Chương 123: Hồng Nhan

Chương 123. Phần 7: Kiếp thứ sau: Hoa đẹp có gai - Chương 2: Cơm hến

6,532 chữ
25.5 phút
10 đọc

Chương 2: Cơm hến

Nguyễn Hữu Dật khải hoàn dẫn quân về. Chúa Sãi ban thưởng rất hậu. Chàng lĩnh thưởng xong, trên đường ra về thì gặp Ngọc Khoa. Nàng ngồi ở dưới mái lương đình, thấy Hữu Dật đi qua thì vẫy tay gọi. Hữu Dật cười rất tươi, vui vẻ đi tới. Ngọc Khoa tò mò dòm khay gỗ khảm trai phủ vải đỏ mà Hữu Dật vừa đặt trên bàn. Nàng bĩu bĩu môi:

- Được cha ta thưởng nhiều ghê ta.

- Sao? Công nữ ghen tỵ với tôi, có đúng không? - Hữu Dật mỉm cười đan hai tay vào nhau rồi tựa cằm lên.

- Ai mà thèm - Ngọc Khoa hứ một tiếng.

- Đây là thành ý của tôi nên công nữ dù không thèm nhưng vẫn nể mặt nhận lấy nhé - Hữu Dật vừa nói vừa lấy một chiếc vòng bằng vàng nạm ngọc chạm trổ tinh xảo trong số vàng bạc châu báu được ban thưởng mà đeo vào tay Ngọc Khoa.

- Nếu anh đã nói đến như vậy thì ta đành miễn cưỡng nhận vậy - Ngọc Khoa ngượng ngùng ngoảnh mặt sang hướng khác e hèm một tiếng.

Hữu Dật:".....". Nàng không thể nói mấy câu tử tế hơn được à?

- Tôi đói. Chỗ công nữ có gì ăn được không?

- Ta biết ngay là anh thể nào cũng nói câu này mà. Đây ăn đi - Ngọc Khoa lườm chàng một cái rồi mở nắp cái bát gốm đã để sẵn trên bàn từ bao giờ.

- Vậy công nữ nấu cơm rồi mang ra đây là cố ý đợi tôi rồi - Hữu Dật cười.

- Hoang tưởng. Chẳng qua là ta không thích ăn cơm hến mà trưa nay bà bếp lại nấu món này nên để lại, không ăn tới đó thôi. - Ngọc Khoa cong môi đáp rồi đứng dậy - Thôi ta có việc phải đi đây.

Hữu Dật nhìn bóng dáng uyển chuyển xa dần của Ngọc Khoa mà mỉm cười. Chàng giao cho thuộc hạ thân tín đi theo đem phần thưởng Chúa ban đổi thành bạc vụn rồi đem chia cho tướng sĩ quân lính, ai gia cảnh khó khăn và lập nhiều công thì thưởng nhiều hơn. Còn bản thân mình thì hồ hởi bê bát cơm về nhà. Tuy lương đình kia nằm ở nơi vắng vẻ yên tĩnh trong phủ Chúa, ít người qua lại nhưng không phải không có người tới lui, chàng ngồi một mình ở đó ăn cơm thì không được hay ho lắm, nhiều người nhòm ngó. Mang về doanh trại ăn cơm cho ngon. Dù gì thì cơm hến cũng ăn lúc nguội. Khi nãy vừa nhìn bát cơm là Hữu Dật biết do tự tay Ngọc Khoa làm.

.............................................

- Bẩm Giám chiến, thuộc hạ đã vâng lời người đổi phần thưởng Chúa ban thành bạc vụn và tiền đồng.

Trong lều, Hữu Dật đang vùi đầu ăn cơm nên không ngẩng lên, chỉ bảo:

- Ừ cứ để đó đi, lát nữa ta đích thân phát cho tướng sĩ và quân lính để họ phấn khởi. À đúng rồi, đây là của ngươi. Cầm lấy đi.

Bàn tay người thuộc hạ cứng đờ nhận lấy túi bạc mà Hữu Dật đưa cho. Sao hôm nay anh ta cứ thấy Giám Chiến là lạ thế nào ấy, cứ vừa ăn cơm vừa cười là thế nào? Chẳng lẽ cơm hến lại ngon đến thế?

Hữu Dật đang mải híp mắt hưởng thụ mỹ vị nên chẳng để ý đến ánh mắt kỳ lạ của thuộc hạ đang nhìn mình. Cơm hến trộn mắm ruốc ăn vừa có vị ngọt của thịt hến vừa bùi của lạc rang, vừa chát, cay cay hăng hăng, chua chua của khế, tóp mỡ giòn giòn. Cơm đủ vị chua cay mặn ngọt. Ăn rồi lại muốn ăn nữa. Ài, Ngọc Khoa của chàng ngày càng khéo tay.

................................

