Chương 1: Ma Nữ Rừng Tuyền Lâm

Chương 1. Chương 1

2,897 chữ
11.3 phút
159 đọc
1 thích

Những ngày đầu hè thời tiết thật là dễ chịu. Hai đứa trẻ nhà ông Minh cũng đã được nghỉ hè. Ông tranh thủ cuối tuần đưa hai con đi du lịch, đây là lần đầu tiên hai nhóc được đi lên rừng chơi. Mấy lần trước đều là đi biển nên lần này ông muốn đổi gió cho chúng thấy thế giới bên ngoài thú vị ra sao. Vì là lần đầu tiên đi rừng nên ông cũng không muốn đặt nặng vấn đề đi nhiều nơi, cốt yếu muốn chúng được khám phá cỏ cây hoa lá, các con vật lạ mà thôi. Từ tối hôm trước, bà Duyên vợ ông đã lục đục chuẩn bị rất nhiều đồ đạc cho ba bố con cùng đi chơi. Chuyến đi này bà không đi được vì vướng một dự án quan trong trong sự nghiệp của mình. Ông Minh vốn là một người chồng luôn ủng hộ vợ trong công việc nên đã liên tục trấn an vợ:

- Em yên tâm, đã có anh lo cho bọn trẻ rồi. Em cứ tập trung vào dự án đi. Khi về, nhất định ba bố con sẽ có quà cho em!

Khi nào xong dự án, gia đình chúng ta lại đi chơi chuyến nữa nhé.

Nói rồi ông nhẹ hôn lên trán vợ. Chỉ có bà Duyên là vẫn luôn cảm thấy không yên tâm vì hai đứa trẻ lần đầu tiên rời xa bà tới 3-4 ngày. Còn bọn chúng thì vô cùng háo hức. Chúng nhảy nhót tung tăng quanh nhà. Ông Minh giao cho tụi trẻ phải tự sắp xếp đồ dùng cá nhân vào va li riêng và nghiêm giọng:

- Các con hãy tự sắp xếp đồ của mình. Nếu đến nơi mà thiếu cái gì, ba sẽ không mua mới cho các con đâu đấy.

Lúc này, họ đang trên đường vào huyện Tuyền Lâm. Hai đứa trẻ hào hứng, nghịch ngợm. Chúng liên tục chỉ trỏ những loại cây dại mọc ven đường và líu lo hỏi ông Minh đó là gì. Rồi cả những con vật vô cùng quen thuộc như trâu bò, nhưng chúng chỉ được thấy trên ti vi, giờ cũng đang sờ sờ ngay trước mắt. Thời gian di chuyển vì vậy mà cũng kéo dài hơn dự tính.

Sau khi đi qua con đường đèo ngoằn ngoèo ngang núi Thượng, ba cha con đã đến được với địa điểm dừng chân dự kiến đầu tiên trong chuyến hành trình, đó là làng Thượng Cát. Ba cha con dừng xe trước một quán ăn trong làng. Quán ăn này chuyên nhận trông xe và cho thuê ngủ qua đêm cho các đội trekking thích săn mây trên đỉnh Thượng. Ba bố con dĩ nhiên không muốn săn mây, mục đích của ông Minh chỉ là cho hai con trải nghiệm một hai ngày cuộc sống nơi hoang dã, tranh thủ dạy cho con những kỹ năng sống cần thiết như nhận biết các loại cây, cỏ ăn được trong rừng, cách bắt cá ở suối, cách tạo ra lửa để nấu ăn, cách đề phòng và tránh các loại thú…. Và hơn hết là cho bọn trẻ được gần thiên nhiên, tránh để chúng cả tuổi thơ vùi đầu vào ipad.

Ông Minh bước chân vào quán gọi lớn:

- Ông chủ, cho xin 3 ly nước mát nhé.

Ông Năm - chủ quán nhanh nhẹn mang 3 ly nước ra đon đả:

- Ba bố con định mai xuống làng Hạ chơi hả? Dưới đấy có nhiều quần áo dân tộc đẹp lắm, có cả đồ chơi của tụi trẻ dân tộc bán nữa. Đi tìm hiểu cũng nhiều cái thú lắm. Vậy ngủ phòng riêng nhé, trẻ con mà ngủ phòng chung thì sẽ bất tiện lắm đấy. Mấy cô cậu đi phượt họ dậy sớm lắm.

Ông Minh bật cười nói:

- Cảm ơn bác nhưng em tính cho 2 cháu vào rừng cắm trại đêm nay, cho chúng trải nghiệm cảm giác ngủ tại một nơi hoang vắng là thế nào.

Ông chủ nghe vậy thì giật nảy mình vội xua tay:

- Ấy, không được đâu. Trong rừng nhiều ma lắm. Đi ban ngày còn nguy hiểm nữa là đi đêm. Bây giờ lại còn đang là tháng cô hồn….

