Chương 1: Một chiều buồn cuối năm
Trong cơn mưa lâm thâm rả rích một chiều cuối đông, khi bầu trời vẫn còn xám xịt, dòng người vẫn còn trong guồng quay nhộn nhịp, hối hả của những ngày giáp Tết, Mai Diễm Thư khẽ nhìn qua khung cửa sổ bệnh viện, trong lòng dâng lên một nỗi buồn man mác. Cô nắm chặt lấy hai thành chiếc xe lăn, khẽ đẩy chiếc xe lăn đi xa.
“Tớ muốn nhìn tiếp.” Người ngồi trên chiếc xe lăn ấy thở dài, môi mím chặt lại.
Mai Diễm Thư bỗng dưng muốn khóc. Mười lăm năm trước, cả cô và anh, đều là những ngôi sao sáng rực trên bầu trời, là tâm điểm của vũ trụ, rực rỡ hơn bất cứ ai khác.
Mười lăm năm sau, họ chỉ là những người bình thường, cô độc tựa vào nhau trong những ngày cuối năm, trong khi ngày lễ lớn nhất năm đang đến gần.
“Toàn, đã đến giờ uống thuốc rồi, tớ bảo y tá cho cậu nhé. Sau đó, cậu lại ngắm mưa nhé.” Cô bác sĩ khẽ nở một nụ cười, trông còn khó coi hơn cả khóc.
Người đàn ông không đáp lại.
Sự im lặng coi như ngầm đồng ý.
Một lúc lâu sau, sau khi đã uống thuốc, Mai Diễm Thư định rời khỏi phòng, chừa cho anh không gian riêng tư, thì lại nghe thấy giọng nói man mác buồn của người đàn ông: “Ước gì mưa to hơn một chút nhỉ?”
Bàn tay cô gái khẽ khựng lại một chút, nhưng cô không nói gì mà đi thật nhanh ra khỏi phòng, giống như chạy trốn một điều gì đó.
—-
Năm ấy, trên khắp mọi nẻo đường, đâu đâu người ta cũng nhắc tới cái tên Lý Khánh Toàn như một hiện tượng. Ai không biết thì bị coi là lạc hậu, là đi sau thời đại. Cái tên này dường như là minh chứng cho việc bắt kịp xu thế. Tên tuổi của anh phủ đầy mặt báo, từ chuyện sự nghiệp, đến những câu chuyện đời tư, hay thậm chí là riêng tư cũng đều bị khui ra bằng sạch. Lúc ấy, một cái liếc mắt, nhíu mày, một câu nói của anh cũng đủ để trở thành tiêu đề hot trên mạng xã hội. Sự quan tâm của công chúng dành cho anh như cơn mưa mùa hạ, ào ào, rầm rộ, nhanh đến lại nhanh đi.
Cậu thiếu niên Lý Khánh Toàn mười bảy tuổi nổi tiếng cả thế giới vì đã mang được hai chiếc huy chương vàng Thế vận hội thể dục dụng cụ về cho dân tộc, giải được cơn khát danh hiệu bấy lâu nay của đất nước, đồng thời cũng phá luôn kỷ lục về điểm số cho một bài thi thể dục dụng cụ. Cậu thiếu niên đến từ vùng đất nghèo khó, cằn cỗi ấy đã đem về một cơn mưa rào cho chính cuộc đời cậu và cho cả một nền thể thao dân tộc.
Và rồi, trong đại hội biểu dương thanh thiếu niên toàn quốc năm ấy, cậu thiếu niên được mệnh danh là “cậu bé vàng” đã gặp một “cô gái vàng” khác. Cô gái không phải một vận động viên, cũng tuyệt đối chẳng liên quan gì đến thể thao, nhưng tên tuổi của cô sớm đã trở thành cái tên cửa miệng của các bậc phụ huynh, nhận được sự kính trọng tuyệt đối từ mọi thế hệ, tầng lớp. Ở Châu Á, thể thao vẫn có đôi chút bị coi nhẹ. Nếu có thể lựa chọn, không nhiều phụ huynh để con cái mình theo con đường này, vì quá bấp bênh, chỉ một chấn thương là bao năm tháng cố gắng cứ thế đổ sông đổ bể, cạnh tranh lại cực kỳ gay gắt, hàng năm có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia, nhưng suất ở tuyển quốc gia chỉ đếm đến hàng chục, còn đi Olympic, thì chỉ trên đầu ngón tay . Nhưng còn một con đường, mà đa số mọi người đều lựa chọn, nhưng lại chẳng phải con đường dễ dàng, người thất bại cũng nhiều đếm không xuể, có người là bỏ dở giữa chừng, có người thì là bị đào thải, người thành công thì cũng nhiều, nhưng đến mức xuất chúng, thì có khi cả trăm năm chẳng được một người. Cô gái trước mặt, chính là người được kỳ vọng sẽ trở thành một người xuất chúng như thế.
Mai Diễm Thư lên bảy đã bắt đầu những cuộc thi học thuật tầm cỡ quốc tế, cũng đã đạt vô số thành tích lớn nhỏ. Năm lên mười hai, cô gái thiên tài ấy đã đến được với kỳ thi IChO lừng lẫy, làm nên lịch sử khi là người trẻ nhất thế giới từng tham dự. Cô gái ấy cũng xác lập kỷ lục là người trẻ nhất từng đạt huy chương và còn được ghi vào Guiness, với tấm huy chương bạc danh giá. Ngay năm sau, Mai Diễm Thư đã phục thù, xuất sắc đạt huy chương vàng với một bài thi đạt điểm tuyệt đối và nhận giải đặc biệt vì có lời giải xuất sắc. Năm lên mười bốn, cô gái gia nhập ngôi trường Jefferson lừng danh của đất Mỹ và tiếp tục có vô số các nghiên cứu, bài báo học thuật danh tiếng trong và ngoài nước. Mười bảy tuổi, cô thành công nhập học tại Đại học Johns Hopkins, chuyên ngành phẫu thuật tổng quát. Cùng năm đó, cô gái được đề cử vào giải thưởng Priestley vì những đóng góp cho việc phát triển các nghiên cứu về ức chế sự phát triển của các bệnh rối loạn di truyền. Đó là lý do, mà Nhà nước đã quyết định sẽ trao tặng cho cô gái một Huân chương Lao động Hạng nhì, sau chiếc Huân chương Hạng nhất mà cô gái từng được nhận bốn năm về trước.
Hai con người, ngoại trừ điểm chung về quốc tịch, còn lại hoàn toàn khác biệt, đã gặp nhau tại một ngày mưa rào nặng hạt cuối hè, theo một cách hết sức tình cờ như thế.