Chương 7: Khúc Ca Thành Sếu

Chương 7. Đền Cây Quế

3,157 chữ
12.3 phút
18 đọc
1 thích

Sen đã dần tàn. Mùa sen tàn cũng là lúc mùa hè của tôi kết thúc. Tôi theo dòng sông Vị đi về hướng Đông, rời xa những con phố tấp nập của thành Sếu.

Sông Lộ mở ra trước mắt tôi, mênh mông và êm đềm lắm. Mặt trời đã nhô lên sau những tán cây rậm rạp bên kia bờ, rải những vể sáng như kim cương xuống mặt nước.

Bên bến đò, một gốc quế cổ thụ sừng sững tự bao đời. Thân cây như hai thân người ôm lấy nhau mà vươn lên. Tán lá sum suê che rợp một khoảng trời, rêu phủ kín gốc. Ôi cái xào xạc của màu xanh kia, cả cái thanh trong, đưa đẩy của hương quế nữa, như thể gió thu đang ôm chầm lấy thân ta, rồi vuốt nhẹ lên mọi giác quan vậy. Người ta dựng một ngôi đền ở chỗ ấy, thờ bà thần Nước, ông Khuê Liễu và ông Hà Rạ, gọi là đền Cây Quế.

Tôi mang theo mình một con dao đồng, không quá nặng. Dưới đáy cán dao, cha khắc đơn giản hình mặt trăng. Trên lưỡi dao, cha lại khắc tỉ mỉ hình mai rùa cách điệu. “Hãy mang theo dao bên mình, thần Hà Rạ sẽ bảo vệ con.”

Nhớ tới lời cha, tôi muốn vào đền để lễ. Khói nhang quẩn quanh, bay lên rồi hạ xuống. Tôi châm một vài nén nhang rồi cắm lên bàn thờ, lòng muốn cầu xin một điều gì đó, nhưng chính tôi cũng không rõ mình cần gì.

Một thoáng sau tôi mới thấy Mạt Lôi tới. Nó giắt bên hông cũng một con dao găm đồng, nhưng chuôi dao khắc hình chiến binh còn trên lưỡi khắc hình con thuồng luồng. Con dao đó là cha tôi tặng. “Thằng Bồ Lang không khỏe mạnh như cháu, có gì cháu giúp ta canh chừng nó nhé!” Xùy! Cái thằng tứ chi phát triển đấy thì giúp đỡ gì được cho tôi.

“Đến sớm thế?” Mạt Lôi hỏi.

“Không ngủ được,” tôi đáp. “Trằn trọc suốt cả đêm.”

“Sao vậy? Háo hức à?”

Tôi gật đầu mà không nói gì. Mấy ngày gần đây tôi không muốn nói chuyện với nó. Giờ lại phải đứng đây đợi, rồi chút nữa lại phải ngồi cùng một con thuyền với nó. Cái môi nó hếch lên điệu bộ. Chân đăm chân chiêu cứ dậm dậm xuống nền đất bụi.

“Mày vẫn giận tao vụ đó à?”Mạt Lôi thở dài.

“Vụ gì?”

“Việc tao nghi ngờ con nhỏ Tòng Bông là cái đứa mà…”

Không để nó nói hết câu, tôi đã ngắt lời. “Không phải vậy,” tôi bực dọc.

“Mày ngã vào lòng tao rồi khóc lóc. Tao đã nói rằng có chuyện gì ở Hàm Hoan, thì hãy kể với tao. Nhưng mày không kể. Sau ngày con bé Dao Bơ mất, mày cứ như người mất hồn!” Mạt Lôi chống nạnh. “Kể từ khi con nhỏ Tòng Bông kia về đây, là có chuyện không hay xảy ra.”

“Thằng ngốc này, mày có biết nghĩ không hả?” tôi quát. “Dao Bơ ốm được một tuần rồi thì Tòng Bông nó mới về đây mà.” Tôi thở mạnh. “Chỉ được cái to xác!”

“Tao nghi ngờ nó, cũng là lo lắng cho mày mà thôi,” Mạt Lôi hạ giọng. “Mày cứ úp mở về chuyến đi ở Hàm Hoan như thế, lòng tao sao có thể yên được?”

“Mày có coi tao là bạn thân không?” Mạt Lôi cau mày, nhìn thẳng vào mắt tôi.

