Chúng đẩy cô ngã dúi dụi dưới sân nhà rồi bẩm:
- Bẩm ông, con chỉ tìm được mợ Thao thôi, còn cậu thì không thấy đâu nữa cả.
- Một lũ ăn hại, có thằng trẻ con thôi mà cũng không tìm thấy.
Ông Quyền tức giận đập bàn:
- Đi tìm! Tìm bằng được về đây cho tao. Còn con Thao, nhốt nó vào nhà kho, không cho ra ngoài.
Bà Xuyến khóc ngất, lạy lục ông Quyền:
- Tôi xin ông… Con bé đã mang nó đi vứt rồi! Cũng có ở nhà mình nữa đâu. Tôi lạy ông, ông để thằng bé tự sinh tự diệt đi ông! Nó mới có mấy tuổi thôi, lang thang bên ngoài cũng làm sao mà sống nổi.. Ông tha cho nó đi, đừng đuổi cùng giết tận vậy ông ơi…
Ông Quyền cũng ngồi phịch xuống, đau đớn rơi nước mắt không nói gì nữa. Ông cũng thương con thương cháu chứ, nhưng vì cứu cả nhà nên ông mới buộc phải làm vậy. Có ai đau giống nỗi đau của ông không? Thôi thì đành nghe lời bà ấy, thà là để nó tự sinh tự diệt, chứ tự tay mình giết con giết cháu thì nó tàn nhẫn quá…
Ông đứng dậy, lẳng lặng đi vào nhà, tấm lưng già như càng còng thêm xuống. Bà Xuyến cũng khóc đến ngất đi nên được mấy con ở dìu vào trong nhà nghỉ ngơi. Thao thì bị nhốt lại trong phòng mình, cô cũng khóc đến cạn cả nước mắt, chỉ cầu mong con cô ở đó có ai đó thương tình mà đem nó về nuôi.
Bà Xuyến đã cho người đi tìm cậu Thành, gọi cậu về để ngăn cản ông Quyền, nhưng đi tới mấy ngày vẫn bặt vô âm tín, không thấy bóng dáng cậu đâu cả.
3 ngày liền cô không ăn, không ngủ… Cả người tưởng như không còn chút sức sống. Cô ngồi bó gối ở một góc giường, tóc tai bết bát, khuôn mặt phờ phạc, ánh mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không trước mặt không chút cảm xúc. Cả người cô như chỉ cần một cái đụng nhẹ là sẽ gục ngã ngay tại chỗ. Đêm hè không một ngọn gió. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu xuyên qua cửa sổ vào phòng, chiếu xiên nghiêng trên gương mặt cô ánh sáng bang bạc khiến cô nhìn như một cái xác không hồn ngồi trong góc.
Nửa đêm…
Kẹt... Kẹt…
Bỗng nhiên cánh cửa phòng mở ra, thằng Toàn len lén chui vào phòng cô.
Nó lay lay thân hình không còn chút sức sống của cô khẽ gọi:
- Mợ hai… Mợ hai…
Cô từ từ hướng mắt nhìn nó không chút cảm xúc lên nhìn nó.
Thằng Toàn đưa cho cô cái bánh bao nói:
- Mợ ăn lấy một miếng lấy sức đi mợ.
Cô nhìn nó rồi lại cúi xuống, vùi mặt vào cánh tay không nói gì. Thằng Toàn lại nói:
- Mợ ăn lấy sức đi, con có chút tiền đây, mợ ăn xong thì cầm lấy. Con mở sẵn cổng rồi, mợ chạy đi. Đi tìm cậu Đảm rồi trốn đi thật xa nghe mợ.
Cô nghe vậy thì ngẩng lên, mắt cô như lấy lại thần sắc, cô chụp lấy tay thằng Toàn dồn dập hỏi:
- Con tôi, con tôi ở đâu? Giờ nó ra sao rồi?!
- Mợ nghe con, hôm bữa con thấy cậu ngồi trong ruộng mía rồi nhưng con đành để cậu đó. Mấy nay con nghe ngóng thì biết có người nhặt được cậu rồi. Giờ mợ ăn đi cho lại sức, đi tìm cậu Đảm rồi chạy thật xa nghe mợ.
Nước mắt Thao giàn giụa, cô quỳ thụp xuống lạy thằng Toàn như tế sao mà không nói được câu nào. Cô run rẩy đưa chiếc bánh lên miệng ăn trong nước mắt. Cô vừa gặm chiếc bánh vừa vội vàng vơ lấy cái túi mà thằng Toàn chuẩn bị sẵn. Rồi cô rón rén chân trần chạy thật nhanh ra khỏi cổng. Ánh trăng sáng vằng vặc, soi sáng khắp con đường làng. Cô cứ thế mải miết chạy về con đường hướng ra ruộng mía. Lòng cô thầm nhủ, nếu có ngày gặp lại, cô nhất định sẽ báo ơn thằng Toàn dù có phải dùng cái mạng của mình.
