Cửa hiệu giày dép bên kia con phố vừa tiễn vị khách cuối cùng. Su xách chiếc ba lô in hình siêu nhân xanh đỏ khoác lên vai, bước nhanh ra khỏi cửa, đầu còn ngoái lại giục người bên trong:
- Mẹ không nhanh lên, tí nữa lại bị bà nội chửi cho mà xem.
Người thiếu phụ cao ráo, xinh xắn như cánh hoa mỏng dịu dàng bước ra, đôi môi đỏ mọng cong cong, mái tóc màu đồng xõa ra hai bên vai, che già nửa khuôn mặt, khóe miệng cô khẽ nhếch lên.
Bà nội của nó chẳng phải mẹ chồng của cô hay sao. Sợ bà chửi? Lo thế lại lo xa quá, ngày nào bà không chửi cô lại sợ trời xanh kia ngay lập tức sẽ sụp xuống. Hiền chua chát cười:
- Mẹ chỉ sợ bà không chửi thôi.
Trong nhà đó, đối với mẹ chồng, cô là một tội đồ, tội vô cùng lớn, đã lấy đứa con trai út ít của bà làm chồng còn dám về nhà bà mà ở, tội này thực sự là nhảy xuống Sông Hồng vạn lần cũng không rửa hết tội.
Càng về trưa trời càng lạnh, từng cơn gió nhỏ làm lăn tăn những lá sấu của mùa đông cũ còn sót lại trên đường. Cận kề ngày Tết, chợ nào cũng đông đúc, ngột ngạt. Phải cố gắng lắm Hiền mới chen chân được tới chỗ hàng rau người quen để mua hai mớ cải non, mấy quả chanh và hai quả ớt xin kèm. Nhìn cảnh chen lấn trong khu chợ nhớp nháp Hiền bỗng thấy hối hận, giá cố gắng đi xa một chút tới siêu thị thì đỡ hơn, đắt nhưng không khí dễ chịu, rau quả được bảo quản tươi ngon, đảm bảo.
Cô cố gắng rảo bước nhanh ra khỏi khu vực bán thực phẩm, ra khỏi dãy hàng dược liệu nực mùi thuốc nam thuốc bắc để tới chỗ Su đang đứng đợi ở cổng chợ.
Đường phố nhộn nhịp và se lạnh, gió thổi từng làn sương giữa hồ Nhạc Sơn tràn qua lòng đường khiến cái rét càng trở nên buốt hơn. Hiền đi chầm chậm, thả một bên tay lái khẽ nhấc cổ áo khoác cao lên một chút rồi nắm lấy bàn tay Su đút vào trong túi áo khoác của mình.
- Con có mặc đủ áo không? - Hiền hỏi con. Thằng bé vòng tay ôm chặt vòng eo nhỏ của mẹ, nói to:
- Mẹ đi chậm thôi, lạnh lắm.
Thành phố biên cương sầm uất và náo nhiệt, nhà san sát nhà, mỗi người một gu thẩm mỹ, một sở thích và điều kiện nên kiến trúc nhà cũng không giống nhau, nhà cao nhà thấp, có nhà như một ngôi biệt thự cổ kính cũng có nhà lại nằm lọt thỏm giữa hàng dài những gia đình tầm trung.
Ngôi nhà hai tầng rộng hơn 3 mét bo hẹp giữa một ngôi biệt thự và một tòa nhà bốn tầng nở đầy hoa giấy bảy màu kia là nhà chồng Hiền.
Rẽ vào cổng nhà, vừa tắt máy Hiền đã nghe thấy tiếng nói lanh lảnh quen thuộc như tiếng bát đĩa vỡ. Mẹ chồng đang chửi cô.
- Mẹ con đ-! Đến giờ này còn chưa về cơm nước gì. Hay là nó muốn tôi hầu đến tận mồm cho ăn. Nhà này vô phúc, lấy con dâu về không khác nào rước một bà hoàng về hầu.
Đấy thấy chưa? Nói có sai đâu. Về sớm hay về muộn bà cũng đều chửi cả. Ngày nào bà chả đứng trên tầng hai giả vờ quét đất phẩy trần mà thực tế là để ngó con dâu về để chửi sẵn đợi. Gọi cô là con đ- còn may, hôm nào cay cú bà còn gọi cả cộng đồng dân tộc cô ra mà chửi, cha mẹ cô mất đã nhiều năm bà cũng quật lên mà xỉa xói.
- Con chửa hoang, con rách nát. - Nhằm lúc Hiền bước chân vào cửa, bà Hòa mới chửi đổng lên. - Nhà này vô phúc mới rước phải loại sao chổi này về mà. Con dâu nhà người ta thì chăm lo nhà cửa đâu vào đấy, nhà nội nhà ngoại, bề trên bề dưới chăm chút chu toàn. Đây á....hứ...ăn hại.
