1.Trung thần
Phùng Tá Viên quỳ dưới điện rồng nghe thánh chỉ mà chân tay bủn rủn như kẻ mắc bệnh khó trị. Ông biết đây là nước cờ mà họ Trần đưa ra, chỉ có như vậy mới làm cho dân không còn tin triều đình nữa, cũng tiện bề thao túng Đức vua. Chỉ cần bọn họ có được danh tốt thì sớm muộn gì Hoàng thành này cũng thuộc về dân làng chài.
Khi các quan ra về liền tụm ba tụm bảy để bàn tán về việc lập nữ đế. Đa phần những kẻ kia đều xem đó như trò cười nơi triều đình rối loạn này. Cũng có người buồn cho cảnh nước nhà nội loạn, thương cho một đứa trẻ còn chưa đọc rành một bài thơ cổ đã phải làm bù nhìn cho kẻ khác tùy ý thao túng. Đó là bi kịch của Hoàng thái nữ cũng là bi kịch của triều đại.
Về đến phủ, Phùng Tá Viên liền chậm rãi bước vào nhà chính. Trên khuôn mặt gầy của ông hiện lên nét mệt mỏi và chán nản. Trong lòng ông vẫn luôn ngập tràn những âu lo về việc lập Hoàng thái nữ làm vua. Ông sợ mình bất tài không thể giúp nổi nhà Lý phục hưng như cũ, càng sợ thế lực họ Trần ngày càng lớn mạnh, đến một lúc nào đó triều đình sẽ hoàn toàn thuộc về tay họ.
"Lão gia mới về. Chàng mau nếm thử bánh phục linh và nước chè ấm ta pha nào." Phùng phu nhân vui vẻ bê mâm bánh và trà đã chuẩn bị từ trong hậu viện bước vào.
"Lão gia vào chầu triều có điều phiền lòng sao? Chàng hãy chia sẻ với thiếp, để thiếp giúp chàng giải bớt ưu tư." Phùng phu nhân khi nhìn thấy sắc mặt Phùng thái phó liền khoan thai ngồi xuống cạnh bên phu quân. Nàng biết phu quân của mình luôn một lòng tận trung với triều Lý. Tin tức Đức Thánh Thượng lập công chúa Lý Chiêu Hoàng làm Hoàng Thái Nữ đã sớm truyền đi khắp nơi. Phu quân của nàng sao lại không đau buồn cho cảnh nước nhà loạn lạc được chứ?
"Nàng biết không, họ Trần đã ép vua hạ chiếu truyền ngôi cho công chúa. Đến tháng sau sẽ làm lễ tông phả ở Thái Miếu. Nàng nói xem nhà Lý sẽ ra sao đây? Ta không cam tâm tám đời vua Lý sẽ chấm dứt. Có lẽ, bọn chúng cũng đã có được ấn rồng trong tay, ta sợ chúng sẽ mưu hại Hoàng Thượng." Phùng Tá Viên nhận lấy tách chè từ tay của phu nhân. Đâu đó trên khuôn mặt kia vẫn đầy nét suy tư. Từ ngày Điện tiền chỉ huy sứ bố cáo với thiên hạ Thánh Thượng bị loạn trí thì ông đã sớm biết sẽ có hôm nay. Ông cũng từng nghĩ vô số cách để vào được nơi nội viện bọn dân làng chài nhốt vua, giam chúa. Nhưng do canh phòng ở đó qua cẩn mật, cộng thêm việc tì nữ hay thủ vệ nơi đó cũng là tai mắt của họ Trần, ông thể đưa thêm người của mình vào, cũng không dám mua chuộc tì nữ ở đó. Vì vậy, khi chiếu chỉ được truyền đi, ngoài việc Phùng thái phó thương cảm cho Hoàng Thái Nữ. Ông càng lo sợ nhà vua sẽ gặp nguy hiểm khi đã giao ấn rồng vào tay họ Trần.
