Một đèo, hai đèo, lại ba đèo
Bên rừng, bên đá, dốc cheo leo
Núi khoác rêu xanh xuyên mây biếc
Cây mọc thẳng tắp bóng trăng treo
Suối đọng Chín Giếng thiêng một chỗ
Sóng gợn lăn tăn dưới rừng tùng
Nghe tiếng nước chảy, đây Tư Phố
Khen ai khéo tạc cảnh kỳ hùng
“Này ăn đi,” người đàn ông đeo chiếc ngạc cợp hình thuyền đưa cho tôi cái xiên cá nướng. “Cháu tên là gì?”
“Cháu cảm ơn ngài,” tôi trả lời. “Cháu tên là Bồ Lang.”
“Bồ Lang có nghĩa là mặt trăng à?” ông ta hỏi. “Cái tên đẹp đấy.”
“Mẹ cháu đặt cho cháu cái tên này,” tôi mỉm cười. “Làm gì có ai mà chán ghét cho được cái ánh sáng nhẹ nhàng của mặt trăng cơ chứ, mẹ cháu nói vậy.” Tôi thắc mắc, “Vậy tên ngài là gì?”
“Tên ta là Đắc Ngài Pha Lang,” ông trả lời.
Thật là một cái tên dài, nhưng thật đẹp – tôi nghĩ.
“Còn kia là Mạ Nhơn Bạ Rủ,” ông Pha Lang chỉ người đàn ông đeo chiếc ngạc cợp hình đàn chim Khuê Liễu. “Bạ Rủ và ta là bạn thân đã lâu. Tuy hắn tới từ huyện Hồi Hồ, nhà ta vốn làm nghề chài lưới ở Kê Từ,” ông tiếp chuyện. “Đều được Khả-lang trọng dụng nên mới quen nhau.”
“Cháu cũng có một người bạn,” tôi hào hứng. “Nhà vốn là miền biển, cũng chuyển tới thành Sếu không lâu trước đây. Lai Rông Mạt Lôi, đó là tên bạn cháu.”
“Nhà Lai Rông à,” ông Pha Lang đăm chiêu. “Họ từng là một dòng họ lớn ở phủ Trắng Rầng.” Ông nhổm người dậy, tỏ vẻ hứng thú, “Còn bạn cháu tên là Mạt Lôi, nghĩa là mặt trời sao?”
“Dạ – đúng rồi.”
“Mặt Trời và Mặt Trăng.”
“Chẳng trách mà chúng nó cứ cuốn quýt lấy nhau như hai anh em,” cha tôi cười.
“Một người bạn luôn ở bên cạnh mình như vậy cũng tốt,” ông Pha Lang gật gù rồi nhìn ông Bạ Rủ. “Có người đỡ đần, chia sẻ những lúc đau ốm, khó khăn.”
Tôi coi như là lời dạy bảo, rồi khoanh tay tạ ơn.
Đi thêm vài ngày đường nữa, chúng tôi tới thành Tư Phố – thủ phủ huyện Cư Phong. Ngoài kinh đô Cổ Lâu, phủ Sếu, phủ Long Uyên, thì Tư Phố cũng là một trong những đô thị sầm uất bậc nhất. Tuy nhiên, so với những nơi khác, Tư Phố là thành lớn nhất lộ Kẻ Chân, lại quy tụ đủ loại người có chí hướng khai phá, cho nên có phần nhộn nhịp và hối hả hơn.
Vượt qua Bến En, chúng tôi không đi thẳng tới Hàm Hoan, mà lại ngược dòng sông Ngàn Cả để đến Cổ Cuông. Người ta kể rằng thuở xa xưa, có một con công thành tinh, vì cả gan dám thách đấu với Mặt Trăng mà bị nàng ta thiêu cháy. Trước khi hóa thành tro tàn, nó vẫy vùng lao xuống nơi nay là huyện Việt Thường, thân thể vỡ tan, hóa thành một khu rừng đại ngàn rực đỏ như lửa. Quanh năm suốt tháng, chẳng khi nào lá chuyển xanh. Người dân được công thần che chở, tin rằng đây là điềm linh thiêng, bèn dựng đền miếu thờ phụng, rồi gọi tên làng là Cổ Cuông để ghi nhớ công ơn. Nhưng lâu dần, do đường sá hiểm trở, người ta cũng ít lui tới, để lại khu rừng lặng lẽ. Cho tới hiện tại, khi nhà Khả-lang tìm ra mỏ đồng mới.
