoàng tại khu vực này bao nhiêu năm nay lại chính là mẹ của mình. Không những vậy, bà còn từng vì chết oan mà biến thành lệ quỷ, quyết ở lại mà trả thù loài người. Trong thâm tâm bà, cái gia đình nhà chồng mà bà nghĩ có thể gửi gắm thân phận ngày ấy lại chính là những người đã đẩy bà vào bước đường tăm tối này. Bao nhiêu năm qua, bà bị nhốt trong trốn rừng thiêng nước độc này, không thể đi tìm con, không thể trở về làng Đoài mà báo thù nên hễ gặp người là giết hết không chừa một ai. Nghiệp báo mà bà đã kết chất chồng như núi, máu của những người vì bà mà đổ đều không đủ để rửa mối hận trong lòng bà.

Ông Đảm quỳ mọp xuống đất, lạy vong hồn của bà Thao rồi gọi trong nước mắt:

- Mẹ… Là con đây…

Vong hồn của bà Thao lúc đấy mới nhìn thấy ấn ký đặc biệt trên gáy của Đảm, bà ngay lập tức nhận ra đứa con mà mình đã đi tìm bao nhiêu năm, thương nhớ bao nhiêu năm… Nhưng thật đau đớn là bà lại không thể nào chạm vào nó. Đôi mắt bà mở to, đôi bàn tay run rẩy đưa gần về phía Đảm. Nhưng ngay khi vừa chạm nhẹ vào người Đảm thì bà vội vàng rụt tay lại tự như chạm vào lửa. Thì ra, vì ấn ký trên người ông Đảm là một dấu hiệu đặc biệt, không yêu ma nào có thể chạm vào, nếu chạm vào sẽ ngay lập tức bị tiêu tan hồn phách.

Bà quá nhớ con, đánh liều giơ tay chạm vào đầu ông Đảm, nhưng ngay khi tay bà chạm vào tóc ông Đảm thì lập tức linh hồn bà bị bốc cháy. Những đốm sáng nhè nhẹ bay lên từ nơi bàn tay mà đang chạm vào mái tóc của con trai ngày một dày đặc, dần dần tụ lại thành một ngọn lửa lớn màu xanh lam

- Ahhhhhhh

Bà vẫn giữ chặt đôi tay mình trên mái tóc của Đảm mà ngửa cổ lên trời hét lớn. Tiếng hét đau đớn như cào xé ruột gan. Ông Đảm ngẩng phắt đầu dậy, há hốc miệng khi thấy hai bàn tay bà đang bốc cháy. Ông vội lùi lại sau 1 bước rồi dập đầu lạy bà Thao:

- Mẹ… Đừng chạm vào con.. Mẹ sẽ tiêu tan hồn phách mất…

Hai mẹ con cứ như vậy, gục đầu xuống đất mà khóc. Cái nỗi đau chia cắt bao nhiêu năm dù khắc khoải, gặm nhấm dần mòn nhưng cũng không thể đau bằng cái nỗi đau ở ngay trước mắt mà không thể chạm vào.

Đám ông Long và thầy Cẩn chứng kiến cảnh này thì cảm thấy không còn sợ hãi nữa. Lúc này trong lòng họ chỉ ngập tràn một nỗi thương cảm cho hoàn cảnh, số phận của cô Thao.

Một lúc lâu sau, ông Đảm ngẩng dậy, quệt nước mắt nói với mẹ mình:

- Mẹ.. Nghiệp oán thì cũng đã gây ra rồi, mẹ về với con, con sẽ ngày ngày tụng kinh xám hối để giúp mẹ tiêu trừ nghiệp quả. Kiếp sau, con lại xin làm con mẹ để được báo hiếu cho mẹ..

Bà Thao chắp tay lại, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bà, bà nói:

- Trước khi đi, hãy giúp mẹ cứu một người…

Cả năm người đàn ông đều cảm thấy quá đỗi ngạc nhiên. Họ tròn mắt nhìn vong hồn bà Thao đang từ từ chỉ tay qua mé bên kia bờ suối:

- Thằng Khang ở phía bên kia. Trong một cái hang núi nhỏ…

Thầy Cẩn thấy vậy thì vội nhào người sang hỏi:

- Thằng Khang con ông Tứ, nó chưa chết ư?

- Đúng vậy, nó còn sống.

Thầy Cẩn sững người, lắp bắp hỏi tiếp:

- Tại sao?... Tại sao lại như vậy?...

Bà Thao không nói gì nữa, chỉ nhắm mắt, chắp tay, im lặng chờ đợi.

Ông Đảm lấy trong túi ra một chiếc hồ lô bằng bạch ngọc, giữa thân có thắt một sợi kim tuyến vàng. Ông mở nắp hồ lô ra, hướng miệng bình về phía vong hồn bà Thao mà niệm chú. Một lát, vong hồn bà được hút vào trong bình.

Đóng nắp hồ lô lại rồi, ông vẫn không thể kiềm chế được mà gục xuống đất một lần nữa. Đôi vai ông rung lên bần bật.