"Chàng đừng vội buồn, chỉ cần ngày nào ngai vàng của Đại Việt này vẫn là của nhà Lý thì ngày đó Thánh Thượng vẫn còn an toàn. Họ Trần sẽ không dám công khai đoạt ngôi vào lúc này đâu. Vì bên ngoài thành bọn Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn vẫn đang nhìn chằm chằm vào họ, chỉ cần họ làm ra một hành động sai trái nào cũng sẽ bị họ Đoàn và họ Nguyễn đem ra làm cớ để kêu gọi dân chúng phản lại họ. Vào vài hôm nữa trong cung sẽ mở tiệc nguyên tiêu, đó là thời cơ để ta gặp được hoàng thượng. Chàng đừng quá lo lắng mọi việc sẽ ổn thôi." Phùng phu nhân ôn tồn nói.
"Nhưng ta vẫn không thể yên tâm được. Nàng nghĩ xem nếu để Hoàng Thái Nữ vào tay họ Trần dạy dỗ chắc họ sẽ biến nàng thành phường ngu dốt để sức mà thao túng. Đó là một điều sỉ nhục cho triều đình, cũng là sự bất hạnh của Hoàng Thái Nữ." Trên mặt của vị quan thái phó kia vẫn đăm đăm một nỗi sầu. Ông buồn cho cảnh nước nhà loạn lạc, quần thần một bên thì tham ăn lười lam, chẳng khác gì bọn sâu bọ phá hoại mùa vụ. Một bên thì muốn cướp ngai vàng mà không từ thủ đoạn, đến cả một đứa trẻ bảy tuổi cũng cuốn vào guồng xoay tranh quyền này.
"Chàng đừng quá lo lắng, ta có thể dựa vào tiếng nói của các bô lão để Hoàng Thái Nữ được học tập văn hóa. Sau này khi nàng lớn hơn đôi chút ta sẽ tìm cách để nàng được học tập võ nghệ, thấu hiểu binh pháp. Điều quan trọng nhất bây giờ là phải tìm cách để Huệ Tông đế thoát khỏi sự kiềm hãm của họ Trần, có tiếng nói của vua ta cũng sẽ dễ bề kêu gọi những nghĩa sĩ yêu nước." Ánh mắt của Phùng phu nhân bùng lên một hi vọng mãnh liệt. Bà tin, chỉ cần Hoàng Thái Nữ được học tập như những đấng minh quân bao đời trước nàng sẽ vẫn là một vị vua tốt có thể vực dậy giang sơn của Đại Việt đang chìm trong cảnh gươm đao loạn lạc.
"Nàng nói chí phải, ta sẽ đi bàn chuyện với những quý tộc nhà Lý và bô lão." Nói rồi ông liền vội vàng gọi người hầu trong nhà chuẩn bị thiếp mời mang đến nhà của những người quan lại một lòng trung thành với nhà Lý. Phùng Tá Viên như trút bỏ được gánh nặng, liền vội đến linh đường thắp nén hương báo mọi việc đến tổ tiên trong nhà. Từ nhiều năm trước, sau khi phụ thân ông không khuyên được Cao Tông đế, người liền từ quan về nhà và khuyên Phùng thái phó lúc ấy chỉ là một thiếu niên tròn tuổi thập tứ một lòng theo hầu thái tử Sảm để khôi phục cơ nghiệp nghìn năm của họ Lý. Vì vậy, thái phó vẫn luôn tuân theo di nguyện của cha, một lòng trung với vua, cùng hoàng đế trải qua bao đợt trung chuyên. Đến cuối cùng vẫn không thể ngăn Huệ Tông đế nhảy vào mưu kế của họ Trần. Thật may, nhà Lý lại xuất hiện một niềm hi vọng mới. Dù nàng chỉ là một đứa trẻ chưa tròn tám tuổi nhưng ông vẫn sẽ một lòng dốc sức nuôi dạy ấu chúa, chỉ mong nàng mang trong mình khí chất long phượng có thể tái sinh trong biển lửa mãi mãi bất diệt.