Tôi không chắc mình nên kể tới đâu cho Mạt Lôi nghe. Tất cả ư, hay một phần thôi? Tôi nghĩ chỉ cần vừa đủ để biết tình hình chuyện đang xảy ra là được. Nhưng tôi cũng thực sự không biết nên kể câu chuyện dài dòng này từ đâu. Cũng giống như việc người ta kể cho nhau nghe về những mối nhân duyên trong cuộc đời vậy. Cứ người này dây dưa rễ má với người kia. Cứ việc này lại liên quan tới việc nọ.

Sau đó chúng tôi im lặng một hồi lâu. Mặt trời lên cao hơn rồi, nhưng thuyền vẫn chưa cập bến. Tôi ước gì Tòng Bông đang ở đây. Tôi muốn biết cái thứ chui ra từ miệng Dao Bơ ấy là gì, tại sao nó lại nhắm vào con bé. Và điều quan trọng hơn cả, là tại sao những ảo giác, à không, những sinh vật đó xuất hiện ngày càng nhiều xung quanh tôi.

Con quái vật ấy chưa chết và chẳng ai biết nó đang ở đâu. Ai biết nó sẽ hại thêm ai nữa ở Sếu Trắng. Tôi biết điều này nghe có vẻ thực điên rồ, nhưng có gì đó thôi thúc tôi tin rằng chúng đang muốn nhắm tới tôi. Và nếu tôi rời đi, thì chúng cũng vậy.

“Mày không nên có suy nghĩ đấy,” Mạt Lôi liếc mắt qua. “Cái suy nghĩ rằng mày có thể một mình chịu đựng và giải quyết mọi việc mà không cần nhờ tới sự giúp đỡ của người khác.”

“Nhưng những vấn đề cá nhân thì chỉ chính người đó mới có thể giải quyết,”tôi đáp. “Mày chẳng thể nhờ vả ai giúp đỡ mày cả.”

“Đúng, nhưng việc chia sẻ ở đây không phải là nhờ vả,” Mạt Lôi nói. “Mà là việc mày giải tỏa được tâm trí bằng cách nói chuyện với người khác.” Nó lôi dao ra ngắm nghía. “Đôi khi chỉ cần có một người lắng nghe mày, thì đầu óc mày đã thông suốt hơn được nhiều rồi.”

Mạt Lôi rút bao dao ra rồi dơ trước ánh nắng. Tôi cảm giác như thể thực sự có một con thuồng luồng đang bơi trên lưỡi dao.

“Và mày cũng nên biết, không ai là hoàn hảo,” Mạt Lôi nhếch mép. “Nhưng người này lại có thể bù đắp được khuyết thiếu của người kia. Đấy, tao chỉ nói vậy thôi. Còn mày muốn nghĩ sao thì tùy.”

Hóa ra óc nó không phải là toàn bùn đất như tôi từng nghĩ. Và đáng lẽ ra tôi nên tin vào cách nhìn người của cha hơn mới phải.

Ba năm trước, có người từ Cổ Lâu đến nhờ cha một việc.

“Ở gần làng Cổ Cuông, phủ Hàm Hoan, huyện Việt Thường, lộ Kẻ Chân, người ta tìm thấy một mỏ đồng,” Lạc Hầu nói. “Nhà Sạ Ràng đây nổi danh nghề đúc đồng, chẳng những nhất thành Sếu, mà còn nhất lộ Cả Giao.”

“Tiếng thơm tới được tai ông Lớn, quả là phúc phần của tôi!”

“Vậy nên Khả-lang muốn nhờ ông thân hành một chuyến tới Cổ Cuông, xem thử cái mỏ ấy dùng được không,” Lạc Hầu vuốt râu. “Nhân tiện, cũng truyền cho xứ ấy biết thuật luyện kim. Xem như một dịp ngao du sông núi mà lại làm được việc có ích cho nước Gọa Tánh ta vậy.”

Cha suy nghĩ một lúc, rồi bảo. “Tôi có thể đem theo con trai mình không, bẩm ông Lớn?”

Lạc Hầu bàn bạc với đám tùy tùng một hồi.

“Nó còn nhỏ nhưng được tôi rèn dạy đã lâu,” thấy sắc mặt ông ta, cha nhanh thêm vào. “Một mình tôi đi mà chẳng có ai phụ giúp thì quả là quá sức, thưa ông Lớn!”