Ngọc Khoa vén tay áo, chấm thêm mực vào đầu bút lông. Ánh mắt nàng dừng lại trên chiếc vòng vàng bắt mắt nổi bật trên cổ tay mình. Ngọc Khoa đặt bút xuống, tháo chiếc vòng ra rồi cầm ngắm nghía. Nguyễn Phúc Nguyên ghé qua thăm con gái. Ông có năm đứa con gái thì đã gả đi bốn đứa, chỉ còn lại mỗi Ngọc Khoa. Nguyễn Phúc Nguyên đứng ngoài cửa sổ được một lúc rồi, thấy Ngọc Khoa cứ mải mê ngắm cái vòng tay rồi tủm tỉm cười. Mà cái vòng tay kia ông càng nhìn thì càng thấy quen. Đó chẳng phải là một trong những vật phẩm mà ông mới ban thưởng sáng nay cho Nguyễn Hữu Dật đó sao. Ngoài vàng bạc thì từng vật phẩm ban thưởng đều do ông đích thân lựa chọn. Không phải con nhóc kia lại chặn đường trấn lột của Hữu Dật đấy chứ? Việc qua lại thân thiết của Ngọc Khoa và Hữu Dật, đương nhiên không lọt khỏi mắt ông. Nguyễn Hữu Dật tài đức vẹn toàn, văn thao võ lược, gia cảnh xuất thân tốt. Hai đứa nếu đã cảm mến nhau thì đợi vài năm nữa Ngọc Khoa trưởng thành, ông cũng thuận nước đẩy thuyền mà gả nàng cho Hữu Dật. Nguyễn Phúc Nguyên chỉ dự tính như vậy trong lòng, phía nam tuy Chân Lạp đã yên nhưng còn Chiêm Thành vẫn luôn bất ổn. Ông nén tiếng thở dài, có lẽ vẫn nên lựa lời nhắc nhở Ngọc Khoa và Hữu Dật giữ khoảng cách, nếu mai sau biến loạn không thể thành đôi, chúng sẽ không đau khổ vì đã chìm vào tình ái quá sâu.

................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Đại Việt, Kỷ Tỵ, Vĩnh Tộ năm thứ mười một - Đức Long năm thứ nhất (1629)

...

Thấm thoắt đã hai năm trôi qua kể từ lần chúa Trịnh dẫn quân vào nam. Thời gian có trôi nhưng chẳng thể cuốn phăng đi ý định lấn xuống phía nam của Chúa Trịnh. Nguyễn Khắc Minh vâng lệnh Chúa Trịnh vào gặp Chúa Nguyễn, lấy danh nghĩa của vua Lê mang sắc dụ phong tước và yêu cầu Chúa Sãi cho con ra chầu và còn phải nộp thêm ba mươi con voi cùng ba mươi chiếc thuyền để cống cho nhà Minh. Hai năm trước, Chúa Trịnh không lường trước được hỏa lực của quân Nguyên lại mạnh như vậy với dàn đại bác mua của Bồ Đào Nha. Nguyễn Khắc Minh đi chuyến này còn muốn dò xét do thám thực lực của họ Nguyễn đến đâu. Nhưng tiếc rằng Nguyễn Phúc Nguyên cố ý che dấu thực lực để Chúa Trịnh chủ quan. Đối với quân Trịnh, hòa hoãn lúc này mới là thượng sách nên Nguyễn Phúc Nguyên tạm thời nhận sắc phong. Bởi lúc này lưu thủ Phú Yên tên Văn Phong đang liên kết với người Chiêm nổi loạn. Đối đầu với Chúa Trịnh là Chúa Sãi tự đưa mình vào thế hai phía thọ địch. Quân phản loạn của Văn Phong và người Chiêm đã hội binh ở ngay biên giới giáp Phú Yên, cả thủy binh lẫn bộ binh của chúng đều trong tình trạng sẵn sàng xuất quân.

Quân đội của Chúa Sãi được trang bị đại bác của Bồ Đào Nha thì Chiêm Thành cũng vậy. Từ trăm năm trước, người Chiêm đã đẩy mạnh việc buôn bán với ngoại quốc, từ Đại Minh cho đến Hà Lan và cả Bồ Đào Nha. Các thương thuyền của lái buôn Bồ Đào Nha ghé hải cảng của Chiêm Thành buôn bán tấp nập nườm nượp. Chúa Sãi có thể bỏ tiền mua đại bác của Bồ Đào Nha thì Chiêm Thành cũng có thể. Ông e ngại tương lai sự hợp tác của Chiêm Thành và Bồ Đào Nha không còn chỉ dừng ở việc mua bán trao đổi hàng hóa mà còn liên kết về quân sự để tấn công vùng đất của ông.

...................................

- Mẹ à, mấy khi con về nhà, trời còn sớm, mẹ đã dựng con dậy làm gì thế? - Hữu Dật gật đầu lên gật đầu xuống, mắt nhắm mắt mở, giọng vẫn còn ngái ngủ.

- Mặt trời lên đến ngọn tre rồi còn sớm gì nữa. Mau dậy nhanh lên. Hôm nay mẹ hẹn bà mối dẫn một đám đến xem mặt. Nhanh rời giường rồi chuẩn bị đi gặp người ta. Mau! - Mẹ Hữu Dật tiếp tục càm ràm.

Chàng nghe được một nửa thì mắt đã díp xuống, mơ màng đáp:

- Gặp mà làm gì ạ? Con có người trong lòng rồi.

- Thật không? Anh không nói láo với mẹ đấy chứ?

- Thật ạ.

- Thế nàng ấy là con cái nhà ai? Năm nay bao nhiêu tuổi? Tính tình thế nào? Có đoan trang hiền lành không? Tháng sau có ngày lành, mẹ nhờ bà mối mang trầu cau sang nhà người ta dạm hỏi luôn nhé? Bên đấy thách cưới những sính lễ gì nhỉ ,để mẹ đi lo liệu từ bây giờ?... - Giọng mẹ Nguyễn Hữu Dật liền thoắt cái trở nên nhẹ nhàng nhưng vẫn không dấu được sự dồn dập.

- Chưa được đâu mẹ ơi - Hữu Dật nằm lại xuống giường rồi kéo chăn chùm kín đầu.

- Sao lại chưa được? Đừng có lấy lí do phải đi dẹp loạn quân Chiêm Thành ra đấy. Cha anh nói với tôi rồi, lần này Chúa cử Nguyễn Hữu Vinh đi đánh trận, không đến lân anh. - Mẹ Hữu Dật hừ mũi.