Bất kỳ ai bén mảng gần mỏ đồng đều bị kiểm tra kỹ càng. Tôi không nhìn thấy Rừng Lá Đỏ đâu cả. Một bức tường cao bằng gỗ được dựng ở phía ngoài, cứ cách vài đốc lại có một tháp nhìn. Trong ấy chắc hẳn người ta đang phải canh trừng một thứ gì đó, một thứ mà không phải ai cũng nên thấy và có thể thấy được. Tôi hiểu được một điều, cái mỏ đồng mới không phải là lý do chính cho việc họ mời cha tôi đến.
Ông Lạc Hầu lấy từ trên đai thắt lưng một tấm lệnh bài bằng đồng cho viên gác cổng.
“Khả-lang ma lệ, cho Đắc Ngài Pha Lang Bố Cái – Cả Lệnh Lạc Hầu, đi vào chẳng ngăn.”
Hai viên gác cổng quỳ xuống làm lễ, dõng dạc, “Xin lạy đức Cả Lệnh Lạc Hầu!”
Một Cả Lệnh – tôi bất tôi bất ngờ – người đi cùng chúng tôi bấy lâu nay lại là cố vấn tối cao của Khả-lang. Tôi nhớ tới hai chiếc ngạc cợp của Pha Lang và Bạ Rủ, rồi chắc mẩm rằng họ cũng là những người quan trọng như thế. Tôi lén nhìn cha, ông ấy cũng đang lo lắng giống tôi. Không một ai hiểu chuyện gì đang xảy ra và không ai biết thứ gì đang được giấu giếm sau cánh cổng gỗ lạnh lẽo kia.
Cánh cổng mở ra, để lộ một mỏ đồng lớn ẩn mình sau sườn núi. Nhưng… có gì đó không đúng lắm. Một rừng cây trụi lá hiện ra thấp thoáng, những cánh tay xương xẩu và khô cằn vươn lên từ những ngọn núi lởm chởm, chọc thẳng vào nền trời xám xịt. Bầu không khí ở đó không như những gì tôi tưởng tượng. Căng thẳng và ngột ngạt. Như thể khắp thung lũng và tất cả những vách đá đang cố gắng nín thở, chỉ sợ vô tình làm lộ một bí mật đã bị chôn vùi từ lâu.
Chúng tôi đi xuống thung lũng và nhận ra đây trông giống một đồn trại hơn là một mỏ đồng. Đằng sau hàng rào gỗ, người ta đặt các bẫy chông bao quanh trại, chốc chốc lại có vài ba nhóm linh đi tuần tra. Hai bên lối đi, các dãy nhà lợp lá cọ, mái tranh thấp thoáng sau lớp bụi mù bị gió cuốn lên. Các ông Đậc hô lớn chỉ đạo một nhóm binh sĩ luyện bắn nỏ, tiếng mũi đồng cắm phập vào bia gỗ, xé toạc không khí. Khói bốc lên từ các lò rèn, tiếng búa kêu vang chát chúa một góc trại. Căn nhà kia, một căn nhà cũ kỹ xây theo kiểu điện thờ, trên cao có một tấm biển khắc bốn chữ, Cổ Cuông Ngài Lệnh . Một thứ ánh sáng đáng ngờ phóng xuyên qua những kẽ hở trên khung cửa gỗ. Tôi thấy trái tim mình đập mạnh. Bụng tôi nôn nao, khó chịu vô cùng.
Cuối con đường, người ta dựng một gian nhà sàn bằng gỗ lớn. Trên cửa ra vào, họ treo một tấm gỗ khắc hình con Hà Rạ cách điệu.
“Các vị chờ ở đây,” ông Cả Lệnh Lạc Hầu nói. “Tôi có việc cần nói với Khả-lang.”
Một tia sét sượt ngang qua tai rồi đánh rầm một cái, lùng bùng, nhức óc. Cánh cửa treo tấm gỗ Hà Rạ hé mở. Tôi nhìn thấy một người đàn ông già ngồi trên ngai mây đan chắc chắn. Xung quanh, kẻ hầu người hạ túc trực, phía sau, hai kẻ lẹm-din lặng lẽ quạt hầu.
Khả-lang ở đây làm gì chứ. Tôi nhìn cha trân trối như thể đang muốn hỏi Cha làm gì thất đức tới mức bị người ta đày tới đây vậy? , rồi nào là Tại sao cha lại lôi con đi để chịu tội chung thế ?