Một đám người đang cười nói bàn bên cạnh thấy vậy thì cười rộ lên. Một người đàn ông cao lớn trong nhóm lên tiếng:

- Ông chủ, thời đại nào rồi còn tin ma với quỷ.

- Ấy là tôi cứ nhắc nhở thế, chứ chẳng phải tôi mong gì thu được vài đồng tiền thuê phòng đâu. Người làng chúng tôi muốn đi còn phải vòng ra đường ngoài mới dám đi ấy.

Một người phụ nữ từ nãy vẫn ngồi im quan sát ở trong góc cái bàn nước phía bên kia bỗng lên tiếng:

- Rừng thiêng nước độc, nhà có trẻ con thì anh cứ tránh đi là hơn.

Người phụ nữ đó là bà Tứ, trạc tầm 50 tuổi. Bà đang sống 1 mình trong căn nhà nhỏ ngay sát vách nhà ông Năm. Ông Tứ chồng bà cũng vì đi rừng mà mất từ hơn 20 năm trước. Thằng con trai bà cách đây 5 năm cũng mất tích theo. Dù đã tìm mọi cách cũng không thể nào tìm thấy xác nó, nên bà vẫn hy vọng là nó còn sống, mặc dù rất mong manh. Vì vậy nên cho dù con gái bà có năn nỉ mấy bà cũng không chịu xuống núi ở với cô vì còn mong một ngày con trai trở về, thì đã có bà ở đây đợi nó.

Ông Minh nghe thấy vậy thì cũng chột dạ. Ông là người lớn thì không sao, chứ bọn trẻ vào đó ngủ qua đêm thì cũng hơi nguy hiểm thật. Chưa biết có ma cỏ gì, nhưng rắn rết côn trùng cũng có thể gây nhiều nguy hiểm vậy. Vậy nên ông quyết định lấy phòng cho các con nghỉ lại. Ông cũng thích ngủ đêm trong rừng, trải nghiệm đó thực sự rất hấp dẫn, nhưng với các con thì không thể liều được. Chúng cũng còn nhỏ. Bé Linh cũng mới 13 tuổi, còn bé Bình thì mới lên 8. Nghĩ vậy, nét mặt ông cũng tràn đầy tiếc nuối nhưng vẫn chép miệng gọi ông chủ:

- Thôi thế bác cho em lấy phòng riêng, để mấy đứa nhỏ có chỗ ngủ cho an toàn. Ngày mai đi chơi sau cũng được.

- Đúng rồi, mà tụi trẻ nhạy lắm, anh kiếm cái cành dâu dể gậm giường cho các cháu ngủ cho ngon. – Người phụ nữ lại nhắc.

Ông Minh chỉ cười, gật đầu cảm ơn. Bà Tứ thấy ông Minh như vậy, ngập ngừng lên tiếng:

- Tôi khuyên thật. Các bác đừng có đi vào rừng. Khu rừng này nhiều ma lắm. Đã không ít người đi vào rồi bỏ mạng không về được rồi. Các bác từ xa đến, không biết nên tôi mới nói. Nếu muốn qua làng Hạ chơi, thì chịu khó đi xa một tí, đi đường vòng dưới núi sẽ an toàn.

Người đàn ông ban nãy lại lên tiếng:

- Trẻ con thì cứ gửi lại đây, nhưng 3 anh em chúng tôi vẫn định vào rừng đêm nay, anh có muốn đi cùng không. Mấy anh em toàn đàn ông con trai, mạnh khoẻ thế này có gì mà sợ.

Ông Minh còn đang lưỡng lự thì bé Linh nhanh nhảu lên tiếng:

- Bố đừng lo, con trông em được ạ!

Con bé Linh đúng kiểu là ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu long. Mặc dù trẻ con thành phố, điều kiện gia đình cũng thuộc loại khá giả vì cả ông Minh và bà Duyên đều là những người phát triển được sự nghiệp riêng rất ổn định, thu nhập cao. Nhưng từ khi con bé lên 7 đã biết tự đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp cho mẹ chăm em. Vậy nên từ trước giờ 2 ông bà vẫn luôn rất yên tâm về con bé. Vậy nên khi bé Linh nói vậy, ông Minh mừng như vớ được vàng, ông hỏi lại:

- Con chắc không? Đây không phải ở nhà mình đâu!

- Có gì đâu bố, thì chỉ có vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ thôi mà! Con sẽ chốt cửa cẩn thận. Bố yên tâm đi.

Ông Minh thấy con gái nói vậy thì cười rạng rỡ, yên tâm nhận lời đi cùng 3 người kia.

