Thuyền gia tộc nối liền vận nước
Dấu xưa mây phủ lại mấy hồi
Cơ đồ nghìn năm vùi đáy bể
Thành cao dõi dõi bóng trăng soi.
------------------
Ngày Hồ Nguyên Trừng được sinh ra, nhà Trần đã dần đi qua thời vàng son của mình, bắt đầu tàn lụi như lẽ tất yếu của một triều đại đã trải qua ròng rã trăm năm trị vì. Phía Nam có quân Chiêm Thành nhiều lần hưng binh Bắc tiến, đốt phá Thăng Long tan tành. Vua quan triều đình hèn nhát, chỉ biết thu vén cho riêng mình. Dân chúng căm phẫn nổi dậy, có lần còn chiếm được kinh đô, đuổi vua Trần phải chạy dài.
Một thời đại rực rỡ như vậy, hào khí Đông A lẫy lừng trong sử sách năm ấy, hắn lại chứng kiến nó ngày càng kiệt quệ dần, chỉ còn đống tro tàn. Thế rồi hắn lại chứng kiến từ trong tro tàn, một triều đại mới lại dựng lên, như tưới thêm máu vào bức tranh non sông nhuốm màu xám xịt, căng mình trước những xoay vần của cao xanh, chật vật trước cái nhìn lạnh nhạt hắt hủi của dân gian.
Máu đã chảy nhiều quá. Phụ hoàng hắn lên ngôi từ chính việc tiếm phạm thiên tử, thâu tóm mọi quyền hành, từ chính những cuộc đàn áp đẫm máu bất kỳ kẻ nào dám chống đối. Cứ thế, người thực hiện nhiều chuyển dời khi lòng dân xao động, khi kẻ địch phía bên kia biên giới đang rục rịch xâm lăng, trong tâm thế còn quá vội vàng.
Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…
Thì ra ngay thuở trong nôi, câu hát con cò đã vận vào đời người như thế. Những lời nói của cái Hạnh lại một lẫn nữa vang vọng trong tâm trí hắn.
“Trần Du là anh trai con, đã nguyện gia nhập khi nhà Hồ chiêu dụ binh sĩ chống giặc Minh. Năm ấy khi họ Hồ lên ngôi, trăm họ bất bình, thế nên tất cả các chính sách ban xuống họ đều phản đối cả. Nhưng kể từ cuối nhà Trần, triều đình đã bỏ mặc muôn dân cơ cực, còn lòng nào mà thương nhớ nữa. Chúng con cũng chỉ là dân thường, mong cho được cơm no áo ấm, bình yên qua ngày, dẫu là triều đại nào lên làm chủ nước Nam cũng có xá gì. Nay giặc Minh tiến vào bờ cõi, cớ sao lại chia rẽ thay lòng, rước voi về giày mả tổ, đó là nên hay chăng?”
Hồ Nguyên Trừng đã ngỡ rằng chỉ cần họ Hồ một lòng nghĩ tới canh tân xã tắc, lo cho đời sống dân chúng sau bao nhiêu bị năm vua tôi nhà Trần bạc nhược chèn ép, rồi trăm họ cũng sẽ thấu hiểu, bao dung hơn đối với một triều đại đi lên từ những rạn vỡ. Rằng trước việc rợ Minh đặt chân lên cương thổ Đại Ngu tuy là mối họa đấy, nhưng cũng là chất hồ gắn kết lòng người lại.
Thế nhưng hắn đã phải trả giá quá đắt cho suy nghĩ ngây thơ ấy. Nhị vệ đại tướng Phạm Nguyên Khôi, tướng chỉ huy quân Chấn Cương là Chu Bỉnh Trung, Tả Thần Dực quân Trần Thái Bộc đều thua chết. Dân chúng ven mạn Tam Đái, Lạng Châu, Vũ Ninh bất mãn với triều đình đã lâu, đều mở cửa đón giặc, không mảy may phản kháng. Những kẻ bất đắc chí với nhà Hồ bao gồm Mạc Địch, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Nguyễn Huân đã đón hàng quân Minh, nội ứng ngoại hợp, khiến kế hoạch phục kích của Nguyên Trừng bại lộ, thất bại nặng nề, thương vong khôn kể.