- Con còn phải đợi. - Hữu Dật tiếp tục mơ màng đáp.

- Đợi cái gì? Các cụ đã dạy rồi:"Cưới vợ thì phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha". Có biết chửa?

- Thì con vẫn phải đợi mấy năm nữa để nàng ấy đủ tuổi cập kê thì mới hỏi cưới được ạ. - Hữu Dật nói.

Mẹ chàng vốn định gặng hỏi tiếp thì đã nghe thấy con trai mình thở đều đặn còn phát ra tiếng ngáy nhè nhẹ dường như đã ngủ say, mà có gọi thế nào cũng không chịu dậy nữa nên đành bất lực mà rời đi. Nghe tiếng bước chân xa dần rồi khuất hẳn, chàng mới ngồi dậy, đưa tay lau mồ hôi trên trán. Sau này Nguyễn Hữu Dật công thành danh đạt, là trọng thần của Chúa Nguyễn. Tuy nhiên quãng đời dài như thế, là người ai chẳng mắc sai lầm, nhưng chàng chưa từng cảm thấy hối hận bao giờ. Duy chỉ có một việc mà chàng vẫn luôn hối hận, hối hận vì đã không nghe lời mẹ mà hỏi cưới nàng sớm hơn trước khi nàng trở thành vợ người khác, trước khi chàng mất đi nàng mãi mãi.

...................

Trước đây, khi Nguyễn Hoàng xuống phía nam lập nghiệp, có một võ quan là Lương Văn Chánh đi theo. Người võ quan này từng làm quan cho nhà Lê, giữ chức Thiên Vũ vệ đô chỉ huy sứ. Nguyễn Hoàng giao cho Lương Văn Chánh đưa bốn nghìn lưu dân vào khai khẩn vùng đất hoang trải dài từ đèo Cù Mông đến đèo Cả [1]. Ngoài việc khai hoang, lập ấp, dựng làng mạc ở vùng châu thổ sông Đà Diễn, Lương Văn Chánh còn cho xây lũy Choại kiên cố vững chãi ở bờ nam sông này. Có lũy Choại ngăn trở nên lần này bộ binh của Chiêm Thành muốn vượt qua phải dùng đại bác của Bồ Đào Nha cùng voi chiến. Không gặp ngăn trở như bộ binh, đoàn chiến thuyền của Chiêm Thành có nhiệm vụ yểm trợ cho bộ binh đã thuận lợi vượt qua cửa biển Bà Đài mà tiến lên phía bắc. Có nội ứng là Văn Phong, quân Chiêm Thành nhanh chóng chiếm được phủ lỵ Hội An rồi thừa thắng mà tiến tới phủ Qui Nhân núi Cù Mông. Sở dĩ Văn Phong chọn thời điểm này để liên minh với quân Chiêm làm phản là vì biết Chúa Sãi còn phải phân tâm để đối phó với họ Trịnh ở phía bắc. Thế nhưng hai bên Trịnh - Nguyễn lại chẳng xảy ra tranh chấp như Văn Phong và quân Chiêm mong muốn. Quân Nguyễn đã kịp thời huy động được thủy quân tới cửa Thị Nại để ngăn thủy quân của Chiêm Thành tiến sâu hơn. Nguyễn Hữu Vinh vâng lệnh Chúa Sãi cũng nhanh chóng mang quân đến dẹp loạn với binh lực áp đảo đối phương. Hai bên giao tranh vài trận, cuối cùng Văn Phong và quân Chiêm Thành rút lui về phía nam dãy Đại Lĩnh. Tuy rằng rút lui nhưng kẻ phản phúc Văn Phong cũng đã lôi kéo được nhiều thủ lĩnh, lãnh chúa địa phương, còn mang theo nhiều của cải tới Chiêm Thành.

..................

Nguyễn Hữu Dật vào phủ diện kiến Chúa bàn việc quân, lúc trở về thì tình cờ chạm mặt Ngọc Khoa. Ngọc Khoa vừa nhìn thấy chàng thì đã nở nụ cười tinh quái, hai mắt sáng rực. Nàng hứng khởi vỗ vai Hữu Dật rồi hỏi:

- Nghe mẹ ta nói dạo này mẹ anh thường xuyên mời bà mối lo chuyện chung thân đại sự cho anh hả? Sao nào, bao giờ ta mới được đi ăn cỗ đây?

Hữu Dật bất lực đưa tay ôm trán mà thở dài. Từ hôm chàng trong cơn ngái ngủ mà buột miệng lỡ lời, mẹ chàng ngày đêm truy hỏi còn theo cả đến doanh trại để tra bằng được cô gái chàng thương kia là ai. Lỡ lời một lần là đã lãnh đủ hậu quả rồi nên nhưng lần sau dù bị tra khảo thế nào thì Hữu Dật vẫn câm như hến vậy. Thế nhưng người sinh ra chàng tất nhiên là phải cao tay hơn rồi. Mẹ chàng tuyên bố nếu chàng không dẫn được con dâu về cho bà thì bà sẽ nhờ bà mối dẫn các đám đến xem mặt cho đến khi nào chàng gặp được đám ưng ý mới thôi.

Hữu Dật nghĩ nghĩ rồi hỏi Ngọc Khoa:

- Nếu tôi đi lấy vợ thì công nữ có vui không?

- Nếu anh đi lấy vợ à? - Ngọc Khoa nheo mắt xoa cằm đi vòng quanh Hữu Dật, vẻ mặt suy nghĩ rất lung rồi chậm rãi nhả ra từng chữ - Tất nhiên là ta không vui rồi.