Lạc Hầu ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi đáp. “Thôi được, nhưng ông không được phép nói cho ai biết rằng ông chuẩn bị đi Hàm Hoan,” lão nói. “Mỏ đồng ấy là của nhà Khả-lang. Để mà đánh động dân chúng thì chẳng mấy chốc người ta lại đổ xô vào đấy!”

Thế là tôi với cha buộc phải nói với mọi người rằng chúng tôi đi Cổ Lâu một chuyến. Đoàn tùy tùng hộ tống cha con tôi cũng vì thế mà vô cùng kín đáo.

Chúng tôi lên đường sau tháng lập xuân Phắt Trốc vài ngày. Thành phố khuất dần khỏi tầm mắt cho đến khi chúng tôi đi trên con đường về vùng nông thôn phía Nam. Ở chỗ ngã ba sông Cái và sông Bờ, người ta lập một bến đò. Từ chỗ bến đò này nhìn về phía hướng núi Khả Lùm là nơi họ hẹn gặp cha con tôi.

“Ngôi làng đó tên là Kẻ Vây,” người lái đò nói. “Làng ấy xưa kia là do ông Khả Lùm bố cái dựng nên đấy!”

Bởi vậy nên người dân làng này, không ai dám mang tên là Lạ Tá cả.

Cứ mỗi độ đầu năm, nước sông Bờ như ôm trọn lấy bầu trời rồi giữ lại, còn tham lam in thêm cả bóng của cây xanh mơn mởn hai bên bờ, nhưng lại nhất quyết không chịu hòa mình vào cái màu hồng phớt của sông Cái. Sông Bờ yểu điệu chảy qua những làng mạc, nhưng lại săn sóc như một người mẹ nuôi dưỡng. Bởi thế mà hai bên bờ sông, người ta trồng không biết bao nhiêu là cây bưởi.

“Có cả một làng trên kia lấy tên là Bả Sạ,” người lái đò cười. “Thế mà cứ mỗi độ tháng sáu là nước sông đỏ quạch màu gạch cua, chảy siết như muốn đè nát người ta xuống.”

Người ta kể rằng khi Lạ Tá Khả Lùm sơn tinh cứu được Khả Rủ thủy tinh là Ba-lang Thủy cung Bề Sạ, Vua Biển tặng cho chàng hai thứ. Một vật cảm hóa được lòng người, ấy là cây đàn Nhẹn Lung. Và một vật chinh phục được lòng người, ấy là niêu cơm Cỏ Lùng.

Ông ta không nghĩ người mặt đất lại có thể sử dụng được nó. Nếu chẳng phải là nhờ vào lòng vị tha của Bố cái thì cây đàn Nhẹn Lung không thể làm cho cô Mỵ-nàng hết câm, cũng chẳng khiến cho các sứ quân hăng máu cảm động mà đầu hàng. Nếu không phải vì cái lòng rộng lượng của Bố cái thì vua Thục cũng không chịu phục mà rút quân về.

Nếu một kẻ vị kỉ chơi đàn Nhẹn Lung, sẽ chỉ có những tiếng đinh tai nhức óc. Nếu một kẻ tham lam dùng niêu cơm Cỏ Lùng, thì có múc mãi cũng chỉ ra bùn đất mà thôi. Cho nên Vua Biển mới dám tặng hai thứ bảo vật đó cho Lạ Tá, vì cho rằng không sớm thì muộn hai thứ ấy cũng trở lại về tay lão.

“Vua Biển mới sai Khả Rủ kéo hết đoàn quân thủy tộc này tới nọ lên đòi lại hai thứ ấy. Nào là Thuồng Luồng, Sạ Gia, Rò Đớp,” lão lái đò kể. “Đánh không được, toan nghiền nát núi Khả Lùm.”

Khả Rủ thủy tinh mới dâng nước lên tận chân núi đánh Khả Lùm sơn tinh. Nhưng cứ đánh, Bố cái lại gảy đàn Nhẹn Lung làm cho dân chúng bảo nhau đắp đê giúp, còn lấy niêu cơm Cỏ Lùng ra mà thả cơm xuống sông cho bầy thủy quái ăn, chẳng mấy chốc mà tan tác. Nay khi Bố cái đã về trời rồi, nhưng cứ đến tháng bảy là Thủy tinh lại dâng nước lên đòi lại bảo vật, mãi không chịu thua.

