Sử ký triều đại Hùng Mang, triều đại của Bồ Kỵ Mang Âu, Khả Lang Hùng Rồng, chép rằng ngày xưa dòng họ hùng cường này đã xây dựng nên một thành phố vĩ đại dưới chân núi thần Hy Lĩnh, gắn liền với những thần thoại mà tới nay người ta vẫn còn nhắc tới ở khắp các điện thờ, trong những câu chuyện và kịch ca.
Kỷ nhà Lạc Tục, toàn cõi Lạc Tục gồm mười hai nước trong đó có mười một nước chư hầu gọi là các “Xứ”, và một “Phủ Đô”. Ngoài Phủ Đô được đặt tại Áng Nàng, từ xa xưa Thành Sếu Trắng phụ thuộc Xứ Gọa Tánh đã là nước chư hầu giàu có nhất trong tất cả. Khi Sùng Lãng, Ba-lang của Thần Đế Lạc Tục, được Ngài giao cho cai quản vùng này cùng với Mỵ-nàng Âu Kỷ, mỗi ngày có mười lượng vàng chảy vào tay ông.
Khi Lả Tro cùng với đội quân của hắn ta tiến vào vùng đồng bằng sông Đà Cái, người dân các Xứ ở vùng Bắc Hà đã cho hắn thấy sức mạnh của sự đoàn kết. Tuy nhiên, họ đã thất bại khi phải chiến đấu với một đội quân khổng lồ, để rồi bị đẩy lùi vào sau những lớp thành chật chội của Phủ Đô Áng Nàng. Những người đàn bà tụ tập gia đình của họ, gom tất cả tài sản và người hầu lại, rồi đốt lửa, tự thiêu chính mình cùng với cung điện nguy nga. Còn những người đàn ông thiết lập một lời thề, nguyện trung thành với Bồ Kỵ và Khả Lang, cho hồn hòa với non sông đất nước của Lạc Tục.
Sau khi chiếm được thành Áng Nàng, Lả Tro tiêu diệt mọi thành trì trên đường tiến quân của hắn. Không một đất nước nào là không có dấu chân của tên Chúa Tể ấy. Trong số những đất nước mà hắn chinh phục, có lẽ Xứ Gọa Tánh là nơi đã kìm chân hắn lại lâu và khiến hắn đối diện với thất bại nhiều hơn cả.
Lả Tro muốn cho toàn thiên hạ phải quỳ phục dưới chân mình cho nên hắn đã tấn công Xứ Gọa Tánh. Đất Gọa Tánh rừng núi hiểm trở, các Bồ Thống xứ ấy lại chăm chút xây dựng thành quách kiên cố. Nhưng thời kỳ ấy, cổ xưa nhất và có lẽ là nổi tiếng nhất chính là thành Sếu Trắng. Khi Áng Nàng bị chinh phạt, Phủ Đô được dời về Sếu Trắng. Âu Kỷ giữ ngôi đế vương, xưng là Bồ Kỵ Mang Âu, buông rèm nhiếp chính Khả Lang Hùng Rồng.
Thành Sếu Trắng nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cái. Từ chỗ giao nhau giữa sông Cái với sông Lộ thông ra cửa Đông hướng đi Kinh đô Cổ Lâu ngày nay, một lớp thành tỏa ra, men theo dòng chảy của hai con sông rồi bao trọn lấy núi Hy Lĩnh gọi là Thành Hà Rạ. Lớp thành thứ hai được gọi là Thành Khuê Liễu. Lớp thành bao lấy cung điện của vua chúa là Thành Rồng. Thật khó để có thể miêu tả hết độ rộng lớn và hoành tráng của Thành Sếu bởi vì nó được xây dựng hoàn toàn đặc biệt so với những thành phố khác mà chúng ta từng biết tới.
Xung quanh mỗi một lớp thành lại là những con hào sâu và rộng mà ngày nay đã trở thành những con sông nhộn nhịp buôn bán. Ở bên trên tường thành, người ta xây những tháp canh lớn đủ để chứa được tám người hướng về mọi phía khác nhau. Mỗi một tháp canh cách nhau chừng một đốc (bốn mét). Có hàng trăm cánh cổng chạy dọc theo những bức tường thành này. Chúng được đúc hoàn toàn bằng đồng với các cột đỡ và khung cửa cũng bằng đồng khối.
Trong thành Sếu Trắng, người ta xây đầy nhà cửa san sát nhau, hầu hết là từ hai tới ba tầng bằng gỗ và lợp mái gạch, lấp đầy những ô vuông do đường đi kẻ ra. Trong thành có những con đường lớn, gọi là Sá Cái, dẫn thẳng tới Thành Rồng và đồi Hy Lĩnh nơi cây thần luôn thả bóng. Tính hai lớp thành Hà Rạ và Khuê Liễu, dân số thành Sếu Trắng có thể lên tới gần hai vạn.