- Tại sao? Có phải là vì công nữ ghen không? - Hữu Dật hỏi tới, giọng hồi hộp.

Ngọc Khoa vỗ vai Hữu Dật với vẻ mặt chân thành:

- Anh nghĩ nhiều rồi. Ta chỉ buồn chuyện mất công chuẩn bị quà cưới thôi. Nhưng mà.... - Khóe môi Ngọc Khoa cong lên -.... nếu anh đi lấy chồng thì dù có mất nhiều quà hơn ta vẫn rất vui. A hi hi.

Nguyễn Hữu Dật:"....."

Dứt lời thì Ngọc Khoa bỏ lại Hữu Dật đang nghệt mặt đứng đần ra ở đó một mình mà rảo bước về phía trước. Đến khi Hữu Dật thẩm thấu được câu nói của Ngọc Khoa thì bóng nàng đã khuất ở cuối đoạn trường lang. Chàng nghiến răng, con nhóc này. Vậy mà dám.... Được rồi, các cụ có câu rằng dạy vợ từ thưở bơ vơ mới về, sau này chàng cưới nàng về rồi thế nào cũng phải răm rắp làm theo lời dạy này của các cụ mới được.

Hai mươi năm sau, Hữu Dật cuối cùng đành chấp nhận rằng quyết tâm, dự định này của chàng mãi mãi chỉ là ảo vọng.

...................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Đại Việt, Canh Ngọ, Đức Long năm thứ hai (1630)

...

Phía nam, Chiêm Thành đang án binh bất động sau đợt tấn công năm ngoái, có thể xem là tạm ổn. Nhưng phía bắc lúc này Chúa Trịnh đang thúc giục Nguyễn Phúc Nguyên thực hiện sắc dụ, nộp voi, nộp thuyền để cống cho nhà Minh. Sắc dụ này đương nhiên Chúa Nguyên không thực sự cam tâm tình nguyện làm. Nhưng từ chối thế nào cũng không thể quá tùy tiện.

Đào Duy Từ nghe Chúa Sãi hỏi chuyện trả sắc cho Chúa Trịnh xong thì sai người mang giấy mực tới rồi nhấc bút viết một bài thơ:

Mâu nhi vô dịch

Mịch phi kiến tích

Ái lạc tâm trường

Lực lai tương địch!

Hữu Dật nghiêng đầu nhìn từng chữ hiện ra dưới ngòi bút cứng cáp của Đào Duy Từ. Khi Đào Duy Từ ngừng bút thì đôi mày kiếm của Hữu Dật dần giãn ra. Chàng đã hiểu ý nghĩa mà Đào Duy Từ giấu trong bài thơ. Đây là một bài thơ chiết tự. Chữ mâu (矛) viết không có dấu phết thì thành chữ dư (予). Chữ mịch (覔) mà bỏ chữ kiến (見) là chữ bất (不). Chữ ái (愛) nếu viết thiếu chữ tâm (心) thì ra chữ thụ (受). Chữ lực (力) để cạnh chữ lai (來) sẽ thành chữ sắc (勑). Bốn chữ này ghép lại sẽ là: Dư bất thụ sắc, có nghĩa rằng: Ta không nhận sắc.

- Như này là ý gì - Nguyễn Phúc Nguyên nhận lấy bức thư của Đào Duy Từ, đọc một lượt rồi hỏi.

Nghe Đào Duy Từ giải thích xong thì Chúa gật đầu khen ngợi nhưng lại hỏi thêm:

- Bài thơ này đương nhiên là phải trao tận tay cho Trịnh Tráng rồi. Nhưng ta e rằng nếu ông ta đọc được ngay khi nhận thì sứ giả ta cử ra bắc sẽ lành ít dữ nhiều. Có cách nào mà khi sứ của ta an toàn rời đi rồi thì Trịnh Tráng mới phát hiện ra bài thơ không?

- Dạ bẩm Chúa, xin để thần nghĩ thử xem - Đào Duy Tư đáp.

Nguyễn Phúc Nguyên gật đầu rồi quay sang hỏi Hữu Dật:

- Việc chuẩn bị để lập xưởng đúc súng, đóng tàu đến đâu rồi hả Hữu Dật?

- Thưa Chúa, mọi chuyện đã được thu xếp ổn thỏa, chỉ đợi ngày lành tháng tốt là có thể khởi công xây dựng - Hữu Dật đáp - Ngoài việc đóng tàu theo kiểu của Tây Dương, thần nghĩ xưởng có thể đóng thêm thuyền Cổ Lâu nhưng cải tiến thêm để có thể đặt được đại bác lớn lên thuyền. Thuyền Cổ lâu có hai đáy, chở được nhiều lính và lương thực.

- Chuyện này ta sẽ cân nhắc - Nguyễn Phúc Nguyên nói.

- Dạ vâng - Hữu Dật lễ phép rồi hướng Đào Duy Từ mà nói ý nghĩ vừa nảy ra trong đầu chàng - Thưa Lộc Khuê hầu, có thể dùng cơ chế "hai đáy" giống thuyền Cổ Lâu để gửi thư cho Trịnh Tráng không ạ?

- Ý hay. - Đào Duy Từ bật cười đáp rồi tâu với Chúa Sãi - Bẩm Chúa, ta sai thợ đúc một cái mâm đồng hai đáy, bên dưới đựng sắc của Trịnh Tráng cùng bức thơ hồi đáp, bên trên xếp lễ vật rồi phủ lụa lên. Sứ của ta dâng mâm cho chúa Trịnh xong thì lấy liền lấy cớ để ra về.

