Chương 1: Huyền Võ

Chương 1. HOA TÁNG

1,722 chữ
6.7 phút
108 đọc

Lời tác giả

Tuy đây là chương đầu tiên của truyện nhưng nó chủ yếu chỉ để thiết lập bối và một vài yếu tố trong cốt truyện. Nếu bạn không thích sự dông dài và lan man thì mình khuyến nghị nên nhảy sang đọc chương 2 luôn (nội đung thực sự bắt đầu đó).

------------------------------------------------------------------------------------------

Hừng đông, những tia sáng đầu tiên của ngày mới xé toạc bầu trời đêm, từ mây trời lao xuống sóng biển, nhảy múa trên từng cơn sóng, cắt ngang đầu ngọn gió rồi đột ngột ập vào bờ, len lỏi theo từng cửa sông ngược về hướng thượng lưu, nhảy lên đất, lên cỏ, lên cây, lên đường, lên phố, lên xe, lên nhà, lên cả một phương trời rực rỡ và rồi… Phú Đô, thành phố hoàng kim, hiện lên rực rỡ trong nắng ban mai, trong ngàn tia sáng vàng lấp lánh, rạng ngời như được dát hàng lớp lá vàng óng ánh.

Từ sớm khuya, khi cả thành phố hãy còn đang say giấc nồng, đã có hàng lớp người tất bật thức dậy chuẩn bị hàng quán, chuyển đồ, giao báo, quét dọn đường phố, tuần tra,... để khi nắng mai phủ xuống, hàng dòng người sẽ chảy ra từ các căn nhà trong ngõ, từ các dãy trọ trên phố, từ các chuyến xe lửa, xe đò và cả tàu điện chạy xuyên đêm từ các vùng ven sẽ tràn ra khắp các con đường trong thành phố, để rồi đổ ào vào trong các hàng quán, công xưởng, nhà máy, văn phòng, trường lớp,... Thành phố nhanh chóng tràn ngập trong vô vàn những tiếng xôn xao, ồn ào đầy náo nhiệt. Trong phút chốc, Phú Đô chợt bừng tỉnh, vươn mình mà thức dậy trong một sớm tinh mơ, trong muôn vàn ánh vàng rực rỡ của ngày mới.

Đó là cách mà một ngày bình thường ở Phú Đô sẽ bắt đầu. Nhưng không phải hôm nay. Hôm nay, thành phố phủ một màu tang thương.

Hôm nay, một vị Thánh đã qua đời.

“Nam phương Thánh Hộ quốc Huấn Văn đã từ trần” - một dòng tiêu đề, một bài cáo phó, một trang báo, nhiêu đó thôi đã đủ để nhuộm cả thành phố trong một màu trắng đầy tang tóc.

Ba ngày sau, di thể Huấn Văn được đưa về với Long Quang môn (tông môn của Người), việc khâm liệm được chúng đệ tử và các trưởng lão cử hành nhanh chóng ngay sau đó song song với chuyện lo hậu sự. Hai ngày sau, tám viên thú đan cùng với tám cái đầu của con Bát Đầu Xà Vương đã tử chiến với Người cũng được đem tới. Vì vị Thánh Hộ quốc không có họ hàng thân thích gì nên chúng (cùng với phần lớn chiến lợi phẩm mà Người đã tích trữ qua các năm) đều được giao lại cho tông môn quản lý. Sau khi tang lễ được chuẩn bị xong xuôi thì hai cánh cổng chính của tông môn mới được mở ra cho việc phúng viếng. Lớp người đầu tiên vào viếng là những “người quen cũ”, các chức sắc, giới thượng lưu ở thành Phú Đô và lộ Vạn Hà. Lớp người thứ hai là đồng hương của người lặn lội từ lộ Bạch Lâm ở phương bắc xa xôi xuống đây. Lớp người thứ ba là các nhân vật lớn, quan trọng ở tận trên thượng tầng Đế quốc tuy không quen biết gì người quá cố nhưng vẫn đến để tỏ lòng “tiếc thương vô hạn”. Việc các nhân vật quan trọng này đồng loạt kéo nhau vào Phú Đô đã suýt khiến lực lượng trị an địa phương phải vỡ trận. Lớp người cuối cùng vào viếng - dân chúng - cũng là những người tới sớm nhất, nhiều người đã ngồi đợi từ ngày đầu kể từ lúc hay tin để được thấy Người lần cuối, những kẻ khác thì chủ yếu muốn ăn chực cơm chay của tông môn.

Hôm cất đám, trước giờ đưa tang, Chấp pháp Trưởng lão Lê Chánh (người thân cận nhất với cố Chưởng môn) đọc nửa đầu của bài điếu văn dài cả tiếng đồng hồ với một tông giọng cực kỳ hùng hồn, sau đó thì Đại Trưởng lão Mai Thị Thảo (người “thân cận” thứ hai của Người) đọc nữa còn lại bằng một giọng thê lương không ai bằng, dài gần hai tiếng, dưới cái nắng gay gắt lúc ban trưa. Đến lúc đưa tang, hàng dài các chiến xa, tinh binh và tướng lĩnh cấp cao của Đế quốc quân đi trước để dọn đường. Ở giữa là đoàn đưa tang: hai người đi trước linh cữu (Lê Chánh cầm bài vị, Mai Thị Thảo cầm di ảnh), phía sau là các Trưởng lão và chức sắc Phú Đô có quan hệ thân cận với Người, sau nữa là các đệ tử nội môn và đám đông những “người quen cũ” của Người. Sau cùng và hai bên đường là hàng dài người dân nhớ thương vị Thánh Hộ quốc. Tất cả đi từ tốn, chậm rãi và im lặng để giữ tính trang nghiêm, tĩnh lặng cho đám rước (bất chấp tiếng kèn trống ồn ào phía trước).