Thành Rồng là nơi Bồ Kỵ, Khả Lang và các Mỵ Nàng cũng như Ba Lang sinh sống. Cửa Cơ Lược hướng về ở phương Tôn Tỏ (phía Nam) là cửa chính. Từ cửa ấy đi thẳng lên phương Lao Tỏ (phía Bắc), ta gặp Ngôi Chấc Ngài – dùng để canh đo giờ giấc, rồi Sân Rồng, sau đó mới đến trung tâm của Thành Rồng. Đó chính là Ngôi Lạc Tục, nơi Bồ Kỵ và Khả Lang thiết triều.
Về phía đăm của Ngôi Lạc Tục, nhà Hùng Mang cho xây dựng Ngôi Bà Lôi – dùng cho việc luận bàn binh pháp, Ngôi Mạt Ngai – dùng cho việc dạy học, rồi dẫn thẳng ra Cửa Đăm. Về phía chiêu, lại có Ngôi Đạt Nạ – dùng cho việc luận bàn kiến thức, Ngôi Bố Lăng – dùng cho việc giám sát quan lại, rồi dẫn thẳng ra Cửa Chiêu.
Nơi Bồ Kỵ và Khả Lang ở gọi là Ngôi Ngàn Săm. Phía Lao Tỏ của Ngôi Ngàn Săm có một vườn rộng, trồng đầy hoa thơm cỏ lạ, gọi là Sân Khan Bồng. Các cung điện cho Mỵ Nàng và Ba Lang đều hướng mặt về phía sân này. Từ phía sân đi về phía Lao Tỏ thông ra được Cửa Cơ Lâu.
Ở trong thành Rồng, các vị Bồ Kỵ và Khả Lang đã xây dựng một đền lớn thờ Trời, Đất, Nước và hai ông bà thần Đại Đùng. Người ta nói rằng các vị thần thường ngự xuống nơi ấy để dạy bảo và truyền đạt những thông điệp cho con cháu của họ – gia tộc Hùng Mang. Nơi ấy đến tận ngày nay vẫn luôn là một nơi linh thiêng, một nơi mà các vị Khả Lang đời sau luôn canh giữ cẩn mật và bảo vệ nghiêm ngặt.
Chính vì gốc gác thần thánh của các vị ấy, họ được thần thánh ban cho những của cải mà không người phàm nào có thể mơ tới mà sở hữu được. Tính tới số ngựa do nhà Hùng Mang sở hữu, không kể ngựa chiến, đã lên đến sáu trăm con tuấn mã và mười hai nghìn con ngựa cái, nghĩa là mỗi con tuấn mã lại dùng để phối giống cho hai mươi con cái. Ngoài ra nhà Hùng Mang còn nuôi tới năm trăm con voi chiến. Số lượng voi chiến được nuôi ở huyện Chu Diên nhiều đến mức khắp các ngôi làng ở miền thượng ngàn đã được miễn các loại cống nạp khác, chỉ để dành riêng cho việc nuôi dưỡng tượng binh.
Tất cả những điều đó cho thấy sự trù phú tột bậc của vương triều Hùng Mang, tài nguyên của cải tuôn chảy như dòng sông bất tận mà thời nay không sánh nổi.
Vùng đồng bằng xứ Sếu Trắng màu mỡ tới nỗi, cứ một hai năm lại có một bãi bồi mới được lấp ở phía cửa sông Cái. Phù sa sông Cái màu mỡ, nuôi dưỡng hai bên bờ sông. Tuy không dài như sông Đà Cái ở Bắc Hà, tức là Cố Phủ Đô Áng Nàng, Nam Hà cũng nhờ vào dòng chảy của sông Cái mà phồn vinh. Lòng sông đủ sâu và dòng chảy đủ chậm để thuyền bè từ biển có thể di chuyển ngược dòng vào sâu trong đất liền. Từ xa xưa, người ta đã trồng biết bao nhiêu đậu tương, lúa gạo, ngô và khoai.
Trong tất cả những điều kỳ diệu trên mảnh đất này, ngoài chính thành Sếu Trắng tráng lệ, điều khiến người ta ngạc nhiên nhất lại là những chiếc thuyền buồm trôi ngược xuôi khắp các dòng sông về phía thành phố ấy. Những con thuyền này có hình dáng thon dài, cong nhẹ như trăng thượng huyền.