- Được lắm, cứ làm như vậy đi - Nguyễn Phúc Nguyên nhìn Đào Duy Từ rồi nhìn Hữu Dật, hài lòng gật đầu.

Sau đó, ba người bàn bạc thêm về việc xưởng đúc súng và đóng tàu theo kiểu của Bồ Đào Nha. Cứ phụ thuộc vào việc mua đại bác của Bồ Đào Nha mãi không phải là điều tốt. Ngoài vấn đề tốn kém tiền bạc thì vũ khí của quân đội sẽ bị động, trong tương lai có muôn vàn lý do để Bồ Đào Nha không bán đại bác cho Chúa Nguyễn nữa. Vì vậy không gì bằng tự mình sản xuất lấy.

..................................................

Sau khi nhận được bức thư trả lại sắc dụ của Chúa Nguyễn, chắc chắn Chúa Trịnh sẽ tiếp tục khởi binh tấn công xuống phía nam. Biết trước việc này thì thay vì ngồi đợi địch tới rồi mới đánh thì phải có cách đối phó trước. Đào Duy Từ hiến kế cho Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc bằng cách đắp hệ thống chiến lũy liên hoàn trải dài từ núi Đầu Mâu [2] đến cửa biển Nhật Lệ. Hệ thống lũy này được xây dựng tận dụng ưu thế của tự nhiên, lưng dựa vào núi non hùng vĩ sừng sững, giữa là sông Nhật Lệ, mặt trước thì là biển Đông mênh mông. Một khi hệ thống lũy này hoàn thiện thì các lối ra vào, các con đường tấn công của quân Trịnh sẽ bị bịt kín và khống chế. Quân Trịnh muốn đánh vào đất của họ Nguyễn thì trước tiên phải vượt qua được trường lũy này.

Lũy Trường Dục được khởi công xây dựng đầu tiên, bắt đầu từ núi Thần Đinh trải dài dọc theo bờ sông Long Đai, qua các làng Trường Dục, Xuân Dục, Cổ Hiền đến làng Bình Thôn, Quảng Xá và vùng động cát đầu phá Hạc Hải.

.

Biết cha mình đi thị sát việc đắp lũy Trường Dục, Ngọc Khoa xin đi theo. Chúa Sãi vốn cưng chiều nàng nên vui vẻ đồng ý. Ông chỉ nhìn nàng như cười như không mà hỏi:

- Con thử nói lý do con muốn đi theo ta thị sát lũy Trường Dục xem nào?

- Thưa cha, có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn". - Ngọc Khoa đáp - Con chỉ muốn theo cha ra bên ngoài để học thêm mấy "sàng khôn" thôi mà.

- Chứ không phải là vì Hữu Dật đi giám sát việc đắp lũy nên đã lâu rồi con không gặp được cậu ta mà kiếm cớ để đi theo ta đấy chứ? - Nguyễn Phúc Nguyên nhướn mày hỏi.

- Dạ thưa cha không phải ạ - Ngọc Khoa điềm đạm đáp - Nếu chỉ vì muốn gặp anh ta thì con có thể tự mình đến đó, đâu cần phải kiếm cớ đi theo cha.

Nguyễn Phúc Nguyên:"...."

- Vậy à? - Ông cười, ánh mắt ý vị thâm sâu liếc nhìn chiếc vòng vàng trên cổ tay của Ngọc Khoa.

- Dạ vâng - Ngọc Khoa không trốn tránh ánh nhìn của ông mà thản nhiên trả lời.

- Thôi, con về chuẩn bị đi - Ông khoát tay.

Ngọc Khoa rời đi rồi, đôi mày rậm của Nguyễn Phúc Nguyên từ từ khẽ chau lại. Trong lòng ông vẫn đắn đo việc có nhất thiết phải gả Ngọc Khoa cho vua Chiêm hay không? Có lẽ năm sau ông sẽ đích thân đi kinh lý ở Quảng Nam để xem tình hình thế nào rồi quyết định.

............................

Lũy Trường Dục được đắp bằng đất sét, mặt lũy rộng có thể đi lại thoải mái trên đó. Phía ngoài bờ lũy được đóng dày đặc bởi các cọc gỗ lim, bên trong lũy là các lớp cọc tre ken chặt lấy nhau. Lũy Trường Dục được đắp theo hình chữ Hồi (囘) có thành bao bọc vây quanh bên ngoài bảo vệ doanh trại cùng kho lương bên trong, công sự chiến đấu cũng được liên hoàn với lũy bên ngoài. Muốn chọc thủng bề mặt lũy không phải là dễ dàng.

Nguyễn Phúc Nguyên vừa nghe Đào Duy Từ trình bày về cấu trúc của lũy vừa nhìn một đoạn lũy mới được đắp xong mà gật đầu hài lòng. Ngọc Khoa đi bên cạnh, tai tuy dỏng lên lắng nghe nhưng mắt lại không kìm được mà nhìn tới nhìn lui trong đám đông quân lính và dân phu đang hăng say đắp lũy để tìm người. Tất nhiên là điều đó không lọt khỏi mắt của cha nàng.

- Hữu Dật mặc áo xám đứng ở đằng kia kìa? - Ông tủm tỉm cười rồi chỉ về một phía mà nói với Ngọc Khoa, chủ yếu là muốn thăm dò thái độ của nàng.

- Dạ vâng, nhưng anh ta đứng ở đó có gì lạ sao cha? - Ngọc Khoa bình thản liếc mắt vể phía mà cha mình chỉ rồi quay sang hỏi ông.