Hiền uể oải đi vào, chậm chạp cởi áo khoác cài lên cây treo quần áo, cố gắng rặn ra một câu chào nhẹ nhàng.
- Mẹ! Con đã về.
- Làm cái gì mà giờ này mới về?
- Mẹ à! - Hiền cố gắng nhẹ nhàng nói. - Hôm nay con đi chợ sớm nhưng người ta đi chợ đông quá nên con chen không kịp.
- Á à...Tao mới nói thế mà mày đã cãi. Tao mua mày về không phải để mày đi ra cổng chợ cười õng ẹo với mấy thằng bảo vệ nhá!
Hiền có nói gì to tát đâu, đã cố gắng dĩ hòa vi quý lắm rồi đấy. Mất mấy xu tiền cưới cô, bà ấy đã cho rằng là đã mua đứt cô về. Nhà ai cưới con dâu chả phải sính lễ nọ kia, không nhẽ bảo bà đi hỏi xem có nhà ai ngoại lệ à? Bố mẹ đầy đủ có ai chết đâu mà cưới con nhà người ta về không cho được một xu sính lễ?
Nghĩ vậy nhưng Hiền nhẫn nhịn cho qua, bởi cô cũng có tí lỗi. Công nhận mấy thằng canh gác cổng chợ body đẹp, chuẩn, nhìn thật muốn yêu nhưng mà nói thật nhé, mấy hàng mã vô công rồi nghề đó chỉ để ngắm thôi, rước về hầu nó, nuôi nó vỡ mồm. Hơn nữa, cô cũng đâu có õng ẹo với ai, chẳng qua là thấy mấy chú bộ đội đi chợ, sơ vin đóng thùng mông ra mông má ra má nên chòng ghẹo vài câu nhẹ nhàng kiểu như: “Chú đẹp trai thế, yêu cháu đi”, hay “Chú cao mét mấy thế”, hay là “Chú có cần hậu phương hay không”, ngoài ra cũng đâu nói thêm gì, còn chả được nắm tay cái nào.
Thấy Hiền nhẹ giọng, Bà Hòa được thể lại chửi lớn hơn:
- Muốn người khác không biết trừ phi mình đừng làm. Con Thúy đi chợ về kể hết với tao rồi, bỏ thằng Su đứng cổng chợ sau đó xỏ mũi đi theo mấy thằng bộ đội trẻ đẹp đừng tưởng tao không biết.
Thằng Su đứng cổng chợ còn chẳng than oán gì, bà bức xúc hộ nó đâu cần thiết.
Hiền uể oải vớ lấy cái tạp dề quàng vào cổ, lần theo dây buộc gọn ra sau rồi chậm chạp ngồi xuống bàn dỡ bó rau cải ra nhặt, tiện thể đáp lại mẹ chồng một câu:
- Con làm gì õng ẹo đâu, các chú ấy ít nhất cũng nhỏ hơn con chục tuổi, mẹ đừng nói thế, xúc phạm người ta.
- À,...mày còn bênh tình nhân nữa đấy. Trong thời gian chợ đông, làm sao tao biết mày dạng háng cho bao nhiêu thằng?
Hiền cảm thấy bây giờ mà nhịn thế nào bà cũng lôi tổ tông của những người liên quan ra chửi, thương mấy chú bộ đội bị cô ngắm nhìn mà oan uổng, cô cay cú cười một cái.
Cái cười ấy đem cuộc chiến chính thức bước từ giai đoạn phòng thủ sang phản công. Bà Hòa cáu ầm lên chửi không thương tiếc. Hiền cũng không phải dạng vừa. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, ở với bà mười năm, cái tính đành hanh của bà, đừng nói cô tránh đi mà còn cố gắng học được không ít, đẳng cấp ở phố này con dâu chỉ thua mỗi mẹ chồng.
Tay nhặt rau nhưng miệng cô thì vờ bóng gió, giọng như chọc tức người trước mặt:
- Dạng cho ai thì dạng, tối về vẫn dạng cho con trai mẹ là được, có mòn đi đâu mà mẹ lo.
Làm mẹ, chịu nổi câu ấy cũng là nhu nhược, bà Hòa tức giận lao tới trước mặt con dâu, trên bàn không có gì khác ngoài mớ rau cải đã dỡ ra nhặt dở, ngay lập tức bà bốc một nắm ném vào mặt Hiền, nghiến răng:
- Cái loại lăng loàn, đ- thõa, mày chết đi.
