Còn nhớ từ những năm 2008 khi ngôn tình du nhập vào Việt Nam, dòng văn học lãng mạn đã chiếm vị trí ngôi đầu ở thị trường xuất bản suốt gần mười năm qua, trở thành thể loại ăn khách và cũng có sức ảnh hưởng lớn tới văn phong của không ít các bạn trẻ. Ở thời kì đỉnh cao của nó vào những năm 2010, các tác phẩm dịch từ văn học Trung Quốc tràn lan trên khắp các trang mạng cùng sự phát triển của teenfic được bàn tán rầm rộ, làm mờ nhòa đi sự phong phú của văn học thời kì trước.
Tuy nhiên bất cứ triều đại nào cũng sẽ tới lúc thoái trào, với các luồng ý kiến phản đối sự “ngôn lù”, "mì ăn liền" dâng cao trong ba năm vừa qua, thể loại này đang dần mất đi chỗ đứng của mình trong thị trường xuất bản nội địa. Các nền tảng đang dần quan tâm và nâng đỡ các tác phẩm Việt hơn, sự thuận lợi trong việc đăng tải thông tin đã giúp nhiều tác giả trẻ có cơ hội bén duyên với nghề viết và trong đó tất nhiên có VO.
Thời gian gần đây, cùng với sự lên hương của các trào lưu Việt phục, chúng ta đã thấy một bước chuyển mình mạnh mẽ của văn học Việt với đa thể loại, đa phong cách và tin rằng sẽ còn phát triển tốt hơn nữa.
Trước hết, phải nói rằng trên đời không có thứ quái gở nào là VĂN PHONG HÁN VIỆT, từ Hán Việt là một phần trong tiếng Việt và nó KHÔNG ĐỒNG NHẤT HOÀN TOÀN với nghĩa Hán tự gốc. Truyện Việt không chỉ là truyện do người Việt viết, viết bằng tiếng Việt mà còn phải đúng cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt, cách dùng dấu câu, diễn đạt tự nhiên theo đúng chuẩn mực về lời ăn tiếng nói, mặc kệ bạn viết bối cảnh gì thì tiếng Việt cũng thừa sự phong phú để diễn tả được hết.
Vật đổi sao dời, dưới đây là một số dòng truyện có tiềm năng lên “trend” tại Việt Nam trong thời gian tới dựa trên ý kiến chủ quan của người viết.
LỊCH SỬ
Các dòng truyện liên quan tới lịch sử chưa bao giờ “hot” đến thế trong những năm qua. Bắt đầu với dự án crownfunding cho bộ năm cuốn “tiểu thuyết lịch sử” Thành Kỳ Ý, dòng truyện này một lần nữa dấy lên các cuộc tranh luận, thảo luận giữa nhiều luồng dư luận khác nhau với các đính chính, thông cáo, tuyên bố, phản hồi dày đặc trên nhiều mặt báo cũng khiến xã hội trí thức dần dà để ý đến mảng vườn không nhà trống tấc đất tấc vàng mang tên “dã sử” và “lịch sử”.
Nếu như muốn khảo cứu nghiêm túc và tìm những dữ kiện chính xác về quá khứ, người ta sẽ đọc những tài liệu chính thống chứ chẳng tìm đến dã sử. Thể loại này vẫn có sức hút rất riêng chính bởi nó đi vào văn chương để bù lấp lại những khoảng trống trong chính sử, viết nên từ tấm lòng của tác giả dành cho những con người, những năm tháng vàng son phủ bụi khi xưa và điều đó có sức lan tỏa rất lớn.
Dã sử hơi trau chuốt và khắt khe so với một thể loại dùng để giải trí, nhưng cũng lại rất mực nhẹ nhàng và tinh tế so với một cuốn bách khoa toàn thư thông thường. Nơi ấy, chất hùng ca của thời đại lại thấm đẫm chất tình, những tình tiết tưởng như xa lạ lại thân thuộc giản dị như những câu chuyện mình thường được nghe kể, xưa mà không cũ, đốt lửa trong lòng.