Nguyễn Phúc Nguyên nhìn ánh mắt và vẻ mặt của nàng rồi đánh giá. Là con bé này không có tình ý gì với Nguyễn Hữu Dật hay là nó che giấu cảm xúc quá kín đáo?

- Hữu Dật, lại đây - Ông gọi rồi đưa tay ra hiệu cho Hữu Dật tới gần.

Hữu Dật đang mải kiểm tra những cọc gỗ vừa được chở đến để đóng ở bề ngoài mặt lũy thì nghe thấy có người gọi mình. Giọng nói này chàng vừa nghe liền biết là ai. Chàng vội đi tới diện kiến Chúa Sãi. Hữu Dật từ tốn bẩm báo tiến độ thi công đắp lũy cho Nguyễn Phúc Nguyên nghe. Thái độ bình thường không thể bình thường hơn, vẫn là sự điềm đạm, chín chắn và chỉn chu. Nhưng có điều ánh mắt sáng lên cùng nét mặt rạng rỡ của chàng khi nhìn thấy Ngọc Khoa cũng đến cùng cha không qua khỏi mắt của Nguyễn Phúc Nguyên được. Ông im lặng nghe chàng bẩm báo, thỉnh thoảng lại hỏi một vài câu xong bảo chàng đi tiếp tục làm việc của mình. Rồi Nguyễn Phúc Nguyên cùng Đào Duy Từ tới lán trại gần đó nghỉ chân và bàn bạc về việc đắp đoạn lũy tiếp theo sau khi lũy Trường Dục hoàn thành. Trước khi đi, Nguyễn Phúc Nguyên dặn Ngọc Khoa có thể đi tham quan xung quanh nhưng không được đi quá xa và đừng làm ảnh hưởng đến công việc của mọi người ở đây. Ngọc Khoa ngoan ngoãn vâng dạ. Nàng đang tò mò nghiêng phải ngó trái thì thình lình một giọng nói bất chợt cất lên bên tai khiến nàng giật hết cả mình.

- Có phải mấy tháng không gặp, công nữ nhớ tôi quá nên lặn lội đến đây thăm tôi à?

Ngọc Khoa lo lắng ngước nhìn vầng mặt trời đang chói chang ở trên cao xong mới ngó Hữu Dật, vẻ lo lắng trên gương mặt xinh đẹp động lòng người càng rõ rệt hơn:

- Anh bị say nắng đúng không?

- Quả thật tôi hơi nhức đầu nhưng cũng không biết là do say nắng hay say hồng nhan nữa - Hữu Dật vừa đáp vừa nở một nụ cười chói mắt hơn cả ánh mặt trời.

- Anh không thể nói cũng những câu đứng đắn nghiêm túc hơn được à? - Ngọc Khoa chau mày mà lườm chàng.

- Công nữ cũng biết mẹ tôi đang làm loạn lên giục tôi mang con dâu về cho bà. - Hữu Dật nhún vai - Nếu tôi đứng đắn nghiêm túc quá thành khô khan cứng nhắc thì bao giờ mới mang con dâu về cho bà được.

Ngọc Khoa nghe chàng nói vậy thì nhếch môi cười khẩy:

- Tôi nghe nói mẹ anh mời được những bà mối rất là lợi hại nên là dù anh có kém cỏi không tán được nàng nào thì vẫn cưới được vợ. Chẳng qua là anh kén quá chưa chịu gật đầu đó mà thôi.

- Tất nhiên là không phải ai tôi cũng tùy tiện cưới về làm vợ rồi. - Hữu Dật nhìn vào mắt Ngọc Khoa.

Ánh mắt dạt dào tình ý của Hữu Dật khiến Ngọc Khoa mất tự nhiên mà ngượng ngùng ngoảnh mặt sang hướng khác, nàng bĩu môi:

- Ai mà biết được.

...

Đào Duy Từ trải rộng tấm bàn đồ trên bàn, ông dùng bút lông đánh dấu mấy điểm trên bản đồ rồi nói:

- Bẩm Chúa, khi lũy Trường Dục hoàn thành, ta sẽ đắp tiếp đoạn lũy thứ hai là lũy Động Hải. Lũy Động Hải sẽ bao gồm hai lũy nhỏ hơn. Lũy thứ nhất bắt đầu từ núi Đầu Mâu, chạy dọc theo sông Lê Kỳ tới cầu Dài ở phía nam Đồng Hới. Lũy thứ hai sẽ tiếp nối với đoạn lũy này, chạy từ cầu Dài vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bao lấy làng Đồng Phú, xuyên qua Hải Thành đến cửa sông Nhật Lệ. Mặt lũy sẽ đắp rộng đủ để voi và ngựa đều có thể đi được. Các pháo đài đặt súng thần công cần được xây xen kẽ, ngoài súng thần công thì còn bố trí thêm súng phóng đá.

Nguyễn Phúc Nguyên nghe Đào Duy Từ nói xong thì gật đầu đồng tình nhưng cũng nói thêm:

- Việc đắp lũy Động Hải tốt nhất là để sang năm sau, tránh cho ngân khố, sức lực của quân lính và dân phu cạn kiệt.

- Thưa vâng - Đào Duy Từ đáp.

- Thị sát cũng đã xong. Không còn sớm nữa, chúng ta hồi phủ thôi - Nguyễn Phúc Nguyên vừa nói vừa đứng dậy.

Đào Duy Từ nhanh chóng thu dọn đồ đạc rồi nót gót Chúa Sãi.

.

Nhìn gương mặt dính bụi đất lem nhem cùng mồ hôi mồ kê nhễ nhại của Hữu Dật, Ngọc Khoa ngứa mắt quá đành lấy chiếc khăn tay ra rồi đập nhẹ vào trán chàng:

- Này anh lau đi.

