Truyện: Đoạn Cung Cầm
Thể loại: Bình đạm, tình cảm, truyện ngắn.
Bối cảnh: Làng quê miền Bắc Việt Nam những năm từ thế kỉ XIX tới sau ngày Giải phóng.
Truyện lấy cảm hứng từ cuộc đời cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.
Cài trâm tuổi ấy chữa bao lăm
Mà khách tài hoa mộ tiếng tăm
Phiếm trúc keo sơn tình đãi ngộ
Giây tơ ràng buộc nghĩa trăm năm
“Biết ai tâm sự” buồn chan chứa
“Đền nợ Ô - Ly” oán tủi thầm
Nhớ buổi hòa âm từ dạo ấy
Thương ai chua xót đoạn cung cầm.
-------------
Từ đầu hồi chiều, trời lại bắt đầu trở gió. Từng cơn heo may phả xen hương ổi của buổi chớm thu phả thốc vào mái tóc lòa xòa, dồn đám lá rụng trên đường trôi dạt sang một góc tường xa xa nào đó. Từng nhịp mõ chầm chập đều đều vang lên giữ thinh không. Não nùng. Con đường làng lác đác bóng người qua kẻ lại, đám đàn ông thì ở trần khi đi đồng về, mặc độc chiếc quần nái đen, đàn bà thì mặc áo tứ thân với váy đụp, chít khăn mỏ quạ đang thong thả quảy quang gánh đi chào hàng.
Bắt đầu từ khi gà gáy tang tảng sáng thì trâu bò đã lục đục ra đường, những người nông phu phía sau cổ cầy vai bừa cũng rảo bước lững thững theo sau tiến tới cổng làng. Họ đều đi chân đất, quần xắn lên ống thấp ống cao tới gần đầu gối, gót chân lấm lem bùn đất. Chung quanh tạp nham những tiếng lá khô giẫm lên giòn tan, tiếng trâu bò thở hì hò dập chiếc đuôi đen đét vào người để đuổi muỗi, xen những tiếng ho húng hắng. Ngay trước cổng sân đình rộng với cây đa vươn tán cao vút rủ xuống che rợp một khoảng đất rộng, người ta thường lựa chỗ bóng mát để bày gánh bán, họp chợ với nhau ở đầu làng, tay lăm lăm chiếc quạt nan phe phẩy, vừa ca cẩm tiết trời ngày một hanh khô khó chịu.
Trên con đường mòn còn vương cỏ rơm xơ xác, một đôi cha con dắt díu nhau bước đi hướng về phía mái đình làng. Người cha đầu đã ngả hoa râm, gương mặt gầy hốc hác với những nếp nhăn xô lại với nhau ở nơi đôi mắt nhắm nghiền, người cắp theo chỉ độc cái chiếu cói con con với cây đàn nhị bọc trong túi vải màu nâu sòng, bàn tay gầy xương xẩu bấu vào vai đứa con gái độ chừng tám tuổi đi phía trước, lon ton ôm chiếc thau đồng. Cô bé cũng thận trọng nắm lấy tay cha vin vào người mình mà dò đường, tóc vấn đuôi gà xinh xắn, cất những bước lộc cộc trên đôi guốc gỗ đã sờn, vừa chú ý nhắc cha cẩn thận bước đi. Cô là đôi mắt của ông. Đôi má lúm đồng tiền rất duyên nhưng mặt cô gái lại chẳng cười khiến người ta cảm nhận được một vẻ gì như là già trước tuổi.
Được một chốc, người cha giữ bàn tay lên vai cô con gái nhỏ, hơi ngó quanh nghe ngóng động tĩnh xung quanh rồi cất tiếng hỏi:
- Đã ra đến đình chưa hở Gái?
- Dạ sắp tới rồi thầy ạ.
- Đình có đông không con?
Cô bé đưa đôi mắt nhìn quanh quất rồi thưa:
- Thưa thầy, cũng khá ạ.
- Ờ, vậy mình lựa chỗ nào không vướng hàng quán gì mà ngồi thôi con.
Cô thưa dạ rồi lại lần bước đi, vừa cẩn thận nhìn đường từng bước vừa để ý trông nom cha. Tới một góc tường đầu sân đình đông người qua kẻ lại, người đàn ông mới vươn bàn tay run run ra chạm lấy bức tường mà lần tìm chỗ ngồi. Ông cẩn thận trải chiếc chiếu con đã sờn cũ ra, đặt một chiếc thau đồng hơi sứt miệng cùng cái sênh gỗ, ngồi xuống khoanh chân lại với cây đàn nhị trong tay. Cái Gái đỡ cha rồi cũng vén váy sang một bên mà ngồi xuống cạnh đó.