Thằng bé con leo lên tầng cất cặp sách rồi lại đi xuống. Cái cảnh nhà giống như thước phim ngày nào cũng tua đi tua lại một phân đoạn duy nhất. Ban đầu là bà chửi mẹ, mẹ sẽ nhường nhịn một lúc. Thấy mẹ không nói gì bà sẽ cho rằng mẹ thái độ, sẽ chửi to hơn nữa, nhiều hơn nữa và nặng lời hơn nữa. Và mẹ chỉ nhịn đến lúc đó thôi, nước đầy thì sẽ tràn, nước tràn thì bờ vỡ, mẹ sẽ đứng dậy chống nạnh bật lại bà với một tư thế sẵn sàng lành làm gáo vỡ làm muôi. Và hai người chính thức chửi nhau tay đôi như một cuộc chiến thực sự, nhiều khi Su tưởng ngôi nhà có thể vỡ toang thành hàng nghìn mảnh bởi sự công phá của hai giọng nói siêu thanh kia. Có nó ở đó thì hai người còn nể mặt trẻ con một chút, hôm nào nó chơi trên phòng là y như rằng cuộc chiến phải bước sang giai đoạn vũ trang chiến đấu mới có một cái kết đăng đắng cho một bên nào đó. Đó là khi một trong hai bị thương hoặc đuối lý, thường thì đó là mẹ. Thế nên nó phải xuống đây ngồi, dù chẳng hề tham gia.
Ngày cuối năm đông khách, người vào người ra mong muốn tìm một đôi giày dép vừa ý đón xuân, phải chiều khách, Hiền mệt mỏi rã rời, đến phản ứng lại cũng lười. Cố gắng giữ cái sự bình tĩnh cho nó ở yên lại, cô thản nhiên nhặt ngọn cải từ trên đầu và những ngọn rau vung vãi trên mặt bàn cho vào rổ, phần gốc vứt ra một bên. Điên lắm nhưng tối nay chồng cô về, gã nhắn tin như vậy. Gã về, biết cô cãi tay đôi với mẹ chồng lại thêm cái miệng ngọt xớt nói xấu con dâu trước mặt con trai như MC đài truyền hình của bà: "mẹ không có con gái, lúc nào cũng coi nó như con gái trong nhà, thế mà nó...." và sau đó là tội to tội bé, tội có tội không được thêm vào vế sau. Và thế là Hùng điên lên, cho cô vài cái bạt tai, cô lại được ăn tết trong bệnh viện. Mười năm chứ có ít ỏi gì, đến chó bị đánh nhiều cũng phải khôn lên nữa là Hiền. Cô quyết định im lặng không đáp lại nữa. Cô thở dài, trận này cô lại thua.
Bà Hòa thấy thế lại cho rằng Hiền thở dài xỏ mình, càng tức, tru tréo lên chửi con dâu xấc xược, hỗn láo rồi nhìn quanh, không thấy có thứ gì để xả tức liền nhấc rổ rau trước mặt đổ ập xuống đầu Hiền. Những ngọn rau vừa nhặt như pháo giấy ngày cưới lả tả rơi xuống trước mặt cô, ngọn và gốc với cây chưa nhặt lẫn lộn vào nhau.
Đúng là đã không ưa thì dưa cũng có ròi, thế đấy, chỉ thở thôi mà cũng đã mang tội rồi.
Bà Hòa thấy thế là đủ, bỏ vào phòng, đóng cửa cái "rầm".
Hiền nhấc chiếc rổ con vẫn chụp trên đầu đặt xuống, từ từ đứng dậy, chống nạnh nói với theo:
- Hiền Hòa không phải là một từ tốt đẹp à? Sao ghép vào nhau lại có nghĩa là chiến tranh như vậy?
Ngày cưới Hiền, hàng xóm hay trêu như vậy. Mẹ chồng Hòa, con dâu Hiền, cả nhà Hiền Hòa mới cưới đã thấy ấm êm, phúc nhất bà Hòa.
Hiền nhếch mép cười ruồi một cái. Phúc nhất bà Hòa, bất hạnh nhất cô Hiền. Nhặt những ngọn rau muống cho lại vào rổ một cách uể oải, bực bội, Hiền uể oải . Lúc bà ở đây không dám nói, bây giờ thì lại nói rất to:
- Là mẹ chồng thì làm thế với con dâu được hả? Đó là quyền hay là trách nhiệm phải làm thế?
Những lúc tức giận cô thường chửi thề, giờ cũng muốn chửi một câu nhưng nhìn sang thằng con vẫn đang bình thản ngồi bên cạnh đọc sách cô lại thôi.
- Su à, sau này mẹ có cần phải đối xử với vợ của con như vậy không?
Su vốn đã quen với cảnh này, so với những lần trước, mẹ nó cũng không phải hứng trận đòn nào thiệt thòi quá nên cũng không tỏ ra xót xa gì cho lắm. Mắt không rời quyển sách, nó lạnh lùng cự tuyệt:
- Thôi! Không cần đâu mẹ.