Bà Xuyến đứng từ sau bụi chuối nơi góc vườn nhìn Thao chạy đi mà lòng bà cũng thắt lại. Từ hôm bắt Thao trở lại, cứ thấy thằng Toàn như kiến bò chảo nóng bà đã nghi rồi. Hôm qua, bà lén gọi nó lên bắt nó khai ra chuyện hôm đấy đi tìm mợ và cậu bé Đảm.
- Toàn, mày nói bà nghe, hôm mày đi tìm thằng Đảm, mày có thật là không tìm thấy không?
- Bẩm bà… con… Con không thấy thật ạ. – thằng Toàn ấp úng
Bà Xuyến sụt sùi đưa cái khăn lên chấm nước mắt:
- Mày nói bà nghe đi. Bà nhặt mày về nuôi từ khi mày còn đỏ hỏn, đã bao giờ bà bạc đãi mày đâu. Giờ bà xin mày, coi như mày trả ơn bà cũng được, mày làm phúc cho bà cũng được, mày nói bà nghe, mày có thật là không thấy thằng Đảm không?
Thằng Toàn thấy vậy thì lại càng bối rối. Nó cũng là bị vứt đi từ nhỏ xíu, có lẽ do gia đình quá nghèo không nuôi được nên nó cũng thương cậu Đảm lắm. Nó vốn nghĩ, cứ để cậu Đảm được người khác tìm thấy mang về nuôi còn được, chứ mà để ông bắt được là chết chắc nên không dám nói. Nó không biết nói gì, chỉ ấp úng:
- Con… Con….
Bà Xuyến quỳ thụp xuống lạy nó:
- Bà xin mày, bà chỉ có 1 đứa cháu đấy thôi. Mày cho bà biết nó ở đâu để bà còn tìm cách cứu nó…
Thằng Toàn nghe tới đây thì cũng sụt sịt:
- Dạ, bà tha cho con thì con mới dám nói.
- Mày nói đi, thằng bé đang ở đâu?
- Dạ bẩm bà, con tìm thấy cậu trong vườn mía ở làng An Cự, huyện bên. Lúc đó, nhiều người đi tìm quá nên con không dám bế cậu về, sợ ông giết cậu, cũng không biết làm thế nào nên chỉ đành để cậu ngồi lại đó, tìm mợ đưa về thôi.
Rồi nó cũng quỳ thụp xuống lạy bà Xuyến:
- Con xin bà… Con là đứa không cha không mẹ, bị vứt ở gốc đa không mảnh tã che thân mà bà còn thương con, đem con về nuôi dạy tới chừng này. Nữa là cậu Đảm là máu mủ của bà, bà tha cho cậu Đảm, tha cho mợ Thao đi bà.
Bà Xuyến nghe vậy thì khóc đến ngất đi. Con Gạo phải lấy dầu xoa cho bà tỉnh lại. Mấy ngày chứng kiến Thao như sắp phát điên vì mất con, bà cũng là người mẹ, bà cũng hiểu cái cảm giác của Thao. Bà tuy cũng có chút phân bì sang hèn thật đấy nhưng không phải kiểu người độc ác đến mức có thể trơ mắt nhìn người khác chết mà không cứu. Bà sai con Gạo đi chuẩn bị cho mợ Thao một túi tiền, một ít quần áo cho cả mợ Thao và cậu bé Đảm, rồi bắt 2 đứa nó phải thề là tuyệt đối kín miệng. Nếu chuyện này mà để ông biết, ông giết luôn cả 2 đứa không chừng.
Con Gạo với thằng Toàn cũng vâng vâng dạ dạ luynh quýnh làm theo lời bà Xuyến. Thôi thì nhà bà với mẹ con Thao coi như hết duyên, bà chỉ có thể làm được chừng đó cho 2 mẹ con cô mà thôi.
Thao đi mãi, tới tầm gần trưa thì cô ra tới ruộng mía ở làng An Cự. Cô nhìn quanh rồi lần tìm vào mấy căn nhà quanh ruộng để hỏi thăm tin tức con trai. Cô được tin con trai cô đã được một người đàn ông lớn tuổi bế đi rồi, còn để lại thông tin cho cô là muốn tìm con thì tới làng Hạ, huyện Tuyền Lâm tìm ông Thơi. Thao lại nhanh chóng lên đường. Tận nửa tháng sau cô mới tìm được tới làng Thượng.
Cô ghé quán nước bên đường, ngồi xuống rồi hỏi thăm:
- Dạ, bà làm ơn cho con hỏi, con muốn tìm đường tới làng Hạ thì đi lối nào ạ?
- Cô tìm ai ở làng Hạ thế?
- Dạ con cần tìm ông Thơi có chút việc ạ.
- Tìm thầy Thơi hả? Thầy Thơi thì ai cũng biết. Thế cô tìm thầy để chữa bệnh hay trừ tà?
- Dạ… - Thao ngập ngừng, đành bịa đại một lý do – dạ con chữa bệnh ạ.
Bà cụ cười hiền:
- Thế thì tìm đúng người rồi, thầy Thơi chữa bệnh mát tay lắm. Đến đó thì có 2 con đường, 1 là đi qua rừng, 2 là đi xuống chân núi. Nhưng mà đi xuống chân núi thì có hơi xa. Nếu không gấp thì nghỉ lại 1 hôm, giờ cũng chiều rồi, sáng mai đi vòng xuống chân núi thì đường dễ đi hơn.