Đoàn người đưa tang khởi hành từ cổng lớn của Long Quang môn (vốn nằm ở vùng ngoại thành Phú Đô), lặng lẽ băng qua một đoạn đường dài gồm những phố huyện, đồng ruộng, bãi cỏ, kênh rạch, bờ kè,... trước khi tới được vùng ven và nội thành. Từ đây trở đi là đường lớn. Vì là lễ quốc tang nên đường phố được dọn sẵn cho đoàn đưa tang đi theo hướng các đại lộ lớn đến nơi an nghỉ cuối cùng của Người. Đại lộ khá rộng rãi, hai bên trồng hàng dài những cây đại thụ khổng lồ, cao bằng tòa nhà chín tầng, xòe tán cây ra che chở cho đoàn người đi bên dưới. Tiết trời ảm đạm, nặng nề, gió thổi nhẹ, mây âm u che phủ không trung như muốn điểm thêm vài nét u sầu cho khung cảnh quá đỗi thê lương này. Điểm an ủi duy nhất cho đám đông buồn khổ dưới kia có lẽ là trời mịt mù mây gió nhưng không hề mưa lấy một giọt. Lẽ ra thì hôm nay đoàn người phải hứng chịu một trận mưa gió bão bùng (như đã dự báo) mới đúng, có lẽ là nhờ sự hiện diện của vài vị Thoát Phàm cảnh (mấy vị ở thượng tầng Đế quốc đến nhìn mặt người quá cố lần cuối) đã giữ cho cảnh trời xám xịt đứng yên không chuyển sắc. Hai bên đường, đứng cách giữa đoàn đưa tang và đám đông quần chúng là hàng dài vô tận những người lính trị an đứng túc trực, mặt nghiêm trang, ánh mắt, sáng rực lần tìm các mối nguy hiểm tiềm tàng, tay lăm lăm vũ khí, sợ rằng kẻ thù sẽ tìm đến vào lúc đau thương này. Đám đông quần chúng đứng đầy trên vỉa hè nhìn theo đoàn người mà đau đớn, xót xa, có người đã lệ rơi thành dòng nhưng tuyệt nhiên không một tiếng động nào phát ra.

Thành phố lúc ấy phủ trong một màu tang tóc của những cái khăn tang, của mây trời xám xịt, của những bức tượng đá trên các bùng binh, của những giọt lệ thầm rơi,... và cả của những cánh hoa đang rơi xuống. Là mưa hoa. Ngàn cánh hoa trắng xóa rơi đầy trời, bất chợt ào xuống như cơn mưa rào quét qua rồi lại chậm rãi đến lạ kỳ, trải lên đường phố một tấm màn trắng mịn màng. Khung cảnh lúc ấy còn bình yên hơn cả chốn tĩnh mịch sắp chào đón người quá cố.

Đến cuối con đường là cảng Phú Đô, thể theo di nguyện của vị Thánh Hộ quốc, di hài Người sẽ không được chôn cất mà là “trả lại cho đời những xác thịt tanh hôi” theo nghi thức Hoa táng. Lúc ấy đã là hoàng hôn, các vị huyền sư và một số hải tộc đã chờ sẵn trên mặt nước từ lâu. Từ dưới những cơn sóng nước lăn tăn, dần dần trồi lên một chiếc thuyền trắng lớn chở đầy hàng đống hoa tang. Sóng nước dừng lại, cả một khúc sông đang sùng sục sôi trào bỗng lặng đi mà như hóa thành một tấm kính lớn, tĩnh lặng và phẳng lì. Đoàn người đưa tang bước xuống chỗ lẽ ra vẫn nên là mặt nước kia, đặt linh cữu lên chiếc thuyền rồi lần lượt từng người (hai vị “thân cận” thứ nhất, thứ hai lên trước rồi các trưởng lão trong tông môn rồi mới tới lượt những “người quen cũ”) lên thì thầm những lời cuối vào tai Người. Rồi, lặng lẽ như cách họ tới, từng người rời đi, trở lại với bến cảng bên trên.

Ào ạt… sóng đẩy thuyền đi, tiến dần ra phía cửa sông, ngược theo hướng mà ngày trước Người vào Phú Đô, xuôi theo con nước của sông Khúc rồi nhập vào dòng Long Hà mênh mông trước khi hòa vào biển lớn.

Đêm xuống. Lách tách… theo từng cơn sóng, cả thuyền, linh cữu và di thể Người dần vỡ ra, tan dần thành muôn vàn cánh hoa, phát ra thứ ánh sáng lập lòe, mờ ảo như ngàn con đom đóm, phủ đầy trời, tạo thành hình ảnh của dòng sông Ngân Hà. Khoảnh khắc ấy, vạn vật khắp thế gian như dừng lại, cùng ngước lên trời cao mà chiêm ngưỡng một phép màu.

“Con sông Ngân Hà” ấy nào chỉ là một kỳ quan nhất thời để cả thế gian phải ngước nhìn mà còn là giọt lệ của bao người tiếc thương, là lời mời gọi kẻ bị ruồng rẫy từ tận phương bắc trở về, là lời xin lỗi muộn màng đến với đứa trẻ bị tổn thương, là mồi lửa cho cuộc chiến loạn sắp tới của những kẻ tham vọng, là khởi đầu cho những trang sử mới...

Hôm nay, một câu chuyện mới bắt đầu!

Bạn đang đọc truyện Huyền Võ của tác giả Dưa hấu Haikaba. Tiếp theo là Chương 2: SÓNG NGẦM