Ông Khả-lang đã tới đây từ chiều hôm qua, nghĩa là chỉ trước chúng tôi vài tiếng chuông. Ngài là vị vua đứng đầu đất nước Gọa Tánh, và cũng chính vì lí do đó mà ngài là người mà cha con tôi ít mong đợi sẽ gặp mặt nhất. Ngài là hậu duệ trực tiếp của Thục bố cái Bàn, một dòng dõi quý tộc cổ đại từng cai trị sứ quân Sạ Nạ ở phía bên kia dãy núi Trà Dàng.
“Khả-lang thì không nên rời khỏi kinh đô quá xa chứ?” cha tôi thắc mắc. “Phải chăng có chuyện gì các ông chưa nói với chúng tôi?”
Ông Pha Lang chạm mắt tôi, tròng đen nghiêm nghị như cứng lại. Nhưng tôi không thấy sợ. Tôi hiểu, đó không phải là ánh hình thị uy, mà là sự trấn an, “Chúng tôi ở đây để bảo vệ ông và con trai ông, không phải để làm hại.”
“Chúng tôi ở đây để làm gì?” cha khẽ đặt tay lên con dao giắt bên hông.
“Tôi và Bạ Rủ không thể trả lời ông,” Ông Pha Lang nắm lấy chuôi rìu, ánh mắt không rời khỏi cha tôi. “Không nên làm chuyện dại dột trước mặt Khả-lang.”
Tôi nhìn thấy ánh mắt thét ra lửa của Bạ Rủ, tim tôi như ngừng đập. Ông ta có một vết sẹo chạy từ mắt phải xuống tới gần cánh mũi. Khi tức giận, vết sẹo ấy đỏ ửng lên, phập phồng như mang cá. Ông ấy đã rút cây rìu chiến ra hướng về cha tôi. Tôi là một đứa bất tài và vô năng, còn cha chỉ mang theo một con dao găm nhỏ. Xét tình hình lúc này, cha con tôi không có cửa thắng, một tình huống một chọi hai điển hình, thậm chí còn chẳng được một, và con số chúng tôi phải chống lại còn có thể nhiều hơn cả hai.
“Nào nào!” một giọng ôn tồn vang lên. Tất cả hoạt động trong trại lập tức dừng lại. Mọi người quỳ xuống hành lễ.
“Quỳ xuống đi,” ông Pha Lang thỏ thẻ.
Tôi và cha cũng quỳ rạp xuống.
Ông Cả Lệnh đi khép nép bên cạnh người đàn ông già. Râu lão trắng muốt, hai bên má và trán xăm hình mai rùa. Trên đầu, lão đội Khả-lang miện có hình hai con chim Khuê Liễu vươn lên đỡ lấy mặt trời. Lông chim sếu cài trên miện bồng bềnh như áng mây trời.
Cổ lão đeo đầy thứ ngọc bích, hồng ngọc, mã não. Hai cánh tay khẽ nâng lên, để lộ vòng đồng sáng loáng. Lão giơ tay ra hiệu – tất cả dừng hành lễ.
Trên thắt lưng đồng, lão giắt một thanh kiếm dài, chạm trổ tinh xảo. Tôi sững lại. Những họa tiết ấy thật quen thuộc. Tôi đã thấy chúng trước đây rồi.
“Kiếm này là do ngươi làm cho ta đấy, Sạ Ràng Tông Thao,” Khả-lang nhìn theo ánh mắt tôi, mỉm cười. “Ngươi còn nhớ không?”
“Dạ thưa ngài, con còn nhớ,” cha tôi dõng dạc.
“Lao Tỏ Tạ Cươm,” vua nói. “Thanh gươm phương Bắc, ngươi đã đặt tên cho nó như vậy. Chuyện cũng đã lâu lắm rồi nhỉ. Cũng chừng ấy năm không gặp lại ngươi, giờ đã có con trai lớn từng này tuổi rồi!”
“Là lỗi của con suốt bao nhiêu năm qua không diện kiến đức Khả-lang,” cha cúi đầu. “Được ngài nhớ đến là vinh hạnh của con.”
“Khi ấy ngươi còn trẻ lắm. Đi cùng với những người anh em của mình tới mỏ Bát Xát ở huyện Hồi Hồ để chọn đồng,” ông Khả-lang đỡ lấy đôi bàn tay cha. “Ngươi nói đồng Bát Xát đỏ như sao Tỏ mọc ở phương Bắc, cho nên khi rèn cho ta thanh kiếm này mới đặt là Lao Tỏ Tạ Cươm.”
“Lao Tỏ Tạ Cươm,” cha tôi nhắc lại. “Đã mấy chục năm rồi phải không ạ.”