Ba người đó là Hạnh, Long và Đảm một nhóm bạn chơi thân từ thuở hàn vi. Trong đó ông Hạnh là một người làm công chức, ông Long là một doanh nhân, có vẻ cũng giàu có nhất trong nhóm và ông Đảm thì cũng kinh doanh nhỏ lẻ, có cái cửa hàng tạp hoá nhỏ sống qua ngày. Họ cũng lâu lâu rồi mới gặp lại nhau vì cũng mỗi người một xứ bôn ba làm ăn. Lần này hẹn nhau bằng được phải đi chơi với nhau 1 chuyến để ôn lại thanh xuân đã từng tung hoành ngang dọc thế nào. Ngọn núi Thượng này vốn cũng chẳng có gì ghê gớm với họ, họ đã từng leo những ngọn núi cao hơn rất nhiều như Fansipan, Lảo Thẩn, Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Lùng Cúng… Vừa nhìn qua ánh mắt ông Minh là ông Long đã biết ngay ông Minh đang tiếc lắm. Vì cơ hội để được trải nghiệm thế này với những người vợ con đuề huề khá hiếm, nên mới chủ động rủ ông Minh cùng đi.

Ông Năm và bà Tứ nhìn nhau lắc đầu thở dài. Biết không ngăn cản được họ, bà Tứ đi lên đưa cho ông Minh 1 mảnh giấy màu vàng, được gấp nhỏ và quấn bằng một sợi chỉ đỏ, bỏ trong một cái túi vải bé xíu có cái dây đeo. Bà bảo:

- Tôi thấy ông còn có con nhỏ mà liều quá. Cản ông không được thì thôi, tôi đưa ông cái này cầm phòng thân. Tôi chỉ có mỗi một cái xin được của thầy Cẩn dưới làng Hạ để trừ tà, ông cứ cầm theo cho chắc. Lúc nào an toàn trở về thì trả lại tôi.

Ông Minh ngạc nhiên nhìn bà Tứ, định nói gì đó nhưng bà đã quay lưng bỏ đi.

Ông cũng đành cất nó vào túi ngực trái, thôi thì cứ cầm đi cũng chả nặng nhọc gì.

Lo đầy đủ cho các con ăn uống đàng hoàng, ông Minh và nhóm ông Long cũng cùng nhau sắp xếp lên đường. 4 người chỉ cười xoà trước những lời can ngăn của ông Năm, họ vẫn quyết định cùng nhau đi vào trong rừng, mỗi người đều mang theo đèn pin loại siêu sáng chuyên để đi rừng ban đêm. Họ theo lời chỉ dẫn của dân bản, đi về phía Bắc của ngôi làng có 1 con suối nhỏ, chỗ đó có một bãi đất nhỏ khá bằng phẳng, có thể làm chỗ nghỉ chân. Về căn bản, họ đủ thời gian để leo luôn lên đỉnh núi, nhưng họ lại muốn ngủ lại bên suối, để sáng mai dậy sớm leo lên đỉnh ngắm bình minh hơn.

Họ cùng nhau tiến ngày càng sâu vào trong rừng. Khu rừng này khá rậm rạp âm u, ban ngày trời nắng gắt nhưng bước chân vào cũng không thể thấy tia nắng nào lọt xuống. Chỉ cần đi hết con đường mòn ven rừng thì xung quanh trở nên tối om, không khí lạnh lẽo. Cho dù giữa trưa tháng bảy bước chân vào cũng vẫn cảm thấy nổi da gà, ớn lạnh. Bình thường, người dân 2 làng Thượng và Hạ vẫn luôn có việc phải giao thương với nhau, nhưng không một ai dám đi tắt qua khu rừng này mà phải đi vòng theo con đường dưới chân núi. Mặc dù nếu đi xuyên rừng, quãng đường chỉ bằng một phần năm so với đường chân núi.

3 năm trước, có một nhóm 5 người cả nam lẫn nữ không rõ từ đâu đến nghỉ chân tại làng Thượng. Họ cũng muốn đi xuyên rừng để tham quan, sau đó sẽ xuyên xuống làng Hạ để trở về. Họ còn gửi một số đồ đạc tại quán nước nhà ông Năm để sau đó còn quay lại trở về theo đường cũ.

Ấy vậy nhưng 5 ngày trôi qua vẫn không thấy mấy người đó quay lại. Ông Năm cũng đã sang tận làng Hạ hỏi thăm xem có thấy 5 người 3 trai 2 gái lạ mặt đi từ rừng xuống làng Hạ không, nhưng chẳng có ai hay biết gì. Ông Năm cũng đành vội vã quay về làng Thượng.

Ông Bách đang ngồi trong nhà nhâm nhi chén trà thì thấy ông Năm hớt hải chạy vào:

- Ông Bách ơi… Ông Bách… Ông có nhà không?