Trời thu đã dần trở lạnh mà manh áo vải còn vá lỗ chỗ kia làm sao tránh được gió lùa vào thân. Cái nón mê, cái manh túi vải trả làn chăn, có bao nhiêu thứ để chống nhau với rét, đều quện cả vào người xù xù. Phía bên chiếc chõng tre, những người ngồi hàng nước trông ra đó hồi lâu mà nét mặt rủ xuống phe phẩy quạt, thi thoảng cất tiếng thở ảo não. Xa xa nẻo trong đình, một hồi mõ cá thật dài, tiếp luôn đến trống ngũ liên nện đủ ba hồi chín tiếng đánh động cho đám chèo bẻo đậu tít trên những ngọn cây, ngó cổ ngoái trông xuống.
Nhưng một giọng hát ảo não xen lẫn vào tiếng gió.
“Hội Chùa Thầy anh em ơi còn đương lúc đua chen,
Hễ nhanh chân thì tới, chứ ươn hèn thì í xa”.
Người đàn ông ngồi trên manh chiếu, một đùi ghếch lên mặt đàn. Tay nắm cần, tay bật dây, uốn cung đàn trầm bổng theo tiếng hát khàn khàn, khắp người cũng lắc lư, nghêu cổ lên mà hát. Tiếng đàn nhị cất lên, réo rắt mà đau tới xé lòng xé ruột, khi lên cao thì thanh âm trong trẻo thánh thót như giọt nắng bên thềm thuở trời mới nắng lên mây quang, khi hạ âm thì da diết như muốn dằn lòng người ta xuống, một nỗi kìm nén như dồn nước mắt chảy ngược vào trong không thể thốt nên lời, lại như nỗi niềm thấp thỏm trong đêm vắng vì nỗi uất nghẹn không biết làm sao giãi bày cho tỏ. Đàn quyện vào sênh tiền, thầm thì, ảo não. Lời hát cất lên thay lòng người. Cái Gái trân trân nhìn gương mặt cha đã xám lại, xanh xao sau đợt ngã bệnh từ buổi trước, đến giọng cũng khó lấy hơi.
Ngày nào cũng thế, cứ mỗi độ sáng ra là người ta đều nom thấy nhà bác Xẩm ngồi ở ngay hiên đình cất tiếng hát, cảnh nhà hiu quạnh mà không một lần mở lời trách phận than thân, cũng chẳng thể để mình ngồi không ngửa tay xin tiền người ta, chẳng còn biết làm gì hơn mới phải khó nhọc đi khắp nơi bán nghề kiếm sống. Chẳng biết đã qua bao lâu, trong cái bát con vẫn không một tiếng vang động. Một xu cũng chẳng có. Một chinh to cũng chẳng có. Một chinh con cũng chẳng có. Thầy càng hết sức để hát, để đàn, và để… không ai nghe.
Nom xem…
Kìa phía tuần đi-m dựng cạnh giẫy sào ở bên kia còn tiếng người nói chuyện lầm rầm, có hơi khói thuốc nghi ngút và ánh lửa lập lòe của chiếc mồi rơm bị thổi. Đám người nhà Lý trưởng lẫn tuần đinh vẫn ngồi một đống lố nhố trên lớp chiếu ngoằn ngoèo phì phò thổi thuốc lào, chè nước đặt trong khay tinh tươm. Lão Trương tuần xồng xộc luồn thốc khăn xếp vào cẳng tay, vắt áo the bên vai mà tru tréo mắng chửi những người nông phu mãi vẫn chưa nộp cho đủ sưu năm nay. Ấy xuyến hoa nhiễu trắng may quần, ấy khi ra vào giày tàu khi quạt khách chả thiếu chi.
Bởi vì…
Đám người lầm lũi như đàn trâu đội cày vác bừa ra đồng làm thuê cho nhà chủ, đám đàn bà hàng nước cũng nom tiếng quát tháo như tát nước vào mặt của đám sắc dịch kia mà e ngại, mõ cá trên cột đình lạ há miệng nhận những cây dùi giận dữ. Lại một đợt nồm nam gió thổi, lá vàng trút xuống mặt đường lăn theo nhau rào rào. Bên bậu cửa nhà quyền kia cơm nước rượu thịt ê hề, ngoài kia kẻ khó có nằm chết rụi phơi xương cũng chẳng ai hay.