Cập bến làng Kẻ Vây, chúng tôi gặp đoàn hộ tống. Họ cấp cho cha con tôi hai con ngựa để cưỡi và một con lừa để thồ hàng. Ngoài ông Lạc Hầu, hôm ấy ăn mặc đơn giản đến lạ kỳ, còn có hai người khác đi theo chúng tôi. Họ mặc giáp đồng và đeo một tấm hộ tâm phiến trước ngực. Tôi khá chắc là họ không phải những người lính bình thường. Vì chỉ những người lên tới chức Tạ Cươm, nghĩa là ông-tướng, mới được cấp hộ tâm phiến để đeo. Và người ta còn tạo ra hẳn một tên riêng mỹ miều để gọi nó, Ngạc Cợp . Một người thì đeo Ngạc Cợp trang trí hình thuyền, người còn lại thì đeo cái Ngạc Cợp được khắc hình một đàn chim Khuê Liễu.

Một vùng trũng thấp trải dài khắp từ Kẻ Vây cho tới chân núi Khả Lùm. Năm xưa để đánh Sơn Tinh mà Thủy Tinh xé ngang gò đồi, sới tung đồng ruộng. Sông Khà Rầm sấm sét năm xưa rung chuyển đất trời quanh co dưới chân núi Khả Lùm, ngoằn ngoèo như con Sạ Gia. Rồi bị sông Bồ Ó, con chim được Sơn Tinh sai xuống, nuốt chửng rồi đem tha thẳng ra Biển Đông.

Đi được gần mười đốc từ làng Kẻ Vây, chúng tôi nghỉ chân ở bờ sông Bồ Ó. Ông Lạc Hầu quyết định không vào thành Long Uyên huyện Ô Diên mà muốn chúng tôi men dốc Cun, theo dãy Gột Chông ở phía Lạn Hôm – phía Tây để đi thẳng tới huyện Chu Diên. Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi lại dạy sớm. Nhìn về phía núi Khả Lùm vẫn sừng sững mà hùng vĩ làm sao. Mây trắng hay là con rồng đang vần vũ bay lượn mà che khuất đi đỉnh núi.

Khi ông bà Đùng Đại truyền ngôi cho Cha Trời, muông thú khắp trần gian quỳ rạp kính lạy. Trong số ấy, có một trăm con voi khổng lồ từ dãy Gột Chông quỳ xuống trang nghiêm, muốn hóa đá hầu Trời muôn đời vạn kiếp. Duy chỉ còn con voi thứ một trăm chần chừ mãi mà chẳng quỳ. Cha Trời cả giận, cướp đi thủ cấp của nó. Máu voi chảy thành suối Khạ Long, trong vắt như bầu trời xanh liêm khiết. Hóa ra, voi quay đầu để xem đàn mình còn sót kẻ nào, lại bị kết tội. Thế nên Cha Trời đã mang linh hồn của voi trả lại cho đất, trả lại cho voi dòng đức hạnh thơm lừng vốn có của nó, để nó toàn tâm dâng lên trời đất những thứ hoa thơm, cỏ lạ giản dị mà đầy thành ý. Suối Khạ Long chảy một đoạn lại đổ vào sông Bồ Ó của hai bên bờ huyền thoại, tựa vào đất trời mà bảo vệ lấy muôn người, vạn kẻ.

“Sâu trong dãy núi Voi Phục kia là động Lưỡi Rồng. Đi sâu vào trong cổ họng rồng, ẩm ướt và tăm tối. Ấy là đường đi về âm phủ Đải Chẹt,” cha kể. “Voi À-dàng được Cha Trời cho coi quản động ấy, đón lấy linh hồn những người đã khuất trên những mộ thuyền. Voi cùng họ đi ngược dòng suối Khạ Long vào miệng rồng, dẫn dắt họ tới thế giới bên kia, tuy chỉ xin một thỏi bạc làm công. Từ ấy mà có phong tục để gạo muối và một thỏi bạc trong miệng người chết là vậy.”

Ngày hôm ấy là đã đi được hơn mười ba đốc.

Ông nói chúng tôi không nên đi vào Làng Keo, hay Kẻ Dầy ở vùng đồng bằng của huyện Câu Lậu. Đối với tôi, ngoài ý định ban đầu là không muốn sinh sự huyên náo, thì lựa chọn này là đúng đắn, vô cùng đúng đắn. Đi thêm tám đốc về hướng nam – Tôn Tỏ, ông Lạc Hầu trở nên phấn khởi hơn.