Hình như hắn thấy mình trong cảnh thành cao máu đổ, mắt ráo hoảnh nhìn thủy quân từng chút một bị xé nát, những kẻ thân tín rắp tâm đâm sau lưng. Nếu không phải có người dìu xuống thuyền, hắn suýt chút chết đứng giữa trận tiền.
Hình như hắn thấy mình ở giữa điện chầu đầy hỗn loạn. Bá quan nghe tin giặc Minh từng ngày liều mạng tấn công, những đền đài sụp đổ thì loạn như ong vỡ tổ. Người đòi đánh, kẻ xin hàng, lo nghĩ cho thân nhân trên dưới, cho gia sản bổng lộc của mình. Đến phiên hắn, chỉ lẳng lặng quỳ xuống trước ngai vàng, chắp tay thưa:
- Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo…
Hắn nghe lòng mình lặng thinh.
Đêm mồng 9 tháng 12 âm lịch, quân Minh đánh úp bãi Mộc Hoàn, quân triều đình thất thủ, thuyền bị đốt gần hết. Các cánh thủy quân bên trên và bên dưới đều tham sống sợ chết không đến cứu ứng, chỉ một mực xin Hồ Nguyên Trừng cử kẻ thay thế, hắn chỉ cười gằn. Quân Minh tiến tới bên kia sông Bạch Hạc, đối diện Đa Bang. Từ đây tất cả đường cứu viện lẫn rút lui đều bị cắt đứt, thành Đa Bang bị cô lập trơ trọi như ốc đảo giữa sóng gió nghìn trùng. Thành hay bại sẽ chỉ định đoạn trong sớm tối.
Thời khắc mũi tên cùng mảnh thư khiêu chiến bay vụt tới cắm thẳng trên cột cờ mặt thành, Hồ Nguyên Trừng biết thời khắc ấy đã điểm.
Khắp vùng doanh trại, người ta đang tất bận chạy ngược xuôi để băng bó vết thương cho các tướng sĩ sau trận chiến vừa rồi. Họ nằm ngả người trên những búi rơm xơ xác được cuộn thành ổ, cắn chặt miếng khăn trắng không để tiếng kêu phát ra, máu túa ra trên mảnh vải băng tạm bợ. Có tiếng nước chảy khi vắt khăn, có tiếng kín đáo thở dài, có tiếng hỏi han, có tiếng binh khí chạm nhau lách cách, có cả tiếng nghẹn ngào rưng rức đâu đây.
Vẫn là kẻ thù đông hơn gấp bội, nhưng lần này đã không còn những vị vua Trần Nhân Tông, Thánh Tông, chẳng còn những danh tướng Hưng Đạo Vương, Chiêu Minh Vương, chẳng còn những tiếng hô xin đánh vang khắp điện rồng của các bô lão. Vẫn là triều đình còn đang non yếu, căng mình đối phó với thế tiến quân như vũ bão của giặc phương bắc, dù có tường cao hào sâu, nhưng nay nhìn lại, hóa ra chỉ còn họ đơn độc.
Một người lính trẻ thấy chủ tướng tới thì cuống cuồng định chắp tay hành lễ, song vết thương ở chân đang rơm rớm lại không cho phép. Hồ Nguyên Trừng vẫn còn nhớ khi trước ở trận Bạch Hạc bị địch bao vây, là cậu ấy đã liều mình chắn tên để đỡ mình xuống thuyền rút lui an toàn, trước khi xung quanh đã chìm vào trong biển lửa. Hắn đưa tay ra hiệu, ngồi quỳ một chân xuống buộc chặt hơn băng vải đắp trên vết thương người kia, mặc kệ đối phương hốt hoảng:
- Tướng quân, thế này thì không phải phép…
Hắn mỉm cười:
- Còn cử động là vết thương lại hở miệng bây giờ!