- Có chuyện gì thế bác Năm? Bác bình tĩnh, uống miếng trà rồi từ từ nói.

Ông Năm đứng lại thở phì phò, đón chén nước của ông Bách, một hơi uống cạn rồi mới từ từ nói:

- Ông Bách, mấy ngày trước có 1 nhóm khách du lịch đi đến quán nhà tôi. Họ gửi hành lý chỗ tôi rồi nói là đi xuyên rừng tham quan, sau sẽ theo đường rừng xuống làng Hạ. Nhưng 5 ngày rồi mà tôi không thấy họ về, nên sáng nay tôi có xuống làng Hạ sớm để hỏi xem có ai thấy họ đi xuống đó không. Nhưng họ đều nói là cả nửa tháng nay làng Hạ không có người khách lạ nào tới thăm làng cả. Tôi sợ là mấy người đó gặp chuyện trong rừng rồi. Ông xem, việc này giải quyết thế nào bây giờ?

Ông Bách nghe đến đấy, trợn tròn mắt vội vàng hỏi ông Năm:

- Trời ạ, sao bác lại để họ đi vào rừng? Thế bác không nói với họ là khu rừng này rất nguy hiểm hay sao?

- Tôi đã nói rồi! Ngay cả bà Tứ lúc đấy cũng ngồi đó can ngăn mà không được.

Ông Bách nghe vậy thì biết là chuyện này phiền phức đến rồi, đành tập hợp thanh niên trai tráng trong làng gần cả chục người cùng đi theo ông vào trong rừng để tìm kiếm.

Hôm đó cũng là một ngày tháng 7 âm lịch như tầm này, Họ đi vào rừng lúc giữa trưa để tránh bớt âm khí, tà ma. Hôm trước vừa trải qua một trận mưa lớn nên lúc này trong rừng đường đi khá trơn trượt khó đi.

Vừa mới bước chân vào núi đã thấy rõ con đường nhưng một lúc sau, xung quanh trở nên tối om. Giữa trưa tháng 7 như vậy mà vào đến hết con đường, bỗng nhiên một luồng gió thổi đến khiến họ đều rùng mình nổi da gà. Hai bên đường đi, cỏ cây rậm rạp che phủ hết lối. Trưởng làng vừa đi vừa sai người cứ 10 bước lại chặt 1 cái cây nhỏ làm dấu để tránh lạc đường. 10 người đi với nhau, cứ người này cách người kia 1 mét, không được xa hơn để không bị lạc nhau.

Thằng Cốc và thằng Dần là 2 người đi cuối cùng. Thằng Cốc vốn dĩ ngay từ đầu đã rất sợ hãi nên cứ lần lữa mãi thành ra đi cuối cùng. Nó vừa đi vừa run cầm cập vì sợ. Cứ một chốc trong rừng lại có tiếng hú của vượn, tiếng loạt soạt của con thú nhỏ nào đó chạy trên lá cây làm cho từng người từng người thần kinh đều căng như dây đàn. Đi một lát, đột nhiên thằng Dần quay lại, không thấy thằng Cốc đâu nữa. Nó vội hét lên với cả đoàn:

- Ông Bách! Ông Bách… Không thấy thằng Cốc đâu nữa rồi ông ơi..!

Cả đoàn bỗng dưng ai nấy đều toát mồ hôi lạnh, dự cảm không lành dâng lên đang trong ánh mắt mỗi người.

Ông trưởng làng vội quay lại, ông âm thầm nhẩm đếm số người trong đoàn thấy đúng là thiếu 1 người là thằng Cốc. Cả đoàn vội lần lại theo những cái cây đã đánh dấu để quay về đường cũ để tìm thằng Cốc.

Vừa đi được một đoạn ngắn thì đoàn người phát hiện thằng Cốc ngồi bệt dưới đất.

Nhìn thấy Cốc từ xa, thằng Dần vội hét toáng lên:

- Cốc! Cốc, mày làm gì mà tụt lại thế? Làm mọi người hết cả hồn. Mày…

Thằng Dần chưa kịp nói hết câu thì khựng lại. Nó nhìn thằng Cốc đang ngồi nhìn chằm chằm vào cái gì đó bên cạnh đường đi. Miệng nó há hốc ra, run rẩy, dường như đã cứng lại không phát ra được thành tiếng. Có cái gì đó bên đường đã khiến nó sợ đến mức ngã ngồi xuống đất, tè cả ra quần. Thằng Dần vội nhìn theo hướng nhìn của thằng Cốc thì cũng ngã ngồi xuống hét lên:

- Áhhhhh

Mấy người trong đoàn đổ xô lại chỗ thằng Cốc và thằng Dần.

Bạn đang đọc truyện Ma Nữ Rừng Tuyền Lâm của tác giả Bong_ke_chuyen. Tiếp theo là Chương 2: Chương 2