Mà trông thân…
Nếp nhà tranh hai gian một chái lủn củn nấp dưới rặng tre là ngà, lợp lúp xúp bằng lá cỏ tranh tạm bợ dù mỗi cơn mưa đều dột trước ngấm sau, lặng lẽ úp lấy khu đất dề thành và kín đáo. Lại có một bức phên nan nứa sừng sững chắn ngang lòng nhà ngăn buồng với nhà bếp nhỏ thó chật chội như nhà chứa củi khô. Trên chiếc giường tre gẫy giát, kê giáp bức bụa, thầy lại ngồi tay lân lê trên những dây đàn mà dạy cái Gái hát, bên kia u khom người kê mấy viên gạch vỡ chụm thành kiềng còn kê nồi nước luộc khoai. Tiếng đàn réo rắt vang khắp căn nhà nhỏ, cái Gái thì ngồi tay cầm nhịp sênh tiền mà gõ theo.
Cái nghề hát rong mãi chẳng thể nuôi được đàn con nheo nhóc, lúc nào ruột cũng muốn cồn cả lên vì đói. Khoai thì hết củ lại ngắt đến ngọn non cành già, chỉ cố học được cái nghề mà xin ông xin bà bớt chút ít để con có bữa ăn. Nhưng ông nào? Bà nào? Xúng xính áo quần cứ lướt qua trước mắt, chẳng ai thiết tha đứng lại mà nghe.
Mà những cảnh tượng ấy thầy nào có thấy được đâu.
Bỗng chốc lời hát ngừng bặt sau khi bị một cơn ho khan cắt ngang, thầy yên lặng hồi lâu nghe ngóng chung quanh, rồi cười xòa:
- Thời buổi khó khăn quá, làm ăn thế này thì chết con ạ. Mấy dạo nay chả có khách khứa gì mà cổ thầy thì đau quá.
Cái Gái bèn nhanh nhảu rót nước cho thầy khẽ hỏi han, ông ngoái sang nhìn nó mà bảo:
- Hay thế này con hát thay cho thầy nhá, thầy đàn cho con hát.
- Dạ.
Cái Gái là con gái út sinh ra trong một gia đình ba đời làm nghề xẩm này rồi, đã sớm theo thầy học hát từ khi mới lên bốn tuổi. Nếu những năm son rỗi chẳng tới lúc thóc cao gạo kém, thua thiệt đủ đường thì cũng không đến hồi lang thang đầu đường xóm chợ mà kiếm ăn thế này. Giờ đây thầy lại đau ốm liên miên, có bao nhiêu tiền của tích cóp được khi trước nay cũng đội nón ra đi hết cả, vặt mũi cũng chỉ đủ đút miệng mà thôi. Rau cháo loãng qua ngày, bát nước nhân trần uống vào đắng ngắt. Những sự đóng góp chi tiêu của một gia đình năm miệng ăn, hết thảy trông vào hai bàn tay trắng của người đàn bà con mọn.
“Mục hạ vô nhân”, thầy bảo, bài xẩm ấy có nghĩa là dù bị mù lòa nhưng vẫn nhìn thấy rõ sự đời. Từ bé đến lớn là thầy dạy cho cái Gái hát, giọng hát của thầy não nề mà thê lương tan chảy cả lòng người. Cứ việc hát. Hết sức hát. Gò ngực mà hát. Há miệng to mà hát. Hát như con cuốc kêu thương giữa trời đến hồi nhỏ máu. Dốc cả gan ruột ra mà hòa với lời ca về một kiếp bèo dạt mây trôi. Chỉ có từ trong lời ca tiếng đàn người ta mới có thể thấy được tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ lẫn những lời uất hận sâu cay tới nghẹn ngào.
Tiếng đàn lại vang lên bồi hồi xa vắng. Và nó hát. Nhịp hát khi nhanh khi chậm, nhịp sênh tiền khi khoan khi nhặt rồi tơi ra dần như tiếng máu rơi, khắc khoải tựa một tảng đá nặng cứ chìm dần chìm dần vào lòng tới ngạt thở. Từng lời nhả chữ, từng điệu ém hơi như chứa trong ấy cả một đời người đằng đẵng nhọc nhằn nghe mà thắt lòng não ruột. Kìa tiếng đàn như có ma thuật khiến người ta say mê không thể rời.
Mục hạ vô nhân, chính tôi, người mù như tôi
Nghe em nhan sắc, lòng xuân anh mới dạt dào
Dù em mặt phấn má đào (hừ)…