Một lúc lâu sau, ông mới từ từ ngồi dậy, một lần nữa lấy tay lau nước mắt trên mặt mình rồi quay lại nói với cả đoàn:

- Sư huynh đưa ông bạn đây về chữa trị vết thương giúp đệ - ông chỉ vào ông Minh và nói với thầy Cẩn, nói đoạn lại quay sang nhìn ông Hạnh và ông Long nói – Bây giờ tôi sẽ qua bên kia suối để tìm thằng bé Khang, các ông có muốn đi cùng tôi không?

Ông Long sau khi chứng kiến màn đấu của ông Đảm thì hết sức tin tưởng. Vả lại, ông nghĩ là lúc này bạn mình hẳn là rất cần người đi cùng, ít nhất là để chia sẻ nỗi buồn, bớt cô đơn nên ngay lập tức gật đầu nói:

- Đi chứ, biết đâu lại có việc cần đến tôi.

Ông Hạnh sau khi tận mắt nhìn thấy con quỷ thì sớm đã cảm thấy không muôn ở lại nơi này, giờ thấy ông Long nói vậy, cảm thấy rút lui không tiện nên cũng lưỡng lự rồi gật đầu đi theo.

Vậy là họ chia ra 2 tốp đi về 2 hướng.

Thầy Cẩn dìu ông Minh đi về lại nhà ông Năm thì đã quá nửa đêm.

Ông Năm vừa mới chợp mắt được một lúc, phần vì lúc nãy chạy xuống thầy Cẩn nên khi về đến nhà thì đã khá muộn, phần nữa là vì ông lo lắng không biết có khi nào ngày mai làng Thượng lại đi nhặt thêm vài cái xác nữa như 3 năm trước thì quá là kinh hoàng. Cái tiết trời oi bức của đêm nay khiến lòng ông càng nóng như lửa đốt. Ông cứ đi ra rồi lại đi vào, hết ngồi ngoài bàn nước rồi lại vào giường nằm. Cứ nằm thao thức mãi, đến chừng mệt quá thì ông mới thiếp đi một lát. Bỗng tiếng đập cửa rầm rầm phía ngoài làm ông giật mình hốt hoảng. Ông bật dậy như cái lò xo, mắt tròn xoe nhìn ra phía cửa. Chợt nghe tiếng thầy Cẩn gọi:

- Ông Năm… Ông Năm ơi… Tôi Cẩn đây.

Thầy Cẩn đã đặt ông Minh ngồi bên cái bàn ngoài sân rồi mới đi vào đập cửa. Chả hiểu sao cái nhà rõ đông người như vậy mà gọi mãi không thấy ai thưa.

Trong nhà, ông Năm nhận ra tiếng thầy Cẩn thì vội vàng lên tiếng:

- Tôi đây… Tôi đây… Thầy đợi tôi tí..

Chả hiểu làm sao chứ, hôm nay mấy đứa thằng Kiểm ngủ gì mà say như chết vậy không biết. ông Năm lầm bầm ngồi dậy, xỏ đôi dép nhựa loẹt quẹt mò mẫm ra bật đèn mở cửa. Ông vừa mở cửa thì đã thấy ông Minh – vị khách hồi chiều đã máu me be bét, ngồi ôm ngực ở ngay cái bàn ngoài sân.

- Ối giời ôi… Ông… Ông bị sao thế kia?! Tôi đã bảo rồi mà.. Đừng có đi vào đấy! Thế mấy người kia, đâu hết rồi?? Họ đâu rồi??

Ông Năm run rẩy đứng dậm chân ở cửa kêu lên. Ngay khi ông Năm nhìn thấy tình trạng của ông Minh thì trong đầu đã nghĩ ra trường hợp xấu nhất là chỉ có thầy Cẩn và ông Minh chạy được về. Con quỷ nó ghê gớm thế, chắc hẳn là mấy người kia bỏ mạng rồi cũng nên. Ông Năm chạy ra chỗ ông Minh, tay run run không dám sờ vào người ông Minh mà chỉ khe khẽ rên rỉ, sợ nhiều người nghe thấy lại hoảng sợ.

Thầy Cẩn thấy ông Năm hoảng sợ như thế thì vội trấn an:

- Không sao, không sao cả. Mọi người vẫn bình an.

Ông Năm nghe vậy thì lập tức im bặt, chưng hửng ngó lên nhìn thầy Cẩn, mặt thộn ra:

- Hả? Là sao? Bình an sao? Bình an thì mọi người đâu hết rồi? Còn cái vết này là sao? – ông Năm ngẩng lên nhìn quanh quất một hồi rồi chỉ tay vào ngực ông Minh hỏi lại.

- Con quỷ đã được thu phục rồi, tất cả mọi người, chỉ có anh đây là bị thương nên tôi đưa về trước để băng bó, còn những người khác đang đi cứu thằng Khang con nhà Tứ rồi!

- Hả? Cái gì? Thằng Khang còn sống á?

Bạn đang đọc truyện Ma Nữ Rừng Tuyền Lâm của tác giả Bong_ke_chuyen. Tiếp theo là Chương 15: Chương cuối.