Khóe mắt liếc thấy cha mình và Lộc Khuê hầu đang đi tới, Ngọc Khoa không nhiều lời với Hữu Dật nữa mà cáo từ.

Nắm chặt chiếc khăn lụa mềm mại thoang thoang hương hoa bưởi trong tay, Hữu Dật nhìn theo bóng dáng uyển chuyển đang xa dần của giai nhân, bất giác mỉm cười.

.....................................

Lá ngả vàng. Gió se se lạnh. Sắc thu phủ khắp đất trời. Ngọc Khoa nửa nằm nửa ngồi trên chiếc sập gụ, một tay cầm cuốn sách, một tay nhón ít cốm thơm từ cái đĩa để bên cạnh. Đọc được nửa trang thì Ngọc Khoa buông quyển sách xuống, nàng trở mình nằm sấp, hai tay khoanh ở trên gối rồi tỳ cằm lên. Không biết tình hình chiến sự ở châu Nam Bố Chính đến đâu rồi. Mấy trăm năm về trước, Bố Chính từng là một châu của Chiêm Thành, sau đó Chế Củ đã dâng châu này cho vua Lý Thánh Tông để được tha mạng. Giang sơn đổi chủ mấy lượt, khi nhà Lê trị vì đất nước đã chia Bố Chính thành hai châu là Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính. Sông Đại Linh Giang [3] vô tình trở thành một ranh giới tự nhiên phân chia hai châu này. Đại Linh Giang là con sông sâu, nước chảy siết, xuyên qua rừng núi trập trùng hiểm trở. Vì lẽ đó mà Đào Duy Từ bày kế cho Chúa Sãi mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố Chính để làm chủ được châu này. Có được châu Nam Bố Chính, việc biến sông Đại Linh Giang thành biên giới phòng thủ tự nhiên sẽ thuận lợi hơn. Sông Đại Linh Giang cùng với hệ thống lũy đang xây dựng hợp với nhau sẽ khiến cho việc tiến quân xuống phía nam của Chúa Trịnh gặp vô vàn khó khăn. Lần này tới Nam Bố Chính, anh trai nàng là Nguyễn Phúc Lan và Hữu Dật cũng có tham gia. Họ đi đã được gần hai tháng. Ngọc Khoa lồm cồm bò dậy rồi bước tới thư án. Nàng vén tay áo mài mực, trải giấy. Chấm đầu bút lông vào nghiên, Ngọc Khoa bắt đầu viết thư. Nhưng viết gì bây giờ. Được vài chữ nàng lại ngừng lại. Ngọc Khoa chống cằm suy nghĩ. Ngòi bút nàng di chuyển vô định trên trang giấy trắng. Đến khi định thần nhìn lại thì trên trang giấy đã chi chít tên của Hữu Dật.

- Con gái của ta đang làm gì thế?

Chúa Sãi đến thăm con gái, đứng bên cửa sổ nhìn vào phòng thấy nàng đang ngồi trước thư án, chống cẳm rồi hí hoáy viết gì đó mà lên tiếng hỏi.

Ngọc Khoa giật mình vội vơ lấy tờ giấy mà vo viên rồi giấu đi, do hấp tấp mà mực từ ngòi bút dính vào cả tay áo. Nguyễn Phúc Nguyên thong thả bước vào trong khuê phòng rồi ngồi xuống tràng kỷ. Ngọc Khoa rời thư án rồi rót trà mời cha. Ánh mắt Nguyễn Phúc Nguyên như có như không lướt qua vết mực trên tay áo Ngọc Khoa. Đứa con gái này của ông tuy hồi nhỏ có nghịch ngợm tùy hứng nhưng lớn lên lại cẩn thận chỉn chu, nề nếp, tóc không một sợi rối, áo không một vết nhăn. Thế mà hôm nay nó luyện chữ, vẽ tranh kiểu gì lại luống cuống đến mức để mực dính vào áo một vết lớn thế kia? Thực ra khi nãy đứng bên ngoài quan sát, nhìn quản bút thì ông cũng có thể đoán được Ngọc Khoa viết gì nhưng chỉ là đoán, không chắc chắn. Nguyễn Phúc Nguyên nhướn mày nhìn con gái rồi làm như vô tình hỏi:

- Tay áo con sao lại dính nhiều mực thế kia?

Ngọc Khoa nghe cha hỏi thì cười đáp:

- À không phải dính mực mà là con đang dùng mực để vẽ thêm hoa văn trên áo. Đây là loại mực mới, nghe thương buôn ngoại quốc nói là rất bền màu. Con thử dùng mực vẽ lên áo rồi đem giặt xem có đúng là bền màu không phai như lời thương buôn mời chào hay không.

Nói rồi, Ngọc Khoa bước tới thư án với dáng vẻ ung dung, nàng nhấc bút chấm thêm mực, đưa vài nét bút sửa vết mực đang dính trên ống tay áo thành hình lá trúc.

- Cha nhìn xem có đẹp không? - Ngọc Khoa giơ ống tay áo vừa vẽ xong cho Nguyễn Phúc Nguyên xem.

- Ừm, đẹp - Ông gật đầu rồi nói vào chuyện chính - Ta định đầu năm sau đi kinh lý ở Quảng Nam và nắm bắt được tình hình quân sự của Chiêm Thành vùng giáp biên giới với nước ta. Con thông thạo tiếng Chiêm Thành và Bồ Đào Nha. Ta muốn con đi cùng. Một vài mật thám của ta sẽ cải trang và gia nhập vào đoàn thương buôn sang Chiêm Thành mua bán hàng hóa. Ta muốn con theo đoàn thương buôn này.