__________________________________________________________________________________________
2.Nghĩa tướng
Thái úy Trần Thừa vừa về đến phủ liền vui vẻ cho gọi hai vị công tử họ Trần vào thư phòng. Sau khi người hầu báo tin, hai vị công tử đang cùng chơi bông dụ với những đứa trẻ mục đồng ngoài thành cũng vội vã quay về nhà. Khi vừa đến trước bậc tam cấp bên ngoài thư phòng, hai vị công tử đã nghe thấy giọng nói chứa đầy sự uy nghiêm của phụ thân họ " Các con thân là quý tộc họ ngoại của Thái nữ sao có thể chơi cùng lũ trẻ con vô học kia. Để sau này truyền ra ngoài chẳng phải họ Trần sẽ bị cười chê sao?"
"Dạ, chúng con biết lỗi rồi. Mong cha trách phạt." Anh lớn Trần Liễu vừa nghe cha quở trách đã vội quỳ vái. Còn người em trai Trần Cảnh lại nhất mực im lặng, trên đôi đồng tử thơ ngây của cậu giống như chất chứa điều gì đó.
"Con không cảm thấy mình sai sao Trần Cảnh?" Thái úy Trần Thừa đặt lại chiếc đao khắc chữ trên mãnh tre viết dở, nghiêm trang nhìn con trai thứ.
"Vâng, con cảm thấy..."
"Trần Cảnh, em mau quỳ xuống. Mau nhận lỗi với cha." Trần Liễu ở cạnh sợ em trai phải chịu phạt liền vội vàng cắt lời.
"Con cảm thấy bản thân không sai! Chúng con chỉ ra ngoài chơi khi đã học xong bài, những đứa trẻ kia cũng chẳng hư đốn, làm điều xấu bao giờ. Còn nếu nói chúng con là quý tộc lại chơi cùng những đứa trẻ thường dân lại càng không đúng. Vì vốn con em quan lại trong triều cũng điều là những đứa trẻ bình thường, có chăng chúng chỉ đang hưởng sự phú quý từ cha mẹ. Đây không phải là điều vẻ vang gì, sao có thể lấy điều đó ra làm thước đo hơn thua giữa con người với nhau?" Cậu bé Trần Cảnh khẳng khái bày tỏ những điều muốn nói trong lòng.
"Con...con...hừ...sắp tới con phải vào cung làm quan, nên bớt ham chơi lại thôi. Hai đứa ra ngoài đi, hôm nay ta phạt hai con không được ăn cơm tối." Dù trong lòng Thái úy Trần Thừa rất tức giận nhưng vẫn biết đứa con thứ này của ông chịu mềm không chịu cứng. Vì thế cũng không nặng lời nữa, chỉ đành cấm đám trẻ con kia không được chơi với con ông nữa.
Thật ra, từ trước đây rất lâu, khi ông còn là con quan ở Tức Mặc đã có một thầy bói từ phương xa chạy nạn đến được Trần Thừa giúp cho một bữa cơm, liền bói một quẻ trả ơn cho ông. Người ấy nhìn ba đồng xu từ rơi ra từ chiếc mai rùa liền cười lớn nói:"Nơi này có Kim Long giáng thế, Tức Mặc sắp có kẻ hơn người rồi." Nói xong, cũng liền bỏ đi một mạch.
Từ xưa đến nay Trần Thừa cũng không tin vào lời bịp của kẻ thuật sĩ giang hồ nên cũng quên mất. Cho đến khi phu nhân của ông hoài thai đứa con trai thứ, ông lại nhìn thấy người thầy bói kia, nhưng lúc này người ấy lại xuất hiện trong giấc mơ của ông, trên người không còn là bộ quần áo rách rưới, đầy vẻ phong trần nữa mà thay vào đó là một bộ trường bào màu trắng, miệng cười hiền lành nói với ông:"Hãy nuôi đứa trẻ này thành tài. Sau này nó sẽ tạo phúc cho muôn dân, giúp dòng họ ngươi sẽ mãi lưu danh muôn đời." Vì vậy, Trần Thừa luôn cảm thấy đứa trẻ này chính là Kim Long mà trước kia người thầy bói từng nói. Ông đã cất công mời đến một thầy đồ học nhiều chữ nhất trên trấn để đặt một cái tên thật hay cho đứa con trai thứ này của mình một cái tên có thể khiến cho mặt trời sắp lụi tàn có thể một lần nữa mọc lại ở Đại Việt.