“Món quà ấy ta trân trọng đến thế. Đôi tay của người thợ trẻ ấy đã làm ra một kiệt tác như vậy,” ông Khả-lang gật đầu. “Mối nhân duyên tốt đẹp như vậy, làm sao bây giờ ta có thể hại hắn được cơ chứ.”
“Nhưng lần này không phải đơn giản chỉ vì một mỏ đồng mới phải không ạ?” cha hỏi.
Khả-lang hắng giọng, chậm rãi tiến về ngôi đền luôn khóa chặt cửa. Đền Cổ Cuông nằm lặng lẽ trên một gò nổi nhỏ giữa hồ nước rộng, như thể tách biệt khỏi thế gian. Mặt nước lặng im như tờ, chỉ gợi lên một vài gợn sóng khi gió nhẹ thoảng qua.
Con đường đất mới đắp dẫn vào đền, vệt bùn còn ẩm bám chặt vào những bước chân. Hai bên lối đi, lau sậy rì rào trong gió, lẫn với những tảng đá rêu phong trồi lên khỏi mặt nước. Mùi bùn non ngai ngái hòa vào không khí, phảng phất đâu đây.
Ánh sáng lục leo lét từ bên trong đền lọt qua khe cửa, mờ tỏ như một con mắt lặng lẽ dõi theo từng bước đi, từng hành động của tôi.
Cánh cửa đền rít lên khe khẽ khi mở ra, để lộ một không gian tĩnh lặng. Ánh sáng chói lòa kia soi rọi những bức phù điêu trên trần đền. Chính giữa, trên ngai thờ, người ta khắc gỗ hình một con công vươn cánh, đuôi lửa xòe rộng cuộn trào, đầu cúi xuống mặt đất, từ mỏ nó chảy ra nguồn suối tinh khiết, hóa thành cây, sinh ra lá. Bóng con công đổ dài xuống nền đất, như còn động đậy.
Bốn chữ lớn, Cổ Cuông Đại Thổ , được chạm khắc ngay phía trên bằng nét chữ cổ xưa và phải khó khăn lắm tôi mới đọc được. Tôi thiết nghĩ người ta nên sửa sang lại nơi này nếu thực sự muốn làm nơi thờ tự, vì nó đầy bụi bặm và mạng nhện giăng đầy các khe kẽ.
Thứ phát ra ánh sáng kỳ dị kia nằm ngay giữa đền thờ, đặt trên một chiếc bàn gỗ cũ kỹ, xung quanh rải rác những mẩu sáp nến đã chảy tràn xuống. Nó sáng đến mức tôi phải nheo mắt, không thể nhìn rõ nó thực sự là gì nếu không tiến lại gần hơn.
Nhưng tôi không muốn lại gần.
Tôi không thích nó. Một luồng khí khiến da tôi nổi gai ốc, như những con đỉa bám víu lên từng lớp da tôi mà ngấu nghiến. Như những con giun len lỏi vào bên trong cơ thể tôi, cựa quậy ở nơi xương tủy, khiến tôi buồn nôn. Cảm giác ấy, như thể tôi đang đứng trước một thứ không dành cho người phàm nhìn vào. Một thứ gì đó cổ xưa như thể gốc cây mục ruỗng trên đỉnh núi Hy Lĩnh ở thành Sếu vậy. Tôi cảm thấy sự nguy hiểm đang bao trùm lấy tôi, một nỗi hoảng loạn tôi không thể gọi tên.
“Sau khi Lang Áng truyền ngôi cho Khả Lùm Bố cái,” ông Khả-lang cất giọng. “Mười tám sứ quân Gọa Tánh hưởng thái bình thịnh vượng.”
“Cho nên bọn người Viên mới dòm ngó tới, dắp tâm muốn chiếm lấy cho bằng mọi giá,” Khả-lang Thục chậm rãi kể. “Chúng điều năm mươi vạn quân, chia làm năm đạo, đi chinh phục Nam Hà một lần nữa.”
“Khả Lùm Bố cái bèn đem niêu cơm Cỏ Lùng ra khao đại quân, rồi lấy đàn Nhẹn Lung gảy để khích lệ tướng sĩ. Khi vung Rìu thần lên, hét lớn bốn chữ Ti Bôi Cổ Lộng , mười tám sứ quân lập tức hợp thành một.”