Ngọc Khoa cụp mắt yên lặng lắng nghe Nguyễn Phúc Nguyên nói. Khi ông nói hết, nàng mới ngẩng đầu lên, ánh mắt phẳng lặng, nàng nhẹ nhàng đáp:

- Vâng ạ.

Nguyễn Phúc Nguyên nói rõ thêm về việc đi kinh lý Quảng Nam và đoàn thương buôn sang Chiêm Thành vài câu rồi rời đi. Chỉ còn lại một mình Ngọc Khoa ở trong phòng. Nàng bần thần ngồi phịch xuống tràng kỷ. Nàng nhắm mắt, tựa lưng vào thành ghế, tay vắt lên trán. Cha nàng nói là "ta muốn con" chứ không phải hỏi nàng rằng "con có muốn". Hai người chị gái của nàng đã được cha gả cho những người chồng ngoại quốc vì lợi ích chính trị. Việc một người đã làm được hai lần thì chẳng có gì mà không thể làm thêm lần thứ tư. Hai năm trước, Chiêm Thành liên thủ với lưu thủ Phú Yên tấn công xâm phạm lãnh thổ của Đại Việt. Những chuyện như thế này đương nhiên sẽ còn tiếp diễn. Mối quan hệ giao hảo tốt giữa Chiêm Thành và Bồ Đào Nha cũng là một mầm họa.

Ngọc Khoa hít sâu một hơi, nàng mở mắt rồi đứng dậy, chậm rãi bước tới thư án, nhấc tờ giấy chi chít tên của Hữu Dật lúc nãy nàng vội vàng vò nát rồi giấu vào đống sách trên mặt bàn ra. Ngọc Khoa trải phẳng tờ giấy rồi thong thả xé nó nát vụn. Trong đầu nàng vang vọng câu nói cuối cùng của cha mình trước khi ông rời đi.

"Ta và Trịnh Tráng tuy đối đầu nhưng vẫn đội chung một bầu trời của Đại Việt. Ta và ông ta có thể khác nhau nhiều thứ nhưng có hai điểm giống nhau. Thứ nhất là muốn thống nhất nam bắc giang sơn về một mối do mình làm chủ. Thứ hai là không để lãnh thổ bờ cõi của Đại Việt bị bất kỳ nước nào xâm phạm"

Nàng đương nhiên hiểu dụng ý của Chúa Sãi.

.............................

Kết thúc buổi tập trận, Hữu Dật kiếm một bóng râm dưới gốc cây ngồi nghỉ.

- Này uống đi - Nguyễn Phúc Lan bước tới ngồi xuống cạnh Hữu Dật rồi đưa cho chàng bầu nước.

-Đạ tạ thế tử - Hữu Dật đáp rồi đưa tay đón lấy bầu nước.

Chàng ngửa đầu uống một hơi, xong dùng tay áo lau mồ hôi trên trán. Nguyễn Phúc Lan thấy vậy thì trêu:

- Ta thấy chú có cái khăn tay lụa, cứ dỗi lại lôi ra ngắm rồi tủm tỉm cười một mình. Sao không lấy nó mà lau mồ hôi. Cớ chi dùng tay áo cho cực?

- Là vì tôi sợ nó bẩn với cũ nên không dám dùng ạ - Hữu Dật thật thà trả lời.

- Ái chà, vậy chắc là khăn tay của mỹ nhân nào tặng rồi - Phúc Lan vỗ vai Hữu Dật - Sao nào? Bao giờ thì mấy anh em bọn này mới được ăn cỗ của chú đây?

- Tôi cũng chưa dám mở lời. Không biết người ta có ưng mình hay không? - Hữu Dật thở dài.

Nếu nàng ấy có tình ý với chàng thì tại sao khi nghe tin mẹ chàng ngược xuôi tìm bà mối kiếm vợ cho chàng lại chẳng tức giận gì mà còn vui vẻ trêu chọc chàng nữa.

- Tưởng gì. - Phúc Lan cười - Để ta chỉ cho chú một cách. Đơn giản lắm. Chú cứ nhân lúc nàng ta không chú ý mà lao tới hôn một cái. Nếu nàng ta có tình ý với chú thì sẽ im lặng cúi đầu ngượng ngùng. Còn nếu không có ý gì với chú thì.... - Phúc Lan cố ý ngừng lại mà không nói tiếp, đến khi nhìn thấy gương mặt nôn nóng của Hữu Dật thì mới nói hết câu - ...chắc chắn chú sẽ được ăn một cái tát nổ đom đóm mắt.

Hữu Dật:"...."

Nếu là Ngọc Khoa thì chàng nghĩ mình không chỉ được ăn mỗi cái tát thôi đâu mà còn nhiều thứ bạo lực hơn nữa cơ.

Sau một hồi khóe môi cứng đờ không biết nói gì, Hữu Dật đành gãi gãi đầu cười cười mà không đáp rồi nói lảng sang chuyện quân. Lần này quân Nguyễn quyết lấy bằng được châu Nam Bố Chính. Chúa Trịnh chi viện không kịp nên quân Trịnh ở đây có lẽ không cầm cự được lâu nữa. Quân Nguyễn chỉ cần tổ chức tấn công một trận lớn thì sẽ làm chủ được châu Nam Bố Chính.

Chú thích:

[1] Nay là địa bàn tỉnh Phú Yên.

[2] Núi Đầu Mâu: Nay ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Bình

[3] Sông Đại Linh Giang: Sông Gianh

Truyện Hồng Nhan đã đến chương mới nhất. Hãy truy cập Vietnovel.com thường xuyên để cập nhật thông tin nhé!