Các dự án lịch sử diễn họa mới như kênh "Đuốc mồi", "VN và những người bạn" càng là một cú hích sáng tạo truyền cảm hứng cho văn học trẻ. Kể từ năm 2016, đã có nhiều tác phẩm nổi bật được xuất bản và chú ý như Đông biên nhật xuất, Nhân gian nằm nghiêng, Hồ Dương, Vũ tịch, Thiên hạ chi vương, Bão táp triều Trần, Trăng nước Chương Dương và gần đây lại càng nở rộ mạnh mẽ với hàng loạt các tác giả Đồng Lạc, Thành Châu, Isis, Trường An, Phương Uyên, được đầu tư quan tâm bởi tủ sách Tri thức trẻ và NXB Hội nhà văn.
Dựa trên số lượng tác phẩm được xuất bản, có thể thấy rằng tiểu thuyết dã sử và lịch sử Việt Nam đang dần trở nên phổ biến và được chú ý nhiều hơn. Trong tương lai, có thể dòng truyện này sẽ chiếm lĩnh một trong những ngôi vị đầu bảng trong thị trường xuất bản tại Việt Nam.
GIẢ TƯỞNG – VIỄN TƯỞNG – LIGHT NOVEL
Cũng bắt đầu từ năm 2015 khi Người ngủ thuê và UREM đạt được những giải lớn tại cuộc thi Văn học tuổi 20, cả hai cuốn sách đều nằm trong thể loại kỳ ảo – viễn tưởng và giả tưởng. Trong các diễn đàn và trang văn mạng, các câu chuyện của thể loại này cũng đang được chú ý tới trong tình trạng người đọc đã quá ngán ngẩm với những câu chuyện tình sướt mướt. Riêng trên nền tảng Vietnovel, dòng truyện này cũng chiếm lĩnh một lượng tác phẩm lẫn độc giả lớn và càng được chú ý hơn song hành cùng sức sáng tạo dồi dào của các tác giả trẻ. Đây vẫn luôn là một mảng đề tài giàu tiềm năng ở cả hai mục tiểu thuyết và truyện vừa, truyện ngắn với hàng loạt các thẻ tìm kiếm liên quan.
Sau cuộc hội thảo tại NXB Trẻ về cuộc thi Văn học tuổi 20, báo Tuổi trẻ đã đưa ra nhận định “Trong 8 tác phẩm vào chung khảo đã được ra mắt có đến 4 tác phẩm thuộc thể loại văn học kỳ ảo: Chuyến tàu nhật thực của Đinh Phương, Cánh đồng ngựa của Nguyên Nguyên, Thỏ rơi từ mặt trăng của Nguyễn Dương Quỳnh, Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng.”. Điều này cho thấy dòng văn học kỳ ảo đang từng bước chiếm lĩnh thị phần xuất bản và được đặt mong chờ rất lớn trong tương lai.
Bên cạnh đó, với sự du nhập Light Novel – một dòng văn học “nhẹ” dành cho giới trẻ đến từ Nhật Bản cũng đang dấy lên một phong trào viết truyện theo dạng văn của dòng truyện này. Các tác phẩm trong dòng Light Novel thường kết hợp với thể loại kỳ ảo, viễn tưởng, game…và có được sự hấp dẫn nhất định đối với các độc giả trẻ hâm mộ thể loại manga – anime – game. Tạp chí Telus xuất hiện với các chuyên đề thuần Light Novel cũng là một mốc đánh dấu cho sự phát triển và tiềm năng của dòng truyện này trong tương lai.
KINH DỊ – KÌ BÍ
Thể loại kinh dị Việt sở hữu một lịch sử lâu đời với minh chứng sớm nhất còn tồn tại đến ngày nay là cuốn Lĩnh Nam chích quái, có niên đại vào cuối thời kỳ nhà Trần và hiển hiện trong các sáng tác trứ danh đương thời. Đó là Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục, Lý Tế Xuyên với Việt điện u linh, Lê Thánh Tông với Thánh Tông di cảo hay Đoàn Thị Điểm với Tục truyền kỳ. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đó chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền món cho một sự trỗi dậy mạnh mẽ của thể loại này trên các diễn đàn của một thế hệ không chuyên, đang là đề tài nóng hút khách.