“Ở Sạ Nả, vua Thục dựa vào thành cao hào sâu, dùng nỏ bắn ra cố thủ, chặn đường tiến quân. Lại bày cả kế vườn không nhà trống làm cho địch kiệt lương cạn sức. Khi đội quân của Khả Lùm Bố cái đến, bất ngờ tập kích khiến quân Viên đại bại, bỏ chạy toán loạn,” ông Khả-lang say sưa. “Sử ký tộc Viên chép rằng: ‘Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không xong. Người ta phải thắt cổ dọc đường. Thây chất thành đống.’ ”
“Thế nhưng, ngay khi khải hoàn, Khả Lùm Bố cái lại biến mất cùng với rìu Ti Bôi Cổ Lộng, đàn Nhẹn Lung và niêu cơm Cỏ Lùng,” vua trầm ngâm. “Dân gian đồn rằng, Bố cái không phải người phàm mà là tướng nhà Giời. Khi thắng trận cũng là khi mãn hạn ở trần gian, phải quay về trời.”
Cha tiến lại gần thứ phát ra ánh sáng lam chói lóa.
“Một lưỡi rìu!” cha hét lớn. “Những nét điêu khắc này, chưa từng thấy qua.”
Cha tiến lại phía sau, “Đọc từ phải qua, có chữ “ngài” chép cùng chữ “tỏ”. Hùng Mang Văn gợi hình con người nắm giữ lấy ngôi sao sáng, rồi gọi chữ ấy là Ti, chuyên để biểu âm. Lại thêm một chữ “môn” là hình củ khoai dưới đất, đọc là Bôi.”
“Kia là hình con chim Khuê Liễu bay cạnh mặt trời, nghĩa là giống chim đực, âm là “khả lộng”. Rồi thêm cái cây đang mọc để biểu nghĩa, nên đọc là Cổ Lộng vậy.”
“Bốn chữ ngọc ấy đọc là Ti Bôi Cổ Lộng.”
Cha ngập ngừng, “Ti Bôi nghĩa là an vui , Cổ Lộng nghĩa là sống .”
“ Ti Bôi Cổ Lộng … tức là bình yên chung sống,” Vua Thục hỏi, mắt không rời lưỡi rìu. “Ngươi có nghĩ giống ta không, Sạ Ràng Tông Thao?”
“Con không thể tin vào mắt mình,” cha thở hổn hển. “Là chiếc rìu năm xưa mà Lang Áng cho rèn ở thành Long Uyên cổ đại.”
Vài tháng trước ngày lễ Rảng Khạ Trá, Bồ-thống Hàm Hoan phát hiện ra một mỏ đồng lộ thiên ở Cổ Cuông. Ông ta lập tức trình lên triều đình Cổ Lâu, và xin Khả-lang cử binh sĩ đến triển khai việc khai thác. Lúc bấy giờ, tình hình ở Cổ Cuông lúc đó vô cùng thuận lợi. Địa thế hiểm trở khiến người dân rời bỏ nơi này từ nhiều thập kỷ trước, để lại một vùng hoang vu, dễ dàng kiểm soát.
Khi binh sĩ đào những tấc đồng đầu tiên, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Một một trận động đất dữ dội rung chuyển đất trời, làm những dãy đồi núi xung quanh sụt lún, để lộ ra một lưỡi rìu tỏa sáng ánh lục bảo. Ánh sáng ấy thiêu rụi nguyên một mảng rừng Lá Đỏ.
“Một vật có sức mạnh đáng gờm như vậy,” ông Khả-lang trầm giọng. “Nếu có thể tìm ra được cách mà năm xưa Lang Áng đúc nó, đánh bại nước Gọa Tánh ta sẽ là bất khả!”
Như thể có một con rắn lạnh toát trườn dưới lớp da sau gáy, siết chặt quanh cổ họng tôi. Hơi thở nghẹn lại. Máu! Máu trào ra từ miệng tôi, đặc quánh, tạnh nồng. Tôi ngã khuỵu xuống nền đá cứng.
“Con sao thế Bồ Lang!” cha hốt hoảng cúi xuống, giọng đầy lo lắng.
“Nó còn nhỏ chắc không chịu nổi sức mạnh của rìu thần,” ông Pha Lang sắn tay áo. “Để tôi bế thằng bé vào chỗ thầy thuốc.”
“Xin đức Khả-lang thứ lỗi cho con, hãy cho con được đi theo thằng bé,” cha cúi đầu làm lễ rồi đi cùng tôi và ông Pha Lang.
Sau đó, mọi thứ trở nên mơ hồ. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng những tiếng gọi, những cánh tay chạm vào người mình. Rồi tất cả chìm vào bóng tối.