- Dạ… Cháu… Cháu muốn đi càng sớm càng tốt ạ. Thế đi đường rừng thì đi thế nào ạ?
- Ấy, đi đường rừng trời này thì tối lắm, sợ lại cũng nhiều rắn rết, dã thú, cô thân gái thế này, cứ thư thư mai hẵng đi.
- Dạ… Cháu đang cần đi gấp rồi ạ. Không sao đâu, bà cứ chỉ cho cháu đường cháu tự đi ạ.
- Chẹp, có gì mà phải gấp đến thế chứ! Thôi cô cần thì tôi chỉ chứ nói thật là đi rừng buổi tối cũng nguy hiểm lắm… Haizzza. Thế này nhé, cô đi lên con đường kia, đi thẳng theo đường mòn, tới chỗ cây trò chỉ lớn bên trái thì rẽ phải, đi thẳng tiếp, chừng nào tới chỗ bờ suối có cây sưa đỏ ấy, thì cứ men bờ suối đi xuống hạ lưu là tới làng Hạ. Đường này thì ngắn hơn nhiều, nhưng trời muộn rồi, cô phải đi thật nhanh lên mới kịp.
Thao vội cảm ơn bà cụ rồi lên đường.
Khu rừng khá rậm rạp, trời mới giữa chiều mà trong rừng đã cảm thấy tối. Những tán cây chồng lên nhau khiến cho nắng không chiếu nổi xuống dưới. Tuy nhiên, không khí lại rất mát mẻ dễ chịu. Thao nhanh chân rảo bước theo hướng đi mà bà cụ chỉ. Tới được bên bờ suối thì trời cũng đã hơi xâm xẩm tối. Nhưng đi mấy ngày liền trên đường, cô tự thấy bản thân đã lấm lem bùn đất nên quyết định xuống suối tắm rửa sạch sẽ rồi mới đi tiếp về làng Hạ. Cô bỏ quần áo trên bờ suối rồi từ từ đi xuống tắm. Nước suối trong vắt, mát lạnh ngấm dần vào da thịt, giúp cô cảm thấy tỉnh táo hơn rất nhiều sau mấy ngày liên mệt mỏi.
Lúc này, 3 người đàn ông đang đi từ phía thượng nguồn đi xuống.
Đó là Tứ, Khải và Đạo. Khải và Đạo là người nơi khác tới, nhờ Tứ dắt vào rừng để đi tìm sâm. Tìm suốt 1 ngày cũng đã tìm được 1 khoảnh nhỏ sâm Ngọc Linh nơi thượng nguồn. Chúng hả hê đi về, mừng rỡ vì thành quả của 1 ngày. Chợt đi ngang chỗ cây sưa đỏ, thấy Thao đang tắm bên suối thì bèn nấp lại nhòm ngó.
Cô quả là đẹp, gái 1 con trông mòn con mắt, cho dù đã bị đày đoạ suốt gần 1 tháng nay thì cô vẫn đẹp hơn người khác rất nhiều. Giữa cái không gian mờ mờ ảo ảo, nhập nhoạng của buổi chiều tà, làn da trắng như sứ của cô lại càng nổi bật dưới làn nước trong vắt của con suối.
Tứ lúc này mới chỉ là một thanh niên 17-18 tuổi, cậu thấy cảnh này thì luống cuống quay mặt đi, không dám nhìn. Chỉ có Khải và Đạo là cứ thèm thuồng dán chặt mắt vào cái thân hình nõn nà kia của Thao.
Một lát, Thao từ dưới suối đi lên, 2 tên kia định lao ngay ra chỗ cô thì bị Tứ kéo lại, cậu khẽ nói:
- Kìa các anh, đừng làm vậy. Người ta là con gái nhà lành…
- Im ngay! – thằng Khải quát – làm gì có gái nhà lành nào ra giữa thanh thiên bạch nhật này mà tắm. Mày im ngay không ông đập chết cha mày bây giờ!
Hai tên lại định dợm bước đi thì Tứ lại một lần nữa níu lại:
- Kìa các anh, trời sắp tối rồi. Trong rừng cũng nhiều dã thú, hay là mình về trước, rồi em dắt các anh xuống chợ huyện tìm ả đào sau.
Bốp…
Tứ lĩnh nguyên cái tát trời giáng của thằng Khải. Nó gằn giọng:
- Câm ngay. Khôn hồn thì câm miệng lại. Không ông cho mày mất xác luôn bây giờ!
Thằng Đạo còn rút con dao ra dứ vào mặt Tứ doạ:
- Khôn hồn thì đứng yên đấy canh cho tụi tao. Lát về tụi tao thưởng. Không thì mất xác nghe chưa con.
Tứ ôm cái mồm đầy máu, sợ sệt nhìn con dao trong tay Đạo, không dám hó hé gì thêm. Đành trơ mắt nhìn 2 thằng thảo khấu kia tiến dần về phía Thao.