Người ta chế tạo chúng bằng cách chọn một cây gỗ lim nguyên vẹn, loại cây mọc nhiều trên vùng đất huyện Chu Diên, vùng đồi núi phía Tây Nam Phủ Đô Sếu Trắng. Sau đó họ đục độc mộc bằng rìu để tạo hình thuyền rồi được đục rỗng bằng cách đốt, sau đó mới dùng kim loại để bọc lại mũi thuyền, hai bên hông và đuôi thuyền. Nhưng điều đặc biệt của chúng chính là đầu thuyền thường được các nghệ nhân khắc thành hình con Khuê Liễu cách điệu độc đáo để phân biệt với thuyền từ những vùng sông nước khác.
Bên trong thuyền, người ta chất đầy rơm rạ và đặt hàng hóa lên trên. Chủ yếu những con thuyền này chuyên chở những thùng gạo hay nước mắm, đôi khi là những vật phẩm từ nước ngoài của những thương nhân đi nhờ thuyền vào sâu trong đất liền buôn bán. Để lái thuyền, họ sử dụng sáu mái chèo và sáu người điều khiển, mỗi người phụ trách một mái chèo. Ngoài ra còn có hai người điều khiển buồm tàu.
Những con thuyền này có nhiều kích cỡ khác nhau, từ nhỏ đến rất lớn, và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có những chiếc thuyền có thể chở tới cả tấn trọng lượng hàng hóa, có những chiếc được chế tạo để sự dụng như chiến thuyền. Có một điều khác với thuyền chở hàng là trên những chiến thuyền này, ngoài thủy thủ còn có một ông tướng và một người chuyên gõ trống hay chiêng để khích lệ tướng sĩ.
Lả Tro thèm thuồng sự giàu có và màu mỡ ấy cho nên đã điều binh chống lại vương triều Hùng Mang. Con trai của Bồ Kỵ và Khả Lang, Ba Lang Mạt Lăng, người mà đã được Bồ Kỵ sớm trao lại ngai vàng và quyền cai trị toàn Xứ Gọa Tánh. Và giờ đây khi đoàn quân của Chúa Tể tràn qua cửa Ải Hàm Quỷ để chinh phạt, hắn thiêu trụi những ngôi làng và những ngọn đồi xanh tươi, xới tung những cánh đồng đậu tương và lúa gạo mà hắn nghĩ có thể giúp vị Khả Lang Mạt Lăng trẻ tuổi đánh bại hắn.
Binh đoàn đen tối của hắn tới được dòng sông Trắng Rầng, chảy từ thượng nguồn nơi Dãy núi Trà Dàng và được tiếp nước thêm từ con sông Cái vĩ đại, rồi đổ ra cửa Phà Rừng nơi Bãi Rồng Biển Đông. Khi con ngựa quý Ten Mả Ngạ của hắn lỡ bước phi thẳng về phía dòng sông, nó đã bị dòng nước của Trắng Rầng làm cho gục ngã, rồi bị cuốn trôi đi trước mắt hắn. Chúa Tể trở nên giận giữ và đã thề rằng sẽ đun cạn nước của sông cho tới khi chỉ một bà đẻ cũng có thể băng qua được. Nói xong, hắn sai quân lính đào hai trăm kênh đào dẫn nước ra từ hai bên dòng sông, nhưng cũng phải mất hơn ba tháng mới xong, và thêm hai tháng nữa mới dựng được cầu để đoàn quân của hắn an toàn đi qua.
Sau khi hắn tiến tới sát bao vây thành Sếu Trắng và đốt trụi nó, cái cây thần tự mục ruỗng đi rồi chết. Người ta đồn rằng chính vì ma thuật đen tối của Lả Tro mà cái cây đã bị hủy diệt. Kể từ khi cái cây mất dần đi linh khí của nó, các vị thần không thể bảo hộ cho vùng đất Gọa Tánh này nữa.
Trước khi hy sinh và toàn bộ những sự vĩ đại của vương triều Hùng Mang đi vào dĩ vãng, Khả Lang Mạt Lăng đã kịp bắn một mũi tên độc vào chân của kẻ Chúa Tể, khiến hắn chết bất đắc kỳ tử. Người ta nói linh hồn của hắn đã nhập vào xác của cây thần trên đỉnh núi Hy Lĩnh.
Sau này, khi người Gọa Tánh dành lại được non sông, và thành Sếu Trắng lại tấp nập người sinh sống, cha mẹ thường chỉ vào cái gốc cây ấy để dọa trẻ con.
“Nếu chúng mày cãi giả thì cái con quỷ Chiên Đàn kia sẽ bắt cóc ăn thịt.”
Thường thì cái chiêu đó luôn có tác dụng. Người thành Sếu cứ truyền tai nhau như vậy, rằng cái cây đó có con quỷ biết át vía lũ trẻ con hay khóc và nghịch ngợm. Chỉ cần nhắc tới cái tên Chiên Đàn hay là Hy Lĩnh là chúng nó im ngay, không khóc và cũng bớt nghịch ngợm hẳn.