Sau một thời gian, cùng sự biến đổi của xu thế thị trường, truyện Trung Quốc trở nên thoái trào, để lại một khoảng không rộng rãi hơn cho các cây bút Việt khai phá, thử thách bản thân. Thêm vào đó là sự xuất hiện của những Youtuber và những kênh audio kể chuyện ma, thể loại kinh dị Việt có thêm sân khấu mới, kết nối người viết với khán thính giả. Văn học kì bí Việt đã có sự mở rộng đáng kể khi hai tác phẩm Ai hát giữa rừng khuya cùng Vàng và máu đã được tái bản trong bộ “Việt Nam danh tác”, hai cuốn tiểu thuyết “Ngôi làng cổ mộ” và “Cầu vong phách” của tác giả trẻ Thục Linh đã được một đơn vị truyền thông mua bản quyền để chuyển thể thành phim điện ảnh, sự hấp dẫn của bộ "Giải ngải ký" của tác giả Tống Ngọc, dự án "Nam thiên kì đàm".
Sự kết hợp và mở rộng trên mảng huyền sử, tín ngưỡng, truyền thuyết dân gian, các tích cũ, các bài đồng dao, các hủ tục, văn hóa truyền thống càng là mảnh đất màu mỡ mà chưa có dịp khai thác. Bên cạnh đó, creepy pasta hay cryptic – một dạng truyện cực ngắn kinh dị cũng được phát triển bởi tác giả trẻ Việt Nam từ những năm 2014 – 2015 đến nay. Mặc dù khó được xem là một dạng truyện kinh dị hoàn chỉnh, nhưng đây cũng có thể coi là tiền đề để phát triển cho các tác giả trong thể loại đầy tiềm năng này.
TRINH THÁM
Bỏ qua giai đoạn vàng son vào những năm 30 của thế kỷ trước, tính từ mốc những năm 2000 với sự trỗi dậy của dòng trinh thám gắn liền với nhân vật tình báo cho đến nay, số lượng các tác giả từng bén duyên với thể loại này vẫn còn ít ỏi. Chúng ta có nhà văn Hữu Mai với “Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên”, tác giả Nguyễn Trần Thiết với “Ông tướng tình báo và hai người vợ”, nhà văn nhà văn Di Li với “Trại hoa đỏ”, “Câu lạc bộ số 7”, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với “Sát thủ online”, “Có tiếng người trong gió”, nhà văn Nguyễn Đình Tú với “Phiên bản”, “Hồ sơ một tử tù”. Hoặc gần đây hơn là những tên tuổi như Giản Tư Hải, Kim Tam Long, Nguyên Trường, Đức Anh, Phi hành gia…
Bắt đầu manh nha từ giữa năm 2015 đến nay ở mảng truyện dịch, với thông cáo tạm ngưng và cấm xuất bản ngôn tình – đam mỹ, các NPH sách tại Việt Nam bắt đầu tìm đến giải pháp mới nhằm duy trì số lượng đầu sách xuất bản mỗi quý của mình. Dòng truyện trinh thám vốn được tạo tiền đề từ lâu, nhưng phát triển nhất vẫn là vào năm 2015 – 2016 khi tác giả Minh Nhật với cuốn Âm thanh của im lặng cùng với một loạt các tác phẩm trinh thám ngoại quốc được du nhập và giữ vững số lượng độc giả cho tới hiện tại.
Tuy nhiên, trinh thám là một thể loại khó viết mà đến cả những cây bút lâu năm cũng dè dặt khi nhắc đến. Do vậy mặc dù số lượng độc giả rất đông đảo và ổn định thì những tác giả ở Việt Nam cũng chưa thực sự đủ can đảm và liều lĩnh để tiếp tục thử sức với dòng truyện này. Ngay cả khi thể loại này không thực sự có nhiều cơ hội nhưng trong tương lai, trinh thám cũng có thể sẽ xuất hiện và góp phần tạo thành một “hot trend” mới trong thị trường xuất bản truyện Việt.
Nói về sự lên ngôi của văn học thuần Việt, không nên giữ thái độ dè bỉu cho rằng là "tỏ ra thượng đẳng" mà bản thân nó đã xứng đáng được chú trọng và tạo điều kiện phát triển. Mong rằng trong tương lai ngoài những cái tên trong danh sách này ra sẽ còn sự lên hương của thật nhiều thể loại khác, càng làm phong phú thêm nét đẹp bản sắc Việt.
P/s: Chuyên mục tập viết bài linh tinh trong thời gian bị writer's block. Mong được sự ủng hộ của mọi người để tui sớm ngày thoát khỏi tình trạng này...