Nói rồi trước những cặp mắt ngỡ ngàng lẫn bối rối của quân sĩ, Hồ Nguyên Trừng đứng dậy nhìn khắp những gương mặt của họ. Có người tuổi trung niên, cũng có người chỉ tầm đôi mươi, trong số đó có thể có người anh đi tòng quân của cái Hạnh, có người con, người cha, vô tình bị cuốn vào vòng xoáy này. Nếu như có thể, thì tất cả những tướng sĩ kia, hắn cũng muốn đưa họ về nhà. Nếu như có thể, hắn cũng mong mỏi cuộc chiến này mau chóng kết thúc, để chẳng còn oán thù, bàn tay mình chẳng còn phải nhuốm máu, chẳng còn phải dằn vặt với những dã tâm chẳng thuộc về mình.
Nhưng vốn dĩ ngay từ đầu đã chẳng có nếu như, cũng chẳng còn nước quay trở lại nữa. Hồ Nguyên Trừng bước lên bậc thềm cao, nơi mà hắn tin rằng ba quân có thể nhìn thấy, hô lên thật dõng dạc:
- Hỡi các anh em, sau tất cả những gì đã trải qua, ta biết mọi người đều lo lắng, tuyệt vọng, có thể sợ hãi, nhớ nhà, có thể oán trách chính ta, chính triều đình nhà Hồ đã quá hà khắc, thậm chí có thể xao động trước luận điệu ngon ngọt của quân Minh. Thế nhưng dù có uất ức, có căm giận thì cũng nhìn đây, chúng ta đang đứng chung trên một chiếc thuyền! Hoàng thượng lệnh cho chúng ta thủ vững Đa Bang này, cũng chính là bảo vệ kinh thành cùng hàng vạn bá tánh Đại Ngu.
Hắn lấy một hơi sâu, chỉ thẳng tay về bên kia sông Bạch Hạc, tất cả những ý niệm luôn canh cánh trong lòng chợt trào dâng trong phút chốc, trở nên sắc nét hơn:
- Này! Bảo cho các ngươi biết! Giặc dữ không phải lũ tầm thường. Vó ngựa cuồng loạn của chúng đã từng quần khắp thiên hạ, tựa như hổ dữ đang đến hồi giương móng vuốt sắc nhọn chực vồ mồi. Các ngươi sợ ư? Ta hiểu. Nếu các ngươi ra hàng lúc này, có thể được toàn mạng của bản thân lẫn người nhà, có thể được vỗ về trao cho quan tước bổng lộc, vinh thân phì gia. Nhưng nhớ rằng giặc chính là giặc, mộng bành trướng không bao giờ vơi cạn, các ngươi nghĩ chúng thật sự sẽ phù Trần hay sao? Bãi Mộc Hoàn đã mất, chúng ta đã giam chân tại Đa Bang này. Phía sau bức tường thành kia không phải là giang sơn của Đại Ngu, mà chính là quê hương, là thân nhân của các ngươi, là xương máu của tổ tông, là ngàn năm văn hiến của nước Việt, là lịch sử không bao giờ khuất phục! Ngày hôm nay nếu các ngươi chùn bước, sẽ đánh mất tất cả những gì mà tổ tiên khổ công gây dựng, tất cả những gì mà các anh em đã phải hy sinh tính mạng để giành lấy!
Sau khi lấy hết sức lực dồn vào câu nói, Hồ Nguyên Trừng ngừng lại, thở dốc. Dù có là một gáo nước lạnh dội thẳng không chần chừ, hắn cũng phải xốc lại tinh thần binh sĩ. Hắn đưa mắt nhìn từng người, như khẩn thiết. Cho tới khi có những tiếng hò reo vang dậy, tiếng gõ của binh khí vang lên cùng tiếng đồng thanh “ Đa Bang bất bại!”
-------------
"Cô thành" dù là một truyện ngắn tương đối độc lập, song vẫn không tách rời khỏi tinh thần và thiết lập bối cảnh của bộ truyện gốc, vậy nên từ đầu đến cuối truyện được kể dưới góc nhìn của nhân vật "tôi", tức nữ chính Tư Hoài. Sự đan xen giữa hai ngôi kể thứ nhất và thứ ba trong truyện là dụng ý nghệ thuật của bộ truyện gốc.