“Nơi đây là quê hương ta,” ông nói. “Đệ nhất Gọa Tánh đầm – Mây Rồng.”

Nước sông Bồ Ó chảy chậm hơn rồi, như tiếng đàn nứa róc rách ngày tết Khạ-trá, như giọng vị thần mùa xuân gợi cảm biết chiều tai người ngày lễ lập xuân Phắt Trốc. Từ nơi chúng tôi ngồi, có thể hướng mắt lên một đỉnh núi bên kia dòng sông, để rồi bị húp hồn bởi cánh hoa sưa trắng tung bay trước ánh trăng dịu mát. Chao ôi, tôi đã từng thèm lắm một tiếng chiêng inh ỏi ngày tết Khạ-trá. Con hươu sao ngẩng đầu từ mặt đất khỏi làn sương, ngơ ngác nhìn tôi từ phía tả ngạn mà chẳng chớp mắt. Hươu lắc bộ nhung thanh thoát của nó như muốn hỏi tôi bằng tiếng nói của núi rừng: này chàng trai trẻ, có phải cậu vừa nghe thấy một tiếng chiêng sương? Thế nhưng đêm hôm ấy, tiếng sáo của ông Lạc Hầu như đã nghe thấy tiếng lòng của tôi.

Ngày xửa ngày xưa, xưa hơn cả khi đất nước của huyền đế Lạc Tộc được hình thành, xưa hơn cả khi dòng sông Cái chảy mát, ngày và đêm từng chẳng phân biệt. Hai ông bà Đùng Đại bóp khí thành bà Mặt Trời, vo đất tơi bời thành bà Mặt Trăng. Hai người con gái của ông bà ngày ngày luân phiên nhau thay Trời cưỡi mây cưỡi gió xem xét thế gian. Cô chị Mặt Trời ngồi kiệu hoa hào quang lấp lánh. Ánh sáng nhẹ nhàng của cô tỏ tường những nơi tối tăm nhất của thế gian, sưởi ấm cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Thế nhưng, cô em Mặt Trăng lại đem tới tai họa cho muôn loài. Mặt Trăng nóng nảy, sức nóng của cô đốt cháy cả khu rừng, đun sôi cả biển Đông. Ấy thế mà cô vẫn chỏng lỏn, cứ chốc chốc lại xà xuống mặt đất làm cho thế gian kinh hãi. Mặc dù vậy, Cha Trời do chẳng muốn hiềm khích với chị em mình nên đành tặc lưỡi cho qua.

Một ngày kia, ở một vương quốc cổ đại nọ, có một chàng trai thân hình cao lớn hơn người, đã quyết định dạy cho nàng ta một bài học. Nhân lúc Mặt Trăng sà xuống mặt đất, chàng trai bèn bốc một nắm cát thật lớn ném vào Mặt Trăng. Đất cát dính chặt lấy người Mặt Trăng, khiến nàng ta không nóng và sáng như trước; và cũng bởi sợ hãi mà chẳng dám đến gần mặt đất nữa. Kể từ ấy, Mặt Trời trở thành thần hộ vệ cho người ta vào ban ngày còn Mặt Trăng thì soi đường cho người ta vào ban đêm; và cũng từ khi ấy, ngày và đêm mới tách rời.

Mặt Trăng trở nên hiền dịu. Nàng dẫn lối cho đoàn chúng tôi len lỏi qua những góc tối tắm nhất của rừng già và bao bọc họ khỏi sự truy sát của bóng tối. Mặt Trăng trở thành bạn của loài người như thế đấy. Nàng đi vào từng câu chuyện người ta kể hằng đêm. Tự bao giờ, người ta lại bao dung với nàng và yêu nàng đến thế? Phải chăng người ta vốn chẳng ghi hận sâu đậm với ai bao giờ, hay phải chăng người ta nhìn thấy chính bản thân mình tồn tại bên trong vị thần xa xôi kia. Chẳng mấy chốc mà đã tới đèo Ba Dội.

Bạn đang đọc truyện Khúc Ca Thành Sếu của tác giả Trường Vị. Tiếp theo là Chương 8: Cây Rìu Thần